12/02/2012 08:53 GMT+7

Tư vấn nhóm ngành Khoa học - kỹ thuật - công nghệ

NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC

TTO - Trong ngày đầu tiên, nhóm ngành khoa học công nghệ được rất nhiều học sinh quan tâm và đặt câu hỏi khiến các chuyên gia phải tư vấn "lố giờ" quy định của BTC. Hôm nay, các chuyên gia tư vấn nhóm ngành này lại tiếp tục được các em học sinh "chăm sóc" bằng hàng loạt thắc mắc liên quan đến chọn trường, chọn nghề.

Xc0iESTG.jpgPhóng to
Ban tư vấn nhóm ngành Khoa học tự nhiên - kỹ thuật - Ảnh: Như Hùng

* Em muốn hỏi về ngành kỹ thuật hạt nhân?

- TS Nguyễn Kim Quang: Năm nay, Trường ĐH Khoa học tự nhiên tuyển ngành này với 50 chỉ tiêu và thi khối A. Lý do mở ngành này là do chủ trương về phát triển hạt nhân là rất lớn. Năm nay, Bộ GD-ĐT cũng cho phép mở ngành kỹ thuật hạt nhân theo mô hình tiên tiến. Về ứng dụng hạt nhân, chúng ta có thể ứng dụng trong y học, nông nghiệp, năng lượng hạt nhân. Tùy theo nhu cầu, sở thích của các em để lựa chọn ngành cho mình. Để tham khảo chi tiết, em có thể vào trang thông tin điện tử của trường để tìm hiểu thêm.

* Thưa thầy Nam, em muốn hỏi về ngành cơ điện tử thiên về cơ khí hay điện tử?

- TS Nguyễn Thanh Nam: Cơ điện tử là ngành tương đối mới, học về liên ngành. Trước tiên, em sẽ học về cơ khí. Nhưng kiến thức không kém phần quan trọng là điện tử, máy tính. Ra đi làm, ngành này sẽ là người gần như tạo ra sản phẩm kết hợp cơ khí, điện. Những sản phẩm máy móc như radio, tivi, máy tính đều kết hợp ba ngành trên. Đây là ngành tạo ra sản phẩm cuối cùng trong nền công nghiệp.

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Tôi xin bổ sung hiện nay ngành cơ điện tử chia theo các hướng về các máy quang học, cơ điện tử ô tô, robot, dây chuyền tự động… cơ điện tử cũng đảm đương.

* Bạn Hữu Phúc: Em muốn vào ngành xây dựng liên kết với nước Úc của Trường ĐH Bách Khoa?

- TS Nguyễn Thanh Nam: Khoa xây dựng là một trong những khoa lớn nhất của trường ĐH Bách Khoa. Chương trình em hỏi thuộc dạng bán du học. Học hai năm trong nước và hai năm ở nước ngoài và sẽ được trường ở nước ngoài cấp bằng. Đây là điều khác biệt về bằng cấp. Thời gian cũng học chương trình giống như sinh viên sau này lấy bằng ở Việt Nam. Sang Úc, chương trình học có khác nhau.

Trong khoa xây dựng hiện có bảy ngành, khi vào trường các bạn sẽ được chọn ngành. Thường thì các trường tuyển sinh nhóm ngành lớn sau đó chia ra theo từng nhóm ngành để học sinh lựa chọn.

* Nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ thông tin?

- TS Nguyễn Kim Quang: Hiện nhu cầu đội ngũ nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin là rất lớn. Hàng ngày gần như ta tiếp cận với công nghệ thông tin rất thường xuyên. Tất cả các lĩnh vực đều cần đến công nghệ thông tin. Triển vọng của ngành rất lớn, nên cơ hội việc làm rất cao. Riêng người quản lý về mạng hiện nay rất thiếu trong các ngân hàng, nhà máy…Tóm lại, chúng ta yên tâm vào cơ hội việc làm của ngành. Ngược lại, cơ hội việc làm của mỗi cá nhân tùy thuộc vào mỗi cá nhân như sự đam mê, nỗ lực của bạn thân các em.

* Em được biết có thêm khối thi A1 nhưng em chưa rõ lắm, xin thầy Nguyễn Đức Nghĩa giải đáp thêm giúp em?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Về khối thi A1, tôi có thể nói thế này: Theo dự kiến, kỳ thi năm 2012, sẽ bổ sung thêm khối thi A1. Các em nên nhớ là A1 là khối thi bổ sung, có nghĩa là trường nào tuyển sinh khối A, khi có nhu cầu sẽ đăng ký để thi thêm khối A1. Khối A1 thi toán, lý, ngoại ngữ. Do khối A1 và khối A thi cùng đợt nên thí sinh không thể đăng ký và thi cả hai đợt.

Điều khác các em cũng nên biết là ngành nào, trường nào có thi khối A1. Theo nguyên tắc xét tuyển NV2,3 có những điều kiện: Điều kiện đầu tiên là…thi rớt, thứ hai là trường đó còn chỉ tiêu. Các em cần tham khảo cho mình thông tin để chọn cho mình “con đường lui” cho mình.

- TS Nguyễn Thanh Nam: Những vấn đề liên quan đến khối thi A1, tôi nghĩ phải để đến khi Bộ GD-ĐT có cho phép các trường tuyển sinh khối này hay không. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nếu Bộ GD-ĐT thông qua thì những trường có thi khối A sẽ tuyển thêm khối A1. Các bạn cần lưu ý theo dõi trong tuần tới để biết thông tin.

* Em muốn hỏi về ngành kỹ thuật hàng không của Trường ĐH Bách Khoa?

- TS Nguyễn Thanh Nam: Ngành kỹ thuật hàng không của Trường ĐH Bách Khoa ở trong ngành giao thông, mỗi năm tuyển khoảng 20 sinh viên. Khi thi vào, các em sẽ thi vào khoa giao thông sau đó chuyên ngành hàng không.

* Em thích học ngành toán tin, nhưng chưa rõ lắm về ngành này? Thầy Quang có thể hướng dẫn giúp em, em cám ơn thầy?

- TS Nguyễn Kim Quang: Chào em, khoa toán - tin học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện có các bộ môn sau: Bộ môn cơ học, bộ môn đại số, bộ môn giải tích, bộ môn tối ưu và hệ thống, bộ môn ứng dụng tin học, bộ môn xác suất - thống kê.

Khoa Toán Tin học đào tạo bốn hướng: toán, tin học, sư phạm, tài chính định lượng. Các hướng này bao gồm 12 chuyên ngành: đại số, giải tích, giải tích số, toán kinh tế, thống kê, toán cơ, phương pháp toán trong tin học, toán tin ứng dụng, sư phạm toán - tin.

kt0IGiyV.jpgPhóng to
Em Tạ Nguyên Bảo, học sinh trường THPT Gia Định đặt câu hỏi với ban tư vấn về mức lương của ngành Xây dựng sau khi ra trường - Ảnh: Tiến Thành

* Thưa thầy, học ngành quản lý công nghiệp ra trường có thể làm việc ở đâu?

- TS Nguyên Thanh Nam: Sinh viên ra trường có thể làm việc ở các tổ chức hay doanh nghiệp nước ngoài, nhà nước, tư nhân; các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ.

Trong các tổ chức này,cử nhân Quản lý công nghiệp/Quản trị kinh doanh có thể đảm đương các vị trí công tác; công tác chuyên môn có liên quan đến hoạch định và triển khai các hoạt động như sản xuất, chất lượng, chuỗi cung ứng, quản lý, kế toán tài chính, phân tích chứng khoán, lao động tri thức, hệ thống thông tin và dịch vụ, quản lý dự án & tác nghiệp, quản lý nhân sự và tiếp thị; nghiên cứu thị trường và các hoạt động liên quan đến bán hàng, PR, sự kiện…

* Em không đủ sức vào đại học, em muốn học cao đẳng sau đó liên thông lên đại học. Em chưa biết hình thức này như thế nào?

- Th.s Hồ Văn Sĩ: Hàng năm, khoảng 30% các thí sinh trúng tuyển vào đại học. Như vậy, ước mơ đi vào đại học còn có một hướng mới để theo đuổi. Đó là theo học các trường trung cấp, cao đẳng sau đó liên thông lên đại học. Hiện nay hầu như tại các trường trung cấp, cao đẳng đều có hệ liên thông này. Về cơ hội bằng khi học liên thông, tôi xin nhấn mạnh bằng cấp đều như nhau giữa sinh viên liên thông và sinh viên chính quy. Hàng năm, sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng đều có thể liên thông lên các Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Sư phạm kỹ thuật.

* Thưa thầy Sĩ, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng đào tạo những ngành gì?

- Th.S Hồ Văn Sĩ: Chào em, trong năm 2012, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng tuyển 1.300 sinh viên. Trường tuyển sinh trong cả nước khối A theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian đào tạo trong ba năm. Trường đào tạo những ngành sau: công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (gồm 2 chuyên ngành điện tử, điện); công nghệ kỹ thuật cơ khí; ông nghệ kỹ thuật ô tô công nghệ thông tin (gồm 2 chuyên ngành công nghệ phần mềm, mạng máy tính); công nghệ kỹ thuật nhiệt (chuyên ngành điện lạnh) và công nghệ may.

* Điểm chuẩn hàng năm của Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng là bao nhiêu?

- Th.S Hồ Văn Sĩ: Điểm chuẩn năm 2011 của trường bằng điểm sàn khối A là 10 điểm.

* Em xin hỏi rõ hơn về ngành cơ điện tử là học những gì?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Hướng của ngành cơ điện tử chia ra thành nhiều hướng. Chẳng hạn như chế tạo ra các thiết bị trong chẩn đoán y khoa, thiết bị trong ngân hàng (máy ATM), chế tạo robot, dây chuyền tự động trong công nghiệp. Cơ hội việc làm tương đối lớn bởi đa số các xí nghiệp hiện nay tuyển sinh viên cơ điện tử khá nhiều. Dây chuyền tự động trong các xí nghiệp cũng cần nhiều nhân lực này. Một điều đáng mừng là thị trường Nhật hiện rất cần nhân lực ngành cơ điện tử và tuyển rất nhiều sinh viên Việt Nam

* Cho em hỏi, khoa kỹ thuật xây dựng Trường ĐH Bách Khoa khác như thế nào với Trường ĐH Kiến trúc?

- TS Nguyễn Thanh Nam: Như chúng ta biết, Trường ĐH Kiến trúc đào tạo kiến trúc sư và Trường ĐH Bách Khoa đào tạo kỹ sư xây dựng. Hiện Trường ĐH Bách Khoa đã mở ngành kiến trúc để đào tạo kiến trúc sư. Về truyền thống, khoa xây dựng Trường ĐH Bách khoa đã đào tạo 50 năm rồi. Ngành này hiện tại chỉ tiêu rất lớn và có điểm chuẩn cao nhất, nhì trong trường. Các em cũng nên cân nhắc. Về khối H1, Trường ĐH Bách Khoa không có dự định mở mà chỉ tuyển khối A (toán, lý, vẽ).

* Nguyễn Thị Yến Hằng: Trong công nghệ sinh học môi trường học cụ thể như thế nào, trong tương lai cơ hội việc làm như thế nào?

- TS Nguyễn Kim Quang: Trước hết, công nghệ sinh học là ngành công nghệ mũi nhọn. Chúng ta thấy để phát triển những ngành có hàm lượng tri thức cao phải đầu tư vào ngành này. Đây là một ngành khoa học ứng dụng. Chẳng hạn giải quyết những vấn đề liên quan đến sự sống nói chung, chế tạo những phế phẩm…sẽ cần đến ngành này. Chẳng hạn Trường ĐH Nông Lâm, công nghệ sinh học liên quan đến giải quyết các vấn đề về nông nghiệp.

Công nghệ sinh học môi trường là hướng để giải quyết vấn đề môi trường bằng ứng dụng công nghệ sinh học. Trong công nghệ sinh học này, xử lý ô nhiễm bằng các phương hóa học. Công nghệ về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay rất thu hút. Công nghệ sinh học môi trường cũng là hướng rộng.

Về triển vọng, các lĩnh vực đều cần nhưng em cần quan tâm đến năng lực, sở trường của mình.

* Em có đọc được thông tin Trường ĐH Kiến trúc đổi môn lý thành môn văn, học kiến trúc sư nên học ở Trường ĐH Bách Khoa hay Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Tôi không thể dại diện Trường ĐH Kiến trúc để trả lời được. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD-ĐT thì trong năm 2012, về phương thức vẫn theo quy tắc chung là bổ sung theo khối thi chứ không thay đổi khối thi. Quyết định sẽ có sau ngày 14-2.

- TS Nguyễn Thanh Nam: Học ở Trường ĐH Bách Khoa hay Trường ĐH Kiến trúc ra trường đều có những đặc thù khác nhau. Em nên tìm hiểu thế mạnh, những đặc điểm của từng trường phù hợp với sở thích, năng lực để lựa chọn.

* Ngành xây dựng dân dụng và xây dựng cầu đường ngành nào cơ hội việc làm tốt hơn?

- TS Nguyễn Thanh Nam: Nhìn chung, sinh viên thích xây dựng dân dụng công trình hơn là xây dựng cầu đường. Có lẽ các bạn nghĩ mở công ty riêng về xây dựng cầu đường nên các em lựa chọn học nhiều. Về xu thế, ngành xây dựng dân dụng nhỉnh hơn nhu cầu về nhân lực.

* Em xin hỏi về ngành đường sắt cơ hội việc làm như thế nào?

- TS Nguyễn Văn Thư: Liên quan đến đường sắt chúng ta có hai hệ thống là hệ thống bề mặt dành cho những tuyến đường dài để chuyên chở hành khách, hàng hóa như đường sắt Bắc - Nam. Việc mở rộng tuyến đường sắt vẫn phải tiến hành. Ngành này hiện nay nhu cầu chưa nhiều vì chúng ta mới bắt đầu xây dựng dựng dự án.

Hệ thống thứ hai là chuyên xây dựng hệ thống trên cao và hệ thống ngầm. Tuyến đường sắt trên cao đã được xây dựng tại tại Hà Nội và tuyến Metro cũng sẽ được phát truyển bảy tuyến tại TP.HCM. Tại Trường ĐH GTVT TP.HCM, chúng tôi có đào tạo sinh viên đến năm thứ ba. Theo thông tin từ TP.HCM, thành phố sẽ cần khoảng 2.500 nhân lực để phục vụ ngành này.

* Em xin hỏi về hệ sư phạm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Trong số 3.500 chỉ tiêu vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ có 500 chỉ tiêu dành cho sư phạm kỹ thuật. Tất cả các ngành sư phạm ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đều được miễn học phí hoàn toàn. Điểm thi cũng có sự khác biệt giữa hai ngành, ngành sư phạm lại thấp hơn hệ kỹ sư.

* Em xin hỏi về ngành công nghệ in của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Ngành công nghệ in các bạn được học những kỹ thuật liên quan để làm một sản phẩm về in như sách, báo. Chúng ta sẽ học kỹ thuật trước in như hình in trong cuốn sách, tờ rơi…và học các kỹ thuật liên quan đến đồ họa, xử lý ảnh…và không cần năng khiếu về hội họa nhiều lắm. Ngành này là tổng hợp về cơ khí và in ấn. Hiện nay, tất cả các tỉnh thành đều có nhà máy in, các tờ báo đều có nhà máy in. Bên cạnh đó, còn có các các công ty in tư nhân. Các bạn đang cầm trên tay các tờ rơi đều liên quan đến in ấn.

* Một phụ huynh từ Tây Ninh: Con tôi muốn thi vào ngành CNTT của Trường ĐH Khoa học tự nhiên tuyển thế nào?

- TS Nguyễn Kim Quang: CNTT là hướng rộng, bản thân các em cũng chưa xác định chính xác ngành nghề yêu thích và phù hợp với năng lực mình nhất. Sau khi đầu vào, sau năm học đầu tiên các em sẽ được gặp các thầy cô và nghe tư vấn chọn lựa về ngành nào trong nhóm ngành đó. Khi em đăng kí, đạt được môn nào thì xếp loại em theo ngành đó.

Hiện có những ngành như lập trình, mạng…chẳng hạn như hiện nay chúng ta có nghe nói những phần mềm về nhận diện giọng nói, hình ảnh, hình dáng…cũng là một nhóm trong ngành CNTT. Chỉ tiêu của trường là 550. Điểm chuẩn khoảng 17 điểm. Đây chỉ là vấn đề tham khảo vì điểm biến động hàng năm. Khi không đậu vào trường, các em có thể đi theo những trường có điểm chuẩn thấp hơn, hoặc có thể theo học cao đẳng. Cơ hội việc làm dễ xin việc vì chuyên về thực hành và dễ làm việc hơn. Hoặc các em có thể tiếp tục học thêm về liên thông. Đây là hướng rộng mở.

* Em tên Phạm Thị Hồng Vân: Em có nguyện vọng thi vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên về ứng dụng vào y khoa, em nên đăng ký như thế nào?

- TS Nguyễn Kim Quang: Xin giới thiệu với em tổng quan, trong y khoa cũng dạy cho em những kiến thức về nguyên lý hoạt động của thiết bị y khoa. Trường cũng thường xuyên làm việc với các bệnh viện để trao đổi về nhân lực, thiết bị y khoa. Ở trường, có những sinh viên ra làm trong những bệnh viện về kỹ thuật y khoa. Trong vật lý ứng dụng rộng lắm, từ vĩ mô đến vi mô. Có thể nghiên cứu về quang phổ, màng mỏng, công nghệ nano. Khi đi vào kích thước nhỏ này mới giải quyết được những tính chất của nó. Thầy khuyên em nên đi vào vật lý kỹ thuật hạt nhân để học.

TS Nguyễn Thanh Nam: Em cũng có thể theo học khoa vật lý y khoa Trường ĐH Bách Khoa và kỹ thuật y sinh của Trường ĐH QUốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)

* Em muốn theo ngành cơ khí ô tô thì cơ hội việc làm thế nào?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Đây là ngành có nhiều thí sinh đăng ký vào những trường như Trường ĐH Bách Khoa, Sư phạm kỹ thuật, Nông Lâm, Giao thông vận tải…đều có ngành này. Chúng ta thấy hiện nay ô tô rất nhiều. Năm 2018, theo lộ trình WTO, Nhà nước ta giảm thuế nhập ô tô sẽ giảm xuống, cơ hội mua sắm ô tô cho người dân nhiều hơn. Điều này mở ra cơ hội việc làm cho các em. Một hướng khác là các em cũng có thể làm bán hàng, bảo dưỡng, cố vấn dịch vụ về ô tô, lắp các thiết bị âm thành, những “đồ chơi” trên ô tô…Do đó, cơ hội việc làm rất nhiều.

* Bạn Văn Hải Đăng: Trường ĐH Bách Khoa và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật liên thông lên những ngành nào?

- TS Nguyễn Thanh Nam: Về liên thông, trong đào tạo chính quy Trường ĐH Bách Khoa không đào tạo về liên thông. Tuy nhiên, có một cơ hội liên thông khác là liên thông vào hệ không chính quy.

-PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Có ba cách liên thông,từ TCCN và trung cấp nghề lên đại học từ 3-4 năm. Thứ hai là liên thông từ CĐ nghề. Với những trường CĐ chuyên nghiệp, các em học trường dân lập hay công lập đều được liên thông cả.

Chẳng hạn những trường như CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, CĐ Cao Thắng, CĐ Viễn Đông…đều có thể liên thông. Ngoài ra, các bạn có thể nghiên cứu các vật liệu phục vụ trong y khoa. Thầy chỉ nói cho em hình dung, em thấy yêu thích cứ thi vào, sau đó sẽ lựa chọn theo chuyên ngành sau. Ngoài ra, với những kiến thức của mình em cũng có thể tham gia giảng dạy.

gWNHQZM5.jpgPhóng to
Học sinh cùng bàn luận về thông tin tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Tiến Thành

* Điểm chuẩn ngành xây dựng cầu đường của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM?

- TS Nguyễn Văn Thư: Trường ĐH GTVT có ngành xây dựng cầu đường và đây là ngành lớn của Trường ĐH GTVT TP.HCM, điểm chuẩn khoảng từ 17-19 điểm.

* Em tên Tú, em đang phân vân giữa nhóm ngành kinh tế và kỹ thuật?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Câu hỏi em liên quan đến vấn đề lớn, chúng ta học đại học không để làm thợ vì đã có những chuyên viên về kỹ thuật. Những người trình độ đại học, ngoài kỹ năng nghề nghiệp còn có kỹ năng tư duy, tổ chức, suy nghĩ. Điều quan trọng nhất của một sinh viên đại học là sự tương tác, tư duy của các em. Như vậy thì, những người trình độ đại học sẽ “dùng cái đầu” nhiều hơn.

- TS Nguyễn Văn Thư: Các trường đại học hầu như đều có ngành kinh tế cùng với kỹ thuật. Chẳng hạn như Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM có quản lý công nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có kinh tế nông lâm, Trường ĐH Giao thông vận tải có ngành kinh tế vận tải biển…Các trường kỹ thuật đều có ngành kinh tế liên quan đến kỹ thuật đào tạo vừa kỹ thuật, vừa kinh tế phù hợp với sở thích của em.

- TS Nguyễn Kim Quang: Khi ta học kỹ thuật có kiến thức sâu, kỹ năng nhất định và làm kinh tế trong lĩnh vực này thì vững hơn. Tôi thấy rất nhiều sinh viên học kỹ thuật rồi mới học thạc sĩ kinh tế chứ ít thấy ngược lại.

* Cho em hỏi trong chuyên ngành công nghệ sinh học có trường nào đào tạo chuyên sâu về biến đổi gene?

- TS Nguyễn Kim Quang: Tôi xin giới thiệu khoa công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên có nghiên cứu về kỹ thuật gene, biến đổi gene để phục vụ trong y học, nông nghiệp.

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Ngành này giỏi rất dễ xin việc vì thiết bị rất đắt tiền và ở nước ta rất ít người có thể sử dụng được các thiết bị này.

Danh sách ban tư vấn

- TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM

- TS Nguyễn Văn Thư, hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

- TS Nguyễn Thanh Nam, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM

- TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM

- ThS Hồ Văn Sĩ, phó trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng.

BannerVincom.png

NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên