24/12/2013 01:06 GMT+7

Quốc hội dành quá ít thời gian cho Thủ tướng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 23-12, đánh giá về kết quả kỳ họp thứ 6, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết cử tri không hài lòng về việc Quốc hội dành quá ít thời gian nên Thủ tướng không thể trả lời hết các chất vấn quan trọng của đại biểu.

“Cử tri muốn nghe Thủ tướng nói nhiều hơn” - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa cũng cho rằng đây là việc cần rút kinh nghiệm: “Bố trí chương trình dành cho Thủ tướng rất ngắn gọn nên Thủ tướng không trả lời hết các chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong đó có những câu hỏi rất quan trọng”.

Một trong những điểm cần rút kinh nghiệm nữa là sự phản cảm của những chiếc ghế trống trên nghị trường do đại biểu vắng họp. “Có hôm cử tri nhắn vào máy của tôi hỏi tại sao ở Quốc hội ghế trống nhiều quá, đại biểu Quốc hội vắng họp nhiều. Cử tri rất chú ý theo dõi kỳ họp Quốc hội và xem trách nhiệm của đại biểu thế nào” - bà Ngân nói. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị có văn bản yêu cầu đại biểu Quốc hội rút kinh nghiệm việc vắng họp. “Mấy kỳ gần đây đại biểu vắng họp nhiều quá nên cử tri phê bình. Đề nghị các đồng chí không xếp lịch đi công tác nước ngoài và các chương trình khác khi Quốc hội họp, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt. Đó là tôi còn chưa kể những ông cứ nhắm vào thời gian Quốc hội họp để xếp lịch riêng...” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Về tổng thể, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá nhiều năm trước đây người ta cứ nói rằng đại biểu Quốc hội là ông nghị gật, nhưng giờ đây cử tri và cả dư luận ngoài nước cũng cho rằng Quốc hội hoạt động thực chất, ngày càng chứng tỏ là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. “Tôi cho rằng Quốc hội ngày càng gần dân hơn. Tôi đơn cử một việc thôi, chỉ qua chất vấn và rà soát sau một kỳ thì hàng trăm dự án thủy điện đã bị loại bỏ” - bà Ngân nói.

Về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 vào giữa năm 2014, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu để có thêm một kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh cảnh sát cơ động. Theo đó, quy định cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật; thực hiện phương án tác chiến chống hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí; giải tán các vụ gây rối, biểu tình trái pháp luật... Việc nổ súng của cảnh sát cơ động trong trường hợp xảy ra bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh do bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên