13/03/2011 09:04 GMT+7

Tư vấn nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ - y dược - nông lâm

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Khu vực tư vấn nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ - y dược - nông lâm: tư vấn về chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp của những ngành công nghệ hóa học, khoa học vật liệu, điện tử viễn thông, địa chất, dầu khí, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin…

dNhHyvki.jpgPhóng to
Các học sinh tham dự tư vấn tuyển sinh - Ành: Minh Giảng

* Nhiều người nói học các ngành khoa học công nghệ vất vả nhưng khó xin việc?

- PGS-TS Nguyễn Hữu Dư: Bất cứ đất nước nào muốn phát triển đều phụ thuộc vào nền khoa học kỹ thuật. Vì thế đất nước ta rất cần nhân lực cho lĩnh vực này. Còn việc có nhiều cơ hội việc làm không, lương cao hơn thì tùy thuộc và sự nỗ lực của các bạn trong việc học tâp, để đạt được trình độ như yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực này

* Cùng một ngành đào tạo, kỹ sư và cử nhân khác nhau thế nào?

- PGS Nguyễn Cảnh Lương: Trường ĐH bách khoa Hà Nội trước đây đào tạo 5 năm, nhưng nhiều nước đào tạo 4 năm lấy bằng cử nhân. Vì vậy để phù hợp với xu thế chung, ĐH Bách khoa Hà Nội và một số trường khác đào tạo cử nhân 4 năm. Nếu sinh viên có điều kiện, năng lực thì học thêm một năm để lấy bằng kỹ sư. Hệ kỹ sư đào tạo chuyên sâu hơn.

- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Đào tạo kỹ sư có thể 4 hoặc 5 năm, nhưng chương trình đào tạo thiên về ứng dụng, thực hành, nghiên cứu chuyên sâu.

* Em là học sinh trường trung cấp Y- Dươc Phạm Ngọc Thạch. Tháng 6- 2010 em tốt nghiệp. Em muốn thi liên thông lên đại học có được không?

-PGS TS Nguyễn Hữu Tú: Hiện nay có một hệ cử nhân liên thông, cho phép học sinh tốt nghiệp trung cấp y sau khi làm việc hai năm ở một cơ sở y tế có thể đăng ký dự thi vào hệ cử nhân liên thông. Trường ĐH Y Hà Nội có ngành cử nhân điều dưỡng, năm nay chỉ tiểu tuyển sinh khoảng 250-300. Phía Nam cũng có những trường có tuyển sinh hệ này. Nếu các bạn có nhu cầu, có thể đăng ký.

* Em nghe nói VN có trường ĐH dầu khí, em muốn tìm hiểu về trường này?

- PGS Nguyễn Cảnh Lương: Trường ĐH dầu khí tuyển sinh năm đầu tiên, đào tạo các ngành khai thác, thăm dò dầu khí. Ngoài trường này, ở HN có hai nơi là ĐH Mỏ Địa chất đào tạo ngành thăm dò dầu khí và ĐH Bách khoa HN có ngành hóa dầu. Các em có thể vào trang web của trường ĐH Dầu khí để tham khảo thêm.

* Ngành công nghệ ô tô của trường ĐH Bách khoa, trong thời gian học em có thể đi làm thêm không ạ?

-PGS-TS Hoàng Minh Sơn: Các bạn học ngành nào cũng có thể đi làm thêm bên ngoài, nếu đảm bảo yêu cầu học tập. Trường ĐH bách khoa Hà Nội đào tạo theo tín chỉ, các bạn có thể sắp xếp thời gian học phù hợp với năng lực, sức khỏe và thời gian có thể để làm thêm.

* Các trường đại học có các lớp kỹ sư tài năng, cử nhân chất lượng cao sẽ được ưu đãi như thế nào so với hệ đại trà? Để được vào học các lớp này cần những điều kiện gì? Trường ĐH Bách khoa hà Nội có lớp kỹ sư tài năng ở tất cả các chuyên ngành không?

- PGS- TS Nguyễn Cảnh Lương: Các ngành công nghệ của ĐH Bách khoa HN đều có đào tạo kỹ sư, nhưng kỹ sư tài năng chỉ có ở một số ngành. ĐH Bách khoa HN chỉ có 4 ngành đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Ngoài ĐH Bách khoa HN còn một số trường khác đào tạo hệ kỹ sư tài năng theo các chuyên ngành được quy định đã được thỏa thuận trong chương trình hợp tác giữa VN với Pháp.

Các em có thể tham khảo thêm ở cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, mục thông tin của trường ĐH Bách khoa HN và một số trường khác. Trường ĐH Bách khoa HN và một số trường khác còn có các lớp cử nhân tài năng, lớp học theo chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư đặc biệt... Sinh viên học các chương trình trên sẽ có những ưu tiên hơn sinh viên học hệ đại trà về chương trình, điều kiện học tập và yêu cầu đối với sinh viên cũng cao hơn.

Để được vào học các chương trình trên, thí sinh sẽ phải có kết quả thi đại học ở mức cao, hoặc có những thành tích đặc biệt trong học tập ở THPT. Sinh viên học chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư đặc biệt hợp tác với Nhật bản sẽ phải có trình độ tiếng Anh tốt, vì chương trình sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh.

* Em muốn biết tương lai ngành công nghệ sinh học VN như thế nào? Có cơ hội việc làm cao không? Trường ĐH khoa học tư nhiên- ĐHQGHN tuyển sinh ngành này ở cả khối A và B, em nên dự tuyển khối nào thì có cơ hội hơn

- PGS-TS Nguyễn Hữu Dư: Nếu thế kỷ 20-21 là thế kỷ của công nghệ thông tin, thì tiếp sau đó sẽ là thời đại của công nghệ sinh học. Trường ĐH Khoa học tự nhiên- ĐHQGHN sẽ tuyển sinh vào ngành này ở cả hai khối A và B, cơ hội đậu của cả hai khối tương đương nhau

* Sau khi đào tạo cử nhân điều dưỡng, cử nhân y tế công cộng và cử nhân y học cổ truyền thì có thể làm việc ngay được không? Trường ĐH Y HN có tuyển sinh NV3 không? Sau khi học xong chương trình bác sỹ đa khoa, em có phải học thêm gì không hay có thể làm việc ngay?

- PGS-TS Nguyễn Hữu Tú: Các em học xong ngành cử nhân điều dưỡng, y học cổ truyền, y tế công cộng có thể làm việc ngay. Có nhiều cơ hội công việc cho những sinh viên tốt nghiệp các ngành trên. Ví dụ làm việc trong các bệnh viện, trung tâm y tế. Các em học xong 6 năm tại các trường y, sẽ phải học thêm các chuyên ngành sâu khác trước khi ra làm việc. Chỉ tiêu bác sỹ đa khoa của trường ĐH Y HN. Trường ĐH Y HN có tuyển NV3 nhưng tuỳ theo từng năm, căn cứ vào việc tuyển sinh NV1.

* Ngành công nghệ sinh học gồm những ngành nào? Sau này ra trường làm việc ở những đâu. Em nên đăng ký học ngành này ở trường nào?

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Có nhiều trường đạo tạo công nghệ sinh học. Chương trình khung của các trường giống nhau 70%, còn 30% khác nhau là thế mạnh riêng của từng trường. Sinh viên học ngành trên có thể làm việc trong các lĩnh vực về môi trường, y tế, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp, lâm nghiệp (chế biến cây trồng, vật nuôi, phân bón….)

Ngành này là ngành có điểm chuẩn cao so với các ngành khác. Sinh viên học ngành này, ngoài năng lực tốt, phải có sự đam mê ngành học này. Sinh viên học công nghệ sinh học có kết quả học tập tốt mới mong có cơ hội việc làm cao.

* Em muốn trở thành bác sỹ Răng hàm mặt có phải đăng ký học bác sỹ đa khoa trước rồi mới đăng ký học chuyên ngành răng hàm mặt không? Cơ hội thi đậu vào ngành này có cao không?

- PGS-TS Nguyễn Hữu Tú: Em muốn học bác sỹ Răng hàm mặt có thể đăng ký luôn vào mã ngành đào tạo Răng hàm mặt không phải học bác sỹ đa khoa trước. Điểm chuẩn vào mã ngành này thấp hơn ngành bác sỹ đa khoa

* Trong môn Toán em sử dụng công thức trong SGK nâng cao để làm phần riêng của ban cơ bản, như thế có phạm quy không?

- PGS-TS Nguyễn Cảnh Lương: Em hoàn toàn có quyền sử dụng công thức ở SGK nâng cao hay cơ bản mà không phạm quy. Nhưng nên sử dụng những kiến thức học trong chương trình THPT không nên sử dụng những kiến thức quá cao siêu, cũng không thể được điểm cao hơn

-PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Xin lưu ý em khi làm phần riêng trong đề thi, chỉ được làm một trong hai phần riêng. Em có thể chọn phần riêng của chương trình nâng cao hoặc cơ bản, nhưng không được làm cả hai phần riêng.

* Cho em hỏi mô hình đào tạo ngành CNTT của đại học công nghệ như thế nào?

- PGS-TS Nguyễn Việt Hà: Năm nay trường ĐH Công nghệ tuyển sinh theo nhóm ngành CNTT và viễn thông. Tuỳ theo nguyện vọng và kết quả thi của thí sinh, chúng tôi sẽ xác định điểm chuẩn của từng ngành trong nhóm ngành này

* Khi em đăng ký dự thi vào một nhóm ngành, em đủ điểm chuẩn để tuyển vào trường, trong quá trình học tập, em có thể được chuyển sang ngành khác không?

- PGS-TS Nguyễn Cảnh Lương: Khi em đăng ký dự thi vào nhóm ngành nào đó, em phải đạt điểm chuẩn của nhóm ngành thì mới được tuyển. Trong quá trình học tập, em có thể chuyển sang chuyên ngành khác, nhưng chỉ được chuyển trong nhóm ngành em đã đăng ký và có điểm thi đạt điểm chuẩn

* Trường ĐH Y HN có đào tạo ngành nữ hộ sinh không?

-PGS-TS Nguyễn Hữu Tú: Trường ĐH Y HN chưa đào tạo ngành nữ hộ sinh, chỉ có ngành cử nhân điều dưỡng. Nữ hộ sinh làm việc trong các nhà hộ sinh, bệnh viên phụ sản. Có thể các năm tới chúng tôi sẽ bổ sung ngành này

* Tương lai của ngành Vật lý hạt nhân thế nào? muốn học ngành này thì đăng ký thi trường nào?

- PGS Nguyễn Cảnh Lương và GS TS Nguyễn Hữu Dư: Ngành Vật lý hạt nhân của Trường ĐH Khoa học tự nhiên thiên về lý thuyết, mang tính nghiên cứu còn ngành đào tạo kỹ thuật hạt nhân, ĐH Bách khoa HN năng về ứng dụng. Hiện ĐH Bách khoa đang có đề án đào tạo nhân lực cao cho ngành vật lý hạt nhân. Trong tương lai ngành vật lý hạt nhân sẽ cần nhiều nhân lực. Hiện tại với việc xây dựng các nhà máy hạt nhân, sẽ cần nhiều người có trình độ cao

* Em vừa tốt nghiệp ngành cơ khí, ĐH HN, em muốn dự thi cao học vào trường thì phải thi những môn nào? Có thể dự thi ngay được không?

- PGS Nguyễn Cảnh Lương: Nếu em tốt nghiệp ĐH ngành công nghiệp cơ khí, chuyên ngành chế tạo máy, em có thể dự thi cao học ĐH Bách khoa HN Nếu em tốt nghiệp loại khá trở lên thì được dự thi ngay, còn tốt nghiệp trung bình thì phải làm việc một năm mới được thi. Các em sẽ thi ba môn Toán, Ngoại ngữ, chuyên ngành (cơ khí chế tạo máy).

* Năm nay trường ĐH Bách khoa có chỉ tiêu 850 sinh viên hệ cao đẳng, như vậy là quá nhiều, liệu có đảm bảo chất lượng không?

PGS-TS Hoàng Minh Sơn: Trường ĐH Bách khoa HN đã giảm hẳn chỉ tiêu cao đẳng xuống còn 800, nâng chỉ tiêu đại học là 1000, để nâng cao chất lượng đào tạo.

Nếu các bạn theo dõi thông tin công khai của trường thì trường ĐH Bách khoa là một trong những trường có tỷ lệ sinh viên/giảng viên thấp nhất, diện tích sử dụng cao nhất, điều kiện giảng dạy đảm bảo chất lượng.

* Xin hỏi chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Y Hà Nội?

- PGS-TS Nguyễn Hữu Tú: Năm trước ĐH Y HN có 15.000 thí sinh dự thi, tăng gấp rưỡi so với năm trước, chỉ tiêu gồm 1000. Năm nay chúng tôi giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh là 1000, trong đó có 500 chỉ tiêu cho bác sỹ đa khoa. Tôi hy vọng điểm chuẩn NV1 sẽ ổn định như mức năm trước là 24 điểm (đối với đối tượng thuộc khu vực 3).

* Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN năm nay có mấy hình thức tuyển sinh?

- PGS-TS Nguyễn Việt Hà: Với kỳ thi tuyển sinh sắp tới, trường ĐH Công nghệ, chúng tôi chỉ tuyển sinh hệ chính quy. Trong đó có chương trình cử nhân đại trà, cử nhân chất lượng cao, chương trình tiên tiến.

* Em xin hỏi NV2 là thế nào? Học ở trường đăng ký NV2 có cơ hội việc làm ít hơn phải không?

-PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Trong hồ sơ ĐKDT của các em chỉ đăng ký trước NV1. Nếu các em trượt NV1, các em sẽ được cấp hai giấy báo kết quả thi số 1 và số 2. Các em sử dụng giấy này để đăng ký NV2, NV3 vào một trường khác, với điều kiện kết quả thi của các em cao hơn điểm tuyển NV1 ở trường đó. Ngành NV2, NV3 không phải ngành không có nhu cầu việc làm, mà là ngành có ít thí sinh ĐKDT

* Có phải ngành Y, dược hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực không? Vì sao lại như vậy khi các trường Y, Dược hàng năm vẫn tăng chỉ tiêu? Trường ĐH Y HN có đào tạo bác sỹ liên thông không? Sinh viên Y, Dược luôn được xem là học quá vất vả, không có thời gian tham gia các hoạt động khác, có đúng không?

- PGS-TS Nguyễn Hữu Tú: Nhu cầu nhân lực ngành Y, dược cao, trong khi các trường chưa đáp ứng kịp do việc đào tạo nhân lực cho ngành này rất tốn kém, nên khó có thể đáp ứng. Một nguyên nhân nữa là việc đào tạo ngành Y, dược rất khó, nên để đảm bảo chất lượng, không thể mở rộng quy mô nhanh quá.

Những năm gần đây chỉ tiêu của các trường Y, Dược đều tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Trường ĐH Y HN có liên thông ở bậc đại học ở hệ cử nhân, không đào tạo hệ bác sỹ liên thông.

Trường Y HN lâu đời, quan hệ quốc tế rộng, nên nếu đậu vào trường ĐH Y HN sẽ có nhiều cơ hội đi học nước ngoài. Ngoài ra, ĐH Y HN có các chương trình liên kết với nước ngoài. Các em có năng lực, đáp ứng yêu cầu có thể học liên thông ở nước ngoài, thậm chí làm việc ở nước ngoài. Sinh viên trường Y phải học vất vả hơn nhiều trường, nhưng sinh viên Y vẫn có thểm tham gia nhiều hoạt động xã hội, hoạt động văn hoá giải trí.

* Năm trước em đạt 11,5 điểm, đứng thứ 400 khối A trường ĐH Lâm nghiệp nhưng vẫn trượt. Vậy năm nay, với những trường thiếu nguồn tuyển NV2, NV3 thì liệu em có cơ hội không khi chỉ đạt kết quả thi tương đương năm trước?

- -PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Các em có kết quả đạt dưới sàn đại học theo quy định của Bộ không thể đủ điều kiện đăng ký NV2 vào các trường ĐH mà chỉ đăng ký vào các trường cao đẳng.

* Muốn chọn một ngành học phù hợp thì nên căn cứ vào các tiêu chí nào? Cơ hội việc làm cao có phải là căn cứ quan trọng nhất để chọn lựa không? Nhiều người nói khối ngành công nghệ- kỹ thuật khó xin việc hơn ngành kinh tế có đúng không?

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Các em nên chọn ngành nào mình yêu thích, say mê. Vì có say mê thì mới đầu tư xứng đáng cho nó và mới đạt kết quả tốt. Có trình độ tốt đồng nghĩa với việc có cơ hội việc làm cao

- PGS Đỗ Văn Dũng: Nếu nghĩ học khối ngành kỹ thuật công nghệ chỉ làm việc cho VN là sai lầm. Hiện tại có một lực lượng lớn kỹ sư VN đang ra nước ngoài làm việc. Cơ hội việc làm của ngành công nghệ, kỹ thuật có cơ hội việc làm ổn định, bền vững chứ không như một số ngành học đang được xem là “hot” khác.

* Cơ cấu ngành đào tạo của trường ĐH Công nghệ như thế nào?

- PGS-TS Nguyễn Việt Hà: Trường ĐH Công nghệ có 7 ngành, thì 4 ngành liên quan đến công nghệ thông tin. Trong đó có 6 ngành cử nhân (học 4 năm) và 1 ngành kỹ sư (học 4, 5 năm). Chúng tôi có hai chương trình đạt chuẩn quốc tế, đòi hỏi sinh viên phải có trình độ tiếng Anh tốt.

* Sinh viên ngành CNTT được nhận xét là giỏi nhưng kém năng động, vậy trường ĐH Bách khoa HN làm gì để khắc phục tình trạng này?

- PGS-TS Hoàng Minh Sơn: Trước đây nhận xét như thế thì đúng. Nhưng từ năm 2009, chương trình đào tạo của trường ĐH Bách khoa HN đã được thiết kế lại theo hướng tích hợp những kỹ năng mềm vào các môn học chính. Ví dụ tích hợp để rèn luyện năng lực làm việc theo nhóm,

* Trường CĐ Y HN có thi tuyển không ạ? Trường này có lấy điểm chuẩn cao không?

- PGS-TS Nguyễn Hữu Tú: Trường CĐ Y HN có đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng. Họ có thi tuyển và xét tuyển. Các bạn nên tham khảo trang web của trường này để biết thêm thông tin

* Cơ hội việc làm của ngành dầu khí có bền vững không khi nhiều ngành khai thác dầu khi chưa phát triển mạnh, VN vẫn phải nhập dầu của nước khác?

- PGS-TS Đỗ Văn Dũng: VN có nhiều mỏ dầu khí. Nhưng những mỏ mới tìm thấy không lớn. Nếu các bạn học ngành dầu khí thì nên biết Nhà nước đang có đầu tư rất lớn trong việc khai thác dầu khí. VN cũng liên doanh với nhiều nước trong việc khai thác dầu khí và nhiều kỹ sư VN đã sang làm việc tại nước ngoài. Sinh viên học ngành dầu khí vẫn có thể tìm kiếm việc làm

- PGS-TS Hoàng Minh Sơn: Học ngành dầu khí có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực chứ không chỉ làm việc tại các mỏ dầu khí. Ví dụ các ngành sản xuất các sản phẩm từ dầu khí.

* Ngành cử nhân công nghệ giống và khác ngành cử nhân kỹ thuật và kỹ sư thế nào? Muốn đăng ký dự thi vào ngành này thì làm hồ sơ ĐKDT như thế nào?

- PGS-TS Hoàng Minh Sơn: Các em cứ đăng ký NV1 vào ngành cử nhân kỹ thuật và kỹ sư. Nếu không đậu thì sẽ chuyển sang cử nhân công nghệ. Cử nhân công nghệ thiên về ứng dụng. Còn cử nhân kỹ thuật thiên về nghiên cứu. Chương trình hai hệ này đều 4 năm

* Em định thi vào trường ĐH Công nghiệp ngành tự động hóa. Nhưng không hiểu ngành này như thế nào, xin được giải thích rõ?

- PGS TS Hoàng Minh Sơn: Bất cứ lĩnh vực nào trong xã hội cũng đều có vai trò tự động hoá, như đèn giao thông, hệ thống bán hàng điện tử, hệ thống rút tiền tự động….Nhiều trường hiện nay có ngành tự động hóa. Và cơ hội việc làm cũng đa dạng.

* Thí sinh ngành công nghệ môi trường sau khi học sẽ làm việc ở đâu? Học ngành này ở trường nào?

-TS Đoàn Văn Vệ: Nhiều trường đào tạo ngành công nghệ môi trường. Nhưng mỗi trường có thế mạnh khác nhau. Có trường thiên về lý luận, có trường thiên về ứng dụng. Hiện tại và trong tương lai là ngành rất cần nhân lực.

* Trường ĐH Bách khoa có liên thông từ CĐ lên ĐH không? Khi cấp bằng thì có được cấp bằng chính quy không?

- PGS-TS Hoàng Minh Sơn: Trường ĐH Bách khoa có đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH. Sinh viên học hệ liên thông sẽ được cấp bằng chính quy.

* Em đang học đại học thì có được dự thi vào trường đại học khác không?

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Theo quy định thì sinh viên đang học đại học, chỉ được dự thi vào trường đại học, cao đẳng khác nếu được hiệu trưởng trường đang học đồng ý. Nhưng thực tế sẽ không có lãnh đạo trường nào ký nhận cho phép sinh viên dự thi vào trường khác.

* Em muốn hỏi điểm chuẩn của trường ĐH Công nghiệp năm 2010 là bao nhiêu?

-PGS-TS Hoàng Minh Sơn: Em có thể tham khảo thông tin trên web của trường đó. Hoặc có thể xem trong đĩa CD cẩm nang ôn thi điện tử của báo Tuổi Trẻ tặng miễn phí cho thí sinh, trong đó có thống kê điểm chuẩn của nhiều trường ĐH, CĐ năm 2010

* Học ngành hóa dầu là làm việc trong các nhà máy lọc dầu phải không?

-PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Không phải học hóa dầu chỉ làm việc trong các nhà máy lọc dầu mà cơ hội công việc rất đa dạng.

* Thi vào Trường ĐH Y HN Không đỗ NV1 ở một ngành này có được chuyển qua ngành khác có điểm chuẩn phù hợp không?

-PGS-TS Nguyễn Hữu Tú: Trường ĐH Y HN không được chuyển từ ngành này sang ngành khác. Chỉ có một số ngành có thể tuyển NV3 và các bạn có thể đăng ký. Nếu không đỗ vào trường ĐH Y HN thì vẫn còn cơ hội tuyển NV2 vào nhiều trường khác

* Khoa Môi trường của ĐH Khoa học tự nhiên- ĐHQGHN có đào tạo theo chương trình tiên tiến không? Sinh viên có cơ hội được ra nước ngoài học tập ngành này không?

-TS Đoàn Văn Vệ: Ngành Môi trường của ĐH Khoa học tự nhiên có chương trình tiên tiến. Sinh viên VN học khoa này có cơ hội cọ xát với sinh viên nước ngoài sang học khoa này của trường và sinh viên VN cũng có thể được gửi ra nước ngoài học theo chương trình liên kết giữa trường ĐH Khoa học tự nhiên với trường ĐH nước ngoài. Cơ hội làm việc cho sinh viên học ngành này rất lớn

* Em muốn học ngành cơ khí trường ĐH Công nghiệp HN thì có phù hợp không vì em là con gái? Cơ hội việc làm của ngành này thế nào?

-PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Ngành cơ khí hiện nay không như trước, không phải cứ học thì phải đứng máy tiện,máy bào mà các bạn có thể ngồi thiết kế trên máy tính, thích hợp với phụ nữ. ĐH Công nghiệp HN có nhiều thiết bị cơ khí tốt, sinh viên ra trường đã tạo nên một thương hiệu nhất định. Ngành học trên của trường ĐH Công nghệ đào tạo theo hướng ứng dụng, nên cơ hội việc làm rất tốt.

Các bạn nữ thí sinh yêu thích ngành cơ khí, có thể đăng ký học thêm ngành sư phạm kỹ thuật cơ khí, sau này ra trường sẽ có thể nhận được cơ hội việc làm phù hợp với nữ giới. Nếu học sư phạm kỹ thuật cơ khí, các em còn được miễn học phí trong thời gian học.

* Em ham mê hai môn Hoá, Sinh. Em muốn đăng ký dự thi ngành công nghệ sinh học thì em có thể chọn thi ở đâu? Cơ hội việc làm thế nào?

- TS Đoàn Văn Vệ: Em ham mê Hóa, Sinh thì có thể đăng ký vào nhiều trường, nhiều ngành. Xu hướng hiện nay, công nghệ sinh học là ngành có vai trò quan trọng, nhiều trường có ngành đào tạo này. Cơ hội việc làm cũng đa dạng.

* Em muốn làm về bất động sản? Vậy có thể thi vào đâu? Học ngành này sẽ được trang bị kiến thức như thế nào?

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Em muốn học ngành bất động sản có thể dự thi vào trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH tài chính makerting và nhiều trường khác. Các bạn học ngành này sẽ được trang bị kiến thức quản lý đất đai luật đất đai, kiến thức kinh doanh nhà đất. Ra trường, các em có thể làm ở các phòng tài nguyên môi trường, các sàn giao dịch bất động sản….

* Em đang phân vân hai ngành công nghệ thông tin và công nghệ viễn thông. Em xin hỏi ngành nào có cơ hội việc làm tốt hơn?

-PGS TS Hoàng Minh Sơn: Hai ngành trên đều có cơ hội việc làm rất lớn.

* Em học trung cấp Dược thì sau khi tốt nghiệp có được phép mở hiệu thuốc không?

-PGS-TS Nguyễn Hữu Tú: Theo quy định chỉ có dược sỹ cao cấp mới được mở hiệu thuốc. Em tốt nghiệp trung cấp Dược chỉ được giúp việc tại các hiệu thuốc.

* Em muốn đăng ký học ngành về Hóa học thì nên đăng ký ngành nào? Ngành nào có cơ hội việc làm cao?

- PGS-TS Hoàng Minh Sơn: Các sản phẩm hàng ngày từ xăng dầu đến quần áo đều liên quan đến công nghệ hóa học. Ngành công nghệ hóa học có nhiều chuyên ngành khác nhau và thị trường lao động cũng rất dồi dào

- TS Đoàn Văn Vệ: Trường ĐH Tự nhiên có ba chuyên ngành liên quan đến Hóa. Sinh viên học các ngành này chưa ra trường đã có đơn vị đến xin tuyển người. Nhu cầu nhân lực của các ngành này rất cao.

* Em muốn theo học ngành công nghệ thực phẩm. Em muốn biết ngành này có khó không? Có thể xin việc làm ngay sau khi ra trường không?

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành này chế biến các loại thực phẩm phục vụ con người. Tốt nghiệp ngành này, các em có thể làm việc trong các công ty chế biến thực phẩm. Cơ hôi việc làm cũng dồi dào.

Danh sách ban tư vấn

- PGS. TS Nguyễn Cảnh Lương - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trường Trường ĐH Nông lâm TP.HCM

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

- PGS - TS Hoàng Minh Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

- PGS - TS Nguyễn Việt Hà - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN)

- PGS.TS Nguyễn Hữu Tú - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội

- GS.TS Nguyễn Hữu Dư - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN)

- GS.TS Phạm Ngọc Quý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi

- Ông Đoàn Văn Vệ - trưởng phòng đào tạo trường ĐH Khoa học tự nhiên- ĐHQGHN

Đơn vị tài trợ:

NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên