08/11/2005 04:00 GMT+7

Thành cổ Quảng Trị: Sau "Một thời hoa lửa" là... hoa công viên

Theo Lao động
Theo Lao động

Nhiều người, đặc biệt là các cựu chiến binh sau khi trở lại Thành cổ Quảng Trị đều thốt lên rằng không tìm đâu ra dấu tích của thời đạn bom 81 ngày đêm lịch sử, mà chỉ thấy nơi đây như... một công viên. Và ở Quảng Trị, nhiều di tích ghi dấu một thời khốc liệt đã hầu như không còn nữa.

uKBmz9Wf.jpgPhóng to

Cổng Tiền thành cổ Quảng Trị trước(bên trái) và sau khi trùng tu

Nhiều người, đặc biệt là các cựu chiến binh sau khi trở lại Thành cổ Quảng Trị đều thốt lên rằng không tìm đâu ra dấu tích của thời đạn bom 81 ngày đêm lịch sử, mà chỉ thấy nơi đây như... một công viên. Và ở Quảng Trị, nhiều di tích ghi dấu một thời khốc liệt đã hầu như không còn nữa.

Trong đêm "Một thời hoa lửa", hàng nghìn người đội mưa cùng hàng triệu khán giả truyền hình đã chứng kiến cuộc giao lưu của 2.000 cựu chiến binh sinh viên thay mặt cho hàng vạn đồng đội của họ đã xả thân vì nước tại Thành cổ Quảng Trị.

Hàng vạn người, nhất là thanh niên cả nước rất muốn biết về cuộc chiến đấu khốc liệt này. Nhưng những nhân chứng và các câu chuyện của họ vẫn không thể đủ tái diễn khung cảnh ngày xưa. Bốn tòa thành cổ nát tan và đẫm máu liệt sĩ giờ đã thành một công viên đẹp, nhưng đã mất hầu hết các di tích về một cuộc chiến đấu bất diệt.

Công viên... Thành cổ

ThS sử học Lê Đức Thọ (Bảo tàng Quảng Trị) nói: "Ý tưởng biến nơi đây thành một công viên tưởng niệm đã nhận được sự đồng thuận cao khi triển khai dự án.

Tuy nhiên, việc phân định các khu chức năng hiện tại chưa rõ. Lẽ ra phân khu tái hiện 81 ngày đêm lịch sử phải dựng lại cho được sự khốc liệt, dữ dội của cuộc chiến tranh thì cho đến nay vẫn chưa có gì cả, chỉ toàn thấy cây cối, hoa, đường đi...".

Anh Nguyễn Thanh Thịnh - một giáo viên lịch sử, có gần 50 năm ở mảnh đất này - kể: "Sau ngày hoà bình (1975), Thành cổ vẫn còn gần như nguyên vẹn sự đổ nát, hoang tàn, khốc liệt sau cuộc chiến 72. Nhưng rồi, việc canh tác hoa màu đã biến nơi đây thành bình địa. Gạch trên các tường thành bị người dân đập phá lấy về. Còn cuộc trùng tu đã làm cho Thành cổ mới nhiều quá, như cổng Tiền chẳng hạn, những dấu tích của trận chiến 81 ngày đêm cũng thế...

Đã có khá nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, văn hóa cho rằng không nên xây mới cổng Tiền Thành cổ Quảng Trị bằng một khối bê-tông nặng nề và quá hiện đại như thế, bởi việc phục dựng một cổng thành bằng gạch như cũ không phải là quá khó và tốn kém.

ThS Lê Đức Thọ nhấn mạnh, sai lầm lớn nhất trong hoạt động bảo vệ, trùng tu Thành cổ Quảng Trị là đã trồng dương liễu lên trên mặt bờ thành với hàng nghìn cây đã trên chục năm tuổi, cao to lừng lững... Khi được hỏi về nỗi bức xúc "dương liễu", ông Ngô Thanh Bảo - Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh Quảng Trị - nói: "Hiện chúng tôi đang cho chặt...".

Vẫn không rút kinh nghiệm

Không riêng Thành cổ Quảng Trị mà 5 đến 7 năm sau ngày đất nước hoà bình, sân bay Tà Cơn, sân bay Ái Tử, hệ thống cứ điểm hàng rào điện tử Mc.Namara... vẫn còn khá nguyên vẹn - đó là những di tích chiến tranh quan trọng không chỉ đối với Quảng Trị mà còn với cả nước.

Nhưng rồi, chúng đều bị... xoá sổ bởi chính sự vô tâm và tầm nhìn hạn chế của con người.

Các sân bay được các đơn vị quân đội tháo dỡ toàn bộ hệ thống ri nhôm đường băng. Còn toàn bộ xác xe tăng, máy bay, các thiết bị, vũ khí ở tất cả các điểm di tích đều bị người dân tháo dỡ đem bán như bán phế liệu. Rồi đến khi các di tích này đã được đưa vào danh mục quản lý, thì di tích sân bay Tà Cơn vẫn bị lấn đất để trồng càphê. Di tích hàng rào điện tử Mc.Namara không chỉ bị lột sạch các ống cuvơ ở các hầm cứ điểm mà chính quyền sở tại còn cấp "sổ đỏ" cho dân xây dựng, tiếp tay cho việc lấn chiếm di tích...

Tại di tích Đôi bờ Hiền Lương, người ta cho xây hẳn một ngôi trường từ nguồn tiền tài trợ của một tổ chức ở Mỹ, xâm chiếm di tích này.

Và thời sự hơn, chính quyền địa phương đã cho phép một công ty khai thác đá xây dựng "tấn công" vào di tích Hang Dơi (một bộ phận trong hệ thống hang động Tân Lâm) nơi ghi đậm dấu ấn cuộc kháng chiến chống Mỹ...

Chưa hết, trong những ngày cuối tháng 10-2005, tỉnh Quảng Trị lại tiếp tục bàn việc nên "phá hay để" Rockpile - một địa chỉ đã đi vào sử sách và trở thành một phần không thể thiếu của thương hiệu du lịch DMZ. Mặc dầu họ đều biết các di tích, danh thắng như Hang Dơi, Rockpile... không thể nào làm lại.

Điều cuối chúng tôi muốn nói, đêm giao lưu "Một thời hoa lửa" không hề khép lại một thời đạn lửa tại Thành cổ Quảng Trị, mà nó đang mở ra những trang ký ức chói sáng của lòng quả cảm phi thường, sự hy sinh vô bờ bến của một thế hệ thanh niên VN trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc - mà các lớp hậu sinh của họ muốn biết, phải biết không chỉ qua lời kể của những cựu binh (cũng sẽ đến lúc không còn cả những cựu binh nữa).

Thì, lẽ ra những bức tường đầy vết bom đạn, những di tích Thành cổ Quảng Trị góp phần "nói" thay họ. Rất, rất đáng tiếc! Và nếu chúng ta đã biết hối tiếc cho những di tích đã bị phá bỏ, không cớ gì cứ để con cháu tiếp tục phải trả giá cho những hành vi xâm phạm di tích đang diễn ra ngày hôm nay.

* Thành cổ Quảng Trị nằm tại trung tâm thị xã Quảng Trị, ban đầu chỉ đắp bằng đất. Tới năm 1827, Vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch, cấu trúc kiểu 4 mặt thân thành, 4 góc có 4 pháo đài, có 4 cửa ra vào, bao quanh là hệ thống hào thành, chu vi 2.160m, gần bằng 1/4 thành Huế, là nơi đóng các cơ quan cai trị, hành chính...

* Từ năm 1939 đến trước 1972, nhà lao trong thành cổ trở thành nơi giam cầm các chiến sĩ cộng sản. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng để bảo vệ Thành cổ trong 81 ngày đêm của quân giải phóng với quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn từ ngày 28-6-1972 - 16-9-1972.

Trong cuộc chiến này, chính quyền Mỹ, ngụy đã huy động mỗi ngày 140 máy bay B52, hơn 200 máy bay quân sự chiến đấu, 12-16 tàu khu trục, tuần dương hạm. Số máy bay dồn vào Quảng Trị chiếm 1/3 tổng số máy bay loại này mà Mỹ có ở Đông-Nam Á và bằng 1/4 lực lượng ném bom chiến lược của quân đội Mỹ. Lực lượng địch có 2 Sư đoàn dự bị lính dù và thuỷ quân lục chiến cùng Liên đoàn Biệt động số 1...

Có ngày, số bom Mỹ ném xuống thị xã Quảng Trị vượt xa số bom ném ở toàn chiến trường miền Nam những năm 1968-1969 (ngày 25-7-1972, Mỹ đã ném xuống Thành cổ 5.000 quả). Kết thúc cuộc đọ sức ở Thành cổ quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn bị tổn thất 24.000 lính, 180 máy bay bị bắn rơi, 240 xe quân sự, hơn 200 đại bác bị tiêu diệt...

(Nguồn: Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị, xuất bản năm 1995)

Theo Lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên