Phóng to |
Học sinh háo hức đến ngày hội - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Trước khi bước vào phần tư vấn, hai sinh viên Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã biển diễn những màn “tâng bóng nghệ thuật” khá đẹp mắt với những pha tâng bóng bằng chân, đầu gối, bằng đầu…
Dưới đây là phần tư vấn theo nhóm ngành khoa học - kỹ thuật - công nghệ
* Một học sinh hỏi: Ở khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), sinh viên sẽ được học những gì?
- TS Nguyễn Kim Quang: Khoa CNTT Trường ĐH Khoa học tự nhiên gồm có 6 bộ môn: Thị giác máy tính và Khoa học Robot, Mạng máy tính & viễn thông, Công nghệ tri thức, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin và Kỹ thuật phần mềm. Mỗi bộ môn sẽ phụ trách đào tạo kiến thức chuyên ngành liên quan đến các ngành khác nhau thuộc lĩnh vực CNTT.
* Một học sinh hỏi: Chuyên ngành âm thanh, ánh sáng sân khấu học ở đâu?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Việc đào tạo các trường ĐH, CĐ không đi theo các chuyên ngành quá hẹp vì ra trường sẽ khó tìm việc. Khi đào tạo, chuyên ngành kỹ thuật chuyên ngành ánh sáng nằm trong ngành điện tử của Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
* Xin hỏi thầy Nguyễn Thành Nam, nhóm ngành điện - điện tử của Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM làm những công việc gì?
- TS Nguyễn Thành Nam: Ngành điện điện tử của Trường ĐH Bách Khoa là ngành lớn gồm những chuyên ngành như: điện công nghiệp, điện tử viễn thông và tự động hóa. Ngành tự động hóa và điều khiển học về những quy trình, máy móc để điều khiển các thiết bị. Ngành này rất gần với ngành điện tử nên ra đi làm có thể làm ở những nhà máy có những công nghệ tự động, đây là ngành rất dễ xin việc.
* Bạn Trần Hồ Trí Nhân hỏi: Ngoài khối A còn có khối A1, vậy trường nào thi khối này?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Khối A1 là khối dự kiến bổ sung trong kỳ thi tuyển sinh năm 2011. Có nghĩa là trong năm 2012, trường nào thi khối A vẫn tổ chức dự thi. Trường nào thi thêm khối A1 sẽ đăng ký với bộ GD-ĐT. Khối A1 sẽ thi trong đợt 1 của kỳ thi ĐH, CĐ. Khối A1 có tổ chức thi hay không phải chờ sau ngày 14-2 sẽ có kết luận cuối cùng.
* Sự khác biệt cơ bản giữa quản trị logistic và kinh tế vận tải biển?
- TS Nguyễn Văn Thư: Ngành vận tải biển là ngành truyền thông của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Ngành này học về quản lý ngoại thương, vận tải ở cảng biển. Đây là ngành có lượng sinh viên ra trường có việc làm rất tốt. Ngành logistic là ngành mới, là khoa học về quản lý bố trí kho bãi, vận chuyển hàng hóa. Ngành này còn khá mới tại Việt Nam. Ngành này có 1.500 công ty về quản trị logistic nhưng chưa có sinh viên ra trường nên cơ hội việc làm rất cao. Ngoài ra, hiện tại những công ty về ngành này đều là công ty ở nước ngoài chứ ít có công ty của Việt Nam.
* Ngành công nghệ sinh học cơ hội việc làm như thế nào?
- TS Nguyễn Kim Quang: Ngành này dựa trên khoa học về sinh học và ứng dụng những kiến thức về vật lý, những thiết bị dụng cụ để làm sao tạo ra những sản phẩm chất lượng cao liên quan đến sinh học. Ngành này đòi hỏi những trang thiết bị hiện đại, đắt tiền. Để học ngành này phải có đam mê lĩnh vực sinh học và có kiến thức toán, lý, công nghệ thông tin…
Phóng to |
Học sinh nghe tư vấn tại gian hàng ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
- TS Nguyễn Kim Quang: Năm nay Trường ĐH Khoa học tự nhiên mở thành kỹ thuật hạt nhân. Đây là ngành kế thừa từ ngành vật lý hạt nhân. Ngành này mở ra vì nhu cầu bức thiết vì ngành này phát triển trong nhiều lĩnh vực. Ngành này đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nhà máy điện nguyên tử ở Ninh Thuận, đây là lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Lĩnh vực khác là trong y học để chữa trị và chẩn đoán trong y khoa mà những phương pháp hóa, sinh không tìm ra bệnh.
Ngoài ra, kỹ thuật hạt nhân cũng dùng trong nông nghiệp về tạo giống. Những phương pháp tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên, cũng sử dụng đến kỹ thuật hạt nhân. Con chị có đam mê là tín hiệu vui và có năng lực thì mạnh dạn vào ngành này. Có hai trường được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo chương trình tiên tiến.
* Cho em hỏi mức thu nhập của ngành quản trị mạng?
- TS Nguyễn Kim Quang: Hiện nay, nhân lực CNTT nói chung của nước ta đang thiếu rất nhiều nhân lực có trình độ cao. Để quản trị về mạng như có tính chất khu vực đặc thù của lĩnh vực nào đó rất cần nhân lực này. Khi vào học, em thực sự yêu thích và đam mê tìm tòi thì cơ hội việc làm rất cao. Về thu nhập, cùng những sinh viên tốt nghiệp như nhau nhưng nhà tuyển dụng sẽ trả lương khác nhau dựa vào năng lực, kỹ năng mềm và các yếu tố khác.
* Em thi khoảng 18 điểm có thể đăng ký vào ngành nào của Trường ĐH GTVT TP.HCM
- TS Nguyễn Văn Thư: Với mức điểm này, em có thể thi vào ngành nào của trường cũng được. Điểm chuẩn cao nhất của trường năm trước là 17 điểm.
* Học sinh giỏi quốc gia có thể được tuyển sinh vào Trường ĐH Bách Khoa không?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Theo dự kiến, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, những học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi học sinh giỏi sẽ được tuyển sinh vào các trường ĐH. Các em có thể đăng ký vào bất cứ ngành nào có chứa môn thi mà em đoạt giải. Về thủ tục, các Sở GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể sau.
* Bạn Lê Nguyễn Hoàng Phi: Em xin hỏi thầy Nam, ngành kỹ thuật y sinh học những gì?
- TS Nguyễn Thanh Nam: Ngành kỹ thuật y sinh là một trong những chuyên ngành của ngành vật lý kỹ thuật. Các em cứ hình dung thế này, ngành kỹ thuật y sinh nghiên cứu chế tạo ra những máy móc trong các cơ sở y tế, bảo dưỡng các máy móc liên quan đến y dược. Do có chữ “sinh” trong đó nên các em không những học về y mà còn về sinh học.
Hiện nay, cán bộ kỹ thuật trong các bệnh viện hiện rất thiếu. Tuy nhiên, ngành này hiện ngành rất ít sinh viên theo học. Có lẽ vì các em chưa hiểu hết những ngành này. Các em có thể đến trực tiếp khoa để tìm hiểu thêm và giao lưu với các thầy cô. Ngoài trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Quốc tế cùng có đào tạo chuyên ngành này.
* Cho em hỏi ngành địa chất dầu khí chỉ có nam giới mới được ở trên giàn khoan để khai thác, vậy nữ có được theo học không?
- TS Nguyễn Thanh Nam: Ngành địa chất dầu khí hiện nay đang “hot” nên điểm khá cao vì việc làm rất tốt. Tuy nhiên, trong dầu khí tất cả mọi người đều ra giàn khoan. Công tác trên giàn khoan cũng không phải là nhiều lắm. Tuy nhiên, ngành này có những công việc khác về văn phòng. Các bạn nữ cũng yên tâm thi vào. Ở trên giàn khoan thì cũng có những khó khăn về sinh hoạt nên cũng hạn chế các bạn nữ.
- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Tôi xin cung cấp thêm thông tin cho em. Hiện nay nước ta tiếp tục tìm kiếm thêm những mở mới cả trong và ngoài nước. Học ngành này cơ hội làm ở nước ngoài rất lớn. Bạn là nữ có thể làm ở các viện phân tích về dầu khí.
* Bạn Hà Mạnh Duy hỏi: Khi em học CNTT ra trường em sẽ làm những công việc gì?
- TS Nguyễn Kim Quang: Ngành CNTT “hot” lâu rồi nhưng hiện nay vẫn đang còn “hot”. Bản thân ngành này là một công cụ không thể thiếu trong các lĩnh vực của cuộc sống. Do đó, rất cần nhân lực CNTT để thúc đấy sự phát triển của những ngành khác. Ngành này, như chúng ta đã biết thời gian gần đây không chỉ các trường công lập mà trường ngoài công lập cũng thêm ngành này.
Ngành này hiện mở ra nhiều ngành như quản trị mạng, kỹ thuật phần mềm…Do đó, khi tìm hiểu về CNTT bạn nên xem trường đó có những chuyên ngành mà bạn yêu thích hay không. Ngành này đào tạo ở hầu hết các trường ĐH, CĐ. Bạn lưu ý là cân nhắc năng lực của mình để vào trường những trường phù hợp. Bạn cũng cân nhắc về hoàn cảnh của mình để chọn trường công và dân lập.
Học ở trường công lập, các bạn đóng học phí khoảng 4 triệu đồng/năm. Học ở trường dân lập các bạn có thể đóng gấp đôi khoản này. Tuy nhiên, điều các em cần quan tâm là chọn trường phù hợp vì hiện nhiều trường dân lập đầu tư dào tạo tốt và sinh viên ra trường có thể tìm được việc làm khá cao.
* Thưa thầy, em chưa hiểu lắm về ngành mạng máy tính học gì? Thầy cũng nói thêm giúp em về ngành khoa học môi trường. Em cám ơn thầy?
- TS Nguyễn Kim Quang: Về ngành mạng máy tính, hiện nay tên đầy đủ là “truyền thông và mạng máy tính”. Như thầy đã trả lời ở trên, nhu cầu nhân lực của ngành này rất lớn. Em có thể hình dung, các máy tính hiện nay không chỉ riêng lẻ là có sự kết nôi với nhau tạo nên mạng máy tính.
Về khoa học môi trường, ở những trường đào tạo đều có những tên gọi khác nhau như khoa học môi trường, kỹ thuật môi trường…Tuy nhiên, cử nhân môi trường tương đối hoàn thiện trong lĩnh vực này như là kiến thức nền cho sinh viên. Ngành này yêu cầu kiến thức, kỹ năng về khoa học và các kiến thức liên quan thực hiện các chương trình về môi trường. Kiến thức cơ bản vẫn là kiến thức về môi trường.
Thứ hai, các em có thể sử dụng những phương pháp, công nghệ để tác động và xử lý các vấn đề môi trường. Do đó, em quan tâm đến lĩnh vực môi trường thì nên vào ngành này. Sau đó, em sẽ chọn chuyên ngành kỹ thuật môi trường, xử lý vật rắn, lỏng và xử lý đặc thù liên quan đến các phế phẩm của từng lĩnh vực cụ thể.
* Thưa thầy Nguyễn Văn Thư, em được biết ở Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có ngành đào tạo về Metro, xin thầy giải thích rõ hơn về ngành này?
- TS Nguyễn Văn Thư: “Đặc sản” của những thành phố lớn là kẹt xe. Nên mong muốn của bất cứ thành phố nào đều là đi lại thuận tiện. Để hiện đại, tiên tiến hơn nên người ta tìm ra các phương pháp giao thông hiện đại. Metro là xây dựng giao thông đi ngầm dưới lòng đất. TP.HCM sẽ cần 2.500 kỹ sư để xây dựng, bảo trì, vận hành, bảo dưỡng hệ thống thống Metro…để phục vụ cho lĩnh vực giao thông này.
Ngành này là đúng chuyên ngành bạn chỉ có thể làm việc được ở TP.HCM, Hà Nội vì những địa phương khác chưa có hệ thống giao thông này.
* Kỹ thuật viên sửa chữa máy tính học trong những ngành nào?
- TS Nguyễn Thanh Nam: Để làm kỹ thuật viên sửa chữa máy tính chúng ta có thể học những khóa ngắn hạn tại các trung tâm đào tạo cũng có thể làm được.
* Em rất thích ngành kỹ thuật giao thông nhưng năng lực của em chỉ thi được khoảng 15 điểm. Vậy em có thể thi vào ngành trường nào?
- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Với mức điểm như trên, em không đủ điểm vào Trường ĐH Bách Khoa, ĐH GTVT TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Tuy nhiên, em có thể theo học ngành này tại các trường ngoài công lập có ngành này thì mức điểm sẽ thấp hơn. Bên cạnh đó, có một con đường khác là em có thể học cao đẳng sau đó liên thông lên đại học. Với hình thức liên thông như hiện nay, bằng cấp và cơ hội việc làm là như nhau. Đây là đường vòng để các bạn lấy bằng đại học chính quy.
Danh sách ban tư vấn - TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - TS Nguyễn Văn Thư, hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - TS Nguyễn Thanh Nam, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM - TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM - ThS Hồ Văn Sĩ, phó trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận