Phóng to |
Niềm hạnh phúc của các chị Tô Thị Hà, Trịnh Thị Hoa, Mai Thị Sự (từ trái qua) khi được trở về VN (ảnh chụp tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn) - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Trời lạnh cắt da nhưng từ nhiều giờ trước, người nhà của ba cô đã đứng đợi các cô trở về ngay tại km số 0 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). “Hà, Hà ơi!”- ông Tô Văn Út, chú ruột của chị Tô Thị Hà, cất tiếng gọi cháu khi chiếc xe điện chở ba cô gái về đến km số 0. Nhận ra chú ruột, Hà nở nụ cười tươi tắn. Sau khi bộ đội biên phòng Trung Quốc bàn giao ba cô gái cho phía Việt Nam, ông Út lao đến ôm chặt lấy cháu.
Chị Trịnh Thị Hoa cũng được dì và cậu ruột ôm chặt trong sự mừng mừng tủi tủi. Giữa cảnh tượng ấm áp ấy, mọi người nhận ra chị Mai Thị Sự đứng bơ vơ một mình, không có người thân nào đi đón. Chị được mọi người ôm lấy hai cánh tay dìu lên xe điện. Về đến nhà liên hợp của cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cả ba cô gái cùng cười như một tiếng thở phào nhẹ nhõm: “Về đến Việt Nam rồi”.
Buồn vui lẫn lộn...
Trong số ba cô gái thì Trịnh Thị Hoa là người tỉnh táo nhất. Hoa mặc chiếc áo khoác màu vàng tươi tắn, luôn miệng nở nụ cười trong khi mắt rớm nước. Hoa nói với dì ruột lúc mới xuống xe: “Cháu biết lỗi rồi, hôm ấy mẹ không cho đi chơi nhưng cháu vẫn đi”. Hơn năm năm trước, cô theo lời bạn trai rủ đi chơi rồi biệt tăm không về. Mẹ Hoa, một phụ nữ đơn thân, đã khóc cạn nước mắt để đợi cô về đến hôm nay.
Sau khi xong thủ tục ở cửa khẩu, cả ba cô gái được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn để hoàn tất thủ tục và đợi Công an tỉnh Lạng Sơn đến lấy lời khai. Vì chưa xong giấy tờ nên cả ba người phải ngủ lại trung tâm. Thuê xe từ Bắc Giang lên Lạng Sơn đón cháu, ở lại đêm thì tốn kém nên gia đình của Trịnh Thị Hoa và Tô Thị Hà trở về quê. Chỉ có bà Trịnh Thị Huệ, dì ruột của Hoa, ở lại ngủ với cháu. Biết không thể trở về nhà vào hôm đó, Hoa ngồi trong phòng khóc nức nở.
Suốt hai ngày về đến Việt Nam, không thấy chị Mai Thị Sự nở một nụ cười. Bằng giọng nói khó nhọc, chị kể câu chuyện của mình trên đất Trung Quốc, lúc nhớ lúc quên: “Em bị lừa bán qua Trung Quốc từ năm 1991. Nhà em ở Hải Phòng, có các chị Hòa, Bình, Phú...”. Chị Sự dùng nhiều từ làm người nghe đau xót khi miêu tả lại việc bị xâm hại tình dục trên đất Trung Quốc. Không chịu được cảnh đó, chị bỏ đi rồi lang thang đói khát. Trong khi Hoa và Hà đầm ấm trong vòng tay người thân thì chị Sự ngồi lặng yên, hai tay thu vào đầu gối. Hỏi có vui không khi trở về Việt Nam, chị Sự đáp: “Buồn nhiều, vui mỗi ít. Buồn vì chưa về được đến nhà”.
Chị gái của chị Sự ở Hải Phòng ốm yếu nên không thể đi đón em. Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn gọi nhiều cuộc điện thoại về cho gia đình bảo lên đón nhưng phía gia đình đọc địa chỉ bến xe và muốn nhờ trung tâm bắt xe cho chị Sự tự về nhà. Chúng tôi gọi nhiều cuộc điện thoại cho gia đình thuyết phục, bảo cô Sự sức khỏe rất yếu không thể tự về, cô rất mong người thân đến đón, phí đi đường đón cô sẽ được hỗ trợ một phần. Người cháu gái của chị Sự cho biết ngày mai sẽ nhờ người từ Hải Phòng lên đón chị về.
Tô Thị Hà thì nóng lòng hơn. Với đôi chân khập khiễng, đôi tay co quắp, cô đi đi lại lại trong phòng và luôn miệng thở dài: “Sao lâu được về nhà quá”. Trịnh Thị Hoa có dì ruột bảo lãnh và đi cùng xe chúng tôi nên được về nhà ngay trong chiều 19-2. Hoa và Hà tỏ ra quấn quýt, xin số điện thoại của nhau và hẹn sẽ tới nhà nhau chơi. Lúc Hoa chào về, cả Hà và chị Sự đều ngồi cúi đầu buồn bã. Cả hai lặng thinh không nói gì, cũng không ngước nhìn theo bạn...
Đường về nhà
Trịnh Thị Hoa luôn tỏ ra rất hạnh phúc. Cô nắm chặt tay dì, nôn nao suốt đường về quê. Cô hỏi thăm mẹ, bà ngoại và anh em họ hàng. Từ trưa tháng 8-2009, Hoa được bạn trai tên Trung (quê Thái Nguyên) rủ đi chơi rồi dẫn luôn sang Trung Quốc. Ở đó Hoa phải làm vợ một người đàn ông, ngày đi chặt mía, chăn trâu. Cho đến khi sức khỏe không trụ nổi, cô bị đẩy ra đường. Hơn năm năm Hoa mới được về lại quê hương.
Cô tâm sự: “Em đã nghĩ suốt đời ngồi chơi ở bệnh viện, không được về với mẹ nữa”. Anh em, họ hàng, làng xóm đã đợi đón cô kín cả sân nhà người cậu ruột. Mẹ Hoa, bà Trịnh Thị Lan, mừng mừng tủi tủi đứng quan sát từ xa. Hôm nay gặp con, người mẹ nghèo cứ đứng từ xa quan sát con trong vòng tay người thân. Bà nói: “Nó không được nhanh nhẹn như hồi xưa, nhưng thế là tốt rồi. Tưởng nó bị buôn bán nội tạng lâu rồi, giờ còn trở về được là hồng phúc nhà tôi. Còn người thì còn của...”.
Cô em họ từ trước tết nghe tin Hoa trở về đã may sẵn cho Hoa một chiếc áo dạ màu hồng xinh xắn. Hoa khoác thử chiếc áo mới mà mắt rưng rưng. Mọi người vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi Hoa trở về sau hơn năm năm mất tích. “Dù đói khổ thế nào em cũng không đi đâu nữa, ở nhà để mẹ con có nhau. Em sẽ nấu cơm, nuôi gà, cấy lúa giúp mẹ...”- Hoa cười tươi nói.
Giữa lúc Hoa đang sum họp với gia đình thì chúng tôi nhận được điện thoại của ông Tô Văn Út. Ông cho biết gia đình không đủ tiền thuê xe nên sáng 20-2 ông mới bắt xe khách lên Lạng Sơn đón Hà về. Vậy là cả Hà và chị Sự phải ngủ thêm một đêm ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn. Đêm nay của Hà và chị Sự chắc hẳn sẽ rất dài với nỗi mong ngóng người thân đến đón.
Câu chuyện thương tâm Câu chuyện ba cô dâu Việt lần đầu tiên được báo chí Trung Quốc nêu ra từ giữa tháng 12-2013. Ngay khi có thông tin, phóng viên Tuổi Trẻ đã sang đến tận nơi tìm hiểu, gặp gỡ ba cô dâu. Cùng lúc, với những thông tin có được, sứ quán VN tại Trung Quốc đã xác minh thông tin, làm thủ tục để có thể đưa ba phụ nữ này về nước. Đến ngày 18-2, ba phụ nữ này được cảnh sát Phúc Kiến đưa đến cửa khẩu Hữu Nghị ở Lạng Sơn để trao cho phía Việt Nam. Cả ba người (sinh năm 1966, 1986 và 1990), người thì bị lừa bán, người tự nguyện lấy chồng nhưng trong cuộc sống hôn nhân đều bị đánh đập và ngược đãi Người thì lấy chồng câm, bị đánh đập trước khi bị đuổi ra khỏi nhà. Có người bị lạc khỏi gia đình suốt gần 30 năm nay. Cả ba được tìm thấy khi bị vứt ra lề đường trước lúc được đưa về Bệnh viện tâm thần thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Có người suốt hơn một năm trời chỉ nói được hai chữ “Việt Nam” cho đến khi các bác sĩ tìm được người còn lại, nói chuyện mới biết thêm về thân thế. Đ.Phương |
“Kiếp này tôi mang tội với em” Chị Mai Thị Sự phải ở lại Lạng Sơn vì không có ai lên đón. Gần 30 năm mất tích em nhưng bà Mai Thị Hòa (xã Đồng Thái, huyện An Dương, Hải Phòng) đã không thể lên được Lạng Sơn gặp em vì sức khỏe yếu và “không chạy đâu được mấy triệu đồng làm tiền đi lại”. Kể từ khi em gái mất tích, bà Hòa từng khóc cạn nước mắt tìm em. Đến lúc nhận tin em gái còn sống và sẽ được đưa về, bà vui mừng cả đêm không ngủ rồi lăn ra ốm. Thế nhưng niềm vui ấy cũng chỉ thoảng qua vì bà dằn vặt với nỗi lo nghe như xát muối: “Cả đời này tôi mang ơn những người đã tìm kiếm và đưa em tôi về. Nhưng mẹ con tôi làm gì để nuôi em, chăm sóc cho em bây giờ? Hai mẹ con lo cái ăn hằng ngày cũng chật vật, giờ biết làm gì để nuôi em?”. Gia đình bà Hòa thuộc vào diện nghèo nhất nhì xã. Hiện bà Hòa đang sống cùng con trai út không có nghề nghiệp ổn định. Dù đã gần 60 tuổi nhưng người phụ nữ này vẫn phải ngày ngày ra đồng làm mấy sào ruộng, con trai đi làm phụ hồ. Hai mẹ con phải chật vật, vất vả mới lo được cái ăn hằng ngày. “Nói ra thì xấu hổ với đời, nhưng có lẽ tôi phải gửi em vào trung tâm bảo trợ xã hội nào nhờ nuôi. Tôi đã già yếu lại bệnh tật, không biết sống được bao lâu nữa. Thằng con tôi thì đời nó cũng vất vả, chuyện hôn nhân đổ vỡ, lại còn con nhỏ thì không đủ sức chăm dì Sự nữa. Tôi chỉ sợ khi về mà gia đình không lo được thì cuộc sống của em gái cũng tiếp tục khổ sở, vất vả như những ngày bị đày đọa nơi xứ người” - bà Hòa khóc rưng rức. Lãnh đạo xã Đồng Thái cho biết hiện đang tìm phương án chăm lo tốt nhất cho chị Sự. THÂN HOÀNG |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
3 cô dâu đã được cấp giấy thông hành về nướcBa cô dâu Việt tại Trung Quốc kêu cứuGiải cứu 3 phụ nữ sắp bị bán sang Trung Quốc30 năm khóc đợi em vềMuôn ngả những nỗi đauĐoạn trường ba cô dâu Việt bị đày ải
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận