Thành phần ban tư vấn gồm: - PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM- TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM- Thạc sĩ Lâm Tường Thoại, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM)- Thạc sĩ, bác sĩ Trương Tấn Trung, Trường ĐH Y dược TP.HCM- Ông Cao Việt Hưng, phó hiệu trưởng ĐH Bình Dương |
3000 HS Bình phước đến tư vấn tuyển sinh
* Xin cho em biết thông tin về ngành điều dưỡng. Học ngành này ra làm việc ở đâu?
- ThS. BS Trương Tấn Trung: Ngành điều dưỡng đào tạo các cán bộ điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Học ngành này ra trường làm việc tại các cơ sở y tế, bệnh viện. Ngành điều dưỡng có các hệ trung cấp, cử nhân. Hiện nay, nhu cầu nhân lực của ngành này rất lớn.
Phóng to |
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Tấn Trung, Trường ĐH Y dược TP.HCM tư vấn về vấn đề sức khỏe, chiều cao của thí sinh liên quan đến các ngành nghề - Ảnh: Tiến Thành |
* Một trường thuộc ĐHQG TP.HCM có đào tạo song song hai ngành cùng lúc. Xin các thầy giải thích rõ việc này.
- ThS Lâm Tường Thoại: Trong quy chế của Bộ GD-ĐT cho phép sinh viên học song song hai ngành. Muốn học theo hình thức này sinh viên phải đáp ứng được một số điều kiện về điểm số tùy theo từng trường. Các môn học được san sẻ cho nhau. Các em lưu ý chỉ được phép xét tốt nghiệp ngành thứ 2 phải tốt nghiệp ngành 1.
- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Hiện nay học tín chỉ các SV chủ động lên kế hoạch học tập của mình. Nếu học 2 ngành rất vất vả , SV phải học thật giỏi mới học được cùng 1 lúc hai ngành. Ở trường chỉ có vài SV học được theo cách này.
- TS Trần Thế Hoàng: Học dàn trải quá thì có thể dẫn tới điểm số thấp. Việc này có thể ảnh hưởng tới cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp vì thực tế nhiều đơn vị tuyển dụng chú yếu nhiều đến kết quả học tập của SV. Bên cạnh đó, các SV học cùng lúc hai ngành đóng tiền học phí nhiều hơn so với SV bình thường khác. Vì vậy các em phải hết sức cân nhắc khi chọn học song song hai ngành cùng lúc.
Phóng to |
TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM trả lời thắc mắc của thí sinh về việc đào tạo của trường - Ảnh: Tiến Thành |
* Em thích ngành kinh tế nhưng sức học của em không thể thi đậu vào ĐH Kinh tế TP.HCM, các thầy cho em xin lời khuyên.
- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Hiện nay có rất nhiều trường ĐH đào tạo ngành kinh tế. Những năm trước Trường ĐH Kinh tế có điểm chuẩn 19 điểm, trong khi có nhiều trường khác chỉ lấy 15 điểm hoặc chỉ lấy bằng điểm sàn. Nội dung đào tạo ở các trường như nhau. Thậm chí nếu em không tự tin nhưng vẫn yêu thích ngành kinh tế thì các em vẫn có thể học CĐ rồi sau này có thể liên thông lên ĐH.
- ThS Cao Việt Hưng: Quan trọng nhất để tích lũy kiến thức sau này đi làm là do cách học và sự nỗ lực của mỗi SV. Ngoài học chuyên môn các em cần hết sức năng động, có phương pháp học đúng. Điều này quyết định tương lai của các em sau này. Vì thế các em học trường nào cũng tốt. Nếu thấy sức học của mình không cao thì các em hãy chọn các trường ở địa phương để học những ngành học mình yêu thích. Các trường này có điểm chuẩn thấp hơn và chi phí cho việc học cũng rẻ hơn các trường ở TP.HCM.
* Một số trường nói sau khi học xong sẽ giới thiệu việc làm cho SV, việc này đúng không? - TS Trần Thế Hoàng: Hiện nay hầu hết các trường có Trung tâm hỗ trợ SV. Các trung tâm này thường là nơi hỗ trợ cho các SV rất nhiều về việc trang bị kỹ năng mềm cần thiết cho quá trình xin việc và làm việc sau khi tốt nghiệp. Đồng thời các trung tâm này cũng giới thiệu việc làm cho SV trong quá trình học cũng như sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, các em SV cần phải chủ động trong việc tự trang bị những kỹ năng cho mình và học tập thật tốt. Thực tế bằng cấp không quá quan trọng trong tuyển dụng. |
* Có phải ngành công nghệ thực phẩm trong tương lai sẽ cần nhiều nhân lực ở tỉnh Bình Phước? Em học ngành này nhưng bố mẹ không cho, em phải làm sao?
- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Hiện nay có rất nhiều trường ĐH đào tạo ngành này: ĐH Nông lâm, ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Bách khoa… Ở tỉnh Bình Phước có thế mạnh về nông nghiệp nên học ngành này sẽ có nhiều cơ hội việc làm.
Nếu em thực sự yêu thích ngành nghề nào thì hãy trao đổi với bố mẹ để thuyết phục. Việc quyết định này nào là do chính bản thân các em. Có yêu thích mới học tốt được. Tôi khuyên các em phải xác định được năng lực, sở thích của mình để chọn đúng ngành học mình yêu thích.
* Học kế toán kiểm toán ra trường em có thể làm việc ở các ngân hàng?
- TS Trần Thế Hoàng: Lĩnh vực tài chính ngân hàng có nhiều chuyên ngành nhỏ. Học kế toán kiểm toán vẫn có thể làm việc ở ngân hàng. Cơ hội việc làm của ngành này rất cao. Học ngành này có thể làm cho nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài… Các em cần lưu ý để làm việc ở ngân hàng không nhất thiết phải học ngành tài chính ngân hàng. Ở ngân hàng tuyển dụng rất nhiều vị trí khác nhau.
- ThS Lâm Tường Thoại: Sau khi học xong ngành tài chính ngân hàng có thể xin việc ở các quỹ đầu tư, các công ty kinh doanh và cũng có thể làm công tác nghiên cứu…
* Một số trường ĐH tuyển đầu vào hai khối, em chọn thi cả hai khối cùng ngành có được không?
- ThS Lâm Tường Thoại: Khối A thi đợt 1, các khối còn lại. Vì vậy em vẫn có thể thi hai khối cùng một ngành. Tuy nhiên nếu trúng tuyển các SV của cả hai khối đều học chương trình như nhau.
* Hiện nay một số trường chỉ xét tuyển không tổ chức thi, em muốn thi vào trường này phải làm sao?
- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Em muốn xét tuyển vào trường này em phải mượn trường nào đó có cùng khối thi để có kết quả thi ĐH rồi tham gia xét tuyển. Ví dụ Trường ĐH Hùng Vương không tổ chức thi. Nếu em muốn xét tuyển vào ngành quản trị kinh doanh (khối A) của trường này em phải đăng ký dự thi vào trường nào có tổ chức thi khối A để thi sau đó lấy kết quả này để xét tuyển vào trường ĐH Hùng Vương. Các em cần chú ý kỹ việc làm hồ sơ đăng ký dự thi cho đúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận