Phóng to |
"Tôi sẽ không quên nụ cười của người Việt Nam..."
Được xem là một người bạn quý của Việt Nam, ông Jordan Ryan là người đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển và xóa đói giảm nghèo của VN trong khoảng thời gian làm việc của mình tại Hà Nội (2001-2005).
Hiện là điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam, ông chính là người được Tổng Thư ký LHQ bổ nhiệm và là người đứng đầu của 13 cơ quan LHQ tại Việt Nam.
Ryan đã tham gia đối thoại chính sách với các nhà lãnh đạo Việt Nam để thúc đẩy các mối quan tâm mang tính chiến lược của LHQ, trong đó chú trọng vào việc giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng, tăng cường các quyền con người và đối phó với thách thức về bệnh dịch HIV/AIDS đang nảy sinh.
Ryan được xem như người góp phần quan trọng vào chương trình nâng cao hiệu quả viện trợ, trong đó có việc xây dựng năng lực của Chính phủ để đảm nhiệm vai trò làm chủ trong việc quản lý và phân tích các thông tin về ODA. Ông hỗ trợ nhất quán và từ đầu cho các chương trình mục tiêu quốc gia được coi như các cơ chế quốc gia chủ yếu cho công tác xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam.
Mọi người sẽ mãi nhớ đến Ryan - người dẫn đầu trong các hoạt động hỗ trợ của các nhà tài trợ cho những vấn đề chính trong chương trình về quản trị quốc gia, cũng như giữ vai trò chủ trì về mặt chuyên môn trong việc xây dựng chương trình cải cách hành chính, cải cách hệ thống luật pháp và tăng cường các cơ quan đại diện, như Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các tỉnh...
* Theo suy nghĩ cá nhân của ông, kỷ niệm ngọt ngào nhất của ông là gì? Và ông thích món ăn Việt Nam nào nhất? (On a personal note, what is your sweetest memory of Vietnam? How about your most favourite Vietnamese dish?) (Vo Van Hung, 18 tuổi, hungvuong_87@)
- Kỷ niệm ngọt ngào nhất của tôi với VN là nhân dân VN - những con người thật lạc quan, yêu lao động và nhìn về phía tương lai với ánh mắt tươi sáng.
Tôi cũng thích những miền quê VN. Vợ tôi luôn bảo: "Anh ăn nhiều bánh chưng quá! Chưa đến Tết mà anh đã ăn quá nhiều bánh chưng rồi!". Nhưng thật sự tôi rất thích bánh chưng và con gái Juliet của tôi sẽ rất nhớ những bát phở gà của VN. Chúng tôi không thể tìm thấy ở nơi đâu trên thế giới những bát phở gà như ở VN.
Phóng to |
Ông Jordan Ryan trả lời trực tuyến với bạn đọc. Ảnh: Thanh Đạm |
- Trở ngại lớn nhất của tôi là Liên Hiệp Quốc không có đủ tiền để giúp VN. Trở ngại thứ hai là các thủ tục diễn ra quá chậm mà tôi thì luôn nôn nóng. Nhưng tôi nghĩ rằng chờ một chút để mọi người đồng tình thì sẽ tốt hơn.
Một khó khăn nữa là tôi chưa bao giờ nói được tiếng Việt thật tốt. Tôi mà nói được thì sẽ tốt hơn. Nhân viên của tôi đã cố hết sức nhưng chỉ mới chuyển tải một phần tình yêu của tôi đối với VN.
* Xin cám ơn ông về những giúp đỡ dành cho VN. Ông có học được gì từ VN? (Vu Thang Tung, 32 tuổi, sunjinvn@)
- Tôi đã học được khá nhiều điều từ VN. Đầu tiên là việc xác định hướng đi rõ ràng, tiếp nữa là người VN đã làm việc chung với nhau có thể tạo nên tính kiên trì và sức mạnh to lớn. Một điều nữa là người VN luôn hướng đến tương lai.
* Ông đánh giá như thế nào về môi trường hành chính tại Việt Nam hiện nay so với 10 năm trước? Sự đổi mới về cơ chế và thủ tục hành chính có chậm không? Và nguyên nhân do đâu? (Nguyễn Tấn, 25 tuổi, nguyentanngoc10@)
- Chính xác là 13 năm về trước, UNDP bước vào dự án cải cách hành chính VN. Và hiện nay dự án này vừa hoàn thành và có một bảng đánh giá. Có một số thành tựu như một dấu một cửa. Nhưng theo tôi cần có cải tổ về mặt hành chính sâu rộng hơn nữa.
Đặc biệt là ở TP.HCM có chương trình nâng cao chất lượng phục vụ của công chức nhà nước. Tôi tin rằng cán bộ nhà nước biết rõ nhiệm vụ kỹ năng của mình. Và họ có thu nhập đủ sống mà không phải tìm kiếm nguồn thu nhập nào khác.
Để có một cuộc cải tổ hành chính sâu sắc, cần phải có yêu cầu từ phía người dân để phục vụ người dân. Nhân dân được hiểu rằng thông qua phương tiện báo chí, người dân có thể đưa ra những yêu cầu của mình. Tiếng nói của người dân cần có sức nặng hơn nữa.
* Ông đánh giá như thế nào về các tiến trình hội nhập WTO của Việt Nam? Có phải Việt Nam đã nhanh chân quá, hay vẫn làm nhưng không hiệu quả và sẽ khó thay đổi trong năm 2006. Cảm ơn! (nguyen minh khue, 28 tuổi, nguyenminh_khue1979@...com)
- Tôi thất vọng vì VN vẫn chưa gia nhập WTO. Tôi nghĩ là cần tập trung vào những vấn đề quan tâm mà 5 thành viên chưa đồng ý. Nhưng tôi đồng ý với ý kiến của Thủ tướng: chưa vào nhưng rồi sẽ vào. Tôi thấy VN sẽ quan tâm đến những thành tựu của mình trong việc gia nhập WTO. Quá trình gia nhập WTO sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Còn về nguyên nhân vì sao VN chưa gia nhập WTO thì tôi nghĩ rằng còn một số vấn đề đối ngoại, đối thoại song phương chưa giải quyết được và tôi nghĩ mọi chuyện sẽ được giải quyết trong thời gian sắp tới.
Phóng to |
"4 năm làm việc ở VN là khoảng thời gian tuyệt diệu làm việc ở một đất nước đặc biệt đối với tôi" |
- Tôi nghĩ thành công lớn nhất là từ trái tim sâu thẳm của tôi, tôi hiểu người Việt. Và tôi có cơ hội trò chuyện với Chính phủ và nhân dân VN về những giá trị của công cuộc xây dựng đất nước. Tôi tập trung vào mục tiêu thiên niên kỷ, nói nhiều về những giá trị bình đẳng, khoan nhượng, đoàn kết trong xã hội.
Tôi cũng thành công khi đưa những mục tiêu của LHQ đến rất gần với những mục tiêu VN đang có. 4 năm làm việc ở VN là khoảng thời gian tuyệt diệu được làm việc ở một đất nước đặc biệt đối với tôi.
* Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình tại đây, ông có ấn tượng gì nhất về Việt Nam và theo ông, điều gì là ông đã làm thành công nhất? Nếu ông có thể làm lại một điều gì đó (đã quyết định và xảy ra trong thời gian qua ở Việt Nam), ông sẽ chọn điều gì? (Quán Ngọc Nam, 34 tuổi, quanngocnam@)
- Tôi giống người Việt, không thích nhìn lại mà nhìn về phía trước. Cái tiếc nhất là ước vọng mà tôi chưa thực hiện được là có một cuộc gặp gỡ với Tổng bí thư, Thủ tướng... được trò chuyện với những người nhiễm HIV ngoài đời thực. Nhưng tôi hi vọng sẽ có trong thời gian sắp tới...
* Ông đánh giá như thế nào về chương trình phòng chống HIV/AIDS ở VN? Những thành công và thất bại của chương trình này? (H.Trung)
- Những ngày này tôi đọc báo thấy mỗi ngày có 30 người chết vì tai nạn giao thông. Và một ngày trôi qua có 100 người Việt nhiễm HIV. Ít nhất có 4 tỉnh thành VN đã có dịch HIV rồi. Thực chất VN đang đứng trên bờ vực của dịch HIV đang bùng nổ. Nhưng nhiều người vẫn không biết gì, không lo gì.
Tôi thích cụm từ mặt trận toàn dân của VN ngày xưa để nói về một cuộc chiến toàn dân chống AIDS. Cần khuyến khích dùng bao cao su, trao đổi bơm kim tiêm và sử dụng thuốc thay thế, methadon trong việc cai nghiện ma tuý. Tôi hi vọng chính phủ VN sẽ đưa nó vào chương trình hành động.
Tôi cũng mong mọi người hãy tách riêng HIV/AIDS với cái mà chúng ta gọi là "tệ nạn xã hội", cần làm sao để những người nhiễm HIV/AIDS được tham gia nhiều hơn vào cuộc sống, vào các hoạt động. VN đang có một tiền đồ rất tươi sáng, đừng để HIV/AIDS cướp đi tiền đồ tươi sáng đó.
Phóng to |
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến.Ảnh: Thanh Đạm |
- VN là một dân tộc rất trẻ với dân số trẻ, hơn 60% dân số dưới 25 tuổi, đó là một lực lượng năng động. Vì thế đất nước của các bạn là một quốc gia năng động. Tôi đặc biệt ấn tượng với những thanh niên mà tôi từng gặp. Những người không có chân và đi bằng tay nhưng vẫn đến cơ quan làm việc và làm việc rất tốt. Họ nói rằng học tập để có thể cống hiến được nhiều hơn cho đất nước mình.
Tôi cũng gặp những thanh niên VN đang làm những điều bình thường là giữ cho môi trường trong sạch hay những phóng viên muốn trở nên vững vàng trong nghề nghiệp. Chính vì thế tôi thấy VN là một thế hệ trẻ muốn làm được nhiều hơn nữa. Thế hệ trẻ sống trong một thời điểm đặc biệt: hoà bình, đất nước vượt qua khổ đau và trở thành một đất nước đang phát triển mạnh mẽ.
Với thế mạnh như thế, giới trẻ VN sẽ xây dựng và tham gia xây dựng VN phồn vinh. Thanh niên sẽ phải là đầu tàu.
* Ông có cho rằng VN cải cách kinh tế nhanh hơn cải cách hành chính? Việc xác định nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động kinh tế có ảnh hưởng đến cải cách kinh tế sắp tới không? (Vo Tan Huy, 34 tuổi, tanhuy@)
- Công cuộc đổi mới của VN đã tập trung rất nhiều để giải quyết vấn đề kinh tế. Lần đầu tiên đến VN năm 1992, đất nước VN đang rất nghèo và các nhà lãnh đão đã chọn một hướng đi rất đúng cho đất nước.
Trong cùng thời điểm phát triển kinh tế, đồng thời sẽ giải quyết những vấn đề tiếp theo.
13 năm trước chúng ta không nói về vai trò giám sát của quốc hội, không nói về những tổ chức phi chính phủ, cộng đồng cũng như không nói về những luật của lãnh đạo. Chúng ta cũng không nói nhiều về những yếu tố dân chủ rộng rãi hơn cho nhân dân. Nhưng bây giờ nó là vấn đề thời sự nóng hổi. Đó là một sự phát triển mạnh mẽ.
VN đang chuyển động, tiến từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường. Chính phủ trong quá trình điều hành của mình đã nhận ra không phải là mình cần kiểm soát kinh tế mà là tạo một môi trường cho phát triển kinh tế.
Vai trò của ngành kinh tế tư nhân VN là rất quan trọng. Vì thế tôi mong chính phủ VN tạo môi trường cho khối kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn và bình đẳng với khối doanh nghiệp nhà nước.
* Là người đại diện cho LHQ tại Việt Nam, đặc biệt ngài lại là người Mỹ, xin hỏi là LHQ đã có chính sách gì hỗ trợ cho những nạn nhân của chất độc màu da cam hay chưa? Nếu có, đó là chính sách gì, nếu chưa thì sắp tới có hướng giải quyết gì không? (Nguyễn Đức Trung, 27 tuổi, ductrungdhkt@...com)
- UNDP đang làm việc với một số lượng lớn các vấn đề phát triển. Chúng tôi có một dự án quan tâm đến chất độc da cam. Tôi nghĩ rằng trong tương lai chúng tôi sẽ phối hợp với chính phủ để nghiên cứu về tác hại tàn dư của dioxin. Chúng tôi cũng kêu gọi những tổ chức phi chính phủ đứng trên tuyến đầu của chương trình.
* Ông đã từng tiếp xúc trực tiếp với những người nghèo chưa hay chỉ thông qua chính quyền địa phương để giúp họ xóa đói nghèo? (nguyễn thu hồng, 30 tuổi, hongchau324@...com)
- Trong tuần đầu tiên đặt chân đến VN, tôi đã có cơ hội đi khắp đất nước VN. Tôi đi từ miền Bắc, Trung đến miền Nam và những chuyến đi như thế tôi đều cố gắng trao đổi, gặp gỡ với các nhà lãnh đạo quan chức, đồng thời gặp gỡ những người dân, những người đang vật lộn với cuộc sống nghèo khó của mình. Họ đã làm rất nhiều để thay đổi cuộc sống của mình thông qua những chương trình tín dụng tiết kiệm. Đặc biệt là những cháu rất nhỏ ở dân tộc miền núi cũng hiểu được giá trị lớn lao của việc học và cố đi học.
Phóng to |
Tôi nghĩ VN cần nỗ lực hơn nữa trong việc sử dụng ODA. Ảnh: Thanh Đạm |
- Tôi nghĩ VN đã dùng vốn ODA theo một cách có hiệu quả. ODA thường được dùng xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước. Tôi có ví dụ về việc này.
Về UNDP, tôi cũng tự hào vì đã có một số phần đóng góp cho sự thay đổi. Ta cần nhìn nhận vốn ODA không chỉ là tiền mà là một sự đóng góp để thay đổi.
Tôi nghĩ VN cần nỗ lực hơn nữa trong việc sử dụng ODA và nhanh hơn nữa trong việc xét duyệt những dự án ODA. Chỗ này vai trò của cải cách hành chính cần tham gia vào. Một điều nữa là các bộ ngành cần làm việc theo chiều ngang nhiều hơn. Tôi nói điều này từ kinh nghiệm của LHQ mà thôi, chúng tôi cũng đang phải giải quyết vấn đề này.
* Ông cho rằng VN cần chuyển đổi từ Nhà nước pháp trị sang nhà nước pháp quyền, vậy theo ông đâu là vấn đề cần quan tâm nhất để sớm đạt được mục tiêu đó? (nguyen van thuong, 42 tuổi, thuongnt30@...com)
- VN cần phải tập trung mối quan tâm vào cải cách hệ thống luật pháp - tư pháp của mình. Hiện nay tôi biết có 2 chiến lược tập trung vào cải tổ luật và tư pháp. Vấn đề là cần đưa nó vào cuộc sống. Trong tiếng Anh có khái niệm "cai trị bằng luật" và "dùng luật để cai trị". Và để trở thành một xã hội cai trị bằng luật thì người dân phải hiểu về quyền của mình. Người lãnh đạo phải có trách nhiệm giải trình với nhân dân về những vấn đề này.
Cá nhân tôi nghĩ rằng ngành tư pháp cần độc lập hơn nữa. Người làm trong ngành tư pháp cần căn cứ đến luật hơn là tập trung những vấn đề này, vấn đề khác. Chẳng ai có thể làm được ngay mà cần phải có một chiến lược.
* Khi ông rời khỏi Việt Nam, bức xúc nhất của ông về Việt Nam là gì? Có những cơ hội nào cho những lớp trẻ đi sau như sinh viên chúng tôi thay đổi những điều đó? (Đặng Quang Nhân, 20 tuổi, vicky85vn@)
- Điều tôi thất vọng nhất là tôi phải xa VN. Tôi muốn ở lại để xem những điều tuyệt diệu, những thành công vĩ đại mà chúng ta sẽ giành đựơc trong 5 năm nữa. Một điều nữa là tôi cũng không nhìn thấy được những kết quả của việc chống HIV/AIDS.
Tôi cũng hơi tiếc vì tôi không kịp nhìn thấy những đứa bé mà tôi đã gặp trở thành những công dân tốt.Tôi mong rằng các cháu sẽ đóng góp cho cuộc sống, cho đất nước của mình.
* Tôi đánh giá cao những cống hiến và công việc của ông trong 5 năm qua để cải thiện sự công bằng và tình trạng xã hội ở VN. Ông có lời khuyên ngắn gọn gì cho các nhà lãnh đạo VN trong giai đoạn 2006-2010 để VN có thể đạt được sự phát triển tương tự như vậy, nếu không muốn nói là tốt hơn, về các điều kiện xã hội?
- LHQ vừa hoàn thành bản phát triển mục tiêu phát triển thiên niên kỷ với mục tiêu phát triển VN trong 5 năm tới, trong đó đề cập những biện pháp để VN cải thiện điều kiện phát triển xã hội.
Hiện nay khoảng cách giàu nghèo ở VN cũng đang hình thành, vì vậy cần làm việc nhiều hơn nữa cho công cuộc xoá đói giảm nghèo và LHQ đang tìm cách đóng góp cho công cuộc này. Tổ chức LHQ rất muốn giám sát về mặt xã hội, đánh giá kỹ các chiến lược phát triển VN trong những năm tới đây. VN sẽ hoàn thành những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên cấp quốc gia, nhưng cũng cần xem xét làm thế nào để phát triển trên từng địa phương.
* Thưa ông, tôi đang viết và làm biên tập cho cuốn sách có tên "Những ước mơ Việt Nam" và website www.uocmo.com.vn. Cuốn sách Những ước mơ VN 1 đã ra đời, cuốn sách này là tập hợp những ước mơ của người Việt rất bình thường, trong trẻo và đáng trân trọng, tôi muốn gửi tặng ông. Tôi phải liên lạc với ông như thế nào? (Kim Thanh, ĐT: 0983... , 27 tuổi, milkpig@....com)
- Tôi thích xem quyển sách này và xin gửi cho văn phòng của tôi.
* Xin cho hỏi ước mơ của ông? (Mai Lan, 26t, mailan...@yahoo.com)
- Tôi có một giấc mơ VN đó là đội bóng đá nam của chúng ta sẽ giỏi như đội bóng đá nữ, sẽ thi đấu và cống hiến hết mình như các tuyển thủ nữ đã làm. Lúc tôi quay lại, tôi sẽ đeo băng "VN vô địch".
* Tham nhũng là trở ngại lớn nhất của VN trên con đường phát triển kinh tế xã hội. Chính phủ VN phải mạnh tay tiêu diệt tham nhũng một cách triệt để thì VN mới phát triển được. Ông có nghĩ như vậy không? Cảm ơn. (Vu Van Tuan, 35 tuổi, tuanvvu@...com.vn)
- Vấn đề tham nhũng liên quan đến lòng tham của con người. Con người ngày xưa khác nhiều. Tham nhũng là một vấn đề xã hội nên vai trò của truyền thông và giáo dục rất quan trọng.
Cần có một phương pháp làm việc sâu rộng và có cơ chế kiểm soát.
Ý thức công dân là quan trọng, nhưng cần có hiểu biết sâu rộng về tệ nạn tham nhũng. Những bài học tốt mà ta có thể thấy là Hong Kong và Singapore.
Phóng to |
Ông Ryan với món quà lưu niệm của báo Tuổi Trẻ mà ông rất thích. "Tung bay tà áo tung bay...", ông gọi chiếc áo dài truyền thống của VN như thế |
- Tôi cám ơn thịnh tình mà mọi người đã dành cho tôi. Năm 1996 tôi đã rời VN nhưng may quá tôi đã trở lại. Sau đó tôi đã có 4 năm tuyệt diệu để khẳng định cam kết: sống - làm việc cho nhân dân VN.
VN luôn in đậm trong trái tim tôi. Sức mạnh, trí tuệ và dũng khí của con người VN luôn theo tôi trong những bước đường tới đây.
Tôi và gia đình mong chờ giây phút được quay trở lại VN. Không phải vì công việc mà sẽ trở lại như một người bạn. Tôi thật sự mong ngày trở lại và được đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp phát triển của VN.
Tôi rất cảm ơn báo Tuổi Trẻ cho tôi cơ hội tiếp xúc, trò chuyện với các độc giả trẻ. Còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời hôm nay, tôi sẽ nghiên cứu và trả lời sau.
"Chào các bạn! Tôi yêu các bạn! Tôi yêu VN"! Câu trả lời cuối cũng là lời chào của ông Jordan Ryan với độc giả của Tuổi Trẻ Online với tất cả tình cảm ông dành cho VN. Gần 200 câu hỏi gửi về cho cuộc trò chuyện ngắn ngủi chưa đầy 90 phút của ông Ryan với bạn đọc Tuổi Trẻ Online. "Còn rất nhiều câu hỏi chờ tôi, tôi sẽ trở lại VN như một người bạn để đóng góp hết mình", "ông bạn quý của VN" Jordan Ryan nhắc lại lời hứa của mình khi ông tất tả chuẩn bị cho chương trình chiều nay trước khi ông chính thức chia tay các đồng sự của mình ở UNDP, chia tay người dân VN để về Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận