![]() |
Một học sinh thắc mắc quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục - Đào tạo - Ảnh: QUANG THẾ |
![]() |
Nhiều trường tổ chức trò chơi vui, giải trí cho học sinh - Ảnh: QUANG THẾ |
- Bổ sung thêm khối A1 (Toán, Lý, tiếng Anh). Các trường xem xét yêu cầu của ngành đào tạo để quyết định có tuyển bổ sung khối A1 không và thông báo công khai.
- Điểm mới thứ 2 là bổ sung chính sách tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Những thí sinh đọat giải ba trở lên sẽ được tuyển thẳng vào đại học, đúng ngành hoặc ngành gần với ngành đọat giải. Kể cả thí sinh đọat giải năm học lớp 11 (năm 2011). Thí sinh đọat giải khuyến khích sẽ được tuyển thẳng vào các trường cao đẳng.
- Bộ GD-ĐT bổ sung cụm thi mới Hải Phòng cho thí sinh có hộ khẩu thưởng trú tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Đồng thời mở rộng đối tượng dự thi vào các trường tại TP.HCM được thi tại cụm Vinh.
- Bộ GD-ĐT không quy định đợt xét tuyển, không quy định điểm tuyển đợt sau phải tăng hơn đợt trước. Các trường ĐH-CĐ chủ động quyết định thời gian xét tuyển, điều kiện xét tuyển. Thí sinh không trúng tuyển NV1 sẽ được phát phiếu chứng nhận kết quả thi. Thí sinh có thể sử dụng bản gốc hoặc bản sao của phiếu này để đăng ký xét tuyền, tùy theo yêu cầu của từng trường. Năm nay, sẽ có bổ sung hình thức chế tài: Kỷ luật hiệu trưởng quyết định mức điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT, hoặc tuyển sinh vượt mức chỉ tiêu được phép.
- Thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 15-3 đến hết 16-4 tại các sở GD-ĐT. Hết thời hạn trên, các em thí sinh có thể nộp hồ sơ về các trường đăng ký dự thi từ 17-3 đến hết ngày 23-4.
- Khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, cácthí sinh lưu ý ghi đầy đủ mã ngành đào tạo và tên ngành đào tạo tương ứng, hoặc tên chuyên ngành đào tạo
* Bạn Lê Lan Hương: Em muốn thi ĐH Y Hải Phòng, chuyên ngành đa khoa. Có phải đến tận nơi thi không? Có thể xin việc được tại HN không?
- PGS TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội: Em phải tìm hiểu quy định của trường ĐH Y Hải Phòng để biết trường ĐH Y Hải Phòng có những điểm thi nào. Em tốt nghiệp Y Hải Phòng có thể xin việc được tại Hà Nội và bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam.
* Trường nào có khối A1?
- PGS-TS Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo đại học trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Có rất nhiều trường có khối A1. Ví dụ trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP. HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội. Có thể xem trên trang web của các trường hoặc trang web của Bộ GD-ĐT để biết thông tin cụ thể.
* Trường Dược có ngành kinh tế dược không?
- PGS TS Hoàng Minh Sơn: Theo tôi biết thì trường Dược không có ngành kinh tế dược. Bạn nên vào web của trương Dược để biết thêm.
* Thí sinh: Em có thể nộp hồ sơ thi vào nhiều trường không?
- PGS Hoàng Minh Sơn: Em có thể làm hồ sơ vào hai trường, nhưng khi thi em chỉ được phép thi một trường. Nếu không đỗ NV1 thì mới làm hồ sơ xét tuyển vào trường khác.
* Em muốn học ngành Nông lâm thì thi vào đâu? Có nhiều cơ hội để kiếm tiền nhờ ngành này không?
- TS Vũ Viết Bình, Phó trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội: Em có thể vào trang web của trường đại học Nông nghiệp HN và ĐH Lâm nghiệp để biết rõ các ngành cụ thể. Ngành nông lâm có rất nhiều cơ hội kiếm tiền. Ngành nông nghiệp hiện nay được Nhà nước đầu tư rất nhiều để thúc đẩy sản xuất.
* Em thích môn Sử và thích thi vào trường sư phạm. Nhưng thầy cô của em khuyên không nên thi sư phạm vì rất vất vả. Vây em nên làm thế nào?
- TS Vũ Viết Bình: Nếu em yêu Lịch sử thì tôi khuyên em nên thi vào ngành Lịch sử. Lời khuyên của mọi người chỉ tham khảo, quan trọng là quyết định của em và em nên chọn ngành nào mà em đam mê. Học lịch sử có thể đăng ký vào khoa Lịch sử trường Sư phạm hoặc khoa Lịch sử cùa trường Khoa học xã hội & Nhân văn.
* Em muốn thi trường ĐH Bách khoa ngành CNTT thì em phải làm gì?
- PGS Hoàng Minh Sơn: Em xem trong nhóm ngành 2 của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Em có thể đăng ký bất cứ ngành nào của nhóm ngành này vì trường ĐH Bách khoa Hà Nội không xác định điểm chuẩn theo ngành. Nếu không đạt nguyện vọng ĐH, các em có thể đăng ký vào hệ CĐ ngành CNTT.
* Em nghe nói khối ngành kỹ thuật khó xin việc phải không?
- PGS TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế ĐHQG TPHCM: Các ngành kỹ thuật hiện giờ không khó xin việc, nhưng không dễ có việc tốt (làm có lương cao, gần nhà, thuận lợi) vì sinh viên ngành kỹ thuật muốn có việc tốt thì phải có kỉến thức, kỹ năng tốt, kể cả kỹ năng mềm. Một nhược điểm của sinh viên kỹ thuật là kỹ năng trình bày không tốt, mặc dù tính toán tốt. Vì thế các em phải chuẩn bị cho mình các kỹ năng đầy đủ. Sẽ có nhiều cơ hội công việc cho những sinh viên có kiến thức, kỹ năng tốt
* Em rất thích ngành điều dưỡng, nhưng em chỉ học khá, vậy thầy khuyên em nên thi vào trường nào?
- PGS TS Nguyễn Hữu Tú: Nhiều trường có ngành này. Trường đại học Y cũng đào tạo cử nhân điều dưỡng. Em học khá ở một trường THPT tốt tại HN thì em có khả nằng thi đậu vào ngành này của trường ĐH Y Hà Nội.
* Ngành kinh tế và ngành kỹ thuật có cách gì thu hút người học?
- PGS-TS Nguyễn Việt Hà: Hiện tại các ngành kỹ thuật rất cần cho sự phát triển đất nước. Nếu bạn say mê sáng tạo, góp phần làm ra các sản phẩm công nghệ thì bạn nên chọn một ngành kỹ thuật. Vì nếu bạn học tốt, chọn một trường tốt thì bạn có nhiều cơ hội việc làm tốt
* Em thích ngành cơ điện tử trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Theo các thầy em nên chọn ngành rộng hay chuyên ngành hẹp?
- PGS TS Hoàng Minh Sơn: Ngành cơ điện tử rất phức tạp vừa phải nghiên cứu, chế tạo lại phải có kiến thức công nghệ thông tin. Hiện nay có nhiều sản phẩm của ngành cơ điện tử đang cần thiết cho xã hội. Khi em đăng ký vào trường ĐH Bách khoa HN em cứ đăng ký một ngành theo nhóm 1. Sau khi vào trường em sẽ được nghiên cứu rất kỹ về các ngành và cuối năm thứ nhất em mới phải lựa chọn chuyên ngành cụ thể
* Em thi khối A, có thể thi vào ngành nào có mức điểm chuẩn khoảng 15-17 điểm?
- TS Trịnh Thị Thúy Giang, Trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên- ĐH Khoa học tự nhiên-ĐHQG Hà Nội: Trước hết, em nên xác định mình muốn thi ngành nào. Sau đó sẽ tìm các ngành mình thích và điểm chuẩn vào các trường đó trong các năm gần đây có mức điểm 15-17 điểm. ĐHQGHN các năm gần đây có điểm sàn vào trường từ 15-17. Sau khi đạt điểm sàn các em có thể đăng ký vào một ngành nào phù hợp với mức điểm
* Em thi ngành Kỹ thuật công trình nhưng chỉ đảt 17 điểm, trong khi ngành em thi lấy 17,5 điểm thì em có được chuyển sang ngành khác không?
- TS Trịnh Thị Thúy Giang: Việc này tùy thuộc vào quy định của mỗi trường. Có một số trường có điểm sàn chung vào trường. Nếu thí sinh có điểm thi đạt bằng hoặc trên sàn nhưng không đỗ vào ngành đã chọn thì có thể được phép chuyển sang ngành khác. Nhưng cũng có những trường xác định điểm chuẩn theo ngành và không cho phép chuyển từ ngành này sang ngành khác.
* Em Đặng Thị Việt Anh hỏi có phải tất cả các trường ĐH Y đều đào tạo bác sĩ nội trú không? Muốn học thì đăng ký thế nào?
- PGS Nguyễn Hữu Tú: ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TP HCM, ĐH Y Huế có đào tạo bác sĩ nội trú. Nếu em muốn học nội trú thì sau khi tốt nghịêp ở trường đại học Y thì đăng ký học nội trú ở các trường trên.
* Bạn Quách Thu Trang: Em đang học Y Thái Bình muốn thi vào ĐH Y Hà Nội nhưng em không được hiệu trưởng trường ĐH Y Thái Bình đồng ý thì khi đỗ vào ĐH Y HN, có được nhập học không?
- Nếu trường ĐH Y HN biết em đang học trường ĐH Y Thái Bình thì đương nhiên không đồng ý cho em nhập học.
* Cơ hội việc làm của ngành điện tử Viễn thông có nhiều không? Nên chọn trường nào?
- PGS TS Nguyễn Việt Hà: Ngành viễn thông có rất nhiều cơ hội công việc. Bạn nên tìm hiểu điểm chuẩn của các trường để cân nhắc chọn trường phù hợp với năng lực của mình.
* Cơ hội công việc của ngành Công nghệ sinh học có nhiều không? Em có thể đăng ký học ở đâu?
- TS Trịnh Thị Thúy Giang: Trường Khoa học tự nhiên- ĐHQGHN có ngành công nghệ sinh học tuyển sinh khối B, A1. Thế kỷ 21 là thế kỷ của công nghệ sinh học, khi tốt nghịêp các em có thể làm việc ở nhiều nơi trong và ngoài nước
* Ngành kỹ thuật y học như thế nào? Sau khi ra trường sẽ làm việc ở đâu?
- PGS TS Thầy Nguyễn Hữu Tú: Đây là ngành mới. Trường ĐH Y Hà Nội mới đào tạo ngành này 10 năm. Học ngành này sẽ làm việc trong các bệnh viện và không bị ảnh hưởng đến sức khỏe vì thiết bị máy móc hiện nay rất hiện đaị.
* Em muốn học ngành vật liệu của ĐH Bách khoa HN. Ngành này học thế nào?
- PGS TS Hoàng Minh Sơn: Ngành Vật liệu của ĐH Bách khoa HN có khoa học vật liệu, vật liệu nanô… Em có thể tìm hiểu kỹ hơn trên trang web của trường.
* Nếu học nội trú thì bằng nội trú do trường nào cấp?
- PGS TS Nguyễn Hữu Tú: Dù em học ĐH Y ở đâu thì khi học nội trú em sẽ được trường nơi em học nội trú cấp bằng.
* Em có thể học hai trường, một trường khối A một trường khối D không?
- PGS TS Hồ Thanh Phong: Nếu em có khả năng học được thì cũng không sao. Nhưng tôi khuyên là em nên tập trung học một trường. Hiện nay nhiều trường đào tạo tín chỉ nên nếu thu xếp tốt em có thể học được hai ngành cùng một trường mà có thể tiết kiệm được thời gian.
* Chỉ tiêu của học viện quân y năm 2012, khối quân sự và dân sự như thế nào?
- PGS TS Nguyễn Hữu Tú: Mời bạn vào web của ĐH Quân y để biết cụ thể.
* Khi vào phòng thi thí sinh nên chuẩn bị tâm lý thế nào để đạt kết quả thi tốt?
- TS Vũ Viết Bình: Muốn đạt được hiệu quả cao khi thi, các em phải chuẩn bị tâm lý vững vàng. Một trong những kinh nghiệm của tôi là trong thời gian ôn thi, mỗi ngày các em nên dành khoảng thời gian học 3 tiếng liên tục rồi mới giải lao. Nếu quen được điều đó các em có thể ngồi trong phòng thi vài tiếng với sự tập trung cao độ mà không bị phân tâm. Nắm vững kiến thức kỹ năng cũng khiến em tự tin hơn khi bước vào kỳ thi.
* Thí sinh được mang những gì vào phòng thi? Có được mang máy tính bỏ túi vào phòng thi không?
- PGS TS Hoàng Minh Sơn: Máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản, ghi nhớ thì sẽ được sử dụng trong phòng thi. Bộ GD-ĐT sẽ công bố danh mục các loại máy tính được mang vào phòng thi, em nên tham khảo danh mục này để chuẩn bị cho kỳ thi. Những vật dụng không được mang vào phòng thi năm nay không có gì thay đổi so với năm trước, các em có thể tham khảo quy chế thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay để được biết. Ngoài ra, trước kỳ thi, em phải có mặt tại trường dự thi trước ngày thi. Cán bộ tuyển sinh các trường sẽ phổ biến cụ thể với em những vật dụng nào được hoặc không được mang vào phòng thi.
* Năm nay Bộ GD-ĐT không giới hạn đợt xét tuyển vậy muốn xét tuyển vào các trường sẽ phải làm gì?
- PGS TS Vũ Viết Bình: Nếu em không trúng tuyển NV1, em sẽ được cấp hai phiếu chứng nhận kết quả thi. Em có thể sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc, bản photocopy để đăng ký vào các trường còn chỉ tiêu. Mỗi trường có một quy định riêng trong việc xét tuyển, em cần cập nhật thông tin của trường mình muốn đăng ký để nộp hồ sơ xét tuyển đúng thời hạn, đúng yêu cầu.
* Nếu không có khả năng đỗ đại học mà phải học cao đẳng. Nếu em học cao đẳng thì có thể được liên thông lên đại học không? Em thi đại học Bách khoa HN nếu không đỗ em có thể vào học hệ cao đẳng không? Em phải làm hồ sơ đăng ký dự thi thế nào?
- PGS Hoàng Minh Sơn: Mỗi trường có một quy định riêng về việc liên thông. Có thể sau khi học xong hệ cao đẳng, tùy thuộc vào kết quả học tập của em, em có thể được tham dự kỳ thi liên thông lên đại học. Em đăng ký dự thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội bình thường và đăng ký nguyện vọng bổ sung vào cao đẳng. Nếu không đỗ đại học, em sẽ được trường xem xét tuyển vào CĐ.
* Em muốn trở thành diễn giả thì đăng ký học ở đâu?
-TS Vũ Viết Bình: Em có thể đăng ký học ngành truyền thông của Học viện báo chí để có kiến thức rộng ở nhiều lĩnh vực. Việc này sẽ giúp ích cho em khi em muốn làm một diễn giả.
-PGS TS Hồ Thanh Phong: Các em nên phân biệt rõ ngành và nghề. Học các ngành khác cũng cần khả năng diễn giả. Tương tự sự trang bị kiến thức của nhiều ngành cũng giúp ích cho em trở thành một diễn giả.
* Ngành địa chính và khoa Quản lý đất đai có gì khác nhau?
-PGS TS Hồ Thanh Phong: Chương trình đào tạo trước đây có tên là địa chính nhưng quy định của Bộ thì ngành học này có tên là Quản lý đất đai. Hai ngành mà em nói thực ra chỉ là một.
* Em muốn thi vào trường đai học công nghiệp nhưng khi đỗ em lại muốn học trường khác thì em có rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác không?
- TS Vũ Viết Bình: Khi em đã đỗ vào trường em đăng ký NV1 thì em phải nhập học trường đó, em không được phép rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển vào trường khác.
* Em dự thi khối A vào trường ĐH Bách khoa HN thì môn thi nào thi trắc nghiệm, môn thi nào thi tự luận?
- PGS TS Hoàng Minh Sơn: Trường ĐH Bách khoa HN cũng thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Khối A có môn Toán thi tự luận và môn Vật lý, Hóa học thi trắc nghiệm.
* Thí sinh tự do nộp hồ sơ thi đại học ở đâu?
- TS Vũ Viết Bình: Em là thí sinh tự do em có hai khoảng thời gian để nộp hồ sơ. Từ 15-3 đến hết ngày 16-4 em có thể nộp hồ sơ tại địa điểm do sở GD-ĐT nơi em có hộ khẩu thường trú quy định. Hoặc em nộp hồ sơ tai trường em đăng ký dự thi từ ngày 17-4 đến 23-4.
* Muốn học Y dược ở khu vực phía Bắc thì có thể đăng ký dự thi vào trường nào?
- TS Vũ Viết Bình: Phía Bắc có ĐH Dược Hà Nội, ĐH Y dược của ĐH Thái Nguyên, khoa Y dược của ĐHQG Hà Nội. ĐHQG Hà Nội năm nay tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Y dược với 50 chỉ tiêu.
* Học bằng hai kỹ thuật ở trường ĐH Bách khoa HN thì có được cấp bằng kỹ sư không?
-PGS TS Hoàng Minh Sơn: Hoàn toàn được. Điểm trung bình của em phải thích hợp. Nếu không đạt được thì em phải dừng việc học ở bằng 2 cho đến khi em đủ điều kiện tiếp tục học.
* Xin thầy cô tư vấn cho em về ngành nông lâm?
- TS Vũ Viết Bình: Hiện có nhiều trường đào tạo ngành nông lâm: ĐH Nông nghịêp HN, đại học lâm nghiệp, đại học Nông lâm Huế, ĐH Nông Lâm TP.HCM… Ngành nông lâm đào tạo các kỹ sư trồng trọt chăn nuôi, kinh tế nông nghịêp, bảo vệ rừng, quản lý đất đai. Em có thể vào trang web của các trường trên để tìm hiểu chi tiết.
* Ngành điện tử viễn thông của ĐH Công nghệ đào tạo thế nào?
- PGS TS Nguyễn Việt Hà: Trường sử dụng chương trình tiên tiến của Singapore. Các em sẽ học tiếng Anh 1 năm và học 3 năm các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh.
* Khoa điều dưỡng thì học ngành gì? Ra trường làm việc thế nào?
- PGS TS Nguyễn Hữu Tú: Điều dưỡng có nhiều ngành nhỏ: Điều dưỡng cho người già, trẻ em, điều dưỡng về dinh dưỡng. Ngoài làm ở bệnh viện, các em có thể làm việc trong các trung tâm nghiên cứu, trung tâm y tế, làm quản lý trong lĩnh vực y tế.
* Điểm chuần ngành địa chính là bao nhiêu? Ra trường làm nghề gì?
- TS Trịnh Thị Thúy Giang: Điểm chuẩn của ĐH Khoa học tự nhiên đối với ngành quản lý đất đai (địa chính) năm trước là 17 điểm. Khi ra trường các em có thể làm việc ở tổng cục quản lý đất đai, công ty đo đạc địa chính, làm nghiệp vụ đo đạc, thông tin quản lý đất đai, làm quản lý đất đai tại các cơ quan hành chính ở các cấp xã, phường, quận huyện…
* Con gái có nên thi vào khoa dầu khí của ngành mỏ địa chất không ạ? Khi ra trường có phải vào Nam làm việc không?
- PGS TS Hoàng Minh Sơn: Các ngành kỹ thuật con gái có thể học. Ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sinh viên nữ chiếm 15%. Nữ thi vào ngành kỹ thuật của trường ĐH Bách khoa Hà Nội thường giỏi hơn nam. Học ngành hóa dầu các em có thể xin việc ở nhiều nơi, không nhất thiết phải vào làm việc ở phía Nam.
* Trường ĐH Bách khoa đào tạo chung những năm đầu sau đó mới phân chuyên ngành hẹp. Vậy sinh viên ra trường có thể làm việc trái ngành không?
- PGS TS Hoàng Minh Sơn: ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo nền tảng vững chắc trên một ngành rộng. Đến năm cuối sẽ tạo cơ hội cho thí sinh chọn một ngành hẹp. Ra trường các em có thể làm ở chuyên ngành hẹp nhưng cũng có thể làm ngành khác vì em đã có nền tảng kiến thức vững chắc và rộng hơn.
* Năm nay ĐHQG Hà Nội đào tạo bác sĩ đa khoa không? Hệ ngoài ngân sách của ĐH Y HN có không?
- PGS TS Nguyễn Hữu Tú: Năm nay ĐHQG Hà Nội đào tạo khóa đầu tiên ngành bác sĩỹ đa khoa. Không có trường nào đào tạo ngoài ngân sách trong năm nay cả vì Bộ GD-ĐT không cho phép.
* Con gái có nên học CNTT không ạ? Cha mẹ em không thích cho em học ngành này vì nghĩ nó khô khan, không hợp với con gái?
- PGS Nguyễn Việt Hà: Ngành CNTT là ngành có con gái học nhiều nhất trong khối ngành kỹ thuật. Có rất nhiều công việc gần gũi với con gái ví dụ như thiết kế đồ họa- một ngành vừa đòi hỏi kiến thức CNTT và khả năng sáng tạo. Ngoài ra còn nhiều công việc khác nhẹ nhàng, đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn thận, phù hợp với các bạn nữ. Nếu em thích CNTT em có thể tự tin đăng ký thi vào ngành này.
* Điều kiện tuyển thẳng vào khoa Địa lý vào ĐHQGHN thế nào?
- TS Vũ Viết Bình: Em đọat giải môn Địa lý trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, có thể được tuyển thẳng vào khoa Địa lý của trường ĐH Khoa học xã hội &Nhân văn - ĐHQG Hà Nội. Ngoài ra em còn quyền ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH khác, với điều kiện em phải dự thi kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, có kết quả thi đạt bằng hoặc trên điểm sàn của Bộ GD-ĐT, không có môn thi nào bị điểm 0.
Ban tư vấn Nhóm ngành Khoa học kỹ thuật - Công nghệ - Y dược - Nông lâm -PGS-TS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục-Bộ GD-ĐT-PGS-TS Hồ Thanh Phong- Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế ĐHQG TPHCM- PGS-TS Nguyễn Việt Hà, Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ ĐHQGHN- TS Vũ Viết Bình- Phó trưởng ban đào tạo ĐHQGHN- PGS-TS Nguyễn Hữu Tú- Phó hiệu trưởng trường ĐH Y HN- PGS-TS Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo đại học trường ĐH Bách khoa HN- TS Trịnh Thị Thúy Giang, Trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên- ĐH Khoa học tự nhiên-ĐHQGHN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận