09/07/2013 11:19 GMT+7

Chấm cả ý độc đáo, ngoài đáp án

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Bắt đầu thi ĐH đợt 2, các môn xã hội được dự báo sẽ có những câu hỏi mở, gắn với thực tiễn xã hội. Với các câu hỏi mở, việc chấm thi có phải tuân thủ chặt chẽ đáp án hay không?

P5aLrONG.jpgPhóng to
PGS.TS Ngô Kim Khôi - Ảnh: V.Dũng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Ngô Kim Khôi - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - chia sẻ:

- Trong hướng dẫn chấm đối với các môn khoa học xã hội, ngoài những lưu ý về nguyên tắc chấm thi nói chung, Ban đề thi còn có những hướng dẫn chấm rất cụ thể. Các năm trước, với các môn khoa học xã hội, nhất là môn ngữ văn, khi đề thi ra theo hướng mở, hướng dẫn chấm lưu ý cán bộ chấm thi chấm tối đa theo thang điểm với những bài viết đủ ý cần thiết, triển khai luận điểm chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc. Hướng dẫn chấm cũng khuyến khích những bài viết sáng tạo. Đặc biệt, trong quá trình chấm, cán bộ chấm thi sẽ chấp nhận những ý độc đáo, ngoài đáp án nhưng đúng, có căn cứ xác đáng và lý lẽ thuyết phục. Tuy nhiên, cán bộ chấm thi sẽ trừ điểm với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và lỗi chính tả.

* Đáp án được bộ đưa ra ban đầu là đáp án cứng hay các hội đồng chấm thi có thể góp ý thêm về đáp án khi đã bắt đầu phổ biến công tác chấm thi?

- Quy trình chấm thi được quy định trong quy chế là rất chặt chẽ. Trước khi chấm, trưởng bộ môn chấm thi phải tập trung cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế, thảo luận đáp án, thang điểm. Sau đó, việc chấm thử sẽ được tiến hành. Khi bước vào chấm chính thức, việc tổ chức chấm thi được tiến hành theo quy trình chấm thi hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt, cán bộ chấm thi hoàn toàn không được sử dụng bút xóa khi chấm thi.

* Nhiều thí sinh thắc mắc nếu giám thị rộng tay làm tròn điểm từng bài thi, đến khi tổng hợp ba môn có thể gây thiệt thòi cho những thí sinh được chấm bởi những giám khảo chặt tay. Ông có thể giải thích rõ hơn về quy tắc làm tròn điểm bài thi?

- Các em thí sinh hoàn toàn yên tâm, không phải lo lắng, không sợ thiệt thòi vì có cán bộ chấm thi này làm tròn điểm “thoáng tay” trong khi các cán bộ chấm thi khác lại rất chặt chẽ. Vì quy chế đã quy định cán bộ chấm thi không được tự ý quy tròn điểm bài thi, mà việc quy tròn điểm do máy tính tự động thực hiện theo nguyên tắc: chỉ quy tròn một lần theo tổng điểm của ba môn thi, nếu tổng điểm ba môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5, có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1,0 thì quy tròn thành 1,0.

* Bộ GD-ĐT quy định các bài làm sáng tạo có thể được thưởng điểm. Thực tế, từ trước đến nay đã có trường hợp nào được thưởng điểm theo quy chế này chưa? Nếu thưởng điểm thì thang điểm tối đa thí sinh có thể đạt được là bao nhiêu điểm cho một môn thi?

- Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do trưởng môn chấm thi trình trưởng ban chấm thi quyết định. Những năm qua vẫn có thí sinh được điểm thưởng theo quy định này. Tuy nhiên, điểm thưởng không vượt quá 1 điểm, nghĩa là điểm thưởng tối đa thí sinh có thể đạt được ở mỗi bài thi là 1,0/10 điểm.

jCZC3g4l.jpgPhóng to
Cán bộ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM làm phách bài thi của thí sinh trước khi chuyển qua phòng chấm thi - Ảnh: H.BÌNH

* Theo quy định, bài thi tự luận sẽ được chấm hai vòng độc lập. Kết quả xử lý điểm thi cuối cùng sau hai lần chấm độc lập của hai giám khảo sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

- Sau hai lần chấm, nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần bằng nhau hoặc lệch nhau dưới 0,5 điểm đối với môn khoa học tự nhiên và từ 0,5 đến dưới 1,0 điểm đối với môn khoa học xã hội, thì hai cán bộ chấm thảo luận thống nhất điểm rồi ghi điểm, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả tờ giấy làm bài của thí sinh. Nếu điểm toàn bài lệch nhau từ 0,5 đến 1,0 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, từ 1,0 đến 1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội, thì hai cán bộ chấm đối thoại và báo cáo trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm, sau đó ghi điểm, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả tờ giấy làm bài của thí sinh. Nếu đối thoại không thống nhất được điểm thì trưởng môn chấm thi quyết định điểm, ghi điểm và ký vào bài thi. Trường hợp điểm toàn bài lệch nhau trên 1,0 điểm đối với môn khoa học tự nhiên và trên 1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội thì trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài thi của thí sinh bằng mực màu khác.

Đón đọc bài giải các môn thi ĐH đợt 2

* tuoitre.vn cập nhật liên tục

Tuổi Trẻ tiếp tục mời các giảng viên, giáo viên uy tín các trường ĐH, THPT giải đề tất cả môn thi các khối B, C, D1 đợt 2 (ngày 9, 10-7) kèm nhận định, phân tích đề thi để giúp thí sinh có cái nhìn tổng quát nhất.

Bài giải sẽ được đăng trên Tuổi Trẻ Online: tuoitre.vn và Tuổi Trẻ nhật báo.

Bạn đọc có thể vào địa chỉ tuoitre.vn để theo dõi bài giải môn toán (khối B, D1), môn địa lý (khối C) vào sáng 9-7; môn sinh học (khối B), môn lịch sử (khối C) và môn ngoại ngữ (khối D1) vào chiều 9-7; môn hóa học (khối B) và môn ngữ văn (khối C, D1) vào sáng 10-7.

- Ngày 10-7: Tuổi Trẻ nhật báo sẽ đăng phụ trương bài giải các môn toán (khối B, D1), địa lý, lịch sử (khối C), môn sinh học (khối B) và môn ngoại ngữ (khối D1).

- Ngày 11-7: Tuổi Trẻ nhật báo dự kiến đăng toàn bộ đề thi, đáp án chính thức các môn thi ĐH khối B, C, D1 của Bộ GD-ĐT.

Mời bạn đọc, phụ huynh và thí sinh đón xem.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên