07/04/2011 09:17 GMT+7

Thử thách mới của bộ trưởng Đức gốc Việt

HIẾU TRUNG (Theo Der Spiegel, Deutsche Welle)
HIẾU TRUNG (Theo Der Spiegel, Deutsche Welle)

TT - Ở tuổi 38, Bộ trưởng Y tế Philipp Rösler trở thành chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử đảng Dân chủ tự do (FDP). Một sự thăng tiến chóng mặt, nhưng chính khách gốc Việt này sẽ phải đối mặt với những thử thách rất lớn.

Read this on Tuoitrenews.vn

B2Jzs6hn.jpgPhóng to

Bộ trưởng Y tế Đức Philipp Rösler tự tin với những thử thách trước mắt - Ảnh: AFP

Một người gốc Việt giữ chức bộ trưởng y tế Đức Bang Niedersachsen (Đức): Bộ trưởng gốc Việt đầu tiên sắp nhậm chứcPhilipp Roesler - Bộ trưởng Đức gốc Việt: “Tôi thích là người quyết định”

Sau cuộc họp tại Berlin hôm 5-4, đảng FDP đã chỉ định ông Rösler thay thế chủ tịch Guido Westerwelle vừa từ chức hai ngày trước đó sau thất bại của đảng này trong cuộc bầu cử địa phương ở các bang Baden-Wurttemberg, Saxony-Anhalt và Rhineland-Palatinate.

Ông Rösler vẫn sẽ giữ chức bộ trưởng y tế, một vị trí được đánh giá là rất khó khăn nhưng ít ảnh hưởng chính trị dù đảng FDP muốn ông nắm chức ngoại trưởng hoặc bộ trưởng kinh tế. Lý do là ông Westerwelle quyết giữ chức ngoại trưởng, còn thành viên kỳ cựu khác của FDP là Rainer Brüderle, 65 tuổi, cũng không chấp nhận rời ghế bộ trưởng kinh tế. Mới đây, Thủ tướng Đức Merkel lại ủng hộ ông Westerwelle tiếp tục cương vị ngoại trưởng.

Ông Rösler sinh ngày 24-2-1973 tại Sóc Trăng, được một đôi vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi khi mới 8 tháng tuổi. Ông gia nhập FDP năm 18 tuổi và chỉ sau sáu năm ông đã lần lượt được bầu làm chủ tịch đoàn thanh niên FDP ở bang Niedersachsen, ba năm sau trở thành tổng thư ký FDP ở bang này.

Năm 2006, ở tuổi 33, ông tiếp tục được bầu làm chủ tịch FDP cũng ở bang này. Đầu năm 2009, ông được chọn làm bộ trưởng kinh tế bang Niedersachsen, một trong những bang trụ cột của nền kinh tế Đức, trước khi trở thành bộ trưởng y tế.

Thời điểm khó khăn

Ở Đức, FDP có tiếng là đảng thân doanh nghiệp với chủ trương cắt giảm thuế. Ông Westerwelle đã đưa FDP tới vinh quang khi giành 14,6% số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9-2009, buộc đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel phải liên minh với FDP để thành lập liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, chủ trương cắt giảm thuế của FDP không được nội các thông qua do nước Đức vẫn đang chật vật đối phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.

FDP cũng ủng hộ mạnh mẽ việc chính quyền Merkel kéo dài thời hạn hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân. Nhưng sau thảm họa tại Nhà máy Fukushima Daiichi ở Nhật, dân Đức quyết tẩy chay năng lượng hạt nhân khiến uy tín của FDP giảm sút. Bản thân ông Westerwelle cũng bị chỉ trích sau khi Đức bỏ phiếu trắng với nghị quyết Liên Hiệp Quốc về việc can thiệp vào Libya. Tuyên bố của ông về việc Đức có thể sẽ “lựa chọn đối tác quốc tế theo từng trường hợp một” cũng gây nhiều phản ứng.

Giới chuyên gia và truyền thông bình luận khi tiếp quản chức chủ tịch FDP, ông Rösler sẽ đứng trước những thử thách cực kỳ khó khăn.

Giáo sư chính trị học Frank Decker thuộc Đại học Bonn nhận định thế hệ trẻ của FDP, đại diện là ông Rösler và tổng thư ký Christian Lindner, 32 tuổi, muốn đưa FDP trở về với những giá trị truyền thống hơn như tự do dân sự, bảo vệ nhân quyền, chủ nghĩa quốc tế, chứ không chỉ ủng hộ tự do kinh tế. “Rösler và Lindner đại diện cho việc mở rộng chính sách của FDP - giáo sư Decker bình luận - Tuy nhiên họ đang vấp phải sự phản kháng từ các thành viên kỳ cựu trong FDP”. Ngay từ năm 2008, ông Rösler từng cảnh báo FDP không thể chỉ tập trung vào giảm thuế, thay vào đó phải có tầm nhìn rộng hơn và tập trung vào những vấn đề xã hội.

“Tôi không muốn bị chính trị nuốt chửng”

Giới quan sát cho rằng để phục hồi uy tín của FDP, trước hết ông Rösler phải mạnh mẽ thúc đẩy các chính sách của FDP trong chính phủ. Việc ông Westerwelle không thể vận động thông qua chính sách giảm thuế là một nguyên nhân khiến đảng thất bại trong cuộc bầu cử địa phương.

Nhà bình luận chính trị Gerd-Joachim von Fallois đặt câu hỏi liệu ông Rösler có đủ cứng rắn để hoàn thành nhiệm vụ đó không. Sự thân thiện và khiếu hài hước giúp ông Rösler trở nên nổi tiếng ở FDP, nhưng cương vị chủ tịch đảng lại đòi hỏi sự mạnh mẽ và cứng rắn của “một chính trị gia quyền lực, có thể dồn người khác vào góc tường”. Ông Rösler cũng chưa thành công trong việc thúc đẩy cải tổ hệ thống y tế Đức do vấp phải sự phản đối từ phía ông Seehofer và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble.

Việc ông không thể đẩy ông Brüderle ra khỏi ghế bộ trưởng kinh tế càng khiến nhiều người nghi ngại. Giới quan sát cũng cho rằng ông Rösler chưa chứng tỏ tham vọng quyền lực. Ông cũng từng nhiều lần tuyên bố muốn rời bỏ chính trị vào tuổi 45, bởi như ông từng tuyên bố: “Tôi không muốn bị chính trị nuốt chửng. Thà cưỡi hổ hơn là bị nó ăn thịt”.

Bất chấp những lo ngại ấy, sau khi được chỉ định làm chủ tịch FDP, ông Rösler tỏ ra rất tự tin khi khẳng định: “Chúng ta cần phải lấy lại uy tín và điều đó sẽ tốn nhiều thời gian, nhưng chúng ta sẽ thành công nếu đoàn kết và hợp tác một cách chặt chẽ”.

HIẾU TRUNG (Theo Der Spiegel, Deutsche Welle)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên