![]() |
Học sinh tham quan tại gian hàng đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội - Ảnh: QUANG THẾ |
![]() |
Nhiều học sinh xin chữ may mắn - Ảnh: QUANG THẾ |
Mở đầu, PGS.TS Trần Văn Nghĩa giới thiệu một số điểm mới của kỳ thi tuyển ĐH, CĐ 2012. Về cơ bản giữ ổn định như năm 2011, nhưng có một số thay đổi: Tuyển thẳng ĐH Quốc gia đối với học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia vào ngành đúng môn thi hoặc ngành gần với môn thi mà HS đạt giải. Chi tiết về ngành gần thì Bộ sẽ sớm công bố.
PGS Nghĩa cũng lưu ý thí sinh cẩn trọng trong việc ghi hồ sơ đăng ký dự thi khi năm nay Bộ quán triệt việc thực hiện ghi mã ngành mới với tất cả các ngành các trường. Theo đó, trước đây mã ngành đào tạo thường gồm ba chữ số thì năm nay gồm một chữ và sáu số.
Ngay sau phần giải đáp của PGS Nghĩa, rất nhiều câu hỏi được thí sinh đặt ra cho ban tư vấn.
*Năm nay, Bộ cho phép có nhiều nguyện vọng?
- PGS TS Trần Văn Nghĩa: Sau khi em thi xong nếu trúng tuyển thì đương nhiên em trúng tuyển vào trường ĐH đăng ký thi. Nếu không trúng tuyển, em sẽ nhận hai phiếu chứng nhận kết quả để gửi hồ sơ đăng ký nguyện vọng sang nhiều trường (tùy từng trường yêu cầu nhận phiếu gốc hay bản sao). Năm nay Bộ không yêu cầu điểm xét tuyển đợt sau cao hơn đợt trước nên các trường có thể hạ điểm xét tuyển cho những đợt xét sau nếu còn chỉ tiêu. Như vậy là thí sinh có thêm nhiều cơ hội.
*Em muốn thi vào sư phạm Văn thì sau đó em sẽ được vào học những chuyên ngành nào? Ưu đãi đối với SV sư phạm hiện nay?
-TS Nguyễn Thị Tĩnh, phó hịêu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội: Em có thể vào học các chuyên ngành Văn học nước ngoài, văn học Việt Nam và phương pháp giảng dạy văn học. Hiện nay, nhà nước vẫn có ưu tiên cho SV Sư phạm được miễn học phí. Nếu vào Sư phạm Văn, em sẽ được gặp những chuyên gia, cây đa cây đề của môn Văn.
* Em thi khối C. Vậy đề thi có ra vào phần giảm tải không ạ?
-PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Em yên tâm, đề thi sẽ không ra vào phần giảm tải.
* Ngành công an và quân đội có gì khác nhau? Khi muốn thi vào ngành công an, quân đội thì phân ngành sau luôn không? Việc phân công việc sau này?
-Đại tá Nguyễn Trung Thực, trưởng phòng Kế hoạch, Cục nhà trường, Bộ Quốc phòng: Trong quân đội có ngành mà trong quân đội có mà bên ngoài cũng có. Riêng các trường đặc thù quân sự thì có hàng trăm ngành. Khi ra trường, dứt khóat là phải phục vụ trong quân đội. Điểm đặc biệt là người tốt nghiệp không cần phải xin việc mà được phân công. Những người học lực giỏi sẽ được tự chọn nơi công tác.
-Riêng các em thi vào nhóm ngành công an, cảnh sát thì thi vào trường theo điểm chuẩn chung rồi sau đó sẽ được phân ngành. Thi tuyển trong công an gắn với sử dụng. Bộ Công an sẽ điều động, phân công công việc cho SV sau tốt nghiệp.
* Em muốn thi vào Sư phạm Văn, nếu không đủ điểm thì có thể chuyển sang ngành sư phạm khác không?
-TS Nguyễn Thị Tĩnh, phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội: Năm nay, cơ chế rất thoáng, linh họat. Nếu em không đỗ sư phạm Văn, có thể đăng ký xét tuyển ngành Việt Nam học nếu ngành này còn chỉ tiêu xét tuyển.
*Em muốn thi vào Học viện Quân y, nhưng em bị cận 3 đi-ốp liệu có đủ điều kiện dự thi không?
- Đại tá Nguyễn Trung Thực: Quy định thi vào các trường quân đội như Học viện Quân y là độ cận tối đa là 3 đi- ốp. Quy chế không được vượt rào. Tuy nhiên, tôi thấy có nhiều bạn cận độ nặng có đi phẫu thuật, sau đó đủ điều kiện thi và học tại trường.
*SV học kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương sau này sẽ làm nghề gì?
-TS Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương Hà Nội: Bạn sẽ làm bộ phận thanh tóan quốc tế của ngân hàng, các đơn vị có họat động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, với chất lượng đào tạo của chuyên ngành này, bạn có rất nhiều lựa chọn khác. Nhiều SV của trường hiện làm về truyền thông, làm biên tập cho các chương trình truyền hình. Tuy nhiên, điểm chuẩn của ngành này thường rất cao, không dưới 24 điểm cho khối D và khối A có thể lên đến 27 điểm.
*Người thân của em cư trú ở nước ngoài, em muốn thi vào ngành quân đội, công an, liệu có được không?
-Đại tá Nguyễn Trung Thực: Vào quân đội, công an: Khi tốt nghiệp ra trường phải là sĩ quan. Các trường quân đội đạt chỉ tiêu 80-100% là Đảng viên. Nghĩa là tiêu chuẩn chính trị phải đủ điều kiện là Đảng viên.
-Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, phó trưởng phòng Kế hoạch tuyển sinh, Cục Đào tạo, Bộ công an: Với ngành công an, người có thân nhân ở nước ngoài thì các em phải khai báo cụ thể. Tốt nhất là có xác nhận của cơ quan quản lý người Việt Nam tại nước ngoài rằng người thân ở nước ngoài chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Công an địa phương sẽ có trách nhiệm xác minh thêm điều kiện thân nhân của em.
* Em muốn thi khối M, Khối C thì có trùng ngày không?
-PGS. TS Trần Văn Nghĩa: Hai khối thi này thi trùng ngày. Các môn văn hóa thi cùng nhau, nên em không thể thi cùng lúc hai khối này.
*Em muốn thi vào khối A. Chương trình giảm tải của Bộ em tìm trên mạng có chính xác không?
- PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Thông tin chính xác về giảm tải em có thể tham khảo trên trang thông tin của Bộ hoặc hỏi trực tiếp các thầy cô trong trường.
* Em muốn thi vào trường công an. Liệu trường có bắt buộc SV phải ở nội trú không nếu nhà em ngay gần trường?
- Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường: SV trường công an bắt buộc phải học nội trú trong trường.
* Thưa cô, năm 2012, trường ĐH sư phạm Hà Nội thì khối A1 có thể chọn ngành nào cho phù hợp?
- TS Nguyễn Thị Tĩnh: Năm nay trường bổ sung khối thi A1 cho ngành Sư phạm Vật lý và Sư phạm Tin học. Em có thể lựa chọn một trong hai ngành này nếu có ý định thi khối A1.
*Em thi vào Học viên Quân y, nếu không đỗ có thể được xét tuyển ở khối dân sự hay khối ngoài ngân sách của trường không?
- Đại tá Nguyễn Trung Thực: Bạn được dùng hai phiếu có thể đăng ký các hệ dân sự của các trường khác nhau, cả hệ dân sự của Học viện Quân y cũng như các trường ĐH thuộc ngành quân đội khác hay cả các trường ĐH ngoài quân đội nếu các trường này có xét tuyển nguyện vọng.
* Em muốn vào Sư phạm Văn. Em đã đạt giải Ba môn Sử thì cần điều kiện gì?
- TS Nguyễn Thị Tĩnh: Bạn sẽ được tuyển thẳng vào ngành Sư phạm Sử. Nếu muốn vào Sư phạm Văn, em cần thi ĐH đạt điểm sàn.
* Em muốn biết thi vào trường quân đội thì sau trúng tuyển vẫn phải qua kiểm tra sức khỏe phải không ạ?
- Đại tá Nguyễn Trung Thực: Tất nhiên, sau trúng tuyển, các trường sẽ tổ chức kiểm tra sức khỏe. Hằng năm, vẫn có một tỉ lê không quá ít (năm 2011 có 21 trường hợp) thí sinh trúng tuyển vẫn bị loại. Điều này gây thiệt thòi cho SV. Nhiều địa phương xuê xoa thấy 1,63 thì vẫn xem như là 1,65m. Không phải như tim mạch mà huyết áp lúc cao, lúc thấp, chiều cao không thể tụt đi nhanh như vậy được. Do đó, các em cần trung thực điều kiện sơ tuyển để tránh thiệt thòi.
* Thưa thầy, bằng chính quy và bằng liên thông CĐ có khác nhau nhiều không ạ?
-PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Hiện Bộ đang sửa quy chế đào tạo liên thông. Có thể khác nhau hay giống nhau tùy vào chương trình đào tạo của từng trường. Tôi được biết Khối ĐH Quốc gia đa số bằng liên thông là bằng tại chức. Bộ có xu hướng đào tạo cùng chính quy sẽ là bằng chính quy, còn đào tạo buổi tối, học riêng khối liên thông sẽ tính như tại chức.
* Giữa lựa chọn khối A và A1 thì có khác nhau về đầu ra không ạ?
- TS Lê Thị Thu Thủy: Khối A và A1 chỉ là lựa chọn đầu vào. Trong chương trình đào tạo thì chỉ phụ thuộc bạn học ngành gì sau đó, chứ không phải khối thi bạn đã chọn lựa.
* Em đang băn khoăn trong lựa chọn ngành nghề. Làm thế nào để chọn lựa trường vừa phù hợp năng lực, vừa là ngành xã hội rất cần?
- PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Bộ đang dự định để thành lập một trung tâm dự báo. Hiện nay, các em phải tự cân nhắc, tính tóan thật kỹ. Có thể những ngành học vất vả nhưng ra xin việc dễ hơn, có thể ngành hiện đang “nóng” nhưng sẽ giảm sức nóng trong những năm em ra trường. Chỉ khi học ngành học em đam mê, em mới đi đến đích cuối cùng được.
-TS Nguyễn Thị Tĩnh: Chọn ngành, chọn nghề là một công việc rất khó. Đó là lí do để có buổi tư vấn hôm nay. Các em nên chọn ngành nào em phát huy được giá trị năng lực bản thân và có ý nghĩa cho xã hội sau này.
*Ngành luật thương mại chính là ngành em băn khoăn đầu ra?
- Từ năm 2011, ĐH ngoại thương bắt đầu mở ngành luật thương mại quốc tế. Hiện nay, đội ngũ trọng tài về luật thương mại quốc tế nước ta rất thiếu mà chính thầy cô ĐH Ngoại thương phải tham gia hoat động trong linh vực này. Đây là ngành xã hội đang rất cần, làm ở các bộ ngành, bộ phận pháp chế, ở các doanh nghiệp cần sự tham vấn của những người đóng vai trò như luật sư chuyên ngành luật thương mại quốc tế.
*Những trường nào chính thức tuyển sinh khối A1?
- PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Để biết trường nào tổ chức thi khối A1, các em tham khảo website các trường. Dự kiến 15-3, trên trang web của Bộ sẽ công bố đầy đủ thông tin này.
* ĐH Ngoại thương có tuyển sinh khối A1 thì chỉ tiêu khác thế nào so với khối A?
- TS Lê Thị Thu Thủy: Trường xác định Chỉ tiêu theo chuyên ngành. Điểm chuẩn của hai khối thi này sẽ căn cứ trên tỉ trọng hồ sơ dự thi. Do đó, thông số này sẽ được xác định sau khi tổng kết số hồ sơ dự thi và số dự thi thực tế tại trường sau đó.
* Em đến từ trường THPT Việt- Úc. Em biết trong ngành quan hệ quốc tế có liên quan chuyên ngành kinh tế. Xin thầy cô tư vấn cho em về cơ hội việc làm của ngành này?
- Cơ hội việc làm giống các ngành đào tạo kinh tế. Tùy trường có khối kiến thức chuyên môn sâu. Cơ hội việc làm giống ngành kinh tế khác.
* Em đạt giải ba quốc gia môn Hóa. Vậy em có thể được tuyển thẳng vào ĐH ngoại thương hay không?
-TS Lê Thị Thu Thủy: Với trường hợp của em, trường sẽ ưu tiên xét tuyển vào khối ngành kinh tế như kinh tế quốc tế với điều kiện đạt điểm sàn+3 điểm. Riêng với các bạn đạt giải nhất, nhì cùng môn thi với em thì có thể được tuyển thẳng luôn. Riêng với các em đạt học sinh giỏi môn ngoại ngữ từ giải ba trở lên thì sẽ được tuyển thẳng vào khối ngành ngôn ngữ.
* Đề thi năm nay có gì khác so với năm ngoái không?
- PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Đề thi cơ bản không thay đổi so với năm trước. Năm nay, Bộ có đưa ra chương trình giảm tải thì đề thi sẽ không có phần nào nằm trong phần đã được giảm tải.
* Thưa thầy, thi vào các trường công an thì có phải qua sơ tuyển không? Điều kiện là thế nào?
- Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường: Trừ thí sinh dự thi theo chỉ tiêu đào tạo ĐH dân sự của Trường ĐH Phòng cháy - chữa cháy (50 chỉ tiêu dành cho thí sinh phía Nam), tất cả thí sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH công an nhân dân đều phải qua sơ tuyển tại công an tỉnh thành trực thuộc trung ương nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú. Hồ sơ đăng ký dự thi được mua tại nơi sơ tuyển. Bộ Công an chỉ tuyển vào ĐH những thí sinh trúng tuyển ĐH và đã qua vòng sơ tuyển.
Yêu cầu sơ tuyển đối với nam là chiều cao 1,64-1,80m, cân nặng 48-75kg và nữ là chiều cao 1,58-1,75m, cân nặng 45-60kg (đối với học sinh thuộc vùng KV1, học sinh là người dân tộc thiểu số theo từng giới được hạ thấp 2cm về chiều cao và 2kg cân nặng).
* Em muốn thi vào khối C khoa Tâm lý- Học viện Quản lý giáo dục thì thi tuyển hay chỉ xét tuyển?
- PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Thông tin em cần hỏi sẽ được giải đáp trong thông tin trên trang web của Bộ.
* Em nghe nói thí sinh nữ muốn thi vào trường công an thì sẽ khó khăn hơn năm trước. Điều này có đúng không, và vì sao, thưa thầy?
-Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường: Trước đây, Bộ Công an yêu cầu việc sơ tuyển nữ sinh phổ thông do công an tỉnh thành trực thuộc trung ương quyết định dựa trên nhu cầu sử dụng cán bộ của đơn vị, địa phương. Tỉ lệ này không được vượt quá 5% tổng số thí sinh đạt yêu cầu sơ tuyển đăng ký dự thi vào các trường.
Chỉ giới hạn ở sơ tuyển mà không quy định chặt con số trúng tuyển, nên thống kê cho thấy tỉ lệ trúng tuyển nữ vào các trường ĐH các năm trước ở mức cao, chiếm 15% tổng chỉ tiêu. Năm nay, Bộ công an yêu cầu chỉ gọi trúng tuyển khỏang 10% nữ nhưng không giới hạn tỉ lệ nữ sơ tuyển.
Chắc chắn sẽ có điểm chuẩn khác nhau giữa thí sinh nữ và nam, trong đó dự báo thi tuyển vào ngành công an của nữ sẽ gắt gao hơn vì thay đổi này.
* Em thấy chỉ tiêu tiếng Ý tăng lên. Điều này có ý nghĩa gì? Nếu em thi vào trường tuy không đỗ, nhưng vượt điểm sàn thì có được xét ngành khác không?
-ThS Lê Quốc Hạnh: Năm ngoái ngành tiếng Ý là 75, năm nay tăng lên 100. Lý do là trường đang hợp tác với nhiều trường tại nước Italy, có những trường ở Italy đón SV của trường sang học với chế độ miễn học phí hoàn toàn.
Ý thứ hai, trường luôn tạo điều kiện đến cùng cho thí sinh nếu đã yêu mến ngôi trường. Năm ngoái là lần đầu tiên trường xét tuyển nguyện vọng 2 thì số nguyện vọng này chủ yếu cũng được lấy từ các thí sinh đã đăng ký thi vào trường. Còn cụ thể về việc có liên thông các ngành hay không trong năm nay thì phải chờ đến cuộc họp hội đồng tuyển sinh vào khoảng 16-8 mới quyết định.
* Em muốn thi Học viện Quân y hệ dân sự, ngành bác sĩ đa khoa thì phải nộp hồ sơ thế nào?
- Đại tá Nguyễn Trung Thực: Rất đơn giản, các trường quân đội có tuyển sinh dân sự thì giống như bạn thi vào các trường khác ngoài quân đội. Bạn có thể nộp hồ sơ tại Học viện Quân y hoặc qua Sở Giáo dục- Đào tạo.
* Em muốn thi vào chuyên ngành kế toán của các trường kinh tế. Nếu em đỗ trường đã đăng ký , nhưng lại đủ điểm đỗ vào trường khác thì có được chuyển sang trường khác nhập học không?
-PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Nếu em đỗ thì trường sẽ không cấp phiếu chứng nhận kết quả để em đăng ký xét tuyển các trường khác. Em đã đăng ký một trường và trúng tuyển vào trường đó thì không thể chuyển kết quả sang trường khác được.
* Là thí sinh nữ, em băn khoăn không biết bao nhiêu điểm thì em có thể vào Học viện cảnh sát nhân dân ạ?
- Đại tá Nguyễn Trung Thực: Năm nay ngành công an chủ trương chỉ tuyển 10% nữ, nên em cần cân nhắc khi thi tuyển. Điểm chuẩn thì phải chờ đến khi có kết quả.
Học viện Cảnh sát năm nay có 90 chỉ tiêu nữ, dự báo điểm chuẩn rất cao, cao hơn so với thí sinh nam.
* Em muốn thi Học viên Phòng không- không quân. Em bị cận thì có ảnh hưởng gì không?
- Đại tá Nguyễn Trung Thực: Điều kiện thi vào các trường quân đội là sức khỏe đạt loại 1, trừ điều kiện sức khỏe của răng đạt loại 2. Đa số ngành của Học viện Phòng không không quân không tuyển thí sinh có tật khúc xạ. Tuy nhiên, ngành kỹ sư hàng không, chứ không phải chỉ huy tham mưu phòng không thì có thể chấp nhận tật khúc xạ 3 đi-ốp.
* Hồ sơ thi tuyển vào trường quân đội mua ở đâu?
- Đại tá Nguyễn Trung Thực: Có hai đối tượng tuyển sinh quân đội là quân nhân và học sinh. Ở đây chủ yếu là các bạn học sinh, thanh niên, tôi xin trả lời: Học sinh thanh niên mua nộp hồ sơ tại Ban tuyển sinh quân sự của huyện. Ở đó sẽ hướng dẫn bạn ghi hồ sơ đầy đủ.
* Đề thi tiếng Anh của khối A1 có dễ hơn khối D1 không, thưa thầy?
-PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Bộ chủ trương ra đề thi tiếng Anh khối A1 có cấu trúc gần với đề thi của khối D1, và độ khó cũng cố gắng để có thể tương đương nhau.
* Em thi khối D, nhưng chưa biết chọn ngành nào? Thầy cô tư vấn cho em sau 4-5 năm nữa ngành nào thiếu nhân lực?
- PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Đây là câu hỏi khó trả lời. Bạn nên tham khảo thông tin trên báo chí. Em cần cân nhắc 4 năm nữa ra trường, yêu cầu nhân lực có thể khác. Yêu cầu này bị phụ thuộc vào xu hướng phát triển ngành kinh tế và số lượng đào tạo của các trường. Thông tin cho các em là 30%-40% hồ sơ đăng ký vào ngành kinh tế trong ba năm trở lại đây.
* Học chuyên ngành ngoại ngữ Học viện An ninh nhân dân có gì khác với chuyên ngành ngoại ngữ các trường khác?
- Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường: Học viện An ninh và Học viện Cảnh sát đều đào tạo ngành ngôn ngữ Anh, cho lực lượng công an, theo nhu cầu sử dụng của từng đơn vị. Các em sẽ làm việc tại các đơn vị có liên quan đến hoạt động đối ngoại các cơ quan công an, cảnh sát. SV sẽ được đào tạo thêm cả nghiệp vụ cảnh sát, công an, chứ không chỉ đào tạo ngôn ngữ Anh.
* Em muốn thi vào ngành Hóa Đại học Sư phạm 1, chỉ tiêu ra sao, điểm đầu vào thế nào, thưa cô?
- TS Nguyễn Thị Tĩnh: Trường đào tạo hai ngành Sư phạm hóa và cử nhân hóa. Chỉ tiêu trong những năm gần đây rất ổn định, khoảng 120 chỉ tiêu cho hai ngành. Dự báo điểm năm nay, tôi không thể dự đoán chính xác 100% vì chưa đến kì thi tuyển. Song bật mí với bạn, trong 3 năm trở lại đây điểm chuẩn trúng tuyển vào Sư phạm hóa khoảng 22 điểm.
* Con tôi có sức khỏe yếu về tay chân. Trong kỳ thi vào lớp 10, Sở Giáo dục- Đào tạo cho phép cháu được thi môn Văn bằng máy tính. Nếu thi ĐH cháu có được ưu tiên như vậy không? Con tôi muốn thi vào ĐH Hà Nội.
-PGS.TS Trần Văn Nghĩa: Nếu thí sinh có điều kiện khó khăn về sức khỏe, nhà trường sẽ căn cứ đặc thù đào tạo từng ngành và tình trạng sức khỏe thực tế của thí sinh để có những ưu tiên cụ thể. Như các ngành công an - quân đội thì chắc không tuyển thí sinh không đạt yêu cầu sức khỏe.
-ThS Lê Quốc Hạnh: Điều kiện sức khỏe của em có thể thi vào ĐH Hà Nội. Trường hợp của em sẽ được trường tạo điều kiện tốt nhất để bảo đảm quyền lợi cho em trong thi tuyển.
* Em muốn hỏi năm nay khối D ĐH Ngoại thương sẽ lấy bao nhiêu chỉ tiêu cho hệ B? Học phí của hệ B như thế nào?
- TS Lê Thị Thu Thủy: Từ năm ngoái đến năm nay sẽ không có hệ đào tạo ngoài ngân sách nữa.
* Em muốn thi vào Sĩ quan Lục quân 1, thời gian đào tạo là bao lâu, điểm chuẩn năm ngoái của trường là thế nào? Chỉ tiêu của trường năm nay?
- Đại tá Nguyễn Trung Thực: Hệ cử nhân quân sự của trường là bốn năm. Năm ngoái điểm chuẩn của trường là 18 điểm. Năm nay trường tuyển 350 học viên trong nước. Ngoài ra, còn 10 chỉ tiêu đào tạo nước ngoài và 40 đào tạo tại các trường ngoài quân đội.
* Trường Ngoại thương sẽ trang bị kiến thức như thế nào cho SV tiếng Anh thương mại? Ngành nghề nào phù hợp với chương trình đào tạo?
- TS Lê Thị Thu Thủy: Bên cạnh kiến thức đặc thù của ngôn ngữ Anh, bạn sẽ được học về kiến thức thương mại kinh tế. Ngành tiếng Anh cũng được đào tạo theo chuyên ngành đặc thù, như biên phiên dịch hợp đồng… Nhiều nghề phù hợp với ngành này.
* Em muốn thi vào trường Sĩ quan lục quân. Có hai trường đào tạo ngành này. Em hỏi nếu em trượt trường Sĩ quan lục quân 1 có thể được chuyển vào trường Sĩ quan lục quân 2 không?
- Đại tá Nguyễn Trung Thực: Trường sĩ quan lục quân 1 và Lục quân 2 là hoàn toàn giống nhau. Không thể có trường hợp trượt trường Sĩ quan Lục quân 1 sẽ được chuyển vào học trường Sĩ quan lục quân 2.
Ban tư vấn Khu vực tư vấn nhóm ngành Kinh tế- Khoa học xã hội- Sư phạm- Ngoại ngữ- Báo chí- Quân đội- Công an: 1. PGS.TS Trần Văn Nghĩa- phó cục trưởng Cục Khảo thí- kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục – Đào tạo2. TS Lê Thị Thu Thủy- trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương Hà Nội3. TS Nguyễn Thị Tĩnh- phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội4. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường- phó trưởng phòng Kế hoạch tuyển sinh, Cục Đào tạo, Bộ công an5. ThS Lê Quốc Hạnh- trưởng phòng đào tạo ĐH Hà Nội6. Đại tá Nguyễn Trung Thực- trưởng phòng Kế hoạch, Cục nhà trường, Bộ Quốc phòng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận