28/01/2011 13:28 GMT+7

Sài Gòn miên man nỗi nhớ...

KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)
KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)

TTO - Sài Gòn không là nơi sinh ra của nhiều người nhưng là nơi cưu mang, chở che và chắp cánh rất nhiều thân phận. Sài Gòn bao dung, là quê hương thứ hai của những cư dân xa xứ.

i2oj6vjU.jpgPhóng to
Sài Gòn vào xuân - Ảnh: Vnphoto

Ai đó bảo mùa xuân Sài Gòn bị bỏ mặc, tôi không nghĩ vậy. Tuy đi xa, tuy sum họp ở quê nhà nhưng Sài Gòn vẫn cứ ở trong tim nhiều người, trong miên man nỗi nhớ…

Ở Sài Gòn tôi từng có một mái nhà chung, nơi mà mùa xuân không rộn ràng hối hả nhưng tĩnh tại, ấm áp và lẩn khuất mùi hương. Đó là một ngôi chùa nhỏ khép mình trong hẻm sâu giữa khu cư xá đường sắt, nơi từng cưu mang nhiều lớp sinh viên nghèo tứ xứ đến trọ học giữa Sài Gòn đắt đỏ. Ngôi chùa ấy mùa xuân trên mười năm trước vẫn tù mù ánh đèn đêm, tiếng côn trùng rỉ rả.

Những ngày giáp tết Sài Gòn trở lạnh. Cái lạnh càng đặc quánh khi về đêm vắng hẳn những thanh âm lục đục của xóm nhập cư, tiếng hỏi han lỗ lời của “nghiệp đoàn” bán khoai dạo, tiếng lắc xắc của anh chàng tẩm quất xứ Bắc. Tất cả đã hòa vào những chuyến xe mùa xuân ngược xuôi về lại quê nhà. Nhưng cái lạnh bỗng bị xua tan bởi tiếng chuông gióng công phu, bởi giọng đọc thơ trầm đều ấm áp xen lẫn tiếng chổi tinh mơ của ông lão không rõ từ đâu đến làm cư dân xóm nghèo:

Quét đất quét chùa quét đất tâmĐất tâm không quét uổng công làmNgười đời nếu biết đem tâm quétPhiền não còn đâu chốn nảy mầm

Năm ấy, Sài Gòn lạnh se sắt. Quý thầy ở xa được sư phụ “đặc cách” cho về thăm quê trước. Bọn sinh viên ở lại phụ chùa lau dọn tôn tượng, chu đáo nhang đèn xong mới được phép về quê ăn Tết. Sư phụ bảo đừng nên xem nơi mình ở như quán trọ dừng chân mà hãy sống như đang và làm; ăn bát cơm bá gia bá tánh phải biết tri ân …

Càng cận tết, chợ Chuồng Bò (chợ phường 10, quận 10), nơi mà hằng ngày bọn sinh viên thay quý thầy đi nhận của hóa duyên càng chộn rộn hơn. Bà con tiểu thương phật tử ngoài việc gửi đồ cúng dường là những bó rau, lọn cải còn gửi thêm gói trà, gói mứt biếu gia đình “bọn sinh viên nghèo, tội nghiệp”.

Chiều. Tôi đi chợ về, bà cụ công quả hàng chục năm ở chùa lục trong mớ trí nhớ hỗn độn rồi như độc thoại: “Cần Thơ xa hôn mậy? Mấy chục năm tao không về quê. Ủa Kỹ, mày chưa về ăn tết hả? Bữa nay mấy rồi mà lạnh dữ!” (tôi tên Sĩ, nhưng bà cụ cứ gọi nhầm thành “thằng Kỹ”. Thì cứ là Kỹ vậy!). Không đợi tôi trả lời, cụ kéo mền trùm kín ngực và ho sù sụ. Thanh âm ấy tôi đã nghe quen thuộc hằng đêm thay tiếng cười hiền ban ngày của cụ. Tôi về quê muộn nhất trong đám sinh viên. Quà tết là những gói trà, gói mứt bà con tiểu thương tặng cùng tờ lịch đậm chất thiền với lời giáo huấn nhẹ nhàng của sư phụ. Năm ấy sân chùa sen nở đầy hồ, thơm ngát.

Về quê ăn tết lên tôi hay tin bà cụ mất. Gian bếp hằng ngày rộn tiếng nói cười, tiếng phá phách của bọn sinh viên, tiếng mắng thương của bà cụ bỗng lặng im, trống hoác. Sư phụ nói không cho sinh viên hay vì “tụi con ở xa, tết mới về một lần. Bà cụ cũng già rồi và “đi” rất tự nhiên, nhẹ nhàng trong giấc ngủ”. Hoa sen trong hồ rũ cánh tự lúc nào. Mùa xuân đó, tôi hiểu thêm về lẽ vô thường …

................

Mới đó đã mười năm. Đã lâu rồi tôi không về lại chốn ấy mùa xuân. Sài Gòn cho tôi nhiều thứ, cho quê hương thứ hai, dạy tôi biết sống, dạy tôi yêu người. Sài Gòn cũng mở cho tôi một lối về quê hương tâm linh, nơi nương náu an lành nhất, nơi con người luôn mong ngóng quay về trước sóng đời xô dạt.

Sài Gòn ơi, nhớ quay quắt, nhớ cháy lòng …

Mời bạn đọc thi viết Tùy bút “Xuân hoài hương”

Với chủ đề “Xuân hoài hương”, cuộc thi tùy bút xuân 2011 mong trở thành một nhịp cầu để bạn đọc gửi nỗi nhớ về cái tết quê nhà, đặc biệt để những bạn đọc vì nhiều lý do tết này không thể sum họp gia đình có cơ hội bày tỏ những cảm xúc, gửi những yêu thương đến với người thân, bạn bè.

Cuộc thi sẽ diễn ra trên chuyên trang tuoitre.vn/Thiviet/Xuan-hoai-huong-2011. Mỗi bạn đọc được quyền tham gia nhiều bài viết, mỗi bài không quá 800 chữ, chưa từng được đăng tải ở bất cứ đâu. Bài dự thi gửi về tto@tuoitre.com.vn, tiêu đề ghi “Tùy bút Xuân hoài hương”.

Thời gian nhận bài dự thi từ nay đến hết ngày 7-2-2011 (mồng 5 Tết Tân Mão). Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 33 triệu đồng.

Cuộc thi nằm trong khuôn khổ chương trình Online cùng Tết Việt năm thứ 8 do Tuổi Trẻ Online tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Xem thêm thông tin trên tuoitre.vn.

KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên