Phóng to |
Minh họa: Bích Khoa |
Lo lắng bạn gặp biến cố chi đó, tôi gọi hỏi thăm. (Đến lúc này, chỉ còn điện thoại là công cụ liên lạc khả dĩ và cũng may là tôi có nó). Thì ra lý do của bạn cũng trùng khớp với hàng chục lần ý nghĩ đó nhen nhóm trong đầu tôi, chỉ là bạn đã dám thực hiện.
Tạm khóa...
Bạn nói: “Facebook lấy đi quá nhiều thời gian và gây cho người ta trạng thái phân tâm khủng khiếp. Mình nhận ra lên Facebook đã trở thành một thói quen gây nghiện khiến công việc sao nhãng, thức khuya liên tục…”. Rồi bạn bàng hoàng nhận ra tiến độ làm việc tại nhà vẫn giậm chân tại chỗ, tiền thì đã tiêu gần hết vào mấy món đồ mua online vì quảng cáo quá ngọt ngào, thời gian hầu như toàn dành cho: hết like rồi bình luận qua lại, tán gẫu suốt đêm.
Bạn tôi quyết định tạm thời khóa Facebook để ngăn bản thân không thể tiếp cận với cái thế giới “quá hấp dẫn và lắm chuyện ấy”.
Vậy là thêm một người gia nhập hội “bỏ Facebook ra đi” bằng cách deactivate (vô hiệu hóa) tài khoản của mình.
Lý do của bạn cũng là lý do của nhiều người tôi biết, khi thất vọng và âu lo về những hậu quả sau thời gian dài theo đuổi Facebook và bị “nghiện”, đã phải dùng biện pháp xóa bỏ nhằm cách ly chính mình khỏi “chất gây nghiện” kia.
Nếu như với trường hợp trên khóa Facebook là nhằm hạ quyết tâm, thì với M., một bạn khác của tôi, người đã vài lần deactivate tài khoản một thời gian rồi mới mở lại, việc đóng cửa “ngôi nhà” trên mạng lại mang một cảm quan khác: nỗi ghen tị.
Học xa nhà, cứ tết đến, những hình ảnh sum vầy đầm ấm được mọi người phô bày rầm rộ lại khiến M. chạnh lòng rồi đâm ra những ý nghĩ bơ vơ, kiểu như chốn này mình là người ngoài cuộc, không có chỗ dành cho mình. Nhằm tránh sự khó chịu và nỗi cô độc giày vò làm sao nhãng cuộc sống, M. đành khóa Facebook tạm thời, đến khi thấy tâm trạng thoải mái hay cần liên lạc gấp mà không còn cách nào khác, cô mới kích hoạt.
V., cùng tâm trạng với M., còn thừa nhận thêm đôi khi chính trong sự lạc lõng và cảm giác so sánh với người khác ấy, việc tạm thời khóa Facebook cũng như một cách trốn tránh khỏi cộng đồng. “Trốn là để tìm thấy”, những lúc ấy V. thầm muốn việc mình biến mất cũng là một cách tỏ bày lặng lẽ với bạn bè rằng “tôi đang không ổn và tôi cần những sự quan tâm ngoài đời thật”.
Trong nhóm bạn bè tôi, khoảng trên dưới năm tài khoản lại bị chủ nhân vô hiệu hóa vì chung một cảm giác khác. Đó là sự khó chịu khi phải đối diện với một số người, một số điều, một số chuyện trên mạng, mà chỉ có cách khóa đi thì mới không phải “chứng kiến” nữa.
Với họ, không biết tự bao giờ trên Facebook xuất hiện kha khá những mối quan hệ xã giao, không thân thiết, không muốn biết nhưng không - thể - không - kết - bạn (như đồng nghiệp, hàng xóm, bạn học...), hoặc những nhân vật mà sự thể hiện của cá nhân đó trên mạng chỉ khiến họ thêm mệt mỏi (vì than vãn) hoặc ngán ngẩm (vì “hoàn hảo”).
Với P., bạn tôi, thì “Facebook ngày càng trở nên xô bồ, nơi xuất hiện nhiều mục đích lộn xộn, vô bổ: khoe khoang, mua bán, tạo quan hệ, thậm chí để nói xấu, khích bác nhau…”. Và dường như chỉ bước ra khỏi không gian mạng xã hội, những người trẻ nọ mới có thể quay về với bản thân, không bị ảnh hưởng từ những đám đông ồn ào.
Cuộc sống họ, như P. thừa nhận, “thiếu Facebook cũng không thấy xáo trộn, mà lại tận hưởng được thời gian tốt hơn, vì những ai quan tâm đến nhau đều có nhiều cách khác để liên hệ”.
... Hay “biến mất” vĩnh viễn
Lại còn một nhóm bạn khác hầu như đã xóa hoàn toàn tài khoản và không có ý định quay lại. Chính cảm giác bị biết - quá - nhiều trên thế giới ảo khiến họ thấy cuộc sống cá nhân mất an toàn trầm trọng, khi mọi sở thích, phát ngôn, địa điểm đều có thể công khai, lan tràn với tốc độ nhanh chóng, cũng như mọi thông tin lưu trên hồ sơ ảo đều có thể bị truy cập và sử dụng cho những mục đích khác nhau.
Để giữ bản thân ở một khoảng cách an toàn, không rắc rối, không phiền nhiễu, không hệ quả trong những mạng lưới ảo, họ đã xóa đi sự tồn tại của mình nơi đó.
Bên cạnh cảm giác bất an, khó chịu vì bị cuốn vào đời sống trên thế giới ảo là hiện tượng bão hòa cảm xúc sau khi đã “chơi Facebook” một thời gian dài. Nếu như ở trường hợp trước, từ bỏ là một cách kháng cự, kìm giữ bản thân thì với hoàn cảnh này, một số bạn bè tôi đã tự hủy tài khoản vì không còn thấy được sự hấp dẫn, cần thiết của nó nữa.
Cuộc sống thực bận rộn gồm ngồn ngộn sự kiện, mối quan tâm, đối lập với những hiện tượng bầy đàn, nhộn nhạo, hoặc những yếu tố lặp đi lặp lại trên Facebook khiến họ cảm thấy “mạng xã hội bỗng trở nên vô cùng nhàm chán, luẩn quẩn, ngột ngạt…”.
Hiện nay, trong một cộng đồng nhỏ khoảng 50 người mà tôi quen biết, thân thiết, đã có trên 15 người từng khóa hoặc xóa vĩnh viễn tài khoản Facebook. Số còn lại, trong đó có tôi, cũng đôi lần nghĩ đến ý định ấy nhưng vẫn chưa đủ động lực.
Ở các nước phương Tây, hiện tượng “đào thoát” khỏi mạng xã hội xuất hiện ngày càng phổ biến, bắt nguồn từ hàng loạt lý do lớn nhỏ: hao phí thời gian, gây nghiện, lo ngại yếu tố bảo mật riêng tư... Song, cũng không ít người thừa nhận rằng không có mặt trên Facebook cũng lắm lúc khiến họ cảm thấy bứt rứt, khi mọi chuyện ngày nay phần lớn đều được thông báo tại đó, kể cả hình thức “nhắc ngày sinh nhật”, kể cả tình trạng của các mối quan hệ...
Và nhiều người đã không vượt qua ý nghĩ về sự ngoài rìa cuộc đời, khi chính cuộc đời thực đã được tái hiện chi tiết, thậm chí chi tiết hơn mức cần thiết, trên thế giới ảo.
Đến “tự tử ảo hàng loạt”
Tờ Daily Mail trong một số ra tháng 9 đã sử dụng cụm từ “virtual identity suicide” để mô tả tình trạng những người dùng Facebook ở Mỹ và Anh rủ nhau từ bỏ trang mạng xã hội này hàng loạt. Một thăm dò và phân tích 600 người dùng Facebook của Đại học Vienna nêu ra các nguyên nhân chính liên quan đến sự “ra đi hàng loạt” này: âu lo cho việc bảo vệ sự riêng tư và nhân thân trên mạng (48,3%), không còn hài lòng nói chung (13,5%), các khía cạnh tiêu cực của bạn bè ảo (12,6%) và... sợ nghiện (6%).
Brenda Wiederhold, biên tập viên của tạp chí Tâm lý trên không gian điều khiển, hành vi và mạng xã hội, nói: “Vì những câu chuyện nổi tiếng như vụ WikiLeaks và mới đây là các báo cáo (của Edward Snowden) về việc giám sát của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, các công dân ngày càng lo âu cho việc bảo mật sự riêng tư của họ trên không gian điều khiển”.
Tuy nhiên, một cái nhìn cận cảnh của Đại học Vienna vào những người “bỏ cuộc chơi” Facebook đã vẽ ra một chân dung nhóm khá thú vị: đa số những người từ bỏ vĩnh viễn này là người lớn tuổi và là nam giới!
Vậy thì với những người trẻ hơn, Facebook vẫn còn đủ hào quang hấp dẫn của những ngày đầu? Một bài báo trên tờ The Christian Science Monitor chỉ ra nghịch lý: trong khi sự phổ biến của Facebook thể hiện qua con số fan của nó ngày càng tăng, thì cùng lúc nạn “mệt mỏi vì Facebook” (Facebook fatigue) và “quá tải bảng tin” (News feed overload) đã khiến việc lướt trang mạng xã hội này trở nên bớt hấp dẫn.
Bài báo này dẫn lời Rachel Fernandez (18 tuổi) - người tạo trang Facebook của mình bốn năm trước: “Khi mới có Facebook, tôi từng nghĩ đây là thứ tuyệt nhất ta có. Bạn trở nên hợp thời vì ai cũng có. Nhưng giờ thì nó tẻ nhạt rồi”. Cô cho biết không bỏ hẳn Facebook dù hiện nay cô chẳng buồn xem bảng tin, các post mới, ảnh và vô số video của gần 1.800 bạn bè mình tải lên mỗi ngày.
Facebook với cô cũng không khác email hoặc điện thoại, nhưng cô chọn lựa nó vì những người cô cần giao tiếp đều trên đó cả. Điều đó cho thấy Facebook là một tài sản lớn nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn nhất.
Từ đó có thể thấy việc từ bỏ Facebook hay khóa tài khoản, vĩnh viễn hoặc tạm thời, cũng là một thái độ, một quan niệm, một mong muốn hướng đến cuộc sống cân bằng, nhẹ nhõm và tránh bị lệ thuộc vào một trang web ảo, nói rộng hơn là một đám đông. Xu hướng trên xuất hiện cho thấy khát vọng về một cuộc sống tự tại, nơi bản ngã, thời gian và mối quan hệ được xây dựng, sử dụng, nuôi dưỡng một cách hợp lý, chín chắn và chân thật.
Bốn mánh khóe Nhà báo Sarah Kessler cho biết không dễ từ bỏ Facebook vì công ty này đang tìm mọi cách giữ chân người sử dụng, mà qua kinh nghiệm cá nhân cô đúc kết lại bốn kỹ thuật giữ chân người dùng của Facebook. Cô kể lục lọi mãi cô mới tìm ra phương án xóa tài khoản Facebook, mà nhờ công cụ Google (!), khi đó Facebook đề nghị cô tạm khóa thôi, thay vì từ bỏ vĩnh viễn. Trang này đề nghị nếu cô chỉ tạm khóa, họ sẽ lưu lại “giúp” cô những thông tin từng tải. Sarah bèn chọn phương án tạm khóa này. Nhưng khi cô ”deactivate” tài khoản của mình thì lại được Facebook nhắc “hãy nghĩ về bạn bè từng ấy năm cùng nhau” rồi liệt ra năm cái tên trong số này, cùng với dòng nhắn tin tự động, nói rằng họ sẽ “nhớ cô biết bao nếu cô bỏ ra đi”. Sau đó cô được đề nghị kể cho Facebook nghe vì sao cô quyết định từ bỏ. Khi cô giải thích là vì muốn bảo mật sự riêng tư, Facebook ra sức thuyết phục cô đọc những giải thích dài dòng về việc trang web này xử lý các dữ liệu cá nhân thận trọng ra sao, trước khi cô tạm khóa. Sarah Kessler bình luận: “Đó không phải là người bạn trai tôi từng hò hẹn thời trung học. Facebook có cả một khoa học làm lệch hướng người muốn từ bỏ nó” (1). Vấn đề ở chỗ nếu người dùng của Facebook Inc. sụt giảm hoặc không truy cập thường xuyên thì lợi nhuận của công ty này sẽ bị ảnh hưởng, bởi phần lớn lợi nhuận của nó lệ thuộc vào số quảng cáo mục tiêu. Và đến nay, cứ một người bỏ thì lại có nhiều người đăng nhập, lý giải vì sao doanh thu của nó đạt 5,1 tỉ USD năm 2012, tăng so với 3,7 tỉ USD năm trước. Đến nay Facebook có tới 1 tỉ người dùng, trong số này có 618 triệu truy cập mỗi ngày. (1): www.fastcompany.com/30175 30/4-persuasion-tricks-facebook-uses-to-keep-you-from-quitting#1 |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận