18/02/2012 15:48 GMT+7

Nhóm ngành Khoa học xã hội - luật - sư phạm - công an - quân đội

 NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
 NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC

TTO - Mở đầu buổi tư vấn nhóm ngành Khoa học xã hội - luật - sư phạm - công an - quân đội, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT chia sẻ với thí sinh những nét mới nhất của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012.

vkKblUOy.jpgPhóng to
Học sinh chăm chú nghe tư vấn ngành Khoa học xã hội - Luật - Sư phạm - Công an - Quân đội - Ảnh : Hoàng Thạch Vân

Theo ông Nghĩa, những quy chế tuyển sinh mới phải đến cuối tháng 2-2012 mới được chính thức ban hành. Tại hội nghị hiệu trưởng được Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua có một số điều chỉnh về kỹ thuật của kỳ thi: thêm khối A1, cách xét tuyển hoàn toàn mới. Một trong những dự kiến thay đổi đã được đưa ra bàn trong hội nghị tuyển sinh ngày 14-2 vừa qua là không quy định xét tuyển NV2, NV3 nữa mà các trường sẽ chủ động thông báo thông tin về xét tuyển. Cơ hội đăng ký xét tuyển của em sẽ nhiều hơn. Nếu quy định này được thông qua, thì trên hồ sơ đăng ký dự thi sẽ không có mục NV2 nữa.

Nếu em không trúng tuyển NV1, thì trên cơ sở thông tin tuyển sinh của các trường được công bố công khai, em sẽ cân nhắc để đăng ký các nguyện vọng tiếp theo. So với trước đây, em không chỉ có thêm 2 cơ hội mà sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ không phát hành cuốn "Những điều cần biết" mà công bố công khai thông tin về tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ trên trang web của Bộ GD-ĐT.

Thông tin tuyển sinh đăng ký của các trường (về thông tin của trường, ngành đào tạo, mã ngành, khối thi, xét tuyển, vùng tuyển sinh, phương thức tuyển sinh... sẽ được đưa lên trang thông tin điện tử của bộ (http://www.moet.gov.vn).

Lịch dự kiến của các đợt thi ĐH-CĐ năm 2012 (sẽ được công bố chính thức trong vài ngày tới) như sau:- Đợt 1 (ngày 7 và 8-7-2012) thi đại học các khối A, A1, V- Đợt 2 (ngày 14-15/7/2012) thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu- Đợt 3 (ngày 21-22/7/2012) thi cao đẳng tất cả các khối.

Lưu ý là ngày thi của tất cả các đợt thi đều rơi vào thứ bảy và chủ nhật nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh và phụ huynh.

* Ngành Công an tuyển sinh có đưa ra yêu cầu gì đối với nữ?

- ThS thiếu tá Trần Văn Đồng, phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an): Theo quy định của ngành Công an, tất cả thí sinh dự thi vào học viện, trường đại học Công an đều phải qua sơ tuyển tại công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú (Hồ sơ ĐKDT mua tại nơi sơ tuyển). Bạn cần đạt tiêu chuẩn về sức khỏe đối với nữ: cao 1,58m - 1,72m; nặng 45kg - 57kg ; không có đặc điểm dị hình, dị dạng.

Việc sơ tuyển nữ học sinh phổ thông do giám đốc công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các đơn vị có chức năng sơ tuyển quyết định dựa trên nhu cầu sử dụng cán bộ nữ của đơn vị, địa phương mình. Điểm xét tuyển theo chỉ tiêu nữ riêng cho từng trường và từng ngành học.

* Khối C ngoài những ngành công an, luật còn ngành nào nữa không?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): khối C hiện có rất nhiều ngành để bạn lựa chọn. Hầu như các ngành khoa học xã hội đều tuyển khối C: báo chí, luật, tâm lý, ngữ văn, lịch sử, địa lý, thư viện thông tin, công tác xã hội, giáo dục… Ở trường tôi có những ngành tuyển khối C có điểm chuẩn rất cao như báo chí, tâm lý, xã hội học, công tác xã hội, triết học… Các bạn cần tìm hiểu thêm về những ngành học của khối C rất phong phú.

* Nếu em thi khối A, D1 có thể xét tuyển vào khối A1 không?

- Hiện nay chưa có quyết định chính thức về việc này. Theo dự kiến, khối A1 sẽ phải tổ chức cùng thời gian với khối A. Như vậy, đề toán, vật lý sẽ giống đề khối A. Đề tiếng Anh sẽ là riêng, không chung với đề tiếng Anh của khối D. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đang xem xét phương án cho phép các trường tổ hợp các môn thi ở các khối khác nhau để xét tuyển. Và như vậy, nếu em thi cả khối A và khối D, có thể lấy toán, vật lý của khối A kết hợp với tiếng Anh của khối D để xét tuyển khối A1.

* Em muốn thi vào ĐHKHXH&NV TP.HCM nếu dự thi ở Cần Thơ có được không?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Em chỉ cần làm hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM và dự thi tại cụm Cần Thơ. Nếu trúng tuyển em lên TP.HCM học.

* Ngành đô thị học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) học cụ thể những gì? Cơ hội việc làm sau khi ra trường như thế nào?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Đây là một ngành học mới, mang tính khoa học và có khả năng ứng dụng cao. Hiện chỉ có Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đào tạo đào tạo về ngành này.

Ngành đô thị học là một ngành học mới, lần đầu tiên có ở Việt Nam. Mục tiêu của ngành là cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết, kết hợp gắn liền lý thuyết với thực tiễn, trong quá trình học, sinh viên sẽ được đào tạo theo hướng chuyên nghiệp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển đô thị như quản lý đô thị, quản lý và đánh giá dự án, quy hoạch kinh tế - xã hội đô thị... Sau khi tốt nghiệp, cử nhân đô thị học sẽ tham gia giải quyết được những vấn đề cấp bách của đô thị trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và có thể làm việc trong các cơ quan công quyền ở các cấp khác nhau, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức nhân dân; các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và nước ngoài; các tổ chức phát triển quốc tế; các tổ chức phi chính phủ quốc tế và địa phương.

* Học cử nhân luật ra có làm công an được không?

- ThS thiếu tá Trần Văn Đồng, phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an): Bất kể ngành nào, không chỉ ngành luật đều có thể làm trong ngành công an. Tuy nhiên, các bạn đều phải trải qua tiêu chí về sức khỏe và lý lịch. Chỉ tiêu tuyển dụng như thế nào tùy theo mỗi địa phương. Bạn có thể liên hệ phòng tổ chức cán bộ công an địa phương địa biết được thông tin này.

LCTKbQFq.jpgPhóng to
Bạn Danh Hoàng Sang, dân tộc Khơmer ở Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, đặt câu hỏi để được các thầy tư vấn ngành Khoa học xã hội - Luật - Sư phạm - Công an - Quân đội - Ảnh : Hoàng Thạch Vân

* Năm nay không có nguyện vọng 2 nữa, nếu không may em không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì việc đăng ký xét tuyển ra sao?

- PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT: Sau khi không trúng tuyển NV1, thí sinh sẽ được cấp một phiếu kết quả thi và photo phiếu này để gửi vào nhiều trường cùng lúc để đăng ký xét tuyển.

Tuy nhiên, em phải lưu ý theo dõi chi tiết về thông tin thời gian nhận hồ sơ xét tuyển mỗi đợt, thời gian công bố điểm trúng tuyển, chỉ tiêu cần tuyển, ngành và khối xét tuyển... được các trường công bố công khai trên trang web của trường và các phương tiện thông tin đại chúng để chọn lựa gửi đăng ký cho phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển. Một thí sinh có thể có rất nhiều nguyện vọng, không hạn chế.

Tuy nhiên, mỗi đợt thi chỉ có một khối thi, cho nên bạn phải cân nhắc để có thể thực hiện được nguyện vọng của mình. Thí sinh không thể đăng ký thi vào các trường khác nhau trong cùng một khối, cùng đợt thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh có thể sử dụng để đăng ký vào các trường mà bạn mong muốn xét tuyển cùng khối thi mà thí sinh đã thi tuyển.

* Sau khi tốt nghiệp khối A và khối A1 thì khối nào có nhiều cơ hội việc làm hơn?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Trong cùng một ngành học có nhiều khối thi khác nhau nhưng cơ hội đều như nhau, kiến thức giống nhau. Điều cần lưu ý bạn có giỏi hơn người khác hay không. Ngoài khối kiến thức được học các bạn phải có kỹ năng mềm thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.

* Cử nhân luật xét vào ngành công an yêu cầu về lý lịch có khó hơn so với thí sinh phổ thông?

- ThS thiếu tá Trần Văn Đồng, phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an): Việc xét về lý lịch này đều như nhau. Điều kiện tối thiểu là công dân không vi phạm pháp luật, không có tiền án, tiền sự. Các bạn chỉ cần chấp hành tốt các chính sách pháp luật nhà nước là cũng đủ điều kiện về lịch lịch cá nhân mình rồi.

* Có phải học trường luật ra là trở thành luật sư? Nhu cầu nhân lực ngành luật trong tương lai như thế nào?

- ThS Lê Văn Hiển, phó phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM: Trường ĐH Luật TP.HCM đang đào tạo rất nhiều ngành trong lĩnh vực luật pháp: luật dân sự, luật quốc tế, luật hình sự… Sinh viên các ngành đều học những môn kiến thức cơ sở ngành giống nhau, sau đó vào giai đoạn chuyên ngành sẽ được học những kiến thức chuyên ngành. Sinh viên tốt nghiệp ĐH luật ra trường có thể làm việc trong rất nhiều vị trí, cơ quan khác nhau trong lĩnh vực luật. Không phải các sinh viên luật ra trường là đều làm luật sư.

Danh sách ban tư vấn

PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD-ĐT

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)

- ThS Lê Văn Hiển, phó phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM

- ThS thiếu tá Trần Văn Đồng, phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an).

BannerVincom.png

 NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên