19/01/2011 19:55 GMT+7

Gió Tết

TRẦN HỮU NGƯ
TRẦN HỮU NGƯ

TTO - Tết và gió. Gió bấc không hung hãn như bão nhưng thổi triền miên, thổi vù vù, đôi lúc nghe như có tiếng rít từ không trung. Gió mạnh như những cơn bão vừa và nhỏ làm dân quê tôi không đi thẳng người mà ưỡn ngực chịu gió.

B7Pt9OFB.jpgPhóng to
Tôi nhớ gió tết quê nhà... - Ảnh: Internet

“Gió chi mà gió dữ”, đó là than thở của những người bạn từ Sài Gòn đi chơi tết quê tôi. Gió thấy mà sợ! Tôi nhớ ngày xửa ngày xưa những cô gái mặc quần “Mỹ A” (loại vải dùng cho phụ nữ may quần bà ba, thịnh hành từ thập niên 1950-1960), gió thổi phía trước làm vải dán sát vào chân, phía sau ống quần như thừa ra để gió đánh phần phật bay như những lá cờ phướn!

Gió tết. Quê tôi, vùng đất cuối Trung đầu Nam. Ai bảo tôi quê Trung tôi cũng ừ, nói tôi quê Nam tôi cũng gật. Đặc sản quê tôi có lẽ không nơi nào có được là gió bấc thổi biển mỗi khi tết về. Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng gió và bụi cát. Đó là những hạt cát biển được nước biển “giặt sạch” xô lên bờ, cát mịn như được rây, gió thổi mang những hạt cát bay mù như một làn sương mỏng.

“... Em còn nhớ cái xe đạp thời khó khăn hai đứa đèo nhau ngược gió, còng lưng đạp xiêu vẹo, mắt nhắm mắt mở đạp xe ra chợ thật sớm để được mua mấy ký lúa nếp “mười sưa” (mở hàng, mua rẻ được đôi ba đồng) về rang nổ đóng cốm?”.

Quê tôi trong những ngày tết mà không có cốm thì mất hương vị xuân. Rang lúa nếp nổ nghe vui tai lắm, nổ giòn và đều... lụp bụp... lụp bụp... (Có phải những người hay nói, nói nhiều, nói trạng, nói dóc... được gán cho là người “nổ” bắt nguồn từ tiếng “nổ” của nếp rang?). Gạo nếp rang xong thắng nước đường, ngào đường, trộn, bóp...(thêm gừng, một gia vị không thể thiếu), rồi đóng thành hộc, phơi khô dán giấy và trang điểm hoa lá cành bên ngoài. Tất cả công đoạn ấy cũng khá vất vả, nhưng tập quán quê tôi trong những ngày tết dù giàu nghèo đều phải có cốm để chưng trên bàn thờ, rồi ăn lai rai cho đến tháng hai. (Nhìn cốm nhiều hay ít là biết đẳng cấp của giàu nghèo!).

Mùa bấc tết, gió thổi cát len lỏi vào mùng mền chiếu gối và ngay cả trong bữa ăn. Vì ảnh hưởng những mùa gió bấc nên dân quê tôi có đôi mắt béc đùng đục như mây che, mi mắt khép hờ nhưng lại chớp lia, ít nhìn thẳng. Khách phương xa đến thăm chơi, nhìn những đôi mắt ấy họ tưởng là đôi mắt... mơ (nếu được như vậy thì quý hóa biết bao!). Nhưng càng về già những đôi mắt ấy là mơ huyền... mờ! Còn đôi vành tai thì cũng nhỏ, hình như “để gió dễ đi qua”!

“... Tết này anh có về không?”. Cú điện thoại đường dài nghe như có lẫn tiếng gió tết, mùi mằn mặn của nước biển. Tôi hình dung ra em, có phải đến mùa gió tết em đóng kín cửa, kéo rèm ngăn gió và trùm kín đầu sợ cát chui vào tóc? Và tôi khuyên em hãy cẩn thận khi ra đường coi chừng gió giật! Em còn nhớ chuyện thằng bé “Nhốt gió” của nhà văn Bình Nguyên Lộc không? Nó chơi trò chơi dựng nhà, bị gió thổi đổ, nó tức mình cởi quần dài hứng gió đầy hai ống quần như ruột tượng, cột lại, nhốt gió!

Tôi xa quê bao cái tết rồi nhỉ? Hình như tôi ra đi từ độ “chiến tranh vừa chấm dứt”. Tết về, đi giữa Sài Gòn lại không thấy gió, tôi bỗng nhớ gió tết quê nhà. Quê tôi, những ngày tết trời cũng hơi lạnh, và gió tết dù có người không thích nhưng vẫn đến như một đặc sản.

Năm mới, trời Sài Gòn trở lạnh, cái lạnh vừa đủ để khoác hờ chiếc áo ấm. Lâu rồi mới thấy Sài Gòn lạnh, dù chỉ lạnh một chút vào buổi sáng. Không gió, hàng cây bên đường cũng lặng thinh. Và tôi nhớ gió tết quê nhà...

Mời bạn đọc thi viết tùy bút “Xuân hoài hương”

Với chủ đề “Xuân hoài hương”, cuộc thi tùy bút xuân 2011 mong trở thành một nhịp cầu để bạn đọc gửi nỗi nhớ về cái tết quê nhà, đặc biệt để những bạn đọc vì nhiều lý do tết này không thể sum họp với gia đình có cơ hội bày tỏ những cảm xúc, gửi những yêu thương đến với người thân, bạn bè.

Cuộc thi sẽ diễn ra trên chuyên trang tuoitre.vn/Thiviet/Xuan-hoai-huong-2011. Mỗi bạn đọc được quyền tham gia nhiều bài viết, mỗi bài không quá 800 chữ, chưa từng được đăng tải ở bất cứ đâu. Bài dự thi gửi về tto@tuoitre.com.vn, tiêu đề ghi “Tùy bút Xuân hoài hương”.

Thời gian nhận bài dự thi: từ nay đến hết ngày 7-2-2011 (mồng 5 Tết Tân Mão). Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 33 triệu đồng.

Cuộc thi nằm trong khuôn khổ chương trình Online cùng Tết Việt năm thứ 8 do Tuổi Trẻ Online tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Xem thêm thông tin trên tuoitre.vn.

TRẦN HỮU NGƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên