13/03/2011 08:58 GMT+7

Tư vấn nhóm ngành kinh tế - khoa học xã hội nhân văn - sư phạm - ngoại ngữ - quân đội - công an

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế - khoa học xã hội nhân văn - sư phạm - ngoại ngữ - quân đội - công an: tư vấn chuyên sâu về các ngành quản trị kinh doanh, ngân hàng, kế toán, chứng khoán, marketing, báo chí, quan hệ quốc tế, du lịch, luật, công an, quân đội...

Mở đầu chương trình tư vấn chuyên sâu nhóm ngành kinh tế - xã hội, ThS Hứa Minh Tuấn -trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính Marketing chia sẻ kỳ tuyển sinh năm nay có 3 điểm mới: thí sinh có quốc tịch nước ngoài không phải dự thi.

Thí sinh trúng trúng tuyển không phải làm hồ sơ nhập học mà chỉ cần bổ sung một số giấy tờ ưu tiên để nộp cho các trường. Thời hạn đăng ký nộp hồ sơ ĐKDT và đăng ký xét tuyển NV2, 3 kéo dài hơn. Mọi năm thời gian nộp hồ sơ ĐKDT bắt đầu từ 10-3 nhưng năm nay sẽ bắt đầu từ 14-3 và kéo dài đến 14-4. Từ 15 đến 21-4 các em có thể nộp trực tiếp tại các trường ĐH-CĐ.

*Ngành QTKD có thể học ở trường nào, ra trường cơ hội việc làm có cao không ạ?

- PGS-TS Trần Quang Bình: Ngành này có rất nhiều trường đào tạo như Ngoại Thương, Kinh tế quốc dân, Tài chính Marketing. Trường ĐH Hà Nội dạy ngành QTKD hoàn toàn bằng tiếng Anh...

xspOhN1J.jpgPhóng to
PGS.TS Trần Quang Bình đang tư vấn cho học sinh tại nhóm ngành kinh tế - Ảnh: Minh Giảng

- TS Lê Thị Thu Thủy: Hiện hầu như tất cả các trường khối kinh tế đều đào tạo ngành này. Ra trường các bạn có thể làm việc ở các doanh nghiệp. Tùy theo đặc thù của mình, các trường sẽ có các chuyên ngành khác nhau như thương mại điện tử, quản trị kinh doanh quốc tế... Có thể làm việc ở bộ phận kinh doanh, marketing... hoặc mở doanh nghiệp riêng. Cơ hội việc làm là rất lớn.

* Học ngành tâm lý học có thể làm kinh tế được không?

- PGS. TS Nguyễn Kim Sơn: Tốt nghiệp có thể làm chuyên gia tư vấn tâm lý, làm trong các lĩnh vực trị liệu tâm lý. Trong xã hội hiện tại thì ngành tâm lý này rất cần thiết. Ngành QTKD, Du lịch... đều cần về tâm lý như tâm lý tiêu thụ hàng hóa, tâm lý tiêu thụ... Phương diện xã hội, phương diện nhân văn ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm. Lĩnh vực làm việc của ngành này sẽ rất rộng.

* Học sư phạm văn và ngành ngữ văn thì bằng cấp có gì khác nhau? Học ngữ văn có đi dạy được không ạ?

- PGS. TS Nguyễn Kim Sơn: Đối tượng của cả 2 ngành này đều là văn học. Ngành ngữ văn thiên về nghiên cứu: văn học VN, văn học thế giới, lý luận văn học... Ngành sư phạm ngữ văn nghiên cứu về văn học VN, thế giới và các nghiệp vụ sư phạm. Tốt nghiệp ngành ngữ văn phải đi học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cũng có thể đi dạy.

Em có thể học 2 trường ĐH cùng lúc không ạ?

- GS TS Nguyễn Quang Dong: Theo qui định, em đang là sinh viên 1 trường này, muốn dự thi vào trường ĐH khác phải có sự đồng ý của hiệu trưởng trường em đi học. Nếu không có sự đồng ý mà em dự thi thì sẽ bị xử lý theo quy chế.

Hơn nữa nếu học 2 trường, lịch học hai trường sẽ bị trùng nhau. Do đó các em có thể sẽ bị cấm thi ở những học phần vắng thi. Kết quả học tập sẽ không tốt và có thể bị buộc thôi học. Tốt nhất là các em học thật tốt một trường và đăng ký học song song ngành khác cùng trường.

Nếu không trúng tuyển về NV1, em phải làm thế nào để xét tuyển NV2, 3?

- Th.S Nguyễn Thị Thìn: Nếu không trúng tuyển mà các em có điểm thi bằng điểm sàn trở lên sẽ được các trường cấp hai giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh để xét tuyển NV2, 3 vào các trường ĐH-CĐ. Nếu điểm thi dưới điểm sàn các em có thể học TCCN.

* Học tiếng Anh ra em có thể làm những công việc gì? Có thể làm về du lịch được không?

- TS Đỗ Tuấn Minh: Hiện nay hầu như ngành nghề nào đều cần đến tiếng Anh. Hiện trường đào tạo nhiều chuyên ngành tiếng Anh kinh tế khác nhau. SV có thể học 2 chuyên ngành song song nếu sau năm nhất kết quả của bạn từ trung bình trở lên.

* Cùng ngành tài chính ngân hàng, chương trình đào tạo các trường có khác nhau? Tốt nghiệp trường nổi tiếng sẽ dễ xin việc hơn?

- TS Lê Thị Thu Thủy: Theo nguyên tắc chung, các trường sẽ đào tạo theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT (khoảng 60% chương trình). 40% còn lại là các môn học do các trường thiết kế tùy theo thế mạnh của mình.

* Học ngoại giao có phải chỉ làm về lĩnh vực ngoại giao?

- Th.S Nguyễn Thị Thìn: Có đào tạo 6 ngành. Tất cả các ngành đều thiết kế theo kiến thức chính và phụ đào tạo kiến thức chuyên ngành và kỹ năng làm việc. Các em có thể làm việc ở lĩnh vực đối ngoại của các cơ quan nhà nước và các lĩnh vực khác.

* Ngành thẩm định giá của Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM dạy những gì, ra trường làm việc ở đâu?

- Th.S Hứa Minh Tuấn: Thỉnh thoảng có nhiều em học sinh hỏi những ngành lạ. Trường đã đào tạo chuyên ngành thẩm định giá 10 năm nay. Ngành này đào tạo cho các bạn kiến thức để thẩm định giá cả của hàng hóa, giá trị doanh nghiệp và các kiến thức chung về kinh tế, tài chính…

UOGQXukA.jpgPhóng to
ThS Hứa Minh tuấn đang tư vấn - Ảnh: Minh Giảng

Sinh viên tốt nghiệp ngành này làm việc ở các sở tài chính các tỉnh, các ngân hàng. Trong quá trình đào tạo nhà trường đào tạo thêm kiến thức chuyên sâu về thẩm định giá và cấp chứng chỉ hành nghề. Cơ hội việc làm của ngành này cũng đang rất nhiều.

* Hệ B Trường ĐH kinh tế quốc dân xét tuyển thế nào?

- GS TS Nguyễn Quang Dong: Không có hệ B. Chỉ có đào tạo theo nhu cầu xã hội và đào tạo theo địa chỉ. Chỉ tiêu hai hệ này do nhà nước giao. Nhiều trường khác cũng thực hiện đào tạo theo chỉ tiêu này. Các em phải thi vào trường ĐH đó, điểm chuẩn có thể thấp hơn điểm chuẩn hệ ngân sách. Điểm chuẩn thấp hơn bao nhiêu căn cứ vào số chỉ tiêu được giao cho các trường.

* Ngành kế toán thuế học những gì, ra trường làm ở đâu?

- ThS Hứa Minh Tuấn: Ngành này có nhiều trường đào tạo, tùy theo thế mạnh của từng trường mà học chia thành nhiều chuyên ngành. Kế toán thuế chỉ là một học phần trong ngành kế toán chứ không phải là một chuyên ngành.

* Em muốn học ngành quản trị khách sạn nhưng không biết các trường đào tạo có tốt như nước ngoài không?

- GS TS Nguyễn Quang Dong: Ngành này cũng có khá nhiều trường đào tạo. Riêng tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân có hai chuyên ngành: định hướng nghề nghiệp do một trường ĐH Hà Lan trợ giúp về chương trình đào tạo. Chương trình này đã đào tạo được 5 năm. Ngoài ra trường còn có 2 chương trình do trường thiết kế: quản trị khách sạn và quản trị du lịch lữ hành.

* Nếu em thi khối D thì có thể thi thêm các trường năng khiếu được không?

- ThS Hứa Minh Tuấn: Đợt 1 dành cho khối A, V. Đợt hai dành cho khối B, C, D và các khối năng khiếu. Do đó các bạn có thể nộp nhiều hồ sơ nhưng chỉ được thi vào một trường trong mỗi đợt thi.

* Sức học em thi khoảng 18 điểm, em nên thi vào trường nào khối kinh tế?

- ThS Đặng Đình Cung - Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hà Nội: Trường có nhiều ngành như QTKD, du lịch, kế toán nếu điểm 18 thì có thể đậu được. Khi vào học các bạn sẽ được đào tạo bằng tiếng Anh.

- ThS Hứa Minh Tuấn: Làm thế nào để chúng ta học trường gần nhà vẫn là tốt nhất. Các trường phía bắc điểm chuẩn thường cao hơn, các trường khu vực TP.HCM điểm chuẩn thường thấp hơn, dao động từ 17 đến 20 điểm. Căn cứ vào sức học của mình, các bạn cần cân nhắc để chọn trường mà mình có khả năng đậu cao nhất.

* Sinh viên học ngành kế toán rất nhiều, vậy khi ra trường có đủ việc làm cho các bạn không?

- GS TS Nguyễn Quang Dong: Hiện có rất nhiều trường đào tạo ngành kế toán nhưng đến hiện nay chưa có cuộc khảo sát nào về nhân lực kinh tế. Việc làm cho các sinh viên kinh tế ra trường tìm việc ở đâu. Tuy vậy, hầu như doanh nghiệp nào cũng cần người làm kế toán. Do đó nhu cầu nhân lực ngành này là không hề nhỏ.

* Em muốn thi khối D nhưng đang phân vân giữa hai ngành kinh tế và an ninh, nhờ các thầy tư vấn giúp em.

- ThS Hứa Minh Tuấn: Đây là câu hỏi hay. Chúng ta thử làm bài trắc nghiệm. Nếu muốn học kinh tế thì em thích cái gì, muốn làm ở đâu. Em cần xác định những gì mình thích nhất của hai ngành này. Và xem có những cái gì mình chưa đáp ứng được. Khi đã xác định được ngành nghề, mình cần xem xét xem năng lực mình có khả năng vào được ngành đó ở những trường nào để chọn được trường học phù hợp.

* Em muốn học ngành báo chí nhưng ngành này dường như tốt nghiệp sẽ khó xin việc. Nếu học báo chí có thể làm ngành khác không?

- PGS. TS Nguyễn Kim Sơn: Ngành này có tên Báo chí truyền thông. Cung cấp cho thí sinh hai mảng kiến thức về báo chí và truyền thông. Ngành này có nhiều chuyên ngành khác nhau. Khi thi các em cần xác định mình phải làm đúng nghề mình đã học.

Xã hội phát triển nên nhu cầu thông tin, truyền thông ngày càng nhiều. Các bạn không chỉ làm việc ở các cơ quan báo chí mà có thể làm viêc trong các công ty. Hiện công ty nào cũng cần cán bộ truyền thông để tiếp xúc khách hàng, truyền thông.

* Em muốn học quan hệ quốc tế thì có thể học ở đâu, học những gì?

- PGS. TS Nguyễn Kim Sơn: Học viện báo chí tuyên truyền có đào tạo ngành này. Tuy nhiên, về quan hệ quốc tế thì có nhiều ngành khác chẳng hạn như quốc tế học tại Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn (ĐHQG HN).

* Em muốn theo ngành kinh tế nhưng học lực của em chỉ trung bình, em có thể thi vào trường nào ở khu vực HN?

ThS Hứa Minh Tuấn: Các trường khu vực TPHCM điểm chuẩn sẽ thấp hơn khu vực HN. Nếu học lực trung bình thì sẽ khó. Nếu em cảm thấy yêu thích ngành nghề này, các em có thể đăng ký vào các trường tại HN và học bậc CĐ. Bậc này sẽ phù hợp với năng lực học tập của em. Khi tốt nghiệp các em có thể liên thông lên ĐH, học 1,5 đến 2 năm. Thời gian học có thể kéo dài hơn nhưng vẫn có được bằng ĐH của ngành và trường mình yêu thích.

Bằng liên thông cũng là bằng chính qui, có giá trị như bằng ĐH đào tạo 4 năm, hoàn toàn không có sự phân biệt. Hoặc em có thể thi ĐH, không đậu và xét tuyển NV2 vào một trường có điểm chuẩn ở mức mà em đạt được

Danh sách ban tư vấn

- PGS. TS Nguyễn Kim Sơn - phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN)

- TS Đỗ Tuấn Minh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN)

- TS Nguyễn Thị Tĩnh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

- TS Lê Thị Thu Thủy - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương

- Thiếu tướng GS-TS Nguyễn Văn Cảnh - phó giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân

- GS TS Nguyễn Quang Dong trưởng phòng đào tạo DH Kinh tế quốc dân

- PGS.TS Trần Quang Bình - phó hiệu trưởng ĐH Hà Nội

- Th.S Hứa Minh Tuấn - trưởng phòng đào tạo ĐH Tài chính Marketing

- Th.S Nguyễn Thị Thìn - trưởng phòng đào tạo Học viện Ngoại giao

Đơn vị tài trợ:

NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên