Bài dự thi tùy bút Xuân hoài hương
Phóng to |
Đi chợ xuân về - Ảnh Trần Bảo Vy Linh dự thi ảnh Những nẻo đường xuân |
Tôi thấy được hình ảnh của mấy cái thuyền thúng đêm hôm trước vừa đi câu mực về gác hờ hững lên gốc cây dừa khô ngay bãi phơi lưới, rồi dãy nhà chòi cất mắm…mắm ruốc, mắm con, mắm cá cơm…từng dãy lu xếp thành hàng thẳng tắp. Dẫu chẳng dán nhãn phân biệt ra loại mắm nào, mắm nào nhưng cứ lại gần là người ta biết, chẳng cần lật nắp lên xem làm gì, ngửi là biết, dù người ở xa đến thắc mắc, mùi mắm nồng nặc lên như thế, làm sao phân biệt được mùi thì người trong xóm cũng chỉ biết gãi đầu gãi tai cười trừ rồi lỏn lẻn nói, không biết nữa, chắc ngửi riết rồi quen.
Như tôi, đến nhà ai ăn cơm, ngửi chén nước mắm là tôi biết ngay nước mắm ngon hay dở, mặn hay nhạt. Sống ở biển mà không ăn nước mắm thì chắc người đó sống “ở trển”. Câu nói đùa cửa miệng của mấy người dân xóm tôi ám chỉ ai không ăn nước mắm thì người đó không phải dân xứ biển.
Xóm chài quê tôi đến tết, trong mâm cơm cúng của nhà nào, bất kể sang hèn cũng phải có chén nước mắm nhĩ để ngay giữa mâm, gà luộc chấm muối tiêu, mực nướng chấm tương, ừ, cứ tạm thời để muối để tương sang một góc, chén nước mắm cứ phải để ở chính giữa mâm, là nơi trang trọng nhất.
Tôi còn nhớ, trong mâm cơm cúng tất niên, chén nước mắm là nhẹ nhất nên phải nghiêng cái đèn cầy rỏ vào giữa mâm mấy giọt sáp rồi ịn cái chén lên, thế mới không bị gió thổi đổ khi bưng ra đặt giữa sân mời cả cá Ông, cá Bà về hưởng.
Gió biển ở xóm chài thì khỏi nói, đến cận tết, gió biển dường như dữ dội hơn. Đến độ cứ thấy gió mạnh tràn về là biết tết đã về đến cửa. Những cơn gió tràn đến đâu là phả hơi nóng hầm hập ra đến đó. Trong không khí đậm đặc mùi muối biển mặn mòi, lại có thêm mùi khen khét của cát bị hun nóng, mùi nồng nồng của những cụm cỏ lông công bị gió thổi bật gốc nhảy loi choi trên nền cát bỏng. Khắp nơi cứ như chỉ rặt gió là gió, gió ào ào như chú ngựa hoang.
Thi với gió là cát, cát quất sàn sạt lên những vách nhà đìu hiu nơi xóm Cồn Chà, cát ào lên cả những mẹt cá khô phơi vội trên bờ biển. Mấy con khô mực phơi quá nắng cứ cong gập cả người trước cái hanh hao của gió và sức nóng từ cát, mùi bốc lên thơm thơm như sắp được ăn mực nướng và người dân xóm chài cứ thế bươn bả theo gió mà bắt kịp với tết.
Thành thử sau này, sống và làm việc chốn thị thành, tết đến cần gì cứ vào siêu thị là có, cứ thong thả mà đi sắm, tôi cứ thương mãi cảnh mẹ tất tả băng qua cồn cát vào trong thị trấn cho kịp phiên chợ tết.
Dẫu lúc về trong quang gánh chỉ vỏn vẹn một nải chuối, cân măng khô, một chút thịt gọi là mua cho có, đường, bột ngọt…mà đường về thì xa hun hút, qua những cồn cát trải dài như bất tận. Đến tận bây giờ, tôi cứ bắt gặp đâu đó ảnh chụp người phụ nữ gồng gánh qua đồi cát hay chỉ đơn sơ là dấu chân còn để lại trên nền cát vàng oi ả là nước mắt tôi lại rưng rưng…
Và cứ thế cứ mỗi độ xuân về, có những phút giây lắng lòng để suy ngẫm về năm cũ là tôi lại miên man nhớ, tôi nhớ biển, tôi nhớ xóm chài….
Cuộc thi Tùy bút Xuân Hoài Hương diễn ra trên chuyên trang tuoitre.vn/Thiviet/Xuan-hoai-huong-2011. Mỗi bạn đọc được quyền tham gia nhiều bài viết, mỗi bài không quá 800 chữ, chưa từng được đăng tải ở bất cứ đâu. Bài dự thi được viết bằng tiếng Việt có dấu, kiểu Unicode. Bài dự thi xin gửi về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn, tiêu đề ghi tùy bút Xuân hoài hương. Thời gian nhận bài dự thi: từ nay đến hết ngày 7-2-2011 (mồng 5 Tết Nguyên đán Tân Mão). Đối tượng dự thi: tất cả bạn đọc của báo Tuổi Trẻ (ngoại trừ cán bộ công nhân viên của đơn vị tài trợ và báo Tuổi Trẻ). Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 33 triệu đồng, với: - Giải nhất (một giải): 7.000.000 đồng - Giải nhì (hai giải): 5.000.000 đồng/giải - Giải ba (hai giải): 3.000.000 đồng/giải - Giải khuyến khích (mười giải): 1.000.000 đồng/giải. Cuộc thi nằm trong khuôn khổ chương trình Online cùng Tết Việt năm thứ 8 do Tuổi TrẻOnline tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận