![]() |
Các bạn học sinh nghe tư vấn tuyển sinh nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, y dược, nông lâm - Ảnh: Thuận Thắng |
Mở đầu phần tư vấn, TS Nguyễn Đức Nghĩa giới thiệu những thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh 2011. Về cơ bản không có gì thay đổi nhiều so với năm 2010. Các thay đổi nhỏ đó là: thí sinh là người nước ngoài sẽ được xét tuyển thẳng vào ĐH, không phải thi tuyển sinh (với điều kiện phải nói tiếng Việt tốt). Thời hạn nộp hồ sơ bắt đầu từ 14-3 đến 14-4 (thay vì 10-3 đến 10-4 như mọi năm).
Các trường ĐH nhận hồ sơ trực tiếp tại trường từ 15-4 đến 21-4. Sau khi trúng tuyển, thí sinh không cần làm hồ sơ trúng tuyển mà chỉ cần bổ sung một số thủ tục để nhập học. Kỳ thi vẫn diễn ra theo hình thức ba chung: chung đợt thi (các trường thi cùng khối sẽ thi chung đợt: đợt 1 (ngày 4 và 5-7 thi khối A, V), đợt 2 (ngày 9 và 10-7) thi các khối B, C, D và các khối năng khiếu), đợt 3 (ngày 15 và 16-7) dành cho các trường CĐ. Các trường sẽ dùng chung đề thi do Bộ GD-ĐT ra.
Cái chung thứ ba là dùng chung kết quả để xét tuyển. Khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh chỉ có 1 nguyện vọng. Trên hồ sơ đăng ký dự thi chỉ ghi một ngành mà các em có nguyện vọng học. Sau khi thi xong, nếu các em trúng tuyển thì sẽ nhập học theo nguyện vọng đó. Khi đã trúng tuyển NV1 sẽ không được tham gia xét tuyển NV2, 3. Nếu không trúng tuyển mà điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn chung của Bộ GD-ĐT sẽ được cấp hai giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh để xét tuyển NV2 (từ ngày 25-8 đến ngày 10-9), nếu không trúng tuyển NV2 sẽ tiếp tục xét tuyển NV3 từ 15-9 đến 30-9.
* Một phụ huynh đặt câu hỏi: Tôi có con, học khá về hóa. Vậy cháu nên thi vào ngành nào của Trường ĐH Bách Khoa? Nếu cháu thi vào ngành dầu khí thì nên thi vào trường nào?
- TS Nguyễn Thanh Nam: trường ĐH Bách Khoa có khoa Hóa. Trong khoa hóa cũng có ngành hóa dầu. Trong khoa địa chất dầu khí có ngành khai thác dầu khí nhưng chủ yếu là khoan, thăm dò dầu khí. Trong trường còn có khoa Khoa học vật liệu cũng liên quan đến hóa. Ngành môi trường cũng rất cần kiến thức về hóa. Do đó cháu có thể cân nhắc để chọn ngành phù hợp.
Nếu thi vào ngành dầu khí thì chúng ta phải xác định rõ là muốn ra làm việc ở nhà giàn hay khoan thăm dò để chọn trường phù hợp.
*Một số ngành có tên tương tự nhau như khoa học môi trường và công nghệ môi trường. Học có khác nhau không?
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Đúng là ngành môi trường có rất nhiều tên khác nhau. Kỹ thuật môi trường nghiên cứu các kỹ thuật để xử lý môi trường. Công nghệ môi trường là ứng dụng các kỹ thuật đó để xử lý các vấn đề môi trường. Ngoài ra còn có ngành quản lý môi trường. Tốt nghiệp có thể làm ở Sở tài nguyên môi trường, khu công nghiệp, công ty... tùy theo hướng em chọn học như thế nào.
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Ngành kỹ thuật môi trường học để biết môi trường ô nhiễm như thế nào? Ngành công nghệ môi trường là đi xử lý các vấn đề về môi trường.
* Để vào ĐH Y dược TP.HCM có thể học y sĩ để học lên bác sĩ hay không? Hệ ngoài ngân sách điểm tuyển bao nhiêu?
- BS, TS Trương Tấn Trung: Ngành y đa khoa không đào tạo chuyên tu từ y sĩ lên bác sĩ từ nhiều năm nay. Nếu bạn có nguyện vọng đó có thể học ở ĐH Y dược Huế, Cần Thơ hay Phạm Ngọc Thạch. Điểm chuẩn hệ ngoài ngân sách thấp hơn hệ ngân sách không nhiều.
* Con tôi muốn thi vào ngành y. Vậy cháu nên thi vào trường nào? Khoa Y ĐHQG TP.HCM chỉ lấy học sinh Trường THPT Năng khiếu?
- TS, BS Trương Tấn Trung: Ngành y đa khoa ĐH Y dược TP.HCM, chỉ tiêu hàng năm khoảng 350, trong đó chỉ tiêu ngân sách là 200. Khoa Y ĐHQG TP.HCM tuyển sinh cả nước chứ không giới hạn chỉ nhận học sinh Trường THPT Năng khiếu.
* Em muốn học ngành xây dựng Metro Trường ĐH GTVT TPHCM. Ngành này học những gì, cơ hội việc làm như thế nào?
- TS Nguyễn Văn Thư: Rất hoan nghênh em quan tâm đến ngành học này. Hệ thống Metro TP.HCM đã bắt đầu khởi công và sẽ còn nhiều tuyến nữa nhưng vẫn chưa có nguồn nhân lực. Hiện nay ngành này đã có SV năm 3. Học về nền móng địa chất, kỹ thuật xây dựng đường sắt đô thị...
Những công nghệ kỹ thuật mới sẽ được du nhập vào Việt Nam và các em sẽ được tiếp cận các kỹ thuật đó. Các tuyến đi vào hoạt động sẽ cần 8000 kỹ sư và kỹ thuật viên ngành này. Tốt nghiệp ngành này chỉ có thể làm việc tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.
* Học ngành Sư phạm Kỹ thuật ra có phải chỉ có thể đi dạy không?
- PGS-TS Đỗ Văn Dũng: hiện trường đào tạo chủ yếu là kỹ sư công nghệ. SV Sư phạm kỹ thuật tốt nghiệp được cấp 2 bằng: kỹ sư công nghệ có thể đi làm ở các công ty và chứng chỉ sư phạm kỹ thuật bậc 2 để có thể đi dạy. Do đó tốt nghiệp sư phạm kỹ thuật ra không chỉ đi dạy. 80% sinh viên tốt nghiệp đi làm ở các công ty, xí nghiệp.
* Em muốn học chuyên ngành bảo mật trong ngành công nghệ thông tin thì có thể học trường nào?
- TS Nguyễn Kim Quang: Đây là một lĩnh vực chuyên sâu trong lĩnh vực CNTT. Nhu cầu nhân lực thông tin trình độ cao hiện nay là rất lớn. Đặc biệt nhu cầu về chuyên ngành bảo mật là rất lớn. Tuy nhiên dù học trường nào, các bạn cần học thật tốt để sau này có thể làm việc tốt. Các em có thể học trường ĐH Khoa học tự nhiên hoặc Bách Khoa.
- TS Nguyễn Thanh Nam: trước tiên các em cần thi vào ngành công nghệ thông tin. Khi đã trúng tuyển các em có thể chọn các chuyên ngành như hệ thống mạng, phần mềm, phần cứng... Khi học chúng ta sẽ học tất cả về công nghệ thông tin. Muốn làm bảo mật chúng ta phải học tất cả về công nghệ thông tin để nắm kiến thức và sau này có thể đi chuyên sâu về bảo mật.
* Nhiều trường có các chương trình liên kết quốc tế. Các chương trình này bằng cấp có giá trị thế nào?
- TS Nguyễn Văn Thư: Liên kết đào tạo với nước ngoài có 3 dạng: nhập chương trình của nước ngoài về và đào tạo, bằng do ĐH nước ngoài ký. Hoặc liên kết giữa 1 trường ĐH VN và 1 ĐH nước ngoài, bằng do hai nước ký. Thứ ba là chương trình liên kết giữa 1 trường nước ngoài và 1 trường VN, bằng Do ĐH VN cấp. Các bạn khi tìm hiểu chương trình liên kết cần tìm hiểu kỹ thông tin này. Học phí chương trình liên kết rất cao nên các em cần lưu ý và cân nhắc chọn trường học phù hợp. Hiện trên website của Bộ GD-ĐT có danh sách các chương trình liên kết được phê duyệt.
* Ngành quản lý bất động sản của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM học những gì, làm việc ở đâu?
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Trường ĐH Nông lâm có 52 ngành và chuyên ngành đào tạo. Riêng về ngành bất động sản, trường có đào tạo ngành quản lý thị trường bất động sản. Chuyên ngành này nằm tong ngành quản lý đất đai. Các bạn được học về luật đất đai, quản lý nhà nước về đất đai, định giá nhà ở, kinh doanh bất động sản... tốt nghiệp có thể làm cho các cơ quan quản lý nhà nước, phòng quản lý đô thị, các công ty kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch bất động sản.
* Trường ĐH Y dược TPHCM có hệ cử nhân. Học cử nhân xong có thể học lên bác sĩ hay không? Cơ hội việc làm như thế nào?
- TS, BS Trương Tấn Trung: Trường có 4 ngành bác sĩ: đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền và y học dự phòng. Khi tốt nghiệp sẽ cấp bằng bác sĩ. Có 8 nhóm ngành cử nhân và tốt nghiệp sẽ cấp bằng cử nhân ĐH. Khi tốt nghiệp các bạn có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ theo chuyên ngành đã học chứ không thể học ngang qua bác sĩ.
Tùy mỗi ngành cử nhân khác nhau các bạn có thể làm việc trong các bệnh viện hoặc cơ quan y tế bên ngoài. Điều dưỡng làm việc chăm sóc bệnh nhân trong khi nhiều ngành khác liên quan đến kỹ thuật nhiều hơn.
* Em muốn thi CĐ, nếu trúng tuyển vào CĐ nghề sau này có được liên thông lên ĐH không?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: nếu trường CĐ mà em muốn thi không tổ chức thi hoặc hệ ĐH trong các trường ĐH thì các em buộc phải dự thi nhờ vào một trường ĐH. Khi có kết quả trường ĐH này sẽ chuyển kết quả cho trường CĐ mà em muốn học để trường này xét tuyển. Với những trường CĐ có tổ chức thi, các em có thể dự thi vào ngày 15 và 16-7.
- PGS-TS Đỗ Văn Dũng: hiện các trường CĐ chia ra hai nhánh: CĐ nghề (thuộc Bộ hoặc Sở LĐ TBXH) và CĐ chuyên nghiệp (thuộc Bộ hoặc Sở GD-ĐT). Từ năm rồi, sinh viên tốt nghiệp CĐ có thể liên thông lên ĐH chuyên nghiệp. Thời gian liên thông từ 2 đến 2,5 năm.
* Em muốn thi ngành xây thì em nên thi vào trường ĐH nào? Cơ hội việc làm thế nào?
- TS. Nguyễn Thanh Nam: Ngành xây dựng là một trong những ngành hấp dẫn hiện nay. Ngành xây dựng có rất nhiều phân ngành nhỏ khác nhau. Với cách đào tạo hiện nay, việc học liên thông rất dễ nếu em đáp ứng đủ điều kiện. Và điều đặc biệt, ngành này sẽ rất nóng trong vài năm tới, chỉ cần em cố gắng học tập thì cơ hội có việc làm sau khi ra trường là điều chắc chắn.
* Trong trường ĐH Nông Lâm ngành công nghệ sinh học và ngành sinh học khác nhau thế nào?
- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành công nghệ sinh học và ngành sinh học là ngành được nhiều trường đào tạo hiện nay. Đây là một ngành phục vụ chính cho lĩnh vực y tế, môi trường và nhiều lĩnh vực khác. Hai ngành này sẽ khác nhau khi sinh viên bước vào giai đoạn học chuyên ngành.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) trả lời thắc mắc của các bạn học sinh - Ảnh: Thuận Thắng |
* ĐHQG TP.HCM có xét tuyển NV1B. Nguyện vọng này xét tuyển như thế nào?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Nguyện vọng này tạo điều kiện cho thí sinh chưa trúng tuyển được xét tuyển ngay trong trường đó. Tuy nhiên, chỉ có một số ngành khó tuyển mới có NV1B. Phía sau giấy báo dự thi sẽ có hướng dẫn đăng ký NV1B.
Nguyện vọng này là tự nguyện, không ép buộc. Việc đăng ký sẽ được xét tuyển ngay tại phòng thi. Những trường nào của ĐHQG TPHCM có xét tuyển NV1B sẽ được thông báo rõ trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2011. Nếu các em chấp nhận, sẽ nhập học còn nếu muốn rút lại nguyện vọng này, các em sẽ được hủy trong vòng 1 tuần lễ sau khi công bố kết quả.
- TS Nguyễn Thanh Nam: NV1B xét tuyển cùng lúc với NV1. Nếu xét NV1 mà ngành đó còn chỉ tiêu sẽ xét những thí sinh chưa trúng tuyển NV1 nhưng đăng ký NV1B. Việc đăng ký xét tuyển NV1B sẽ thực hiện khi thí sinh đến làm thủ tục dự thi. Nếu thí sinh không trúng tuyển NV1B vẫn được cấp giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh để xét tuyển NV2, 3 như khi dự thi vào các trường ĐH khác.
* Tốt nghiệp sinh học Trường ĐH Tự nhiên có thể học thêm 3 năm để lấy bằng dược sĩ của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Thông tin này đúng không ạ?
- TS. BS Trương Tấn Trung: nhà trường đã mở đào tạo văn bằng 2 dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành hóa, sinh học. Sinh viên tốt nghiệp hai ngành này ở bất kỳ trường nào để dự thi vào ngành dược sĩ ĐH.
Học những ngành cử nhân không thể liên thông hoặc học ngang sang ngành bác sĩ. Nếu học trung cấp dược có thể học liên thông lên dược sĩ ĐH. Các ngành khác chỉ có thể học liên thông đến ĐH chứ không thể học lên bác sĩ.
* Chính sách tuyển thẳng dành cho học sinh giỏi quốc gia như thế nào?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Học sinh đạt giải olympic quốc tế mới được tuyển thẳng. Riêng những học sinh đạt giải quốc gia, nếu điểm thi ĐH từ điểm sàn trở lên các em sẽ được ưu tiên xét tuyển vào trường ĐH. Như vậy học sinh giỏi quốc gia vẫn phải thi ĐH và các em sẽ được ưu tiên xét tuyển.
Hiện ĐHQG TPHCM đang đề nghị thí điểm tuyển thẳng học sinh giỏi trường Phổ thông năng khiếu vào các trường thành viên ĐHQG TP.HCM. Khi nào có thông tin chúng tôi sẽ thông báo cụ thể.
* Con tôi học song ngữ Việt Pháp. Chương trình CNTT của trường tự nhiên có liên kết với ĐH Pháp. Vậy làm sao để con tôi có thể vào chương trình liên kết này?
- TS Nguyễn Kim Quang: Từ năm nay, trường tuyển sinh chương trình liên kết ngành CNTT với ĐH Lyon 1 (Pháp). ĐH Pháp cử giảng viên sang cùng với giảng viên đào tạo sinh viên tại trường Tự nhiên. Pháp có hỗ trợ 1 phần kinh phí đào tạo nên học phí 1 năm tương đương 1300 USD. SV tốt nghiệp sẽ được cấp bằng của ĐH Lyon 1. Đầu ra của chương trình theo chương trình của Pháp nên phụ huynh và học sinh có thể yên tâm về chất lượng. Khi tốt nghiệp sẽ được cấp 2 bằng: 1 của ĐH Pháp và 1 của trường Tự nhiên.
Việc xét tuyển vào chương trình: điểm thi ĐH khối A từ 15 điểm trở lên sẽ được xét tuyển.
-TS Nguyễn Thanh Nam: Trường Bách khoa có chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt Pháp nhưng không có ngành CNTT. Hiện có 6 ngành của chương trình liên kết này.
* Muốn học về chế tạo ô tô và xe gắn máy thì học ngành nào?
- PGS TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH sư phạm kỹ thuật TPHCM: ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM có ngành cơ khí động lực, hiện nay là ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô. Chỉ tiêu ngành này tương đối cao: 200 chỉ tiêu, trong đó 50 chỉ tiêu đào tạo giáo viên và 150 kỹ sư. Hệ kỹ sư học 4 năm còn hệ sư phạm thì học 4 năm rưỡi.
Nếu học sư phạm kỹ thuật ô tô các bạn được miễn hoàn toàn học phí nên các bạn không phải lo về mặt kinh tế. Mặc dù tên gọi là sư phạm kỹ thuật ô tô nhưng khi ra trường là bằng kỹ thuật ô tô và chứng chỉ sư phạm kỹ thuật bậc hai. Cơ hội việc làm hiện nay rất nhiều, tại các đại lý của các thương hiệu lớn, cố vấn dịch vụ, chế tạo phụ tùng, dây chuyền sản xuất ô tô. Các bạn còn có thể dạy trong các trường đào tạo kỹ thuật. Trong chương trình các bạn còn được lái ô tô. Điểm chuẩn năm ngoái là 15,5 điểm.
* Thưa các thầy cô, em muốn phân biệt ngành công nghệ sinh học ở trường đại học bách khoa, trường Khoa học tự nhiên và đại học nông lâm khác nhau thế nào. Em muốn học về lĩnh vực di truyền thì học ở đâu?
- TS Nguyễn Kim Quang – Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM: sự phát triển của ngành công nghệ sinh học thể hiện ở việc ứng dụng của nó vào đời sống ngày càng cao. Ngành này thu hút học sinh rất cao.Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc hay ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực môi trường hiện nay hết sức quan trọng.
* TS Nguyễn Thanh Nam, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM: CN sinh học ở ĐH Bách khoa nằm trong khoa hóa. CN sinh học ở ĐH KH tự nhiên nằm trong khoa sinh, nếu em theo ngành di truyền thì có thể thi KH tự nhiên.
- PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM: Về ngành giống nhau giữa nhiều trường đào tạo: 70% là giống nhau về chương trình học, 30% là thế mạnh của từng trường
* Ngành nào cũng cần kỹ năng mềm của ngành đó? Vậy những kỹ năng đó là gì?
- TS Nguyễn Kim Quang: Nhiều bạn cũng quan tâm đầu ra của mỗi ngành, đó là cơ hội việc làm. Kỹ năng mềm quyết định đến việc tuyển dụng của bạn, dựa vào những kỹ năng ngoài chuyên môn của bạn. Đặc biệt, nếu đi vào những ngành chuyên sâu vào nghiên cứu, bạn cần bàn tay khéo léo để sử dụng các thiết bị tinh vi, cần cù chịu khó là những kỹ năng mềm.
Với những ngành xã hội thì cần giao tiếp tốt, sử dụng thành thạo ngoại ngữ, ứng dụng tin học. Một số ngành khác còn đổi hỏi kỹ năng lập trình, tính toán…Các nhà tuyển dụng đặc biệt nhà tuyển dụng nước ngoài yêu cầu rất cao ở kỹ năng mềm.
* Mở đầu chương trình tư vấn buổi chiều, TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó GĐ ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết có một vài thay đổi nhỏ trong tuyển sinh 2011 như thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi sẽ lùi lại 4 ngày so với mọi năm. Các thí sinh trúng tuyển không cần chuẩn bị bộ hồ sơ trúng tuyển như những năm trước mà chỉ bổ sung thêm một số giấy tờ.
Đối với các HS đang học tại các trường THPT thì nộp tại trường mình đang học. Đối với thí sinh tự do, các em nộp tại các điểm do sở GD ĐT quy định trước 14-4-2011. Sau thời hạn trên các em có thể nộp tại trường mà mình thi trước 21-4.
Về đề thi: kỳ thi diễn ra vào tháng 7, có các khối thi chính là A,B,C,D. Các môn toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ thi theo phương pháp trắc nghiệm. Môn ngoại ngữ chỉ có phần chung, không có phần tự chọn. các môn còn lại đề có phần tự chọn và phần chung. HS được tùy chọn phần tự chọn để làm bài. Tuy nhiên đã chọn phần tự chọn nào thì chỉ một phần đó, sẽ phạm quy nếu làm cả hai phần tự chọn.
Đầu tháng 8, các trường công bố điểm thi của HS lên mạng, Bộ GD ĐT sẽ công bố điểm sàn. Những TS trúng tuyển NV1 sẽ được cấp giấy trúng tuyển để nhập học, các em này không được đăng ký xét tuyển NV2. Những TS thấp hơn điểm sàn thì được cấp giấy báo điểm nhưng không xét NV 2 và 3 được. Nếu trên điểm sàn, em sẽ được cấp giấy bảo lư điểm để xét tuyển NV2 và 3.
* Tôi có một đứa con gái đang học lớp 12, tôi muốn hướng cho cháu đi ngành công nghệ sinh học. Tôi chưa hiểu rõ lắm nên nhờ BTV giúp tôi trả lời: Ngành công nghệ sinh học dạy gì? Cơ hội việc làm ra sao? Những yếu tố nào cần thiết cho một SV để có thể theo học ngành này?
- PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM: Đây là ngành mới ở VN, ứng dụng kết quả nghiên cứu sinh học vào đời sống như thụ tinh trong ống nghiệm, sản xuất vac-xin, phục vụ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, ứng dụng trong bảo vệ môi trường như xử lý nước thải, ứng dụng trong sản xuất giống cây trồng vật nuôi.
Những thành tựu mới trong sinh học sẽ được ứng dụng vào cuộc sống. nếu con chị miệt mài, say mê tìm tòi, khám phá sẽ phù hợp nghề này. Nhiều trường ĐH có đào tạo ngành này như Bách khoa, khoa học tự nhiên… Hiện nay điểm chuẩn khá cao. Tốt nghiệp em có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực: y tế, chế biến.
* Em thi kỹ sư xây dựng của ĐH Bách khoa nhưng muốn có thêm bằng kiến trúc thì có được không?
- TS Nguyễn Thanh Nam, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM: Trường ĐH BK hiện nay áp dụng học chế tín chỉ.Trong quá trình em học ngành xây dựng, em có thể đăng ký học thêm các môn kiến trúc. Tuy nhiên ngành kiến trúc đòi hỏi rất nhiều thời gian, làm đồ án nhiều. Em sẽ rất mất thời gian và rất khó để theo. Có cách thứ hai là em học xong bằng xây dựng rồi học tiếp về kiến trúc. Như vậy học văn bằng hai ở tại trường mà em đã đậu thì không phải thi lại.
* Em nghe nói bằng ĐH quốc tế có giá trị hơn bằng ĐH trong nước?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Hiện các trường ĐH có nhiều chương trình liên kết cũng như có nhiều trường mới thành lập có yếu tố nước ngoài. ĐH quốc tế miền đông, ĐH quốc tế Hồng Bàng, ĐH quốc tế thuộc ĐH quốc gia TP.HCM… là một số trường phụ huynh và các em đã nghe.
Ở trường ĐH quốc tế của ĐH quốc gia tất cả các môn đều học bằng tiếng Anh nhưng cấp bằng VN. Ở trường quốc tế học phí cao hơn. Nhiều trường có hoạt động liên kết với các trường quốc tế, học hai năm ở VN, hai năm ở nước ngoài. Trường đại học Việt - Đức lại là hình thức du học tại chỗ, học ở VN nhưng cấp bằng của Đức. Học phí các trường quốc tế ở mức cao và điều kiện học tập rất tốt, tương ứng với học phí. Nhưng bằng nào có giá trị hơn giữa bằng quốc tế và bằng VN là do xã hội khẳng định.
- TS Nguyễn Thanh Nam: Ở Mỹ có 4.000 trường đại học, không phải trường nào bằng cấp cũng có giá trị như nhau. Ở VN cũng vậy, quan trọng là khi tốt nghiệp xong, ta cầm tấm bằng như một lời giới thiệu. Nhà tuyển dụng nhìn vào đó nhưng cũng nhìn vào khả năng, kinh nghiệm, kỹ năng mềm của chúng ta. Bằng cấp của các trường ĐH VN cũng được công nhận ở nước ngoài và ngược lại.
* Ngành công nghệ tự động sau khi tốt nghiệp có thể dễ kiếm việc làm hay không?
- TS Nguyễn Thanh Nam: Tự động hóa và điều khiển là một ngành. Máy móc hoạt động cần lập trình, điều khiển. Trong trường Bách khoa ngành này nằm trong khoa điện, có nền tảng về điện - điện tử. Các môn học khá nặng về mặt giải thuật. Bên cạnh những hiểu biết về kỹ thuật, cần kiến thức về toán, kỹ thuật, điện còn phải giỏi về công nghệ thông tin. Ngành này đang có nhu cầu nhân lực cao ở khắp các nhà máy, dây chuyền tự động, cơ hội việc làm rất hấp dẫn.
- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Ở trường sư phạm kỹ thuật còn có ngành công nghệ tự động nằm ở khoa cơ khí chế tạo máy. Ngành này học về tự động hóa các dây chuyền: dây chuyền đóng gói sản phẩm, máy ATM… Trong lĩnh vực cơ khí có chuyên ngành về tự động nhưng chủ yếu đi vào các dây chuyền nhiều hơn.
* Ngành tài nguyên môn trường ở ĐH Bách Khoa TP.HCM học gì?
- TS Nguyễn Thanh Nam: ĐH Bách khoa có khoa môi trường, có ngành kỹ thuật và quản lý môi trường chứ chưa có ngành tài nguyên môi trường. Hiện nay các dự án đều phải đánh giá tác động đến môi trường, từ khu chế xuất đến các phòng tài nguyên môi trường quận huyện hay các nhà máy nên nhu cầu nhân lực rất cao.
* Trường giao thông vận tải năm nay có tuyển nữ? Vậy nữ đi học giao thông vận tải có phù hợp không?
- TS Nguyễn Văn Thư: Đa số các ngành học ở trường đều tuyển nữ. Hai ngành xưa nay chưa bao giờ tuyển nữ là liên quan đến khoa học hàng hải thì nhà trường đang xin phép tuyển nữ. Điều này liên quan đến một công ước quốc tế đề nghị có nữ tham gia công việc hàng hải. Tuy nhiên, trong môi trường độc quyền nam giới này, đòi hỏi các bạn nữ phải có bản lĩnh khá cao. Rất hiếm nước có thuyền viên nữ. Các bạn hãy cân nhắc những ngưỡng về tâm lý và sức khỏe để có thể theo được ngành này.
* Ngành công nghệ sinh học ứng dụng vào lĩnh vực y học và các ngành dược có khác nhau ra sao?
- TS Nguyễn Kim Quang: Nếu nghiên cứu để bào chế dược phẩm, nhưng ngành bào chế cũng phải có kiến thức về sinh - hóa và kỹ thuật đi kèm. Công nghệ sinh học được ứng dụng về y học hiện nay trong các bệnh viện là rất quan trọng. Nếu bạn học dược thì bạn hiểu về dược phẩm, quản lý, bào chế dược phẩm, nhưng nền tảng cũng được trang bị về kiến thức cơ bản sinh - hóa. Đội ngũ giảng dạy trong các trường y dược cũng có nhiều người học về công nghệ sinh học.
- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Nếu em học dược sĩ, coi như em có thẻ hành nghề bán thuốc, còn học công nghệ sinh học thì không. Công nghệ sinh học không trực tiếp làm ra thuốc mà chỉ cung cấp chế phẩm, chiết xuất những thành phần có thể tạo nên viên thuốc còn dược sĩ thì có thể mở hiệu thuốc, bán thuốc. Công nghệ sinh học không chỉ phục vụ cho ngành y mà còn nhiều ngành khác nữa.
* Thi vào nhóm ngành điện, điện tử của khoa điện tử ĐH Bách Khoa có 3 chuyên ngành, khi vào học mới phân chuyên ngành. Vậy căn cứ yếu tố nào để phân chuyên ngành? Giữa khoa địa chất dầu khí và khoa điện, điện tử, cơ hội việc làm ở khoa nào cao hơn?
- TS Nguyễn Thanh Nam, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách Khoa TPHCM: Sau 5 học kỳ học chung, SV sẽ được tự do chọn ngành. SV thích ngành nào thì đăng ký ngành đó. Điện - điện tử là ngành lớn, tồn tại khắp nơi nên cơ hội việc làm rộng hơn. Các ngành dầu khí tuy phạm vi xin việc không lớn bằng ngành điện - điện tử nhưng thực tế thu nhập ngành này lại rất hấp dẫn. Dầu khí có cơ hội việc làm ở miền nam lớn hơn.
* Tôi mua cho con một máy tính Casio nhưng trong danh sách được mang vào phòng thi đại học lại không có máy tính này mà chỉ ghi “các loại máy tính tương đương”? Tôi rất băn khoăn về điều này? Cháu có thể mang máy tính này vào phòng thi không?
- TS Nguyễn Thanh Nam, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM: Tiêu chí chung của máy tính là không có thẻ nhớ, không có lập trình, phụ huynh có thể về kiểm tra lại tên hiệu và chức năng của máy tính này.
* Học giao thông vận tải có những chuyên ngành gì?
- TS Nguyễn Văn Thư: Trường ĐH Giao thông vận tải có các ngành xây dựng có công trình thủy, xây dựng cầu đường… Nhóm ngành cơ khí: cơ khí động lực, cơ khí ô tô, đóng tàu…Ngành hàng hải: chuyên ngành điều khiển tàu biển, điện - điện tử tàu thủy… Nhóm ngành kinh tế: kinh tế vận tải biển, chuyên ngành kinh tế xây dựng… Cơ hội việc làm hiện nay rất cao.
* Em nghe nhiều người giới thiệu về ngành quản lý công nghiệp của ĐH Bách Khoa, xin nhờ thầy tư vấn về chỉ tiêu, điểm chuẩn cũng như cơ hội việc làm:
- TS Nguyễn Thanh Nam: Trường bách khoa có 11 khoa, 10 khoa kỹ thuật và 1 khoa quản lý công nghiệp. Quản lý công nghiệp nói nôm na là học về kinh tế, cũng có kế toán, tài chính, qquanr trị doanh nghiệp nhưng có thể kết nối với các kỹ sư, hiểu được các vấn đề kỹ thuật tốt hơn. Dọc dài hơn so với kinh tế truyền thống. Cơ hội làm việc giống như các ngành kinh tế và chắc chắn rất hấp dẫn. Điểm chuẩn vào khoảng 17 - 19 điểm tùy từng năm. Chỉ tiêu năm nay là 180 em và có thể dao động. Môi trường học của khoa này rất tốt.
* Ngành sư phạm công nghệ thông tin (CNTT), ra trường có thể nhận được hai bằng ĐH phải không ạ?
- PGS. TS Đỗ Văn Dũng: Nếu em đăng ký chương trình bốn năm thì học đơn thuần về CNTT, còn nếu đăng ký vào hệ sư phạm công nghệ thông tin, em sẽ được cấp bằng Cử nhân CNTT và Chứng chỉ sư phạm kỹ thuật bậc hai. Điều đó cho phép các em có nhiều lựa chọn: làm việc ở các trung tâm quản trị mạng hoặc đi dạy. Ưu điểm của chương trình này là được miễn hoàn toàn học phí. Năm ngoái ngành này chỉ lấy 14 điểm.
* Ngành kỹ thuật y sinh học gì?
-TS Nguyễn Thanh Nam: Kỹ thuật y sinh ở ĐH Bách Khoa được học trong khoa Khoa học ứng dụng. Chúng ta hiểu đó là kỹ thuật dùng trong y học, các phương tiện máy móc hỗ trợ cho ngành y, hỗ trợ các bệnh viện. Từ máy chụp, máy scan, các phương tiện thở, châm cứu… Những máy móc này không phải bác sĩ làm ra, không phải bác sĩ vận hành mà phải có bộ phận riêng. Ngành này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, chu đáo của những người làm việc.
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Ngành kỹ thuật y học đang được đào tạo tại Trường Y - ĐH Huế, ĐH Y dược và trường ĐH quốc tế cũng có ngành kỹ thuật y sinh. Ngành này sử dụng công nghệ cao như công nghệ gen, sinh sản vô tính…
Về bằng cấp, như chúng tôi đã nói, về mặt hình thức, hiện nay chỉ có ĐH quốc gia được cấp bằng riêng, còn tất cả các trường ĐH khác đều dùng chung phôi bằng của Bộ nên không hề có sự khác biệt về hình thức. Tất cả phụ thuộc vào bản lĩnh của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
16g15, quá nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, giao thông vận tải… Vẫn còn khá đông học sinh tập trung tại sân B6 để chờ được đặt câu hỏi song thời gian có hạn nên ban tư vấn đã quyết định mỗi thành viên tư vấn xuống phía dưới tư vấn theo từng nhóm ngành cụ thể, chuyên sâu hơn. Những phần quà đã được trao tay những học sinh đặt câu hỏi hay, thú vị.
Thành viên ban tư vấn nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ - y dược - nông lâm - TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM. - TS Nguyễn Thanh Nam - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM). - PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. - TS Nguyễn Văn Thư - phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. - TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). - PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM. - Th.S, BS Trương Tấn Trung - Trường ĐH Y dược TP.HCM. |
Đơn vị tài trợ:
![J5bwbb4g.jpg](http://static.tuoitre.vn/tto/i/s626/2011/02/19/J5bwbb4g.jpg)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận