24/02/2013 08:33 GMT+7

Ngành nào đang thừa nhân lực?

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Từ 7g sáng 24-2, học sinh các trường THPT Võ Thị Sáu, huyện Tuy An và Lê Trung Kiên huyện Đông Hòa đã về trường ĐH Phú Yên dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2013 do Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, tỉnh đoàn và ĐH Phú Yên phối hợp tổ chức.

Một học sinh trường THPT Võ Thị Sáu cho biết những năm trước, các trường ĐH thường về trường tư vấn tuyển sinh cho học sinh nhưng năm nay vẫn chưa có đoàn nào về trường. Cũng theo học sinh này, các trường về tư vấn chủ yếu giới thiệu ngành nghề đào tạo của trường mình chứ ít khi trả lời các thắc mắc và định hướng nghề cho học sinh.

EQqFfPNc.jpgPhóng to
Một thí sinh đặt câu hỏi với thầy cô trong ban tư vấn về ngành Hàng hải - Ảnh: Tiến Thành

Đêm qua, Tuy Hòa mưa lớn nhưng sáng nay trời đã tạnh và nắng đẹp. Đây là điều kiện thuận lợi để học sinh 26 trường THPT của 9 huyện và thành phố thuộc tỉnh Phú Yên với hơn 3.000 học sinh về tham gia chương trình.

7g15, lần lượt học sinh các trường THPT Lê Hồng Phong, Nguyễn Trường Tộ, Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Trần Phú... đã tụ hội.

Tú Phương - học sinh lớp 12TL3 Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) cho biết đã được các anh chị tư vấn và dự tính dự thi vào ngành toán hoặc lý trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Mặc dù vậy Phương cho biết vẫn chưa biết ngành này đào tạo cụ thể những gì, ra trường có thể làm việc ở đâu, cơ hội việc làm thế nào vì hiện nay nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH khó tìm được việc. Đây chính là lý do Phương đến với chương trình.

TS Phạm Văn Cường - phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên - cho biết đây là chương trình hết sức có ý nghĩa và bổ ích, giúp học sinh và phụ huynh nắm được thông tin, xác định ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế của mình. Phú Yên là vùng đất yên bình, trù phú, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa và có truyền thống hiếu học. Phú Yên đã có nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học giỏi. Tuy nhiên ở đây vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế. Hiện nay và trong tương lai, tỉnh này cần có đội ngũ chuyên gia, nhân lực chất lượng và trình độ chuyên môn cao để phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật tại địa phương.

Với yêu cầu này, ngành giáo dục Phú Yên đã có quy hoạch hệ thống trường lớp. Hàng năm có trên 21.000 học sinh THPT đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Để giúp các em chọn được đúng ngành nghề, chúng tôi mong muốn qua chương trình này sẽ giúp học sinh Phú Yên nắm được các thông tin, ngành nào xã hội đang có nhu cầu, làm thế nào giúp học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp, ngành nghề các trường đào tạo có phù hợp và đáp ứng được nhu cầu xã hội hay không, chương trình đào tạo và chế độ đãi ngộ cho sinh viên...

I2qLNuBC.jpgPhóng to

Nụ cười rạng rỡ của học sinh đến tham dự tư vấn - Ảnh: Tiến Thành

7K2Uu7W9.jpgPhóng to

Học sinh chăm chú theo dõi nội dung tư vấn - Ảnh: Tiến Thành

1EIgaS0z.jpgPhóng to

Phụ huynh đến từ Tuy Hòa tìm hiểu thông tin tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp thay cho con không tham dự được - Ảnh: Tiến Thành

PGS TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM chia sẻ một số điểm mới về kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh 2013 vẫn theo hình thức ba chung (chung đợt, chung đề và sử dụng chung kết quả).

Năm nay, nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng có điểm thi đạt từ điểm sàn trở lên sẽ được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thí sinh thi liên thông sẽ thi chung đề, đợt trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Năm 2012, điểm bình quân của thí sinh thi ĐH cả nước là 11,3, trong đó điểm bình quân của thí sinh Phú Yên là 11,64. Trong top 200 trường THPT có điểm thi cao nhất, Phú Yên có một trường là THPT chuyên Lương Văn Chánh với điểm thi trung bình là 18,43. Kế đến là các trường THPT Nguyễn Huệ, Trần Quốc Tuấn, Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Trung Kiên, Phan Chu Trinh, Lê Hồng Phong...

jsQx5vf4.jpgPhóng to
TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm chọn ngành nghề theo năng lực - Ảnh: Tiến Thành

Nội dung tư vấn:

* Trong tương lai, Phú Yên cần nhân lực những ngành nghề nào và trường nào đào tạo để đáp ứng nhu cầu ấy?

- Ông Trần Đức Phúc: Về nhu cầu nhân lực của tỉnh, chúng ta chuẩn bị thành lập nhà máy lọc dầu nên đòi hỏi nhiều nhân lực ở ngành này. Ngoài ra, liên quan đến ngành sư phạm, hiện nay, tỉnh tuyển dụng vào các trường THPT, các trường CĐ khoảng 80 sinh viên. Tuy nhiên, số lượng nộp hồ sơ tại Sở GD-ĐT là hơn 900. Các em cần biết thông tin này để lựa chọn ngành nghề tốt hơn. Hiện nay, trong tỉnh Phú Yên có hai trường là ĐH Phú Yên, ĐH Xây Dựng miền Trung, Phân viện ĐH Ngân hàng, Trường Trung cấp y tế Phú Yên…

* Hướng ra đề ĐH năm nay thế nào để ôn tập cho hiệu quả vì kiến thức quá mênh mông?

- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Hàng năm, Bộ GD-ĐT mời các chuyên gia để ra đề thi ĐH. Tuy nhiên, đề thi ĐH không đánh đố thí sinh, đề ra chủ yếu trong chương trình phổ thông, tập trung vào chương trình lớp 12. Do đó, các bạn cần học bám sát chương trình, ôn kỹ và làm nhiều bài tập, hệ thống hóa chương trình theo từng nhóm chủ đề để dễ nắm và dễ nhớ, học kỹ lý thuyết và làm nhiều bài tập, không nên học lan man. Điểm lưu ý nữa là hãy phân chia thời gian học và chơi để giữ gìn sức khỏe, có tâm lý tốt nhất trong ngày thi.

* Em muốn học ở Phú Yên nhưng lo ngại nếu học ở đây khi ra trường sẽ khó có việc làm. Điều này có đúng không?

- Ông Nguyễn Văn Cường: Tình hình kinh tế đất nước năm qua hơi khó khăn nhưng sẽ sớm thay đổi. Tốt nghiệp nhóm ngành xây dựng, cơ hội việc làm không chỉ giới hạn ở Phú Yên mà còn ở các tỉnh miền Trung, miền Nam. Nếu có đam mê và học tập tốt thì cơ hội việc làm của các em không ít. Hiện Phú Yên chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu, hầm đường bộ Đèo Cả... nên cần nhiều nhân lực ngành xây dựng.

* Đang học ban tự nhiên nhưng là con gái nên việc lựa chọn ngành rất khó, xin tư vấn giúp em một ngành phù hợp?

- PGS.TS Nguyễn Văn Thư: Không hề có sự phân biệt giữa nam và nữ khi học kỹ thuật, trừ một vài ngành đặc thù. Hoan nghênh em đã yêu ngành kỹ thuật. Hiện Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có một số ngành nhiều nữ theo học như kinh tế vận tải biển, logistic, kế toán…

* Có thông tin ngành kinh sẽ cắt giảm chỉ tiêu, vậy các trường kinh tế lấy chỉ tiêu như thế nào. Em muốn học bảo hiểm thì nên đăng ký ngành nào?

- TS Trần Thế Hoàng: Gần đây có một số thông tin bị suy diễn theo một chiều hướng như cắt chỉ tiêu, ngừng tuyển sinh, tăng học phí…ở các ngành kinh tế. Trong khi đó, thực tế Bộ GD-ĐT giao các trường tự xác định chỉ tiêu dựa trên đội ngũ và cơ sở vật chất. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vẫn giữ chỉ tiêu cho 4.000 bậc ĐH chính quy như những năm trước, trong đó có 500 chỉ tiêu đào tạo chất lượng cao.

Muốn học ngành bảo hiểm, các bạn có thể đăng ký vào ngành tài chính ngân hàng, trong đó có chuyên ngành này.

* Nghe nói ngành điều dưỡng đang thừa nhân lực? Em muốn thi ngành này nhưng chưa biết ngành sẽ đào tạo những gì, cơ hội việc làm thế nào?

- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Hiện tại, đây là ngành mà nhu cầu xã hội rất cần. Tuy nhiên, để đào tạo ngành này, hiện có ba bậc đào tạo: trung cấp, CĐ và ĐH và thạc sĩ, Hiện ngành này đang được đào tạo rất nhiều ở các trường trung cấp chuyên nghiệp nên lượng học sinh tốt nghiệp rất đông, chất lượng đào tạo không đồng đều. Tuy nhiên, bậc ĐH rất ít trường đào tạo. Tỷ lệ điều dưỡng ở VN đang rất thấp. Nếu thực sự thích ngành này và khả năng học tốt để học ĐH, khi ra trường cơ hội việc làm rất rộng mở.

* Em thích làm luật sư nhưng diễn đạt không trôi chảy lắm. Vậy phải rèn luyện như thế nào để có thể theo học ngành này? Cần có những tố chất gì?

- Th.S Lê Văn Hiển: Để làm luật sư các bạn phải học ngành luật. Tốt nghiệp có thể làm luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý, các cơ quan nhà nước, công ty bên ngoài. Khi trúng tuyển, trong trường có các câu lạc bộ để các bạn luyện tập khả năng nói trước đám đông để có thể khắc phục điểm yếu của mình. Theo học ngành, bạn cần có khả năng phân tích, tổng hợp, nắm bắt và định hướng tình hình kinh tế xã hội và phải cò đạo đức nghề nghiệp.

* Nhóm ngành kỹ thuật công nghệ có nhiều cơ hội việc làm không? Em là nữ có nên theo ngành công nghệ?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Tỷ lệ có việc làm nhóm ngành công nghệ luôn bền vững. Tại tỉnh Phú Yên dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô sắp khởi công cần rất nhiều nhân lực. Nữ cũng rất phù hợp với khối ngành công nghệ- kỹ thuật. Nữ học ngành công nghệ ôtô đến năm thứ 3 đã có công ty đến liên hệ tuyển dụng.

- PGS.TS Nguyễn Văn Thư: Cơ cấu ngành nghề hiện đang rất cần nhân lực nữ trong ngành công nghệ-kỹ thuật. Đừng e ngại thi vào kỹ thuật vì nữ sẽ có nhiều ưu thế so với nam. Tại Trường ĐH Giao thông TP.HCM, nữ trúng tuyển vào ngành điều khiển tàu biển trong năm nay chắc chắn sẽ có được công ty ở châu Âu tài trợ học phí và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

* Chỉ tiêu ngành y đa khoa ĐH Y dược TP.HCM năm nay giảm, vậy tỷ lệ chọi, điểm chuẩn có tăng hay không? Trường ĐH Y dược TP.HCM có hệ B hay không?

- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Chỉ tiêu bác sĩ đa khoa năm nay là 400, tương đương năm 2012. Năm 2012 có thêm 200 chỉ tiêu đào tạo cho khu vực Tây Nam Bộ. Năm nay không gộp chỉ tiêu này vào chỉ tiêu chung nên chỉ tiêu vẫn như năm trước. Trường không đào tạo hệ B. Tuy nhiên, do nhu cầu nhân lực nhóm ngành sức khỏe rất lớn nên nhiều địa phương hợp đồng đào tạo với trường gọi là đào tạo theo nhu cầu sử dụng của địa phương. Điểm chuẩn hệ đào tạo này thấp hơn điểm chuẩn vào trường từ 0,5 đến 1 điểm. Các em cần liên hệ với sở Y tế địa phương để biết năm nay trường có nhu cầu đào tạo theo địa chỉ sử dụng hay không.

* Muốn học ngành phân tích tài chính nhưng không biết ngành này đào tạo những gì và ra trường làm gì? Em có xu hướng hướng nội một chút, liệu có phù hợp với ngành kinh tế hay không?

- Th.S Hứa Minh Tuấn: Ngành kế toán kiểm toán cũng có thể đọc được phân tích tài chính.

Dĩ nhiên, những ngành này tùy theo thế mạnh của trường, có thể đưa ra nhiều chương trình đào tạo khác nhau. Chẳng hạn ngành kinh tế kế hoạch đầu tư, ngành tài chính ngân hàng, thu hút nhiều thí sinh theo học. Em cũng có thể đăng ký học về chuyên ngành tài chính doanh nghiệp. Cũng có trường đào tạo thêm các chuyên ngành gần như tài chính, hướng về phân tích tài chính của ĐH Tài chính - Marketing.

Hiện nay, kế toán kiểm toán thiếu nhân lực rất nhiều. Làm ngành này các em phải em am tường chính sách tài chính, kế toán...Khi các doanh nghiệp báo cáo tài chính xong, người làm nghề này sẽ xem báo cáo tài chính này có đúng hay không. Ngành này đòi hỏi tư duy độc lập, tính cẩn thận.

- Th.S Nguyễn Đăng Lý: Một số ngành trong kinh tế đòi hỏi hướng nội và một số ngành ở kinh tế đòi hỏi hướng ngoại. Chẳng hạn khi sản xuất ra một cái bàn, sẽ có bộ phận kỹ thuật sản xuất, kế toán, bán hàng, tiếp thị…Hướng nội cũng phù hợp trong lĩnh vực này như kế toán, tài chính.

* Em muốn học luật kinh tế. Có phải ngành này sẽ học tất cả các bộ luật hay không? Cơ hội việc làm thế nào?

- Th.S Lê Văn Hiển: Luật kinh tế không phải là ngành mà là một trong năm lĩnh vực chuyên sâu của ngành luật. Theo học luật kinh tế, em sẽ được đào tạo chuyên sâu về luật kinh tế và các lĩnh vực khác như luật dân sự, hình sự, hành chính, quốc tế... Một cử nhân luật khi ra trường sẽ nắm tất cả các lĩnh vực chuyên sâu để không bị lúng túng. Khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc ở các cơ quan nhà nước như cơ quan thi hành án, tòa án, phòng công chứng, viện kiểm sát, các sở ban ngành, ủy ban địa phương... Ngoài ra chúng ta có thể làm chuyên gia tư vấn pháp lý trong các doanh nghiệp...

* Em thích học môn hóa học, nên chọn ngành nào để sau này ra trường làm công việc liên quan đến môn hóa?

- TS Nguyễn Kim Quang: Trong thực tế có nhiều lĩnh vực liên quan đến hóa học như thực phẩm, dược, thú y, thiết bị hóa học trong dầu khí… đòi hỏi những người có kiến thức sâu về ngành hóa. Ứng dụng ngành hóa rất rộng. Thầy khuyên các em nên khoanh vùng định hướng trong ngành hóa. Nếu đi vào nghiên cứu thì chọn ngành hóa của ĐH Khoa học tự nhiên. Nếu thích ứng dụng hóa thì dự thi vào ngành hóa của ĐH Bách khoa. Nếu yêu thích ngành hóa dược thì dự thi vào ĐH Y dược… Tất cả những ngành công nghệ hóa học cơ hội việc làm rất cao.

* Em học lực khá, yêu thích công việc năng động, qua tìm hiểu em thích ngành quan hệ công chúng nhưng hiện có ít trường đào tạo, điều kiện kinh tế không cho phép em học trường tư thục. Vậy em có thể theo học trường nào, có thể học ngành văn hóa học không?

- TS Phạm Tấn Hạ: Câu hỏi này chứng tỏ bạn đã tìm hiểu kỹ về ngành mình thích. Bạn nên chọn ngành báo chí truyền thông hoặc quan hệ quốc tế sẽ phù hợp hơn với mong muốn làm quan hệ công chúng. Ngành văn hóa học có hai hướng văn hóa Việt Nam và văn hóa nước ngoài. Nhiều sinh viên tốt nghiệp cũng đã chọn hướng làm về văn hóa hoặc truyền thông. Ngành này điểm chuẩn không cao, dao động từ 15-16.

* Thưa thầy Tuấn, em được biết trường thầy có ngành kinh doanh bất động sản. Chỉ tiêu của ngành này bao nhiêu và cơ hội việc làm như thế nào?

- Th.S Hứa Minh Tuấn: Rất lâu rồi, lại có thí sinh hỏi tôi về ngành này. Hiện nay, trên các phương tiện thông tin báo chí nói bất động sản đóng băng. Ở ngành này, trường tuyển sinh từ năm 2006 và duy trì đến nay. Việc đào tạo của các trường xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Em lưu ý là kinh doanh bất động sản không có nghĩa chỉ làm về kinh doanh bất động sản mà còn xác định giá trị bất động sản như thế nào. Hiện nay, công việc môi giới bất động sản sẽ khó khăn nhất thời nhưng vẫn rất cần.

Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, hiện sinh viên tốt nghiệp ngành này chủ yếu làm việc ở ngân hàng, thẩm định giá trị của bất động sản… Với ngành này, năm trước chúng tôi tuyển được 80 sinh viên. Năm nay, chúng tôi cũng tuyển sinh để khi thị trường bất động sản ấm lên thì có nhân lực cho ngành này.

* Em có nghe thông tin nếu không trúng tuyển vào ngành đăng ký nhưng điểm cao sẽ được chuyển xuống ngành có điểm thấp hơn. Ngành xét nghiệm đào tạo những gì?

- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Trường ĐH Y dược TP.HCM tuyển sinh theo ngành. Nếu không đủ điểm vào ngành đăng ký dự thi thí sinh sẽ không được chuyển sang ngành khác dù điểm thi của mình đủ vào ngành khác. Ngành xét nghiệm cung cấp kiến thức về hóa sinh, vi sinh, hóa học, huyết học để làm công tác xét nghiệm ở các bệnh viện.

* Em muốn thi khối A1 và D1 vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nhưng chưa biết thi ngành nào phù hợp với năng lực của mình.

- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Vì em không nói sức học thế nào nên khó tư vấn cho em ngành nghề phù hợp. Trường có nhiều ngành đào tạo khác nhau nhưng không tuyển sinh khối A1. Có ngành thi khối A, ngành khối A, B, ngành khối A, D1.

Các ngành truyền thống của trường đào tạo về nông lâm nghiệp, ngoài ra còn có nhiều ngành đào tạo khác. Các ngành của trường hầu hết là kỹ thuật, một số ngành đào tạo về kinh tế nông lâm. Tốt nghiệp, các em có thể làm việc ở các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước hay tự sống bằng nghề của mình. Chẳng hạn, bác sĩ thú y có thể làm ở sở nông nghiệp, kiểm dịch động vật hoặc mở phòng mạch chữa bệnh cho động vật.

* Em nghe nói ngành hạt nhân có nguy hiểm nhất định? Học ngành này có đáng lo ngại?

- TS Nguyễn Kim Quang: Những phản ứng hạt nhân rất nguy hại. Khi chúng ta nắm vững những kiến thức về an toàn hạt nhân sẽ hạn chế được những nguy hại này. Các trường đào tạo ngành hạt nhân đều được trang bị những kiến thức này.

* Em muốn thi vào ngành giáo dục tiểu học Trường ĐH Phú Yên. Cơ hội việc làm ngành này thế nào, có phải có quen biết trong ngành giáo dục mới xin được việc làm hay không?

- TS Nguyễn Huy Vị: Ngành giáo dục tiểu học thu hút sinh viên nhiều tỉnh thành khác nhau theo học. Đây là ngành "hot" trong các ngành sư phạm vì nhu cầu nhân lực còn lớn. Tuy nhiên các em lưu ý, khi thi ĐH phải có học lực tốt để có thể đạt được điểm sàn chung.

Hiện ngành tiểu học và mầm non đang có nhu cầu rất lớn. Khi tốt nghiệp, các em có thể xin việc ở Phú Yên hoặc các tỉnh khác. Trường đào tạo theo nhu cầu của tỉnh nên tùy theo nhu cầu giáo viên của tỉnh mà UBND tỉnh giao chỉ tiêu để trường đào tạo. Do đó, khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm tại địa phương rất lớn.

* Thi ĐH Sư phạm của Trường ĐH Phú Yên, nếu không đủ điểm có thể xét xuống bậc CĐ không? Hiện có nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm, liệu đến khi em tốt nghiệp, cơ hội việc làm thế nào?

- TS Nguyễn Huy Vị: Bất kỳ sinh viên nào tốt nghiệp đều có thể có việc làm, vấn đề là làm ở đâu. Nhiều khi chúng ta muốn làm ở nơi mình muốn mà không muốn làm theo nơi phân công. Việc đào tạo tính theo chu kỳ 5 năm chứ không phải đào tạo cho trước mắt. Lượng giáo viên về hưu sẽ được bổ sung bởi số sinh viên sư phạm vừa tốt nghiệp. Có thể việc làm tại địa phương lúc đầu khó khăn nên sau một vài năm sẽ được tuyển dụng.

* Cơ hội của thí sinh dự thi vào ngành kỹ thuật hạt nhân ra sao?

- TS Nguyễn Kim Quang: Đây là ngành mới, năm nay là năm đầu tiên Trường ĐH Khoa học tư nhiên (ĐHQG TP.HCM) đào tạo ngành này. Tuy nhiên trường có truyền thống đào tạo ngành vật lý hạt nhân. Các năm trước SV tốt nghiệp ngành này có thể làm việc rất nhiều lĩnh vực. Các em có thể theo những hướng năng lượng, điện hạt nhân. Hướng thứ hai là kỹ thuật hạt nhân. Hướng này chú trọng vào ứng dụng hạt nhân trong các lĩnh vực nông nghiệp, y học, khai thác dầu khí…

Học kỹ thuật hạt nhân có thể làm tại các cơ quan từ nghiên cứu, giảng dạy có ứng dụng về kỹ thuật hạt nhân, làm trong các bệnh viện… Chính phủ đã đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng rót vào các cơ sở đào tạo ngành này. Đồng thời nhà trường cũng đang xây dựng chương trình tiên tiến của ngành này. Vì vậy SV có rất nhiều cơ hội thực tập, điều kiện học tập tốt hơn.

* Xin cho em biết rõ hơn về các ngành điện và điện tử?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Nhóm ngành điện hiện nay có nhiều hướng đi: kỹ thuật điện tử truyền thông, kỹ thuật điện - điện tử. Song song với ngành này nhà trường đào tạo ngành sư phạm kỹ thuật điện - điện tử. Các SV học ngành này trong thời gian 4,5 năm được cấp hai bằng sư phạm và kỹ sư điện. Như vậy những SV này có nhiều cơ hội việc làm hơn. Những ngành có chữ sư phạm được miễn học phí. Những em gia đình khó khăn tôi khuyên các em nên chọn các ngành sư phạm.

* Ở VN có đủ điều kiện để giảng dạy ngành công nghệ nano? Ra trường có thể làm việc ở đâu?

- TS Nguyễn Kim Quang: Khi công nghệ phát triển, người ta đi vào các công nghệ kích thước rất nhỏ. Đối tượng để kiểm soát và làm việc là kích thước nano, cả sinh học, vật lý, kỹ thuật chế tạo, kỹ thuật vật liệu... Có nhiều lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực này và gọi chung là công nghệ kỹ thật nano. Nơi đào tạo phải có các trang thiết bị thích hợp để can thiệp và nghiên cứu đến kiến thức này. Đây là công nghệ mũi nhọn, khoa học kỹ thuật hiện đại, vì thế em phải có đam mê mới theo học được.

* Bằng bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM có khác gì các trường y khác không? Cơ hội việc làm có khác nhau hay không?

- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Chương trình đào tạo của các trường giống nhau khoảng 60%. Phần còn lại là tùy vào thế mạnh của từng trường. Điểm các em cần cân nhắc đó là điểm chuẩn của các trường. Điểm chuẩn ĐH Y dược TP.HCM thường cao hơn y dược cần Thơ, Huế. Do đó em cần cân nhắc năng lực của mình để chọn trường phù hợp, bằng cấp của trường có giá trị như nhau.

* Học ngành xây dựng cầu đường có dễ xin việc làm không? Nghe nói học ngành này phải có quen biết lớn mới có thể xin việc làm?

- TS Nguyễn Văn Thư: Ngành xây dựng cầu đường được đào tạo ở rất nhiều trường: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM… Ngành này đòi hỏi kiến thức nền rất vững. Ngành này cơ hội nghề nghiệp tốt nhưng có phần vất vả vì các em phải làm việc ở ngoài công trình, rất hiếm khi được ngồi tại văn phòng.

* Em có học lực trung bình khá, có thể học ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Phú Yên được không?

- Thạc sĩ Lương Tấn Thu: Hiện nay, Trường ĐH Phú Yên đào tạo bậc CĐ ngành quản trị kinh doanh và kế toán -kiểm toán với mỗi ngành 30 chỉ tiêu. Học quản trị kinh doanh, bạn có thể đưa ra định hướng kinh doanh sao cho bảo tồn vốn, đặt ra mục tiêu cho việc sản xuất, kinh doanh của nơi mình làm việc. Tốt nghiệp, bạn có thể làm việc tại các doanh nghiệp, công ty tư nhân và nhà nước. Với học lực trung bình, bạn vẫn có cơ hội trúng tuyển vào hệ CĐ ngành quản trị kinh doanh của trường khi hàng năm điểm chuẩn khoảng 10 điểm (kể cả điểm ưu tiên).

* Ngành xây dựng học những gì, cần những kỹ năng gì và cơ hội việc làm ra sao?

- TS Nguyễn Văn Cường: Xây dựng là nhóm ngành khá rộng gồm: xây dựng công trình, xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp, xây dựng công trình giao thông, kiến trúc, quy hoạch xây dựng… Nhu cầu việc làm của nhóm ngành xây dựng hiện đang rất lớn. Ngoài các công ty thuộc nhà nước, các em có thể làm việc ở các công ty tư nhân trong lĩnh vực xây dựng.

Gần 11g, chương trình tư vấn kết thúc. Tại sân Trường ĐH Phú Yên, từng nhóm học trò vẫn tiếp tục nán lại để gặp trực tiếp các thầy cô trong ban tư vấn với mong muốn được giải đáp những băn khoăn của mình. Lúc này, những cuộc trò chuyện thân tình giữa những thầy cô đến từ các trường ĐH, CĐ ở TP.HCM với học trò Phú Yên về trường, ngành, hướng đi cho tương lai diễn ra cho đến khi sân trường không còn học sinh nào.

tXbREfmD.jpgPhóng to

TS Nguyễn Kim Quang - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) giải đáp thắc mắc của các thí sinh về ngành học khoa học tự nhiên - Ảnh: Tiến Thành
u7a0Nya6.jpgPhóng to
Một thí sinh chăm chú ghi câu hỏi dành cho ban tư vấn giải đáp - Ảnh: Tiến Thành
EkocBJvC.jpgPhóng to
Một thí sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn nhóm ngành Khoa học kỹ thuật - Công nghệ thông tin - Ảnh: Tiến Thành

Một học sinh băn khoăn em có học lực trung bình khá, nên chọn trường nào, ngành nào cho phù hợp? Chia sẻ băn khoăn này, TS Nguyễn Kim Quang nói: đây là băn khoăn của nhiều học sinh trước kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ. Với sức học trung bình khá, vấn đề đặt ra là chọn trường nào, ngành nào. Hiện có một số trang web cung cấp các bài trắc nghiệm để xác định ngành nghề với năng lực và sở thích của mình.

Bên cạnh đó, các bạn có thể nhờ thầy cô, cha mẹ tư vấn để có thêm thông tin tham khảo chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực. Nếu muốn làm việc ở địa phương, các bạn có thể tìm hiểu xem ngành nghề nào đang cần nhân lực, từ đó chọn ngành phù hợp với mình cũng như điều kiện kinh tế gia đình. Khi đã chọn ngành, cân nhắc thế mạnh của mình là khối nào để chọn khối thi phù hợp. Đừng chọn ngành theo phong trào mà hãy phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế gia đình.

Nhóm ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, xây dựng, giao thông, cơ khí, điện tử...

1. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM2. TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM3. TS Nguyễn Kim Quang - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM)4. PGS.TS Nguyễn Văn Thư - Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM5. TS Nguyễn Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng miền Trung6. Thạc sĩ Trần Minh Cảnh - Trưởng khoa kỹ thuật - công nghệ Trường ĐH Phú Yên

Nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh...

1. TS Trần Thế Hoàng - Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM2. Thạc sĩ Lâm Tường Thoại - Phó chánh văn phòng ĐH Quốc gia TP.HCM3. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing 4. TS Lương Tấn Thu - Phó trưởng khoa kinh tế Trường ĐH Phú Yên5. Ông Trần Đức Phúc - Phó trưởng phòng giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp - Sở GD-ĐT Phú Yên

Nhóm ngành khoa học xã hội, sư phạm, ngoại ngữ, luật, quân đội, công an, y dược, nông lâm...

1. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM2. TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM)3. Thạc sĩ Lê Văn Hiển - Phó phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM4. Thạc sĩ Huỳnh Trương Lệ Hồng - Phó ban đào tạo khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM5. TS Nguyễn Huy Vị - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên