19/02/2011 08:23 GMT+7

Tư vấn nhóm ngành kinh tế - khoa học xã hội - sư phạm - ngoại ngữ - báo chí - quân đội - công an

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Khu vực này sẽ tư vấn chuyên sâu về các ngành quản trị kinh doanh, ngân hàng, kế toán, chứng khoán, marketing, báo chí, quan hệ quốc tế, du lịch, luật, công an, quân đội...

177opQ6r.jpgPhóng to
Học sinh cũng sôi nổi đặt câu hỏi - Ảnh: Thuận Thắng

Th.S Trần Thế Hoàng, trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM khái quát những vấn đề chung về thi tuyển sinh 2011: Về cơ bản, thi tuyển sinh 2011 không có thay đổi nhiều so với năm trước. Vẫn giữ hình thức thi ba chung: từng khối thi chung đợt (khối A và khối V thi đợt 1), các khối còn lại thi đợt 2; các trường sẽ thi chung đề (theo đề chung của Bộ) và sử dụng chung kết quả

Một trong những điểm mới năm nay là lịch nộp hồ sơ có thay đổi. Cụ thể có thể nộp hồ sơ bổ sung tại trường THPT hoặc tại Sở GD-ĐT, nếu có nhu cầu nộp thêm hồ sơ, nộp dự thi hồ sơ từ ngày 15 đến 21-4.

* Ngành kinh tế đối ngoại có thể làm bất kỳ công ty nào. Cơ hội việc làm ngành này? Em cũng muốn biết thêm thông tin ngành mới ở trường ĐH Luật TP.HCM?

- Th.S Trần Thế Hoàng: Tốt nghiệp các ngành nhóm ngành kinh tế nói chung đều được trang bị kiến thức nền tảng chung khoảng 3 học kỳ. Sau đó, các em có khoảng 2 năm học kiến thức chuyên ngành. Đối với nhóm ngành kinh doanh quốc tế và ngoại thương, cơ hội việc làm khá tốt, nhất là ở các đơn vị kinh doanh liên quan đến xuất nhập khẩu, có yếu tố nước ngoài. Cơ hội việc làm, dễ xin việc hay không tuy thuộc vào kiến thức và kỹ năng tích lũy trong những năm học ĐH.

- Th.S Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo ĐH Tài chính Marketing: Các trường ĐH đào tạo những kiến thức cơ bản về ngành nghề của các em. Khi ra trường, các em sẽ tiếp cận với các loại hình doanh nghiệp khác nhau, thuộc các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, khả năng thích nghi với lĩnh vực việc làm sẽ quyết định thành công của các em. Trong quá trình học, các em nên tự trang bị những kỹ năng mềm khác (ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp)… để có cơ hội việc làm tốt hơn.

* Điều kiện dự thi vào học viện Báo chí tuyên truyền. Học ngành chính trị trong trường Đảng ra trường sẽ được công nhận trình độ bậc nào?

- TS Phạm Tấn Hạ, Phó trưởng Phòng đào tạo ĐH KHXHNV (ĐHQG TP.HCM): Học viện Báo chí tuyên truyền không có qui định riêng về điều kiện dự thi, em có thể dự thi bình thường như những trường khác. Tốt nghiệp ngành chính trị ra trường được công nhận trình độ cao cấp chính trị.

* Thí sinh dự thi ngành thương mại, kinh tế rất đông, chỉ tiêu ngành này ở các trường rất nhiều. Vậy có đảm bảo chất lượng không? Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh ra trường làm quản lý, đúng không? Ngành Đông phương học đào tạo những gì, có cơ hội hội học tiếp lên cao không, ra trường làm gì? Ngành du lịch ra trường xin việc dễ không?

- Th.S Trần Thế Hoàng: Chỉ tiêu các trường do Bộ quyết định dựa trên cơ sở năng lực đào tạo của các trường và nhu cầu nhân lực của xã hội. Về chất lượng đào tạo đầu ra cũng phụ thuộc vào đầu vào, có trường điểm rất cao nhưng có trường điểm đầu vào thấp.

Thực tế, rất nhiều em đổ xô thi vào nhóm ngành kinh tế, nhiều người đi thi, tỷ lệ cao, dĩ nhiên điểm trúng tuyển cũng cao, ra trường cơ hội việc làm cũng không dễ dàng đối với tất cả mọi người. Các em có nguyện vọng vào ngành kinh tế cũng nên cân nhắc chọn đúng trường vừa sức mình.

- TS Phạm Tấn Hạ: Tốt nghiệp ngành Đông phương có thể thành chuyên gia về đất nước mà mình theo học chuyên ngành vì trong quá trình học các em được đào tạo song song hai ngoại ngữ và kiến thức văn hóa, chính trị xã hội quốc gia mình đã học.

Tốt nghiệp có thể làm ở các cơ quan văn hóa, kinh tế liên quan đến quốc gia mình đang học; làm công tác nghiên cứu, giảng dạy. Ngành du lịch nhu cầu nhân lực khá lớn. Tuy nhiên, cơ hội việc làm phụ thuộc vào kiến thức và kỹ năng từng người.

* Một phụ huynh: tôi có ba câu hỏi. Thi ngành Anh văn ĐH Sư phạm nếu không trúng tuyển có thể dùng điểm đó xét tuyển vào CĐ Sư phạm được không? Ngành du lịch thi khối nào?

- Thầy Tạ Quang Lâm: Theo qui định của bộ, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 và có tổng điểm cao hơn điểm sàn CĐ, các em có thể đăng ký xét tuyển hệ CĐ các ngành cùng khối (chứ không nhất thiết chỉ có ngành CĐ Sư phạm tiếng Anh).

- TS Phạm Tấn Hạ: nếu học ngành du lịch thường thi khối C và D1. Nếu học ngành quản trị du lịch (có liên quan đến kinh tế) có thể thi khối A hoặc D1.

* Để làm luật sư, có thể học ngành nào trong trường Luật?

- Th.S Lê Văn Hiển: các trường đào tạo kiến thức cử nhân luật. Ra trường có thể làm ở nhiều cơ quan: tòa án, viên kiểm sát và nhiều cơ quan nhà nước khác. Để thành luật sư, trước hết phải là cử nhân luật và học thêm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư, sau đó làm ở các văn phòng luật sư 2 năm và phải dự thi để được hành nghề luật sư.

* Ngành quốc tế học trường ĐH Sư phạm TP.HCM và ngành quan hệ quốc tế ĐH KH XH&NV TP.HCM khác nhau ra sao?

- TS Phạm Tấn Hạ: hai ngành này cơ bản giống nhau giữa hai trường. Ở trường ĐH KH XH&NV có hai chuyên ngành: chính trị và ngoại giao. Ra trường có thể làm ở các cơ quan ngoại giao, các cơ quan có yêu tố nước ngoài. Ngành này yêu cầu rất cao khả năng ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp, đàm phán…

- Th.S Tạ Quang Lâm: ngoại ngữ rất quan trọng với ngành này. Nếu không thật sự giỏi ngoại ngữ, các em sẽ gặp khó khăn trong quá trình học cũng như cơ hội việc làm khi ra trường.

* Muốn thi vào ngành công an, có những yêu cầu gì?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành công an yêu cầu thí sinh có ý lịch rõ ràng, đạo đức tốt, sức khỏe tốt (không dị tật, đủ chiều cao theo qui định), học lực khá trở lên (yêu cầu học đối với nữ cao hơn với nam). Muốn biết chi tiết thông tin tuyển sinh ngành công an em nên liên hệ công an quận huyện để được hướng dẫn chi tiết.

* Ngành kế toán doanh nghiệp trường ĐH Tài chính Marketing đào tạo gì? Ra trường dễ xin việc không?

- Th.S Hứa Minh Tuấn: tùy theo từng trường, nhóm ngành kinh tế có nhiều chuyên ngành khác nhau (kế toán, kiểm toán, kế toán doanh nghiệp, kế toán ngan hàng…). Chuyên ngành kế toán doanh nghiệp, ngoài những vấn đề chung về tài chính tín dụng, các em sẽ học các vấn đề chuyên sâu về kế toán.

* Trường nào có ngành tâm lý? Điểm chuẩn khoảng bao nhiêu, cơ hội việc làm như thế nào?

- Th.S Tạ Quang Lâm: ĐH Sư phạm TP.HCM có đào tạo ngành tâm lý học. Điểm chuẩn ngành này cũng không quá cao, trên sàn một vài điểm.

- TS Phạm Tấn Hạ: xã hội hiện đại phát sinh nhiều vấn đề, cần nhiều người làm công tác tâm lý. Điểm chuẩn ngành này ở các trường ĐH KHXHNV khá cao. Tốt nghiệpn ngành này có thể làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau: tâm lý trị liệu, tâm lý lứa tuổi, tư vấn tâm lý học đường…

* Tốt nghiệp ngành thẩm định giá làm việc ở đâu? Thu nhập bao nhiêu?

- Tốt nghiệp ngành này có thể làm công tác thẩm định giá ở các ngân hàng, các tổ chức tín dụng (thẩm định tài sản thế chấp), thu nhập khoảng 3-5 triệu đồng/tháng. Nếu có chứng chỉ thẩm định giá có thể có thu nhập tốt hơn.

* Muốn làm nhà thơ, nhà văn thi ngành nào? Làm thế nào thành nhà văn, nhà thơ?

- TS Phạm Tấn Hạ: Tôi rất trân trọng ước muốn của em, đó là điều đáng quí trong đời sống tinh thần này càng có phần khô khan. Muốn làm nhà văn, nhà thơ, năng khiếu là điều kiện quyết định. Bạn có thể thi vào ngành ngữ văn để được học nhiều kiến thức về văn học.

- Th.S Lâm Tường Thoại: nhân câu hỏi này tôi muốn nhắn các em hai điều. Mình sống theo đam mê sở thích nhưng sở thích có thể thay đổi theo thời gian. Sống theo đam mê nhưng cũng đừng chạy theo điều quá xa vời, cần tính đến những điều cần thiết cho đời mình.

- Th.S Hứa Minh Tuấn: Tôi có hai người thầy dạy ngành kinh tế, thống kê khô khan nhưng họ là nhà thơ. Họ là nhà thơ nhưng những bài giảng kinh tế của họ 30 năm qua tôi vẫn nhớ. Tối muốn gợi mở một điều: chúng ta có thể làm nhiều ngành khác nhau, thậm chí ngành toán học vẫn có thể làm thơ, là nhà thơ.

* Em thích theo đuổi ngành truyền thông nhưng điểm chuẩn ngành này khá cao, không biết mình có thể theo đuổi nganh này không?

- TS Phạm Tấn Hạ: không chỉ học ngành báo chí, em có thể học các ngành khác thuộc nhóm ngành xã hội như Đông phương học chẳng hạn vẫn có thể làm ở lĩnh vực truyền thông nếu em có khả năng.

* Nhu cầu nhân lực ngành kế toán kiểm toán? Ngành này cần tính cách như thế nào?

- Th.S Nguyễn Văn Đương: Muốn làm kế toán giỏi, trước tiên cần tính cẩn thận, tỉ mỉ. Ngoài kiến thức trong trường cần bổ sung thêm những kiến thức mềm: các kỹ năng kế toán.

*Làm sao chọn được nghề nghiệp thích hợp với mình? Cần tố chất gì để học ngành PR?

- Th.S Lâm Tường Thoại: em không biết mình có sở thích gì hoặc không biết mình hợp nghề gì? Em nên tự nhận định: mình hình dung mình sẽ làm gì, mình thích làm gì, có thể tham khảo ở người lớn, cha mẹ thầy cô để kiểm tra lại liệu mình phù hợp với ngành mình thích. Đôi khi sở thích thay đổi theo thời gian, đôi khi sở thích chỉ là chạy theo điều hấp dẫn, hào nhoáng hiện tại, sau này lại không tha thiết nữa.

- Th.S Hứa Minh Tuấn: sở thích hoàn toàn có thể thay đổi. Nếu tự phát hiện và xác định rõ mình thích gì, đó là điều tốt. Nếu chưa xác định được có thể thực hiện các trắc nghiệm với các phần mềm trắc nghiệm sở thích, nên làm nhiều lần để xác định đúng ngành mình thích và ngành phù hợp bản thân.

Nếu em có khả năng nói trước đám đông, diễn đạt tốt, giao tiếp tốt có thể theo học ngành PR. Riêng chuyên ngành PR trong ngành marketing (lĩnh vực kinh tế) có yếu tố đặc biệt , chúng ta sẽ làm thế nào giới thiệu quảng bá sản phẩm với người tiêu dùng, ngoài kỹ năng giao tiếp cần thêm kiến thức, am hiêu về kinh tế, tiếp thị sản phẩm.

* Yếu tố cần thiết theo ngành tâm lý?

TS Phạm Tấn Hạ: Đây là ngành học có sức hút người học. Trước tiên, người theo ngành này cần sự đồng cảm, sau đó là tố chất biết lắng nghe. Khi học ngành này, em sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với ngành mình quan tâm.

* Học ngành nào để trở thành nhà phân tích kinh tế?

- Th.S Nguyễn Văn Đương và Th.S Hứa Minh Tuấn: Em có thể học một số ngành có liên quan như kinh tế lao động – quản lý nhân lực, kinh tế đầu tư, kinh tế học, kinh tế kế hoạch đầu tư. Riêng trong lĩnh vực tài chính, nếu học ngành tài chính ngân hàng em có thể phân tích tình hình tiền tệ, tài chính, dòng lưu chuyển đồng vốn…

Danh sách ban tư vấn nhóm ngành kinh tế - khoa học xã hội - sư phạm - ngoại ngữ - báo chí - quân đội - công an:

- PGS.TS Ngô Kim Khôi - phó vụ trưởng phụ trách Vụ ĐH và sau ĐH (Bộ GD-ĐT).

- Th.S Trần Thế Hoàng - trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM.

- Th.S Hứa Minh Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing.

- Th.S Lâm Tường Thoại - trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM).

- Th.S Tạ Quang Lâm - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

- TS Phạm Tấn Hạ - phó trưởng phòng đào tạo ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM).

-Th.S Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM.

Đơn vị tài trợ:

U8wi1W6Z.jpgPhóng to
NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên