16/01/2011 14:09 GMT+7

Cùng con em chiến sĩ Trường Sa chọn trường

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2011 do Bộ GD-ĐT, Báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT Khánh Hòa, Tỉnh đoàn Khánh Hòa phối hợp tổ chức mang thông tin về với thí sinh Khánh Hòa tại Trường THPT Ngô Gia Tự (207 Nguyễn Công Trứ, phường Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hòa).

Tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội - ngoại ngữ - báo chí - quân đội - công an tại Khánh HòaTư vấn nhóm ngành khoa học - kỹ thuật - công nghệ tại Khánh HòaTư vấn nhóm ngành kinh tế - y dược - nông lâm tại Khánh Hòa

Đặc biệt, chương trình đón tiếp gần 100 học sinh là con em cán bộ chiến sĩ bộ đội Trường Sa đang học tại các trường THPT ở Cam Ranh.

QBr1YYmi.jpgPhóng to
Bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo, học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: Minh Đức

Năm nay, Ban tổ chức quyết định chọn Trường THPT Ngô Gia Tự (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) tổ chức chương trình vì trường nằm gần khu vực cư trú của gia đình cán bộ chiến sĩ vùng 4 Hải quân và Lữ 101. Và ngôi trường này cũng có số học sinh con em của cán bộ chiến sĩ hải quân đang học lớp 12 đông nhất (gần 50 học sinh).

Ngay từ 13g ngày 16-1, hàng ngàn học sinh tại TP Cam Ranh và huyện lân cận Cam Lâm (Khánh Hòa) đã về Trường THPT Ngô Gia Tự để tham gia chương trình. Trong số này có hơn 50 em học sinh là con em chiến sĩ các đơn vị hải quân, chiến sĩ đang phục vụ tại Trường Sa.

3wmZuDE5.jpgPhóng to
Anh Tăng Hữu Phong - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu khai mạc chương trình Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2011 tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa chiều 16-1 - Ảnh: Minh Đức
L4U1dhee.jpgPhóng to
Học sinh Trường THPT Trần Bình Trọng đến tham dự chương trình Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp tại Trường THPT Ngô Gia Tự, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa chiều 16-1 - Ảnh: Minh Đức
uccPk5CY.jpgPhóng to
Học sinh TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa tìm hiểu thông tin trên báo Tuổi Trẻ tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp chiều 16-1 - Ảnh: Minh Đức
ZllmpWgD.jpgPhóng to
TS Nguyễn Đức Nghĩa cung cấp những thông tin chung của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 tại chương Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2011 tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa chiều 16-1 - Ảnh: Minh Đức

Em Khổng Thị Phương Thảo - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Ngô Gia Tự, có ba phục vụ ở Lữ 957, Vùng 4 Hải Quân cho biết dự tính dự thi vào Trường ĐH Ngoại thương khối D. Ngay từ nhỏ, ba chị em Thảo đã quen với cuộc sống thiếu vắng ba mẹ hàng ngày. Ba đi công tác vài tháng mới về một lần, mẹ cũng phục vụ trong quân đội nên đi từ sáng tới tối mới về. Mọi chuyện ở nhà ba chị em phải tự xoay sở.

"Cuộc sống vắng ba mẹ thường xuyên nên có nhiều khó khăn so với các bạn khác. Ít được gặp bố mẹ nên các chị em phải tự lập hơn, tự biết chuyện gì đúng - sai mà làm. Đôi khi ba chi em cũng có phần tủi thân với bạn bè nhưng nhưng nghĩ lại ba mẹ đang phục vụ quân đội, bảo vệ tổ quốc nên mấy chị em rất tự hào và cố gắng nhiều hơn" - em Thảo chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Yến - Giáo viên dạy Văn Trường THPT Ngô Gia Tự cho biết hầu hết con em các chiến sĩ, bộ đội đều học tập khá giỏi. Do thiếu vắng sự quan tâm của cha nên nhà trường, giáo viên cũng thường xuyên quan tâm, động viên các em học tập nhằm chia sẻ phần nào khó khăn với các em.

Anh Võ Khánh Hưng - bí thư đoàn trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Cam Lâm) cho biết do điều kiện đi lại xa xôi nên trường chỉ chọn 250 học sinh tiêu biểu của trường đến tham gia chương trình. Các em đi về sẽ truyền đạt lại cho những bạn không được đi.

Mở đầu cho phần tư vấn chung về ngành nghề, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM nhận xét: "Khánh Hòa là một tỉnh có nhiều học sinh giỏi, có nhiều thủ khoa các trường ĐH hàng năm. Khánh Hòa có 17.000 - 18.000 học sinh thi vào các trường đại học, tỷ lệ đậu khoảng 26% tức là 4 em đi thi có một em trúng tuyển, cao hơn tỷ lệ bình quân cả nước."

TS Nghĩa cho biết về thi và tuyển sinh 2011, dự kiến đến sau Tết, Bộ GD-ĐT mới tổ chức hội nghị tuyển sinh. Tuy nhiên cơ bản vẫn giữ phương thức ba chung (chung đợt, chung đề và sử dụng chung kết quả). Đề thi do Bộ GD-ĐT biên soạn, các trường dùng kết quả đề thi chung đó để xét tuyển NV2, 3. Về vấn đề thi cụm, thí sinh Khánh Hòa dự thi vào TP.HCM sẽ thi tại TP.HCM.

SAU ĐÂY LÀ NỘI DUNG TƯ VẤN:

* Làm sao chọn đúng ngành nghề phù hợp?

- TS Lê Thị Thanh Mai- Phó Trưởng ban đại học và sau đại học ĐHQG TP.HCM: Để chọn ngành phù hợp, các em có thể ghi ra tất cả những ngành, những trường mình quan tâm. Sau đó, tìm hiểu về các ngành học đó, khối thi vào ngành mình yêu thích là khối nào. Ngoài ra, cũng rất cần tìm hiểu những tố chất cần thiết cho ngành nghề mình chọn (ví dụ: muốn vào ngành Y không được sợ máu).

rbighUw4.jpgPhóng to
TS Lê Thị Thanh Mai - phó ban ĐH và sau ĐH (ĐHQG TP.HCM) trả lời tư vấn cho các thí sinh - Ảnh: Minh Đức

Để thử sức mình có khả năng đậu đại học hay không, các em có thể thử giải đề thi các năm trước, xem mình có thể đạt bao nhiêu điểm, sau đó tìm hiểu điểm chuẩn các trường xem mình có thể đủ điểm vào những trường nào.

Nếu các em thích nhiều ngành nhưng chưa biết chọn ngành nào, nên tham khảo ý kiến cha mẹ, thầy cô để có thêm thông tin chọn lựa đúng ngành nghề phù hợp với mình.

* Em muốn làm việc ở lĩnh vực PR, truyền thông, học ngành gì?

- TS Phạm Tấn Hạ, phó phòng đào tạo ĐH KHXHNV (ĐHQG TP.HCM): Liên quan đến lĩnh vực này, các em có thể học khoa báo chí ĐH KHXHNV (ĐHQG TP.HCM). Có hai chuyên ngành: Báo in và truyền thông và Báo điện tử. Trong chương trình các bạn sẽ được đào tạo kiến thức về tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, các bạn nên cân nhắc vì ngành này điểm chuẩn khá cao.

NGQXWLbJ.jpgPhóng to
TS Phạm Tấn Hạ - phó phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) trả lời tư vấn cho các bạn thí sinh - Ảnh: Minh Đức

Nếu chưa tự tin về học lực, em có thể thi vào Quan hệ quốc tế, đông phương, ngoại ngữ… rất nhiều SV các ngành khác có thể làm công việc này chứ không nhất thiết phải học ngành báo chí.

* Giáo viên hiện nay đang dư thừa, chúng em có nên thi vào ngành sư phạm?

- PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Khối sư phạm có 2 lĩnh vực: sư phạm và sư phạm kỹ thuật. Đúng là nhu cầu giáo viên ở các thành phố lớn rất ít nhưng ở vùng sâu vùng xa thì còn khá lớn. Nhiều trường ĐH Sư phạm không chỉ đào tạo sư phạm mà còn có nhiều ngành ngoài sư phạm. Hơn nữa những sinh viên giỏi vào sư phạm, khi học sinh viên sẽ được miễn học phí.

Nếu tốt nghiệp, sinh viên học sư phạm kỹ thuật sẽ được cấp hai bằng: kỹ sư và chứng chỉ sư phạm bậc 2. Sinh viên tốt nghiệp có thể đi làm ở các công ty hoặc đi dạy.

- Ông Vũ Tiến Cát - trưởng phòng GD chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Khánh Hòa: Chúng ta nên hiểu rằng đội ngũ giáo viên từ mầm non đến các trường nghề hiện ở Khánh Hòa vẫn còn thiếu giáo viên các ngành. Năm 2012, Khánh Hòa phổ cập giáo dục mầm non nên sẽ thiếu nhiều giáo viên mầm non.

Các em có thể học CĐSP trung ương hoặc ngành mầm non ở các trường ĐH-CĐ. Đội ngũ giáo viên tiểu học mới chỉ đáp ứng dạy học 1 buổi/ngày. Nếu dạy 2 buổi/ngày sẽ thiếu rất nhiều. Hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thiếu khá nhiều GV tiểu học, GV THCS và THPT cũng chưa đủ.

Hiện Khánh Hòa có nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề nên nhu cầu giáo viên kỹ thuật rất lớn.

* Xin hỏi thầy Quang, ngành đào tạo lập trình viên và công nghệ phần mềm của ĐH KHTN có gì nổi bật so với trường khác?

- TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM): Câu hỏi của bạn phần nào đã khẳng định uy tín, điểm nổi bật trong đào tạo ngành CNTT của trường. Hiện rất nhiều trường đào tạo ngành này. ĐH KHTN ĐHQG TP.HCM là một trong hai trường đầu tiên phía Nam đào tạo ngành này. Trường ĐH KHTN dựa trên nền nảng các môn khoa học cơ bản để đào tạo tốt hơn ngành CNTT.

Về thành tích của trường: nhiều sinh viên trường đạt nhiều giải cao các kỳ thi lập trình quốc tế, nhiều SV được dự hội nghị quốc tế về CNTT. Chúng ta cũng chưa có điểu kiện giới thiệu thành tựu của các thầy giảng dạy tại trường, những người đã mang nhiều kiến thức kinh nghiệm từ nước ngoài đóng góp giảng dạy cho trường.

Nếu em có nguyện vọng vào ngành này hãy mạnh dạn đăng ký dự thi. Ngành này có nhu cầu rất lớn về nhân lực.

* Em ước mơ học quản trị kinh doanh, nên học trường nào để phù hợp với HS nghèo? Cơ hội thành công ngành này đối với HS nghèo?

- Th.S Lâm Tường Thoại, trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế Luật ĐHQG TP.HCM: Hiện rất nhiều trường đào tạo ngành này với nhiều chuyên ngành khác nhau (QTKD nhân sự, QTKD thương mại…). Trường nào phù hợp với HS nghèo? Các em có thể tham khảo học phí trên website các trường. Thông thường các trường công lập có học phí thấp hơn các trường ngoài công lập.

Cơ hội nghề nghiệp không phân biệt xuất thân nghèo hay giàu. Cơ hội việc làm phụ thuộc vào kiến thức, khi ra trường doanh nghiệp không hỏi em nghèo hay giàu, chỉ cần mình chứng minh mình đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp ở mức nào.

- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM: hiện các em có thể vay tiền đóng học phí, nếu học giỏi có thể được nhà trường cấp học bổng. Các em không cần quá lo lắng về học phí.

- TS Lê Thị Thanh Mai: điều đầu tiên các em cố gắng trúng tuyển vào ngành mình thích. Các trường có nhiều nguồn học bổng từ các tổ chức, học bổng này dành cho HS nghèo, học giỏi. Chương trình Tiếp sức đến trường của Báo Tuổi Trẻ cũng có học bổng dành cho những HS trúng tuyển ĐH, CĐ có hoàn cảnh khó khăn.

* Nếu tốt nghiệp ĐH luật có thể đi làm ở ngành công an, an ninh được không?

- ThS Lê Văn Hiển: Tốt nghiệp ĐH Luật có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ quan nhà nước, công an hay tư vấn cho các công ty luật.

* Trường Bách khoa (ĐHQG TPHCM) có ít học sinh viên nữ theo học. Có ngành kỹ thuật nào phù hợp với nữ không?

-TS Lê Thị Thanh Mai: Những nhóm ngành kỹ thuật vẫn đang rất thu hút nữ. Tuy nhiên các em cần tìm hiểu mình có thích, có phù hợp với ngành đó hay không chứ không phải là ngành đó có phù hợp với mình hay không.

- PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Đa số các ngành kỹ thuật nữ có thể học trừ các ngành quá nặng như lái tàu biển. Ngay tại TP Cam Ranh có 1 nữ sinh đậu vào ngành cơ khí ô tô và đang làm tư vấn kỹ thuật cho một công ty ô tô với thu nhập khá cao. Nếu cùng chọn một ngành kỹ thuật thì nữ có rất nhiều lợi thế so với nam.

- TS Nguyễn Văn Thư: Trường kỹ thuật đúng là có ít sinh viên nữ. Riêng trường Bách khoa các em có thể học ngành Quản lý công nghiệp. Các trường kỹ thuật khác, ngành nào cũng cần nữ và có nữ học. Hiện có 2 ngành không tuyển SV nữ là đi biển và khai thác máy tàu thủy nhưng từ năm nay ngành đi biển sẽ bắt đầu tuyển nữ.

* Các trường ĐH Việt Nam có ngành khảo cổ chưa?

- TS Phạm Tấn Hạ: Em là người đầu tiên hỏi về ngành này! Nếu muốn tìm hiểu về ngành này em có thể thi vào ngành lịch sử, trong đó có chuyên ngành khảo cổ học.

Ngành này học các vấn đề liên quan đến con người từ thời tiền sử đến nay, quá trình hình thành và phát triển của con người dưới sự tác động của các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên em phải cân nhắc vì ngành này phải đi thực địa, khai quật các di chỉ rất nhiều. Tốt nghiệp ngành này có thể làm nghiên cứu viên hoặc đi khảo cổ.

* Muốn thi hai trường ĐH cùng khối thì phải làm như thế nào? Việc đăng ký NV2,3 như thế nào?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Các em có thể nộp nhiều bộ hồ sơ nhưng trong mỗi đợt chỉ được dự thi vào một trường. Việc xét tuyển vào NV2,3 phải có ba điều kiện: thứ nhất là phải rớt NV1, thứ hai điểm thi không thấp hơn điểm sàn do Bộ qui định và thứ ba chỉ được nộp hồ sơ vào những ngành trường có xét tuyển.

Thực tế, có nhiều trường chỉ xét tuyển NV1, không có chỉ tiêu NV2,3. Các em đừng lầm tưởng mỗi người có 3 nguyện vọng, thực tế mỗi thí sinh chỉ có một nguyện vọng chắc ăn nhất là nguyện vọng 1.

* Nếu rớt tốt nghiệp có thể đi học tiếp được không? Nếu rớt ĐH có thể chọn con đường nào?

- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Nếu đủ sức vào ĐH, các em có thể học CĐ, trung cấp. Sau này nếu có điều kiện sẽ học liên thông lên ĐH. Nhiều trường trung cấp chỉ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp, sau này sẽ học tiếp lên cao.

- Thầy Vũ Tiến Cát, trưởng phòng GDCN Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa: Nếu không tốt nghiệp THPT, các em có thể học hệ trung cấp các trường trung cấp, CĐ. Các trường này chỉ xét tuyển theo điểm các môn văn hóa. Khi vào học, các em sẽ học bổ sung kiến thức các môn có điểm trung bình dưới 5. Sau đó, học chương trình trung cấp bình thường.

Thời gian đào tạo đối với HS diện này sẽ học chương trình dài hơn HS khác khoảng 3 tháng. Sau này vẫn được học liên thông lên cao.

Ngoài ra, các em có thể vào học trung cấp ở các trường trung cấp nghề, CĐ nghề trên địa bàn. Sau khi tốt nghiệp, các em có thể học liên thông lên CĐ, ĐH các ngành nghề tương tự ngành mình đã học bậc trung cấp.

Ba giờ tư vấn dường như vẫn chưa đủ với hàng nghìn thắc mắc của các bạn HS dành cho ban tư vấn. Quá 17g, tất cả các thầy cô trong ban tư vấn vẫn còn bận rộn giữa vòng vây học trò thắc mắc ngành nghề. Nhóm kinh tế vẫn nóng, nhóm ngành y dược vẫn chưa dứt câu hỏi, nhóm kỹ thuật vẫn còn nhiều bạn nán lại hỏi thêm. Nhóm ngành khoa học xã hội, học sinh vẫn tiếp tục được ban tư vấn chia sẻ ưu tư.

Chia tay học sinh TP Cam Ranh, Khánh Hòa, Ban tư vấn chương trình Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2011 của Báo Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục hành trình mang thông tin về với HS Tây Nguyên trong hai chương trình tư vấn tại Đăk Lăk và Đăk Nông vào cuối tuần tới.

Danh sách Ban tư vấn tại Khánh Hòa:

1- TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia

2- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM

3- TS Lê Thị Thanh Mai, phó trưởng ban đại học và sau đại học ĐHQG TP.HCM

4- TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM

5- PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

6- TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM

7- Ths Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing

8- Ths. BS Trương Tấn Trung, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp ĐH Y dược TP.HCM

9- Ths Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM

10- Ths Lâm Tường Thoại, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật ĐHQG TP.HCM

11- TS Nguyễn Văn Thư, phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM.

12- Thầy Vũ Tiến Cát, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Khánh Hòa

13- Thầy Trương Trọng Ánh, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nha Trang

Đơn vị tài trợ:

NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên