13/03/2011 09:20 GMT+7

Tư vấn sức khỏe mùa thi

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Khu vực tư vấn sức khỏe mùa thi do PGS-TS Lê Bạch Mai - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng phụ trách sẽ cung cấp và chia sẻ với thí sinh cách ăn uống, nghỉ ngơi, giữ gìn, bảo đảm sức khỏe để đạt kết quả thi tốt...

* Bạn Nguyễn Thị Thanh, học sinh Trường THPT Minh Phú băn khoăn vì mình quá gầy, cao 1,65m nhưng nặng chỉ 50 kg, học thi thấy mệt mỏi.

- PGS Lê Bạch Mai hướng dẫn với chiều cao của bạn, trọng lượng cần đạt tới 54kg mới đủ chuẩn. Bình thường ăn 3 bữa/ngày thì mùa thi, nên chia nhỏ số bữa ăn lên 4-5 bữa/lần, nhằm đảm bảo luôn luôn có đường máu cung cấp cho não, giúp tăng khả năng tập trung. Các bạn thí sinh cũng cần ăn bổ sung thực phẩm từ động vật, nhằm bổ sung sắt, giúp không bị thiếu máu và tăng cường cung cấp oxi cho não. Ngoài ra, cần tăng cường rau xanh, quả chín, các bạn gái có thể uống thêm viên sắt và acid folic tần suất 1 viên/tuần.

* Bạn Bùi Duy Nhất, sinh viên năm 2 ĐH Bách Khoa Hà Nội, mặc dù không phải là “đối tượng” chính của ngày hội tuyến sinh, nhưng cũng gặp vấn đề mà thí sinh đang gặp là buồn ngủ khi học thi. Bạn Nhất băn khoăn uống trà, cà phê có thể giúp tính táo để học thi hay không?

- PGS Lê Bạch Mai cho rằng tỉnh táo nhờ chất kích thích như trà, cà phê là chỉ là tạm thời, nhưng về lâu dài sẽ làm cơ thể mệt mỏi, mất tập trung khi học bài. Mỗi ngày các thí sinh cần ngủ ít nhất 6g, nếu quá thiếu thời gian, có thể chia làm 2 ở giấc ngủ trưa và tối, giúp não được nghỉ ngơi. Giấc ngủ trưa có thể chỉ cần 30 phút, nhưng có thể giúp não khỏe hơn nhiều. Nếu không được ngủ đủ thời gian, não sẽ mệt và bạn sẽ lơ mơ suốt ngày.

Có thí sinh sợ vì quá gầy, nhưng có thí sinh lại quá béo. Một nam học sinh cao 1m74, nhưng nặng tới 80kg. Theo TS Mai, thí sinh này đã béo phì, kèm theo các biểu hiện như mệt mỏi, không học được. Thí sinh đã tự giải quyết bằng cách uống trà, cà phê, giúp có cảm giác hưng phấn nhưng không tập trung được.

TS Mai khuyến cáo thí sinh nên ăn chế độ không để tăng cân tiếp, thi xong phải giảm cân. Những thực phẩm chế biến sẵn, năng lượng cao cần giảm bớt, bên cạnh đó tăng các thực phẩm giàu đạm nhưng không dính mỡ, ăn trái cây có múi không ngọt. Trà, phê giúp thần kinh hưng phấn nhưng kích thích làm tim đập mạnh hơn, dễ mệt. Nên chia nhỏ bữa ăn, tuyệt đối không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng.

Để chống lại cơn buồn ngủ, có thể đứng lên vận động nhẹ, tăng cường lưu thông, hoặc ra khỏi phòng hít thở không khí trong lành, chớp mắt liên tục 15-15 lần. Nếu thấy đói có thể ăn nhẹ chút gì đó hoặc thay đổi cảm giác bằng cách nói chuyện với người nào đó để đỡ đơn điệu. Nếu thiếu ngủ, có thể chợp mắt 15-20 phút, để đồng hồ báo thức nếu không có thể ngủ cả tiếng.

* Bạn Nghiêm Minh Hòa, THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết bạn ngủ đủ, nhưng vẫn buồn ngủ, phải làm sao? Mùa thi này, bạn Hòa ngủ khoảng 5g/ngày, trong đó bao gồm cả thời gian ngủ trưa. Nhưng học thêm nhiều, thời gian học bài chỉ còn lại buổi tối, mà tối thì bạn đã rất mệt rồi. Cơn buồn ngủ còn xuất hiện cả đầu giờ học mỗi sáng, nhất là thời gian của tiết học đầu tiên.

- PGS Lê Bạch Mai: Thời gian ngủ mỗi ngày của Hòa đã là gần đủ, không quá ít. Tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ mỗi sáng có thể là do tiết học chưa lôi cuốn, cũng có thể là do bạn chưa đủ quyết tâm. Phải xác định rằng nếu mình không vượt qua kỳ thi này, mình sẽ không đạt được ước mơ.

Một vướng mắc mà nhiều bạn thí sinh cùng gặp là căng thằng khi vào phòng khi, khiến các bạn quên những gì đã học, giống như Hòa. Các bạn nên giảm căng thẳng và coi kỳ thi như một công việc bình thường, chứ đừng tự gây sức ép quá có thể khiến những kiến thức đã học tự nhầm lẫn, tráo đổi lẫn nhau.

Vào phòng thi, thí sinh có thể dành một vài phút bình tĩnh để hệ thống lại chi tiết câu hỏi trong đề bài, hướng làm bài... Tuy nhiên, cũng không nên coi việc đi thi là quá bình thường, ngồi chơi chán mới bắt tay vào làm bài, vì có thể không đủ thời gian hoàn tất bài thi.

* Một nhóm học sinh THPT Việt Đức, Hà Nội: Chúng cháu gặp rắc rối là rất buồn ngủ, nhưng đi ngủ thì phải nằm nửa tiếng mới ngủ được. Trong khi đi học, nghe thầy giáo nói 15 phút là đã ngủ gật rồi.

- PGS Lê Bạch Mai: Có 2 cách giải quyết cho tình trạng này. Một là các cháu nên đi ngủ, khi cảm thấy buồn ngủ. Tất nhiên là kèm điều kiện đang ở nhà, còn ở lớp thì không tùy tiện như vậy được đâu nhé.

Thứ 2, khi lên giường đi ngủ, các cháu nên thư giãn để có thể chợp mắt, không nghĩ về những điều đang gây áp lực, như áp lực phải học bài chẳng hạn. Một số bệnh cũng liên quan đến rối loạn giấc ngủ, như bệnh cường tuyến giáp. Trường hợp các cháu nhận thấy vùng cổ phồng to hơn bình thường, có thể đi khám tại bệnh viện nội tiết để xem có liên quan căn bệnh này không.

* Một nhóm học sinh THPT Chương Mỹ, Hà Nội: Chúng cháu muốn thi trường chúng cháu muốn, như ngành môi trường, công nghệ nano… chẳng hạn, nhưng bố mẹ cháu lại muốn cháu thi trường kinh tế, chúng cháu cảm thấy không phù hợp?

- PGS Lê Bạch Mai: Việc chọn trường nên dựa vào 2 yếu tố, niềm đam mê và năng lực thực tế của bản thân. Khi lựa chọn, các cháu cũng cần cân nhắc ở nghề nghiệp đó, mình sẽ phát triển bản thân trong nghề nghiệp đó như thế nào, chứ không phải là chọn ngành đó vì nó có vẻ oai.

Khi đã xác định được điều đó rồi, các cháu cũng có thể bàn với cha mẹ, gia đình, thể hiện mong muốn được học nghề mình thích. Các cháu đã xác định tương lai của mình, cha mẹ cũng không nên ép con, vì như thế sẽ gây sức ép lên con cái và có thể giảm hiệu quả học tập của các cháu.

* Một nữ học sinh chuyên Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội: Cháu cao 1m52, nặng 37kg, không ăn được nên rất mệt mỏi, mong bác sỹ chỉ dẫn làm sao để tăng cường sức khỏe?

- PGS Lê Bạch Mai: Với chiều cao và cân nặng như của cháu, cháu đã ở mức thiếu năng lượng trường diễn độ 2. Nhưng ngay lập tức cháu không thể bồi bổ cơ thể và tăng cân bằng cách ăn thật nhiều, do đường tiêu hóa của cháu cũng teo nhỏ như cơ thể của cháu, cần có thời gian điều trị phục hồi. Cháu nên đến Viện Dinh dưỡng hoặc các Bệnh viện có khoa dinh dưỡng để được khám, điều trị kịp thời. Với tình trạng của cháu hiện nay sẽ rất mệt mỏi trong học tập. Sau này, sức khỏe của cháu cũng khó đảm đương nổi áp lực công việc.

Đơn vị tài trợ:

NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên