13/03/2011 09:09 GMT+7

Tư vấn tâm lý hướng nghiệp

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Khu vực tư vấn tâm lý - gỡ rối hướng nghiệp: hướng dẫn thí sinh khám phá khả năng bản thân, nhận diện tính cách, sở thích, cách giải tỏa áp lực thi cử, chọn nghề phù hợp, chọn nghề đúng năng lực...

Mở đầu phần tư vấn tâm lý -gỡ rối hướng nghiệp, Th.S Phạm Mạnh Hà chia sẻ: Chọn nghề cũng như các em đi mua quần áo, chọn quần áo vừa với mình. Chọn nghề cũng vậy phải phù hợp, yêu thích. Nhưng yêu thích chưa đủ, các em phải chọn nghề phù hợp với năng lực học tập của mình, nhu cầu xã hội mà chúng ta đang cần. Một điều quan trọng nữa là các em phải có đam mê với công việc đó.

BHl3UAjy.jpgPhóng to
Ba chuyên gia tư vấn tâm lý cho các thí sinh (từ phải qua trái): Th.S Phạm Mạnh Hà - khoa tâm lý Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, TS Lê Thị Thanh Mai - phó trưởng ban đào tạo ĐHQG TPHCM và TS tâm lý học Trịnh Thị Linh - khoa tâm lý Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội - Ảnh: Tiến Thành

Tôi chia sẻ với các bạn một kinh nghiệm, nếu bố mẹ muốn học ngành mà bố mẹ chọn bạn hãy thuyết phục bố mẹ bằng cách, hãy mặc chiếc áo đẹp nhất của bố vào người và hỏi bố có đẹp không, mặc chiếc áo đẹp nhất của mẹ vào và hỏi mẹ có đẹp không? Tôi nghĩ bố mẹ các bạn sẽ hiểu được ước mơ của bạn và tôn trọng lựa chọn của bạn.

- TS Lê Thị Thanh Mai: Có ước mơ là tốt nhưng ước mơ sẽ thay đổi theo thời gian vì vậy các em phải đặt ước mơ với nhu cầu của thị trường, nhu cầu xã hội. Có ước mơ, đam mê và quyết tâm thì các em sẽ gặt hái được thành công.

-TS Trịnh Thị Linh: Tôi đã gặp rất nhiều bạn không thích nhưng cố theo đuổi ngành nghề để làm vừa lòng bố mẹ. Các bạn phải trao đổi với bố mẹ để lựa chọn ngành nghề phù hợp, để các bạn không “đâm đầu vào chỗ chết”. Bởi vì thực tế có rất nhiều người học đến năm thứ 4 rồi vẫn quyết định bỏ dở việc học ngành mình không thích để đi theo đam mê và mơ ước của mình.

* Em rất yêu thích tiếp xúc, sửa chữa máy móc nhưng chưa biết chọn học ngành gì?

-TS Lê Thị Thanh Mai: Với ngành của em thì nên tìm hiểu thêm về các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ để biết chuyên sâu hơn nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết đam mê là một chuyện, mỗi trường trong nhóm ngành có những yêu cầu khác nhau. Em hãy xem lại năng lực của mình, sức khỏe xem có thể chịu được tiếng ồn của máy móc không rồi hãy quyết định.

* Làm thế nào để có được sự tập trung khi học?

- TS Trịnh Thị Linh: Đó là câu hỏi muôn thuở của các thế hệ học sinh. Chúng ta bị phân tán bởi rất nhiều thứ, làm hồ sơ thi, chọn trường, rồi các mối quan hệ bạn bè... Tất cả những điều đó đều xuất hiện trong đầu lúc chúng ta đang học bài. Các bạn hãy đặt mục tiêu cho mình học để làm gì, là hoàn thành những phần việc gì.

Tuy nhiên, nhiều gia đình cứ bắt con phải học từ thời gian nào đến thời gian nào. Quan trọng là chúng ta học trong thời gian ngắn nhất, học được nhiều nhất. Đến khi tư tưởng bị phân tán thì nên thư giãn đầu óc 5-10 phút, chỉ có từng đó thôi cũng khiến các bạn bớt căng thẳng hơn. Hãy chọn một góc yên tĩnh, cách xa nơi tivi, bố mẹ nói chuyện...

TS Lê Thị Thanh Mai: Chọn môi trường mà mình cảm thấy thoải mái nhất, học tập hiệu quả nhất. Các em có thể học theo phương pháp sơ đồ để hệ thống hóa kiến thức, có thể phân bổ khối lượng kiến thức cần tiếp thu trong 1 ngày, 1 tuần…

* Em học hành lơ đãng, không thể tập trung trong lúc học, bắt đầu từ năm ngoái, lúc em thích một bạn gái trong lớp, em phải làm sao?

-TS Trịnh Thị Linh: không có gì phải lo lắng quá. Ở lứa tuổi các em đây là thời gian nhạy cảm, bị chi phối bởi nhiều thứ xung quanh. Chỉ vì vài lời giận dỗi vu vơ thì mình không thể học được hằng tuần. Một ngày không học được thì thành nếp, nó sẽ diễn ra hàng tuần hàng tháng. Việc của em cũng thế, sức ì trong học tập đã trở nên quá lớn.

Có một phương pháp là em luyện chơi xếp hình. Trước hết là em luyện tính tập trung, kiên nhẫn. Em cũng nên luyện tập cách thư giãn. Khi tức giận hãy hít mạnh vào rồi thở ra hết sức từ từ, não bộ tuần hoàn và nhịp tim sẽ trở lại bình thường.

* Em đã hít vào thở ra rất chậm nhưng hiệu quả chưa được mong muốn?

- TS Trịnh Thị Linh: Biện pháp thì có nhưng chưa có hiệu quả. Hãy hít thở lâu, để hơi trong bụng, nghĩ đến việc vui vẻ nhất: tương lai sẽ thế nào, trong đời mình thích nhất là làm gì. Hãy kiên trì, tập dần dần, từ từ, nếu nóng vội tính hiệu quả sẽ không cao.

- ThS Phạm Mạnh Hà: Việc mất tập trung là điều thường gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Chúng ta phải xác định mục tiêu rõ. Yêu cô bạn gái lúc mình trượt đại học, chưa có việc làm, hay lúc mình đỗ đại học và có tương lai hứa hẹn. Em phân thời khóa biểu, thời điểm nào hay nghĩ đến cô ấy nhất thì cứ dành để nhớ cô ấy, còn thời gian nào ít nghĩ đến cô ấy nhất thì hãy học.

Thời khóa biểu của chúng ta sẽ phải có công việc gì mình ưu tiên, công việc gì không nằm trong diện ưu tiên. Khi kỳ thi cận kề chúng ta ôn tập nhiều sẽ tạo ra sự mệt mỏi căng thẳng. Phân bổ thời gian hợp lý để bớt căng thẳng hơn. Nếu học theo kiểu củng cố, đọc thật nhiều thì sẽ nhanh quên. Phải xác định thái độ: nếu nghỉ học hành là việc chán ngắt, chơi games là niềm vui thì việc học sẽ nhẹ nhàng.

* Bọn em được mang gì vào phòng thi?

-TS Trịnh Thị Linh: Các em hãy đọc kỹ những điều cần biết, đọc kỹ những thứ không được mang vào.

* Em chưa biết thi ngành nào, có người khuyên em nên học trường mà chưa phải vội chọn ngành. Nhưng em sợ là nếu em học đại học 1 năm rồi thì không còn kiến thức để thi lại?

-TS Lê Thị Thanh Mai: Hiện nay, có thể có ba hình thức tuyển sinh: 1. tuyển sinh theo ngành (điểm chuẩn xác định cho từng ngành); 2. Tuyển sinh theo nhóm ngành (điểm chuẩn theo nhóm ngành), 3. Tuyển sinh chung theo khối, trường (Điểm chuẩn theo khối thi, theo trường). Đối những ngành học tuyển sinh theo nhóm ngành/khối hoặc trường, sinh viên sẽ học chung trong 3 học kỳ đầu và sau đó sẽ được lựa chọn ngành học dựa vào kết quả học tập của 3 học kỳ. Với hình thức này, sinh viên dễ dàng chọn ngành học phù hợp với sở thích và năng lực của mình.

- ThS Phạm Mạnh Hà: Riêng về nguyện vọng 2, thì khoảng 30% bỏ ngành học. Nhiều khi áp lực phải thi lại nên chọn bừa một trường đại học. Đó là suy nghĩ cực kỳ nguy hiểm, Vì không yêu nên chúng ta rất chán, các em sẽ trả giá rất đắt: chi phí học hành, thời gian, cơ hội...

* Em tên Phạm Thị Vinh. Em đang phân vân giữa hai luồng tư tưởng, em không chọn ngành mình yêu thích, bố mẹ em muốn em thi kinh tế vì gia đình có đầu ra... Em không thích học khoa kinh tế, em rất bối rối, hoang mang. Nên chọn khoa mình thích, hay chọn khoa dễ hơn và khả năng kiếm tiền?

-ThS Phạm Mạnh Hà: Mỗi cuộc đời, chúng ta phải tự quyết định, bố mẹ không sống cùng chúng ta mãi được. Chúng ta phải làm điều mình mong muốn, yêu thích và đóng góp nhiều nhất cho xã hội. Đó mới chính là lý tưởng sống. Không quan trọng tiền nhiều và tiền ít, mà quan trọng là tốt nhất cho xã hội.

* Em muốn thi kinh tế, em từng hứa với bố mẹ chắc chắn đỗ kinh tế. Nhưng đến thời điểm này kiến thức chưa chắc chắn, chưa học tập tốt. Em có một sơ đồ học, buổi sáng dậy sớm học lý thuyết. Nghỉ ngơi ăn sáng học tiếp, buổi chiều làm bài tập. Như thế có quá tải lắm không và lên sơ đồ thế nào cho tốt?

-ThS Phạm Mạnh Hà: Bằng một ví dụ cụ thể, đổ hai cốc nước đầy vào nhau và để nước trào ra. Đổ nhiều quá thì nước nó trào mất. Cũng như việc học, học quá nhiều thì không tốt. Hãy dành thời gian để chơi. Đừng nghĩ đại học là con đường duy nhất. Chúng ta còn có cách khác để vào đời. Chúng ta có nhiều lựa chọn khác nữa, có những trường đào tạo kinh tế có điểm ngành thấp hơn. Em không việc gì phải lo, miễn là có thời gian học tập vui chơi phù hợp, đặt ra được mục tiêu.

* Tên tuổi của trường học liệu có ảnh hưởng đến tâm lý các nhà tuyển dụng hay không?

- ThS Phạm Mạnh Hà: Chúng ra có áp lực rất lớn. Các bạn học tốt chọn trường danh tiếng, ai cũng nghĩ cơ hội việc làm tốt hơn. Điều đó chỉ đúng một nửa. Các bạn học đại học tốt, điểm cao chưa chắc đã làm việc tốt.

Ở Quảng Bình có một bác sĩ tự tử vì học ĐH Y ra mà việc làm không phù hợp. Có một anh người dân tộc tày học Nông lâm nhưng sự nghiệp lại thành đạt, có nhà, có xe hơi. Những tỷ phú ở VN chưa chắc đã học ở những trường danh tiếng. Ai thành công hay không tùy thuộc vào nỗ lực của từng người, có kinh nghiệm... Uy tín trường học chỉ là một phần, quan trọng là nỗ lực và năng lực của mình.

* Em muốn được tư vấn khối C có ngành nào kiếm được tiền nhiều. Bố mẹ em cho rằng, học ngành khối C tìm việc và kiếm tiền rất khó khăn?

- TS Phạm Mạnh Linh: Đi học ai cũng muốn kiếm nghề có thu nhập cao. Ai cũng vậy, kể cả đứa trẻ 5 tuổi. Quan trọng là phải xác định được năng lực của mình đến đâu. Cách đây 10 năm người ta không biết học tâm lý ra để làm gì, có người còn hỏi là để đi làm thầy bói à?

Việc ngành nào khó kiếm tiền hay dễ kiếm tiền cũng khó nói, vì nhu cầu ngành nghề thay đổi theo thời gian. Phụ thuộc vào chính khả năng của các bạn thôi. Hãy nói với bố mẹ với khả năng của con, con có thể kiếm tiền, phụng dữơng bố mẹ. Hãy bằng kết quả của mình để thuyết phục bố mẹ.

- ThS Phạm Mạnh Hà: Tôi không dám nói ngành nào kiếm được nhiều tiền. Rất nhiều người trong chính phủ nhiều người học ở khối Khoa học xã hội nhân văn. Đó là bằng chứng rõ nhất về việc thành công dù học khối C hay khối A. Sinh viên của tôi tốt nghiệp ĐH tâm lý nhưng có người chạy xe ôm ở cổng trường, người làm cho công ty nước ngoài. Chúng ra có mong muốn, khát vọng thì sẽ thành công. Chúng ta hãy tự trả lương cho chúng ta, muốn trả lương cao thì phải nỗ lực, lương thấp thì nỗ lực ít hơn và đi chơi nhiều hơn.

* Phải chuẩn bị như thế nào để có tâm lý tốt ở phòng thi?

- TS Trịnh Thị Linh: Có người nói vui đừng ăn trứng và đừng ăn chuối. Quan trọng nhất là kiến thức tốt, đảm bảo 60% thành công cuộc thi. Thứ hai là sức khỏe, không phải nhiều người đến ngày thi thì lăn ra ốm. Ốm rồi cũng phải đi thì vì ngày thi chỉ có một lần. Các bạn phải ăn ngủ đủ, vì tuổi của chúng ra phải ăn ngủ đủ.

Nếu không đủ thì lúc đó chúng ra sẽ rất mệt mỏi, ngủ trưa, ngủ tối hợp lý. Đôi khi chỉ cần nghỉ ngơi 10-15 phút thôi sẽ minh mẫn. Chế độ ăn uống phải chất lượng, thoải mái, ăn những thứ lành, tránh ăn những món có nguy cơ.

Nên mang theo một chai nước lúc đi thi. Giữa hai buổi thi cần nghỉ ngơi. Nhiều bạn lo quá, thi xong ra giở sách vở để đọc qua trước khi vào buổi thi. Hồi SV có lần tôi học đến 5g sáng và chỉ ngủ 30 phút trước giờ thi và suýt ngất khi bước vào phòng thi. Đừng bao giờ để thức trắng đêm trước khi đi thi.

Bắt đầu chương trình tư vấn buổi chiều, các chuyên gia chia sẻ

- ThS Phạm Mạnh Hà: Tiếp tục đồng hành với các bạn trong tư vấn tâm lý. Đa phần các em muốn hỏi bí quyết để bình tĩnh tự tin bước vào phòng thi. Nhiều bạn cũng băn khoăn cách thuyết phục bố mẹ trong việc lựa chọn nghề, ngành... Rất mong các em chia sẻ nhiều, thẳng thắn cởi mở về những băn khoăn trước khi bước vào giảng đường đại học.

- TS Lê Thị Thanh Mai: Ngoài kiến thức, sức khỏe, các em nên chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho kỳ thi. Khi đi thi, nên quyết tâm trúng tuyển nguyện vọng 1, đừng bận tâm đến nguyện vọng 2 vì thực tế cơ hội đối với nguyện vọng 2 là không cao. Đối với thi tuyển sinh đại học, việc ôn luyện nên có kế hoạch hợp lý, không nên chạy nước rút vào giai đoạn cuối, vì khả năng tiếp nhận thông tin của não có giới hạn, đến một lúc nào đó sẽ bão hòa, rất dễ xảy ra tình trạng khi bước vào phòng thi thì đầu óc lại trống rỗng .

- ThS Phạm Mạnh Hà: Chẳng có gì là khó cả nếu chúng ta xác định được mục tiêu và phấn đấu vì nó. Tương lai chỉ có thể có được khi chúng ta cố gắng vì nó. Nếu chúng ta coi đại học là phương tiện cho mục đích của mình thì dù học đại học, trung cấp, hay cao đẳng vẫn chỉ là phương tiện. Hãy chọn con đường ngắn nhất, hợp lý nhất để thực hiện mục tiêu của mình

* Nên có phương pháp học như thế nào trước khi đi thi?

-TS Trịnh Thị Linh: Bây giờ lịch học rất nhiều, sáng học, chiều học, tối học, có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Các bạn hơi quá tải, học hơi nhiều không có thời gian làm bài tập. Quan trọng chúng ta phải xác định mình cần đầu tư học môn nào, không nên học tràn lan các môn. Các bạn phải lên kế hoạch học tập.

Trong tuần sẽ học môn gì, thời gian nào theo những sơ đồ đã vạch sẵn. Đừng học vẹt hay học thuộc lòng, chỉ sau một thời gian ngắn sẽ nhanh quên. Nhưng nếu học theo sơ đồ, học theo ý, khi vào phòng thi sơ đồ ấy sẽ đến với các bạn nhanh như thế nào. Học vẹt để đối phó thì không thể nhớ lâu dài. Tóm lại cần xác định học kỹ môn nào, lên thời khóa biểu, sơ đồ hóa kiến thức và phải có thời gian để nghỉ ngơi.

- ThS Phạm Mạnh Hà: Thường thì cái gì hứng thú, đem lại niềm vui thì sẽ chăm học hơn. Tôi học theo cách cố gắng nhớ bản chất, liên kết ra thực tế đời sống. Khi chúng ra tư duy sẽ có điểm bừng sáng, nó sẽ giúp kết nối với những điều đã học. Các em có nói các em nghỉ trong lúc học. Có cái tốt là lúc mệt thì nghỉ một chút thì sẽ thoải mái hơn.

Tuy nhiên, mặt tiêu cực thì rất rõ: chúng ra tiêu tốn quá nhiều năng lượng để rồi khi cần tiếp thu kiến thức thì lại quá mệt mỏi. Tôi thấy nhiều em ngoài học ở trường, ở lò, tối về còn bị gia sư hay thầy luyện thi kèm cặp. Đối với những bạn khối C tôi có chia sẻ là bạn nên đọc từ giữa trang, hoặc đọc theo hình zich zắc. Bởi vì điều quan trọng ở một trang văn dài là từ khoá, tìm được từ khóa thì sẽ nhớ bản chất của đoạn văn. Chứ các em không thể nhớ nổi một đoạn văn dài. Trong thời gian ôn thì cũng không nên kiêng chơi games, mua sắm, vì đó là thời gian thư giãn. Nếu trượt đại học tôi nghĩ không nên quá buồn rầu, năm sau có thể thi lại

* Em rất muốn học ngành công nghệ thông tin, khả năng lập trình không tốt. Ban tư vấn có thể giải quyết giúp em?

- MC trả lời giúp: Với tư cách là một người học về công nghệ thông tin, tôi có lời khuyên dành cho bạn là bạn có thể học về phần cứng, thiết kế web...

* Em thích học kinh doanh ô tô, ít ra em phải biết về kỹ thuật và kinh doanh, vậy thì em nên học ngành gì, học kỹ thuật, hay là kinh doanh sau, hay học song song?

ThS Phạm Mạnh Hà: Nếu em học kinh doanh ô tô thì em phải có kiến thức về thương mại. Còn nếu học kỹ thuật thì em phải học chế tạo, sản xuất ô tô. Nhưng vừa rồi tôi đọc được có trường có ngành học kinh tế vận tải. Nhưng em chỉ được học một ngành nên có thể chọn học ngành này để phù hợp với em.

- TS Lê Thị Thanh Mai: Hiện nay, đa số các trường đào tạo theo hệ thống tín chỉ, vì vậy sinh viên rất dễ dàng học thêm các tín chỉ của các ngành khác để có thể có thêm kiến thức hoặc tốt nghiệp thêm một ngành học thứ 2 . Điều này, đã được quy định trong quy chế đào tạo. Kỹ thuật và kinh doanh thuộc 2 lĩnh vực có môi trường làm việc rất khác nhau, vì vậy em thử làm trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp để xem mình phù hợp nhất với lĩnh vực nào thì ưu tiên chọn lĩnh vực đó hoặc em có thể tham khảo quyển những điều cần biết để chọn những ngành học mang tính liên ngành.

- TS Trịnh Thị Linh: Cùng một lúc học hai ngành thì sẽ rất căng thẳng. Tôi có một người bạn chỉ học quản trị kinh doanh ở một trường bình thường và sau này kinh doanh ô tô rất thành công. Nếu thực sự muốn làm kinh doanh thì phải được đào tạo bài bản về kinh doanh, khi thực tập bạn có thể đến thực tập ở những công ty sản xuất ô tô.

* Em rất muốn thi vào trường Y, nhưng điểm học không cao lắm thì có cơ hội thi vào trường Y không?

- ThS Phạm Mạnh Hà: Tổng các môn khối B của em cỡ 22 điểm. Nếu vậy thì so với điểm sàn của trường Y thì khó đỗ vào được, trừ khi có bước chân thần kỳ của Doremon. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là em không có cơ hội vào trường Y.

Em có thể thi vào trường đại học vùng như Y Thái Bình, Y Hải Phòng. Em có đam mê, tôi tin em sẽ thành công với nghề em lựa chọn. Đừng nghĩ rằng, trường đại học vùng là thấp kém so với Y Hà Nội

* Giữa kinh tế và kỹ thuật, người ta nói kỹ thuật luôn luôn thay đổi theo thời gian. Giả sử em thi vào kỹ thuật, kỹ thuật thế thời thay đổi, vậy sau 5 năm thì kỹ thuật em thu thập được có đủ để em đi làm cho một công ty hay không?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Khoa học kỹ thuật luôn luôn thay đổi và phát triển, chương trình đào tạo được xây dựng nhằm đào tạo sinh viên ngoài kiến thức chuyên môn còn kỹ năng thích ứng nhanh với thị trường lao động qua nhiều hoạt động, đặc biệt là thời gian thực tập, tiếp xúc với doanh nghiệp. Vì vậy trong quá trình học tập, sinh viên phải chủ động để chuẩn bị tốt hành trang cho mình.

* Hiện tại ngành công nghệ sinh học ở nước ta đã phát triển, trong năm năm tới sẽ phát triển như thế nào? Em muốn học về công nghệ sinh học hoặc học quân y, nếu học công nghệ sinh học thì tài chính gia đình không phù hợp, em phải làm sao?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Rất nhiều em mơ ước được làm nghề y, điểm chuẩn rất cao và nhiều em thi nhiều năm không thể đỗ. Tôi biết các em học về y dược và công nghệ sinh học khi ra trường đều có nghề nghiệp ổn định và thu nhập cao. Tôi chỉ sợ chúng ta lúng túng khi ra trường và không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Nghề này cũng cần những người say mê nghiên cứu, không sợ thất bại.

TS Trịnh Thị Linh: Sự lo xa của các em rất hợp lý. Cách đây 5-10 năm, nhiều người không hiểu học tâm lý học để làm gì. Nhưng hiện nay nhiều người tìm đến chuyên gia tâm lý. Giờ xã hội đã khác và mọi người đều có cơ hội.

* Em là người hơi chậm chạp, nhưng tương đối cẩn thận, thế em làm bác sỹ, dược sỹ có được không?

-ThS Phạm Mạnh Hà: Nếu em đang mổ cho bệnh nhân, tay run run ngồi đợi xem mổ có chuẩn không, đợi xong thì bệnh nhân đã nguy kịch. Nếu em chấp nhận được việc gia đình bệnh nhân kiện thì hãy chọn nghề này. Đùa vậy thôi, nếu em đam mê và đủ can đảm để theo đuổi ngành nghề của mình thì hãy cố gắng. Em hãy test xem với tính cách đó phù hợp với nghề gì.

* Em thích các hoạt động xã hội, khả năng của em chỉ dừng lại ở việc nói nhiều mà mọi người không chán... Em có thể học những trường đào tạo về đối ngoại được không ạ?

- Ths Phạm Mạnh Hà: Quá tốt chứ, có điều gì phải lo lắng. Nếu em muốn hoạt động xã hội như là một công việc cả đời của em. Ở miền Bắc thì tốt nhất vẫn là trường đại học khoa học xã hội nhân văn: báo chí, du lịch, tâm lý học, xã hội học... Học viện báo chí tuyên tuyền cũng có những khoa tương tự, trường ĐH lao động xã hội, ĐH công đoàn... Đó là những trường có thể đào tạo những người làm công tác xã hội.

* Em là sinh viên, có vấn đề chung của học sinh, các bạn học tốt nhưng tâm lý phòng thi kém nên trượt oan. Có thể làm cách nào để giảm bớt áp lực trong phòng thi?

- TS Trịnh Thị Linh: Chia sẻ với câu hỏi của bạn. Tôi học tốt ở trường và cũng rơi vào trường hợp trượt đại học. 10 năm sau nghĩ lại tôi vẫn không hiểu sao mình nhạy cảm như thế? Tôi học khối C, cái barem chấm điểm khác với khối A. Rất nhiều bạn vào phòng thi cuống quá, chả nhớ gì cả, nhiều bạn không viết nổi mở bài hay công thức giải bài.

Các bạn không chuẩn bị tâm lý tốt. Nhiều bạn không cân đối nổi thời gian thi, làm câu này trong vòng bao nhiêu thời gian. Điều đầu tiên để các bạn yên tâm là phải phân bố thời gian đủ. Hơn nữa, các bạn ăn ngủ đủ, nhiều bạn ăn ngủ không đủ, lo lắng quá nên đến ngày thi bị ốm. Các bạn phải tập thở lấy lại cân bằng cho mình.

* Một học sinh THPT Thăng Long, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Cháu thường phải bỏ bữa sáng vì nhiều hôm phải đứng ngoài, không kịp vào lớp vì ăn bữa sáng, như thế có ảnh hưởng sức khỏe không ạ?

- PGS.TS Lê Bạch Mai: Bạn vào học muộn vì bạn không sắp xếp thời gian cho bữa sáng, chứ không phải tại ăn bữa sáng. Các bạn nên dành thời gian để ăn đủ bữa trong ngày, nhất là bữa sáng. Bỏ bữa sáng sẽ mệt mỏi, ảnh hưởng nhiều đến học tập, nhất là khả năng tập trung, chưa kể lâu dài có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của bạn.

* Em đã bước sang năm lớp 12, em chưa xác định là thi vào trường nào. Ước mơ của em là kiếm được nhiều tiền. Mục tiêu là trước 30 tuổi là kiếm được 10 tỷ đồng. Em nghe anh trai tư vấn là nên thi vào trường ngân hàng để kiếm tiền. Còn người khác lại khuyên em nên thi vào trường cảnh sát thì thu nhập và công việc đều ổn.

- TS Lê Thị Thanh Mai: Có ước mơ là tốt, nhưng phải thực hiện ước mơ đó như thế nào còn tùy thuộc vào thực tế cuộc sống. Nếu đặt ước mơ quá xa vời, rất dẫn đến chán nản. Tôi làm phép tính thử, để kiếm được 10 tỷ đồng thì sau khi tốt nghiệp đại học, thu nhập mỗi năm bình quân của em phải 100 triệu. Học ngành nào và việc kiếm tiền hoàn toàn khác nhau. Trước tiên, em nên xác định bản thân mình thích và phù hợp với ngành nghề nào. Có thích, đam mê và quyết tâm thì mới có thể thành công trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.

- ThS Phạm Mạnh Hà: Tôi biết trên thế giới có những tỷ phú có thu nhập hàng tỷ đô trước 30 tuổi.

* Em này tiếp: Đó là ước mơ để em phấn đấu và nỗ lực. Nếu trước 30 tuổi em chưa kiếm được 10 tỷ thì đó không phải thất bại của em.

- ThS Phạm Mạnh Hà: Muốn kiếm được tiền thì em phải nỗ lực rất nhiều.

* Em vừa test tư vấn hướng nghiệp, trong bản kết quả thì em làm thủ thư, trang trí nội thất... những ngành này em không thích. Trong khi đó em thích nghề dược, em phải làm thế nào?

- ThS Phạm Mạnh Hà: Em hãy chọn nghề phù hợp với tính cách của mình thì em sẽ thành công

* Em thích ngành luật, thì có yêu cầu gì về tốt chất?

- ThS Phạm Mạnh Hà: Em nên làm trắc nghiệm tâm lý rồi quay trở lại với chuyên gia tư vấn.

Khi kết thúc nội dung tư vấn tâm lý ThS Phạm Mạnh Hà và TS Trịnh Thị Linh chia sẻ: "Chúng tôi đều đã trải qua một thời thi cử nên rất hiểu tâm trạng của các bạn. Thậm chí, tôi còn trượt đại học và phải làm lại từ đầu. Điều tôi muốn nói với các bạn rằng, trượt đại học không phải là điều quá kinh khủng. Hơn nữa, các em hãy chọn cho mình một ngành nghề phù hợp là đam mê suốt cuộc đời của các em. Bố mẹ không thể sống cùng các em suốt cuộc đời, mà các em phải sống với công việc và yêu thích công việc đó.

Danh sách ban tư vấn

- TS Lê Thị Thanh Mai - phó trưởng ban đào tạo ĐHQG TPHCM

- Th.S Phạm Mạnh Hà - khoa tâm lý Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội

- TS tâm lý học Trịnh Thị Linh - khoa tâm lý Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội

Đơn vị tài trợ:

NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên