01/12/2003 14:45 GMT+7

Dinh Thống Nhất: 5000 hiện vật quý

(TS Trịnh Thị Hòa)
(TS Trịnh Thị Hòa)

Ngày 27-11, tại Dinh Thống Nhất TP.HCM đã diễn ra cuộc tọa đàm khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Dinh Độc Lập". Dinh Thống Nhất là một di tích được Bộ VH - TT ra quyết định xếp hạng đặc cách (từ giữa năm 1976) không phải theo quy trình xét duyệt và không thông qua các cấp thẩm quyền xem xét...

61dWG3Bg.jpgPhóng to
Chạm nổi trong dinh
Ngày 27-11, tại Dinh Thống Nhất TP.HCM đã diễn ra cuộc tọa đàm khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Dinh Độc Lập". Dinh Thống Nhất là một di tích được Bộ VH - TT ra quyết định xếp hạng đặc cách (từ giữa năm 1976) không phải theo quy trình xét duyệt và không thông qua các cấp thẩm quyền xem xét...

Nếu việc xếp hạng đặc cách đó tạo cơ sở pháp lý phòng ngừa việc xâm phạm di tích từ bên ngoài, thì đáng buồn, đã không tránh khỏi một số trường hợp nóng nảy đập phá "những gì liên quan đến chế độ cũ" từ bên trong.

VTxJWlll.jpgPhóng to
Cặp ngà voi chưa biết xuất xứ
Một dạo, người ta còn đem ra "thanh lý" đồ đạc và "đã có rất nhiều hiện vật trong dinh bị mất đi hoặc bị di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác" hoặc "bị gom vào kho để lộn xộn" không lớp lang gì cả suốt một thời gian dài, như báo cáo của bà Nguyễn Thị Bội Uy. Mãi đến 1990, khi dinh chính thức được phép mở cửa đón khách tham quan, mọi thứ mới trở lại tình trạng "tương đối ổn định".

Bấy giờ, một số hiện vật lỡ thanh lý được tìm cách mua lại và công việc sưu tầm 12 năm qua đã "trả về chỗ cũ" 500 món thất lạc, nâng tổng số hiện vật lưu giữ trong dinh lên hơn 5.000. Đến tháng 7 năm ngoái, 305 đồ gia dụng đặc biệt dùng trong các tiệc chiêu đãi trọng thể ở dinh được gom về, trong đó nhiều món đã thanh lý cho cán bộ công nhân viên ở Cục Hành chánh quản trị II thuộc Văn phòng Chính phủ.

Số vật dụng trên do Dinh Độc Lập trước kia đặt hàng để những hãng nổi tiếng nước ngoài thực hiện, như những muỗng nĩa bằng bạc của hãng Ravinet (Pháp), đồ sành sứ của hãng Noritake (Nhật)...

Tham luận (trích):

“Di tích được đánh giá là "thuộc dạng lưu niệm sự kiện và kiến trúc nghệ thuật"

Luôn tác nghiệp để "đảm bảo tính trung thực của lịch sử hình thành di tích".

Tuyệt đối bảo tồn nội ngoại thất của dinh "dù là đặt một cây cảnh quý hiếm vào di tích cũng nên cân nhắc kỹ càng".

Và với điện ảnh - nếu muốn thể hiện những thời điểm lịch sử điển hình của vùng đất Nam Bộ - thì "không thể thiếu được cái phông quan trọng (Dinh Độc Lập) này".

Theo bà Việt Anh, cán bộ của dinh, hiện nhiều di vật chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, như cặp ngà voi bày ở phòng tiếp khách nước ngoài, tấm thảm tròn tại sảnh lầu hai.

Tư liệu lưu trữ về cách bài trí, xếp đặt bàn ghế, tranh ảnh mỹ thuật tại 95 phòng (sao cho phù hợp với mục đích sử dụng của từng phòng) không có, nên việc phục hồi nội thất bị hạn chế. Những người biết rõ chi tiết, từng sống và làm việc ở dinh hầu hết đều ra nước ngoài.

Để du khách tiếp cận trực tiếp với các hiện vật nhiều năm chưa được thông báo, ban giám đốc di tích mở trưng bày chuyên đề "Một số hiện vật thuộc Dinh Độc Lập trước năm 1975" với 48 món, xưa nhất là bình gốm Trung Quốc thời Minh, bình khám hai quai của Hàn Quốc thế kỷ 18, bình vôi VN màu men hỏa biến...

Đến nay Dinh Thống Nhất hiện lưu giữ tranh sơn mài Hoa Sen của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, bức Kê - Cúc của Thành Lễ, tranh thêu Tùng Hạc trên nền nhung do đại tướng lục quân Mul Hien The (Đại Hàn dân quốc) tặng và tranh màu nước vẽ trên giấy: Hoa phù dung do Tổng lãnh sự quán Hồng Kông ở Sài Gòn tặng.

Những động sản có giá trị cao về nghệ thuật khác còn gồm nhiều loại thảm đủ màu, đèn, tượng, lư hương, rèm cửa, bàn, ghế... Riêng tác phẩm hội họa, PGS.TS Trương Quốc Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN nêu lên một số tiêu biểu như bức Quốc tổ Hùng Vương của họa sĩ Trọng Nội treo ở phòng khánh tiết, bộ tranh Sơn hà cẩm túThái bình thảo mộc (ca ngợi núi sông gấm vóc, cây cỏ thái bình) gồm 7 bức, mỗi bức dài 2m, rộng 1m, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tác giả đồ án kiến trúc Dinh Độc Lập vẽ tặng, có chữ ký tác giả, treo ở phòng đại yến mang điểm độc đáo là "đã lần lượt sử dụng (phong cách) của 5 trường phái hội họa lớn nhất: truyền thống, trữ tình, lập thể, siêu thực và trừu tượng".

Ngoài ra còn có các tác phẩm: 2 bức sơn mài lớn của họa sĩ Thái Văn Ngôn vẽ cảnh vua Trần Nhân Tông đang cởi áo khoác lên người cho một hành khất đói rét và cảnh Khuê Văn Các (Quốc Tử Giám, Hà Nội); bức sơn mài Bình Ngô đại cáo do họa sĩ Nguyễn Văn Minh thực hiện, với 40 mảnh liền nhau, mỗi mảnh kích thước 0,8m x 1,20m; bức sơn dầu vẽ bãi biển Ninh Chữ...

Trên tầng 3, ngoài hành lang có bức Rừng thông Đà Lạt và một bức khác của họa sĩ Lê Chánh miêu tả cảnh Kim Trọng gặp chị em Thúy Kiều trong ngày Tết Thanh minh.

Với tuổi thọ vài chục năm chưa kể là lâu lắm, nhưng do bị tác động bởi môi trường nhiệt đới nên một số bức sơn dầu, sơn mài có chỗ bị rộp, bị xước, bị mẻ góc, màu bạc trên bề mặt của tranh chuyển sang màu xám, tất cả đang cần được nghiên cứu tu sửa và bảo quản tốt hơn.

(TS Trịnh Thị Hòa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên