Phóng to |
Ban tư vấn nhóm ngành Kinh Tế - Ngân Hàng - Y Dược - Nông Lâm - Ảnh: Như Hùng |
Mở đầu phần tư vấn của nhóm ngành Kinh tế - tài chính - ngân hàng - y dược - nông lâm, TS Trần Thế Hoàng - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết, hiện nay thông tin tuyển sinh chính thức vẫn chưa được Bộ GD-ĐT đưa ra. Thông tin tuyển sinh chính thức sẽ được đưa ra vào ngày 14-2.
Tuy nhiên các trường cũng đã có những thông tin tuyển sinh của mình. Tuy nhiên, về cơ bản tuyển sinh vẫn theo hình thức 3 chung (chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả). Năm nay, bên cạnh khối thi truyền thống, nhiều trường tuyển sinh khối A dự kiến sẽ bổ sung khối A1 nếu Bộ GD-ĐT bổ sung khối A1.
* Ngành Công nghệ sinh học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đào tạo những gì, có đào tạo ngành vi sinh vật không?
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: ngành công nghệ sinh học là ngành ứng dụng thành tựu của mình vào y học, xử lý môi trường, chế biến, tạo ra giống cây trồng vật nuôi... Lĩnh vực vi sinh cũng có đào tạo để phục vụ cho các mục đích ở trên. Ngành này có rất nhiều trường đào tạo. Lĩnh vực vi sinh được ứng dụng trong xử lý môi trường, ứng dụng vào lĩnh vực sản xuất...
* Có phải năm nay không tuyển sinh theo ba nguyện vọng, các trường xét tuyển đến cuối tháng 12. Thông tin này có chính xác không?
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: về cơ bản kỳ thi tuyển sinh năm 2012 vẫn theo hình thức 3 chung. Rớt NV1 vẫn có NV2, 3. Tuy nhiên năm nay Bộ GD-ĐT dự kiến không qui định thời gian xét tuyển NV2, 3, cac 1trường tự qui định thời gian xét tuyển của mình và có thể kéo dài đến ngày 31-12.
Đây là cơ hội để các bạn có thêm cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên nhiều khả năng không có trường công lập nào kéo thời gian xét tuyển đến 31-12, chủ yếu là các trường ngoài công lập áp dụng thời gian này. Thời gian xét tuyển kéo dài tùy thuộc vào các trường. Thí sinh cần lưu ý thời gian xét tuyển của các trường chứ không phải trường nào cũng như nhau.
* Em muốn thi ĐH Y dược nhưng điểm cao quá. Em muốn học bác sĩ đa khoa của trường thì làm như thế nào? Muốn xét vào Cử nhân điều dưỡng có được không?
- ThS BS Trương Tấn Trung: Ngay từ đầu nếu nhắm khả năng không vào được ngành y đa khoa có thể chọn ngành cử nhân điều dưỡng, hộ sinh, vật lý trị liệu... Nếu vẫn không trúng tuyển, các em có thể theo học trung cấp của trường. Thí sinh cần căn cứ vào khả năng của mình để có khả năng trúng tuyển cao hơn.
* Năm nay khối A1 đã chính thức tuyển sinh chưa?
- ThS Lâm Tường Thoại: Ngày 14-2 Bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức thông tin về kỳ tuyển sinh năm nay. Riêng Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐHQG TP.HCM) sẽ bổ sung khối A1 cho tất cả các ngành nếu Bộ GD-ĐT bổ sung khối này. Khối A1 sẽ thi chung đợt với khối A.
* Trường CĐ có thi tuyển không? Nếu học bậc CĐ của trường có thể học liên thông lên ĐH không?
- ThS Nguyễn Phước Hải: Bộ GD-ĐT qui định có đợt thi riêng cho các trường CĐ nhưng có 1 số trường CĐ không tổ chức thi. Các em cần tìm hiểu xem trường CĐ mình muốn học có thi tuyển hay chỉ xét tuyển. Nếu thấy khả năng mình khó vào được ĐH thì nên mạnh dạn thi vào bậc CĐ. Trường CĐ Kinh tế TP.HCM không tổ chức thi mà xét tuyển dựa trên kết quả thi ĐH, CĐ của thí sinh. Khi tốt nghiệp, nếu muốn học liên thông: kết quả cuối khóa bậc CĐ phải đạt từ khá trở lên, trường ĐH muốn liên thông có tuyển sinh liên thông ĐH ngành này. Thời gian học liên thông từ CĐ lên ĐH là 1,5 năm
* Năm nay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có tuyển hệ ngoài ngân sách không? Học điều dưỡng có thể liên thông lên ngành bác sĩ đa khoa không?
- ThS,BS Nguyễn Dũng Tuấn - Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Năm nay trường không tuyển sinh hệ ngoài ngân sách, toàn bộ trong ngân sách. Trườnhg tuyển 620 chỉ tiêu ngành bác sĩ đa khoa và 160 chỉ tiêu ngành điều dưỡng. Học ngành điều dưỡng không thể liên thông lên Bác sĩ đa khoa.
* Ở ĐH Kinh tế TP.HCM, sau ba học kỳ đầu sẽ phân ngành như thế nào?
- TS Trần Thế Hoàng: Các trường ĐH khác lấy điểm chuẩn theo ngành. Riêng Trường ĐH Kinh tế lấy điểm chuẩn chung cho tất cả các ngành. Sau ba học kỳ, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều nguồn thông tin khác để biết rằng thực sự mình muốn học ngành gì, năng lực và sở thích của mình phù hợp với ngành nào.
Ba học kỳ đầu tiên, học sinh phải nỗ lực học tập rất nhiều để có được mức điểm cao để được ưu tiên xét tuyển ngành. Nhiều em trúng tuyển ĐH rồi bắt đầu lơ là việc học nên qui định phân ngành này sẽ buộc sinh viên phải nỗ lực học tập không ngừng. Riêng ngành các bạn ghi khi đăng ký dự thi, chỉ mang tính chất tham khảo. Khi phân ngành căn cứ vào ba tiêu chuẩn: kết quả học tập của sinh viên, nguyện vọng của sinh viên (tham khảo) và chỉ tiêu đào tạo của trường.
* Em là thí sinh tự do, muốn thi vào ngành bác sĩ y học cổ truyền. Hồ sơ đăng ký dự thi nộp ở đâu, giấy báo trúng tuyển nộp ở đâu? Ngành này có xét tuyển hệ ngoài ngân sách không?
- ThS BS Trương Tấn Trung: Em có thể đăng ký tại sở GD-ĐT các địa phương hoặc nộp trực tiếp tại trường. Thí sinh cần ghi địa chỉ liên lạc cụ thể để trường gửi kết quả về địa chỉ các bạn đăng ký. Nếu đậu, sẽ học đại cương hai năm chung với các sinh viên khác sau đó sẽ về khoa y học cổ truyền để học chuyên ngành. Nếu không trúng tuyển có thể theo học trung cấp để sau này liên thông lên ĐH.
* Em theo khối D1, muốn thi ngành kiểm toán nhưng hầu hết các trường đều không có ngành này, em phải làm thế nào?
- ThS Lâm Tường Thoại: đây là nhóm ngành chung có hai ngành kế toán và kiểm toán. Tuy nhiên khối D1 ít trường công lập tuyển sinh. Nhiều trường ngoài công lập có tuyển sinh khối A. Năm nay Trường ĐH kinh tế - Luật tuyển sinh ngành kiểm toán cả ba khối A, A1 và D1.
* Nghe nói năm nay thí sinh muốn thi liên thông phải thi chung đợt thi ĐH với những thí sinh thi ĐH?
- TS Trần Thế Hoàng: thông tin này mới chỉ là dự thảo của Bộ GD-ĐT về quy chế đào tạo liên thông. Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân của tôi, học phải có sự kế thừa. Nếu làm như thế chúng ta sẽ không khuyến khích việc đào tạo CĐ, TCCN. Thí sinh thi liên thông vừa làm vừa học làm sao có thể thi tốt bằng các bạn vừa tốt nghiệp THPT. Các bạn hiện nay cần học thật tốt để có kết quả tốt, thi đậu tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH sắp tới.
- ThS Hứa Minh Tuấn: Theo quy chế đào tạo liên thông hiện nay, trường nào đang đào tạo các ngành nghề bậc ĐH, CĐ thì được liên thông từ bậc thấp hơn lên bậc cao hơn. Nếu học CĐ mà cảm thấy ngành nghề chưa phù hợp, các em có thể chuyển đổi ngành bằng cách học bổ sung kiến thức và thi liên thông ĐH vào ngành khác. Việc thí sinh liên thông phải thi chung với thí sinh thi ĐH là khó xảy ra vì thời gian tốt nghiệp bậc CĐ của nhiều trường khác nhau, không rơi vào tháng 6 hay 7 (tháng thi ĐH). Thí sinh thi liên thông chỉ thi hai môn cơ sở và chuyên ngành của ngành học bậc CĐ nên không thể thi các môn như ĐH.
* Nhóm ngành nông lâm nhu cầu nhân lực như thế nào?
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Trường ĐH Nông lâm là trường ĐH đa ngành, ngoài đào tạo nhóm ngành nông lâm còn đào tạo nhóm ngành kinh tế, công nghệ, ngoại ngữ, công nghệ... Những ngành nông lâm nghiệp tại TP.HCM sinh viên thường ít học trong khi nhu cầu ngành này rất lớn. Ở TP.HCM người ta làm nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao. Có nhiều ngành nghề nông lâm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các thành phố.
Phóng to |
Học sinh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn nhóm ngành Kinh Tế - Ngân Hàng - Y Dược - Nông Lâm - Ảnh: Như Hùng |
* Khi chọn ngành nên căn cứ vào điều gì? Mong các thầy cho lời khuyên?
- ThS Lâm Tường Thoại: Khi chọn ngành nghề, điểm đầu tiên phải xuất phát từ sở thích. Tuy nhiên cần phải xác định đó là sở thích thật sự hay thích sự hào nhoáng của ngành nghề đó (từ một người làm nghề này). Thí sinh cần tham khảo ngay chính người thân của mình để có được lời khuyên, dựa vào bạn bè thầy cô và có thể dựa vào các công cụ trắc nghiệm kỹ năng để xác định sở thích của mình.
Khi hiểu rõ sở thích của mình, cần căn cứ vào khả năng của mình (học lực và tài chính) để chọn trường phù hợp. Cùng ngành nghề nhưng điểm chuẩn của các trường rất khác nhau. Do đó, căn cứ vào khả năng của mình để chọn trường có mức điểm phù hợp với khả năng của mình. Cũng cần xác định xem khả năng kinh tế của gia đình mình có khả năng đáp ứng không.
Việc chọn học CĐ cũng là một giải pháp để có thể theo đuổi ước mơ ĐH nếu khả năng hiện tại của mình chưa thể vào ĐH.
- ThS Hứa Minh Tuấn: Trước hết học sinh phải dựa vào học lực của mình. Giỏi, xuất sắc thì khả năng chọn trường đa dạng hơn. Học lực trung bình thì khả năng chọn trường hạn chế hơn. Trên cơ sở học lực này, học sinh dựa vào sở thích của mình, từ đó chọn trường. Bên cạnh đó, học sinh cần căn cứ vào điều kiện kinh tế của gia đình và cơ hội việc làm của ngành mình dự định theo học.
* Ngành bác sĩ đa khoa đào tạo bao lâu? Tốt nghiệp bao lâu thì có thể đi vào chuyên khoa?
ThS-BS Nguyễn Dũng Tuấn: Theo qui định, ngành này đào tạo trong 6 năm. Trường trực thuộc UBND TP.HCM nên chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được phân công nhiệm sở. Ngay khi tốt nghiệp có thể thi vào học chuyên khoa cấp I, cấp II.
* Một giáo viên hỏi: Học sinh muốn thi các chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh nhưng mức điểm từ 16-18 điểm thì thi vào trường nào?
- ThS Hứa Minh Tuấn: Trường ĐH Tài chính Marketing có một số ngành có điểm chuẩn 14-18 điểm. Thí sinh nên hết sức tránh các trường có điểm cao nếu khả năng học lực của mình ở mức trung bình. Có thể học một số chuyên ngành gần với các ngành mà học sinh muốn học. Riêng tại Trường Tài chính Marketing, cho phép sinh viên chuyển sang các chuyên ngành khác nếu kết quả học tập cao. Mặc khác, theo quy chế đào tạo, sinh viên có thể học song song hai ngành cùng lúc nếu đạt các điều kiện do trường đưa ra.
* Ngành xét nghiệm có dễ xin việc không? Lương bao nhiêu? Ngành này đào tạo những gì?
- Ths BS Trương Tấn Trung: Hai năm đầu các bạn học y học đại cương với sinh viên các ngành cử nhân khác. Sau đó sẽ học chuyên về xét nghiệm. Vào năm thứ nhất các bạn sẽ được cung cấp chương trình đào tạo, thực tập cụ thể. Hiện nhu cầu nhân lực ngành này khá nhiều. Lương nhà nước đều giống nhau. Tuy nhiên một số phòng xét nghiệm tư sẽ trả lương tùy theo công việc. Lương trung bình từ 3 đến 5 triệu.
* Ngành QTKD của các trường ĐH có gì khác nhau?
- ThS Lâm Tường Thoại: Ngành này tại Trường ĐH kinh tế Luật đào tạo theo QTKD tổng hợp chứ không chia ra các chuyên ngành. Trong 4 năm học, sinh viên học các môn như quản trị nhân sự, hành chánh, sản xuất, tài chính, marketing.... Thí sinh đậu vào trường sẽ học hoàn toàn tại Thủ Đức.
- TS Trần Thế Hoàng: Ngành này tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có nhiều chuyên ngành khác nhau. Từ năm 2011, ngành này có đào tạo bằng tiếng Anh bên cạnh chương trình đào tạo bằng tiếng Việt như trước đây.
Danh sách ban tư vấn - PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - ThS.BS Trương Tấn Trung, Trường ĐH Y dược TP.HCM - TS.BS Thái Hồng Hà, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - ThS Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing - ThS Lâm Tường Thoại, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật - ĐHQG TP.HCM - Thầy Nguyễn Phước Hải, trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận