Phóng to |
Evan Moore cùng cô bạn người Việt - Ảnh: CÔNG NHẬT |
Điều đầu tiên làm tôi ngạc nhiên là cảnh những ông bố, bà mẹ chở con tống ba, tống bốn trên xe máy. Tôi lo lắng tự hỏi khi những chiếc xe oằn mình dưới trọng lượng quá tải liệu người điều khiển xe có làm chủ được tay lái? Chưa kể nhiều phụ huynh còn bồng con (khoảng 2-3 tuổi) trong tư thế đứng trên xe mà không hề buộc dây an toàn, hoặc nhiều người vô tư đẩy xe chở trẻ băng qua đường bất kể đèn giao thông xanh hay đỏ.
Nhìn cảnh tượng ấy tôi tưởng mình đang xem “xiếc độc” miễn phí! Những hình ảnh nói trên không bao giờ xảy ra ở Mỹ, bởi chúng tôi tin rằng người lớn làm như vậy chẳng khác nào cố tình gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Đó là chưa nói những việc làm gây nguy hiểm cho trẻ sẽ bị phạt rất nặng.
Ở VN tôi thấy mọi người, trong đó có trẻ em, đi xe đạp không đội mũ bảo hiểm. Theo tôi, nên khuyến khích trẻ em đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, vì khi tai nạn giao thông xảy ra thì hậu quả của việc té từ xe máy hay xe đạp xuống đất cũng không khác nhau là mấy.
Ở Mỹ, mọi người bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm dù chỉ chạy một chiếc xe đạp nhỏ hay chiếc ván lướt trên bất kỳ đoạn đường lớn nhỏ nào.
Ngoài ra, tôi nghĩ khoảng cách giữa thầy cô giáo, cha mẹ với người trẻ tại VN hơi bị... xa. Qua những lần trò chuyện cùng một số bạn trẻ, tôi biết họ thường không thoải mái khi phải ngồi trò chuyện với cha mẹ, thầy cô của mình do bị những áp lực về điểm số, về thành công trong xã hội hay ghế giảng đường luôn đè nặng trên vai.
Kể ra thì có một nghịch lý đáng suy ngẫm...
Ai cũng tưởng giới trẻ phương Tây chúng tôi được tạo điều kiện rời xa gia đình sớm (khoảng sau 18 tuổi) thì sợi dây gắn kết với gia đình sẽ vô cùng lỏng lẻo. Tuy nhiên, thực tế chúng tôi lại rất quý và trân trọng từng khoảnh khắc trò chuyện cùng cha mẹ, bởi chúng tôi coi nhau như những người bạn và hầu hết đều cảm thấy thoải mái vì các bậc phụ huynh luôn chấp nhận, tôn trọng những suy nghĩ thật của con mình.
Nếu chúng tôi học dở thì ba mẹ hiểu theo hướng đó là do gen di truyền, hoặc chúng tôi phải ráng chịu vì điều đó sẽ tác động đến cuộc sống của chính chúng tôi sau này.
Còn ở Việt Nam, người trẻ luôn phải “sống trong sợ hãi” bởi những kỳ vọng quá lớn, đôi khi là “nhiệm vụ bất khả thi” từ cha mẹ mà họ không thể không làm! Nhiều bạn trẻ VN được chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ và luôn được cha mẹ bảo bọc để chỉ phải học.
Điều này những tưởng là “hoa hồng” nhưng thực chất chính là “thòng lọng” siết chặt những mơ ước, những nỗ lực được sống thật với con người mình của các bạn trẻ. Khi người trẻ học dở, cha mẹ luôn cho rằng con họ đã không cố gắng hết sức. Nói cách khác, người trẻ ở VN không được quyền học cho chính họ, mà học cho danh vọng của gia đình.
Thật là nghịch lý khi gia đình Việt chăm sóc con trẻ kỹ như thế mà Nhà nước không có quy định cụ thể độ tuổi được đến quán bar, mua thuốc lá, uống rượu hay tuổi nào thì được chơi game bạo lực...
Tại Mỹ, nếu bạn muốn đi bar và hút thuốc, dùng thức uống có cồn thì bắt buộc độ tuổi phải trên 21. Nếu bạn muốn chơi game có tính bạo lực thì tuổi không thể dưới 17 và mỗi loại game lại có giới hạn tuổi riêng.
Bảo bọc con quá mức cần thiết
Tôi có con nhỏ nên đã dành nhiều thời gian đọc tài liệu cũng như tìm hiểu cách nuôi dạy trẻ ở nhiều nơi. Qua đó tôi thấy người Việt có xu hướng bảo bọc con quá mức cần thiết nên trẻ thường trở nên yếu ớt khi bước vào đời.
Tôi nhớ có lần từng rất ngạc nhiên khi chứng kiến một đứa trẻ nước ngoài bị bố mẹ bắt phải tự đẩy vali đi ở sân bay, dẫu bé luôn miệng than mệt. Sau đó tôi hiểu rằng không phải vì họ không thương con, mà họ tập cho con tính tự lập, tự chịu trách nhiệm ngay từ nhỏ.
Thương con như thế bằng mười hại con
Tôi cũng lo lắng khi thấy trẻ em Việt ngày càng được cưng chiều một cách thái quá, và các bậc cha mẹ thường dùng tiền để dỗ dành con thay vì dành thời gian để tâm sự, dạy dỗ. Theo tôi, “thương con như thế bằng mười hại con”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận