24/11/2012 16:23 GMT+7

Sống cùng công nghệ cao

PHƯƠNG THẮNG
PHƯƠNG THẮNG

TTCT - Việc giới trẻ mất quá nhiều thời gian cho Internet có phải hoàn toàn là lỗi của họ, khi công nghệ phát triển như vũ bão những năm gần đây khiến ngày càng có nhiều “đồ chơi” cho giới trẻ?

2DkLWqzU.jpgPhóng to
Con cái quá “gắn” với Internet, các bậc cha mẹ khó tránh được cảm giác hoang mang lo lắng - Ảnh: 2.bp.blogspot.com

Có bao giờ bạn tự hỏi lũ trẻ ngày nay gặp nhau sẽ rủ nhau chơi trò gì?

Nhà tôi đông anh em. Thuở nhỏ hễ má tôi “sơ sẩy” là cả đám năm anh em túa ra đường chơi đủ mọi trò. Chị tôi với tôi thì nhảy dây hay banh chuyền, còn đám con trai em tôi thì chơi năm mười, tạt lon, thậm chí dàn trận đánh nhau.

Bây giờ chị em tôi đều đã có gia đình, tụ tập lại thì “tòi” ra một đám con nít cháu chắt với nhau. Hồi trước chúng còn rủ nhau chơi đá banh. Từ khi con hẻm trở nên chật chội hơn vì mấy cái nhà mới xây cơi nới thêm sân, chúng cuồng chân. Và ngồi không làm gì? Chúng rủ nhau chơi Internet. Nhà bà ngoại không đủ máy, chúng năn nỉ các ba mẹ cho chúng cùng ra “đấu” nhau ngoài tiệm net.

TTCT mời bạn tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống với những kinh nghiệm sống trong thời công nghệ cao, sao cho hai thế giới thực và ảo không loại trừ nhau, sao cho gia đình vẫn có thể cùng nhau đồng hành trong cơn lốc @ mà không để nó cuốn đi...

Lúc đầu, để yên thân hàn huyên, các bậc cha mẹ gật đầu để “thoát” khỏi đám trẻ. Cho đến một dịp họp mặt nọ, cả nhà giật mình nhận ra bọn trẻ chỉ mong tụ tập họ hàng để có lý do chính đáng... cùng ra tiệm net. Những lần tiếp theo, bọn trẻ bị cấm ra tiệm. Chúng ngồi buồn, than thở, nhưng khi được gợi ý tìm sân đá banh như trước, chúng không mặn mà nữa...

Chúng lôi iPad, điện thoại ra “giải sầu”, không quan tâm người lớn gặp nhau có chuyện gì, anh em họ hàng của chúng có những vấn đề gì không ổn như một đứa không lo học suốt ngày ôm điện thoại nhắn tin, còn đứa khác thì mê game đến mụ mị...

***

Tôi chắc rằng đây không chỉ là vấn đề của riêng gia đình tôi. Trong một thế giới “siêu kết nối” - theo những nhìn nhận mới nhất của tác giả cụm từ “thế giới phẳng” Thomas Friedman - câu chuyện này thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Tờ The New York Times số ra ngày 20-1-2010 đã so sánh thời gian mà thanh thiếu niên Mỹ dành cho các phương tiện điện tử trong 10 năm trước đó. Kết quả là trong một thập niên, giới trẻ Mỹ dành nhiều thời gian hơn để sử dụng máy tính và chơi trò chơi điện tử: tổng cộng mỗi ngày họ ngồi 7,5 giờ trước màn hình. Việc duy nhất họ làm ít hơn trước là đọc! (1).

Một thống kê khác của Quỹ Kaiser Family (Mỹ) cùng lúc cho biết: khi công nghệ cho phép thanh thiếu niên có thể tiếp cận với các phương tiện thông tin gần như 24 giờ mỗi ngày thì thời gian chúng dành cho các phương tiện giải trí đã tăng đột ngột: 53 giờ một tuần! Và đâu chỉ ở Mỹ. Tại Hàn Quốc, theo tờ Newsweek (2), chính phủ đã phải buộc các tiệm Internet đóng cửa với giới trẻ vào ban đêm, hay tại Trung Quốc, các bà mẹ đã tổ chức hẳn những cuộc vận động mà tờ báo này gọi là “thập tự chinh” bảo vệ giới trẻ an toàn lướt web...

***

Nhưng việc giới trẻ mất quá nhiều thời gian cho Internet có phải hoàn toàn là lỗi của họ, khi công nghệ phát triển như vũ bão những năm gần đây khiến ngày càng có nhiều “đồ chơi” cho giới trẻ? Theo Hiệp hội Viễn thông quốc tế (ITU), đến giữa năm 2012 thế giới có khoảng 6 tỉ thuê bao điện thoại di động (hành tinh chúng ta đang có 7 tỉ người), so với năm 2002 con số này mới có 1 tỉ. Đặc biệt tăng nhanh là ở các nước đang phát triển.

Gần đây hơn, trong lần tranh cử trước của ông Obama năm 2004, người ta chỉ mới nói đến điện thoại thông minh Blackberry, nhưng chỉ sau một nhiệm kỳ của ông “thế giới đồ chơi” đã xuất hiện thêm iPhone, máy tính bảng iPad... kể cả các loại điện thoại di động không tên tuổi của Trung Quốc và Ấn Độ có khả năng kết hợp vận hành với các thiết bị cùng loại.

Đó là chưa nói tiện ích của các trang mạng xã hội liên tục được cập nhật. Như mới đây nhất Facebook vừa tung ra “trang đôi” cho các đôi lứa, dù có bị chỉ trích (3) nhưng đã cho thấy những nỗ lực liên tục, giải thích vì sao số người tham gia trang mạng này đã cán đích 1 tỉ vào tháng 10-2012.

Hồi trước đồ chơi và trò chơi của giới trẻ có thể trong tầm quan sát và quản lý của bạn. Nếu cho rằng món đồ chơi nào đó gây hại, bạn có thể tước mất của chúng và giấu đi. Còn giờ đây, có công bằng không khi không cho chúng lướt net để tìm ra thế giới rộng lớn rất phẳng ngoài kia, bởi nếu tước công cụ net của chúng cũng đồng nghĩa tước đi của chúng những kỹ năng làm việc, những cơ hội việc làm...?

Băn khoăn lớn nhất của mấy chị em tôi: làm sao có thể sống chung với con cái mình trong thế giới ảo rất mịt mờ này?

____________

(1): That used to be us - Thomas Friedman và Michael Mandelbaum(2): Newsweek, 16-7-2012(3): http://www.telegraph.co.uk/women/sex/9671862/Facebook-couples-pages-make-me-want-to-retch.html

____________

1. Hôm qua, người chị họ của tôi chạy ào đến, khóc nức nở. Hỏi mãi chị mới cho hay con gái chị, mới 17 tuổi, hẹn hò với một bạn chat, một người lạ trên mạng, đi suốt đêm không về. Tôi cũng có con gái, con tôi 17 tuổi. Thấy chị khóc mà nước mắt tôi cũng rớt theo. Từ bao giờ Internet và các phương tiện truyền thông khác làm điêu đứng các bậc cha mẹ có con cái tuổi vị thành niên vậy?

Có thể khẳng định một điều rằng từ khi có mạng Internet, cuộc sống chúng ta đã thay đổi chóng mặt. Nhờ có Internet, người ta với một cái click chuột là có thể mở ra cả thế giới thông tin, có thể gửi thư và nhìn thấy bạn cũ ở cả nửa vòng trái đất, có thể gửi hàng tá tài liệu cho đối tác mà không cần cả giấy tờ, có thể họp hành, đấu thầu trực tuyến mà không cần tới cơ quan. Nhưng với tất cả phụ huynh có con ở độ tuổi từ 5-18 tuổi, cảm giác hoang mang lo lắng trước tác động quá lớn của Internet đối với những đứa con thân yêu của mình là không tránh khỏi.

Một chị cùng cơ quan tôi có cô con gái tuổi 16 rất hay chat trên Facebook. Chị la rầy, cấm đoán cũng vô ích. Có mặt chị ở nhà, con gái dùng vi tính cho việc tra cứu thông tin. Nhưng nhờ phần mềm theo dõi, chị đọc được những đoạn chat mùi mẫn của nó với một “gã kỹ sư” nào đó mang nick hiepsimatbuon. Con gái xin đi chơi với bạn cùng lớp buổi tối chị không bao giờ cho phép.

Nhưng không lẽ cấm con giao du với bạn bè nên khi cháu xin đi coi phim những ngày chủ nhật chị phái chồng bí mật theo sau xem nó có đi hẹn hò với gã trai lạ làm quen trên mạng không. Chồng bận việc, chị phải nhờ bác xe ôm trong xóm làm “thám tử tư”. Nghĩ ra thật khổ tâm, mẹ con mà không cởi mở được. Bạn bè trách chị lạc hậu quá, khe khắt quá nhưng có con gái lớn chị chỉ sợ có ngày những kẻ con quen trên mạng dụ dỗ, bán nó ra nước ngoài như trên báo chí thường thông tin. Nghe chị kể, tôi hoang mang tự hỏi sự che chắn ấy sẽ kéo dài tới bao giờ?

2. Con cái tôi không phải hoàn toàn vô can trước tác hại của truyền thông dù tôi và chồng đã hết sức chú ý chuyện dạy con. Con gái lớn của tôi dùng tiền riêng để mua những cái áo phô diễn hết da thịt, những cái quần không thể ngắn hơn. Tôi khuyên giải, con không nghe, biện minh rằng người mẫu nào đó bằng tuổi nó mặc những quần lót nhỏ xíu chụp đưa lên Facebook, hay một cô người mẫu nào đó khỏa thân hoàn toàn để bảo vệ môi trường.

Chồng tôi tình cờ nghe được mẩu đối thoại gay gắt của hai mẹ con đã cầm kéo cắt nát hết lô quần áo thuộc loại “bảo vệ tầng ôzon” của con và tuyên bố phạt con một tháng không có tiền quà bánh. Dĩ nhiên con tôi sẽ đi mượn tiền bạn bè và nó không sợ hình phạt của cha nó. Tối đó, chồng tôi cài ngay phần mềm theo dõi và cài cả password cho máy vi tính. Nhưng tôi độ rằng con tôi cũng sẽ tìm cách trốn ra các tiệm net đang bủa vây cái xóm nhỏ của tôi. Sự che chắn bảo vệ đứa con gái mới lớn mà vợ chồng tôi thực hiện xem ra hết sức ngô nghê và vô ích.

Chuyện động trời hơn, con trai thứ hai của tôi mới học lớp 9, cách đây ba ngày nó mang về bốn đĩa phim “cấp 3”, khoe rằng hầu hết con trai trong lớp đã xem rồi, chúng tải trên mạng xuống và chúng còn cho rằng “con chưa coi thì con chưa phải bản lĩnh đàn ông”. Lần này chồng tôi phải gặp cô chủ nhiệm trao đổi và kết quả là con trai tôi bị cả tập thể nam trong lớp gọi một tên mới khá hay ho “kẻ phản bội mặt trắng” (!)

3. Nỗi khổ hầu như triền miên của các bậc cha mẹ thời nay chính là thấy “mất con” cho Internet. Chúng ngồi như dính keo hàng giờ trước máy vi tính, nhoay nhoáy nhắn tin trên iPhone, chơi trên iPad, laptop mà không mảy may quan tâm tới đời sống xung quanh.

Chúng có thể biết một thành viên ban nhạc Hàn đang lưu diễn tận trời Tây nhức đầu, hắt hơi nhưng người hàng xóm bên nhà bệnh thập tử nhất sinh chúng không quan tâm. Chúng có thể xuýt xoa ngưỡng mộ một ngôi sao điện ảnh của Mỹ mua cái túi xách 5-7 ngàn đôla nhưng hoàn toàn không nghĩ tới cảnh mẹ cha chạy vạy cơ cực như thế nào để chúng có một hai triệu đồng đóng tiền học đầu năm trong thời bão giá.

Ông bà nội ngoại lặn lội từ quê lên thăm con cháu một năm vài lần, đò xe cơ cực nhưng chúng không có lấy một vài giờ trò chuyện, pha cho ông bà ly nước cam, hay bóp cho ông bà bờ vai mỏi nhừ vì tuổi tác. Chúng vô cảm một cách hồn nhiên với chính những người thân yêu nhất.

Vâng, không thể không đau lòng khẳng định thời gian mà con cái dành cho Internet hầu như chôn vùi những nỗ lực gần gũi và dạy dỗ của những bậc cha mẹ có tâm nhất. Internet với tất cả những mới mẻ, hấp dẫn đã khiến hầu hết trẻ vị thành niên và thành niên trở nên “khép cửa” với thế giới thực của chính mình... Cuộc chiến của chúng tôi với ảnh hưởng của những tiện ích thời công nghệ cao lên con cái mình xem ra giống cuộc chiến với cối xay gió của chàng Don Quixote, một cuộc chiến hoàn toàn đơn độc và không cân sức...

PHƯƠNG THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên