Phóng to |
Các tiết mục của đoàn xiếc Làng Tôi - Ảnh: Võ Quang Yến |
Nơi tôi ở, Orléans là một thành phố nhỏ, nội thành trên dưới mười vạn dân cư nên ít có những trình diễn nghệ thuật lớn hay đặc sắc như các đô thị lớn hay thủ đô Paris. Với chúng tôi, đây là một may mắn được thưởng thức món quà quê hương sáng giá qua nghệ thuật diễn xuất độc đáo và hấp dẫn. Nghe nhiều lời khen, nay xem tận mắt thấy quả là xứng đáng.
Xiếc là một môn trình diễn đang dần lùi bước. Tại Pháp, những đoàn xiếc lớn mất khách. Nhà tôi ở trước mặt là sông Loiret, cảnh đẹp, có bãi đậu xe lớn nên mỗi năm vài ba lần có đoàn xiếc rong ghé lại, dựng rạp chứa được vài trăm khán giả, trình diễn những màn cổ điển, nhào lộn, ảo thuật và nhất là biểu diễn thú vật lạ... trẻ con ưa thích. Xiếc ngay trước mặt nhà, trống chiêng inh ỏi, nhưng gia đình tôi chưa bao giờ xem.
Vì vậy, xem xiếc với tôi là một cảnh tượng bất ngờ: hứng thú, cảm động và phấn khởi. Hứng thú vì nghệ thuật cao cường, mới mẻ. Làng Tôi tự xưng là xiếc mới (nouveau cirque), không có nghĩa là một “gánh xiếc mới thành lập” mà là một đoàn múa hát có tham vọng đề xuất cho khán giả - không nhất thiết Đông hay Tây - một lối diễn xuất mới, làm mới nghệ thuật xiếc đang dần mất giá.
Phóng to |
Poster quảng cáo xiếc Làng Tôi tại Orléans |
Đem chuông đi đánh xứ người, nhóm đạo diễn và diễn viên đã thực hiện rạng rỡ tham vọng đó. Xiếc “mới” ở nhiều điểm: thay vì những tiết mục kế tiếp - nhào lộn, đu dây, ảo thuật, điều khiển thú dữ trong nhạc điệu rập rình, Làng Tôi suốt 70 phút chỉ diễn một màn theo chủ đề: hoạt cảnh làng mạc VN từ Bắc vào Nam, từ sáng đến chiều, biên đạo toàn bộ trên những thân tre. Múa hát theo nhịp ống tre, biểu diễn vũ điệu trên thân tre, nhào lộn, uốn dẻo, lấy thăng bằng, tạo hiểm nguy, hồi hộp theo đúng bài bản của nghề xiếc vẫn trên những thân tre.
Diễn xuất rộn rã, tươi vui, tung hứng rổ giỏ tre trước những mành tre phên nứa, tái hiện nhiều sinh hoạt trong, ngoài lũy tre xanh: cày cấy, xay giã, mò cua bắt ốc, yêu đương, cưới hỏi, tụng niệm, cầu đảo trong tiếng gà gáy, chim kêu, lẫn tiếng người ru hát ầu ơ ví dầu hay tiếng sênh phách của một nghệ nhân ngồi xếp bằng giữa sân khấu, thảnh thơi đàn hát ca trù - điệu nhạc mà đại đa số thính giả Pháp chưa bao giờ nghe, làm nhiều người ngạc nhiên thích thú.
Khán giả Việt còn cảm động thấy lại sinh hoạt cổ truyền của quê hương qua hình bóng nam nữ nông thôn gần giống như trong kỷ niệm: y phục một màu nâu sồng giản dị, gọn gàng, kín đáo, dù trong những vũ điệu khêu gợi. Không còn lòe loẹt áo dài khăn cưới, những mảnh tứ thân hoa hòe hoa sói, yếm đào õng ẹo, nón thúng quai thao lạc điệu, những màu sắc sặc sỡ nhân danh “bản sắc dân tộc”.
Phóng to |
Ảnh: paperblog.fr |
Ở Làng Tôi, quan niệm, trình độ nghệ thuật đã điều tiết kỹ thuật, tiết giảm biên đạo đến mức tối thiểu, loại trừ các yếu tố “phương xa” (exotique) nhằm khuyến mãi cho vài ba món hàng dễ dãi.
Cuối cùng chúng tôi phấn khởi thấy rằng với lưng vốn cũ và từ tốn, các bạn diễn viên trẻ, học nghề tại Hà Nội đã sáng tạo được một món hàng mới - không những mới với ta mà còn mới với người: góp công và góp ý vào cuộc cách tân nghệ thuật xiếc thế giới.
Nhớ chuyện cũ: xiếc không phải là một nghệ thuật mới du nhập từ phương Tây như nhiều người suy diễn. Sách Lĩnh Nam chích quái kể lại rằng từ thời Đinh Tiên Hoàng, thế kỷ thứ 10 nước ta đã có tục lệ hát xiếc, xưa gọi là tạp kỹ, sử dụng nhiều đạo cụ bằng tre: một tấm gỗ lớn đặt trên cây cao, người đứng ở trên nhảy hai, ba cái, tiến tiến lùi lùi điên đảo... Khi thì lấy tre đan thành lồng hình như cái lờ bắt cá, tròn và dài, rồi chui vào đứng thẳng mình mà lăn (truyện Mộc Tinh).
Chuyện cũ để làm quà cảm ơn, đồng thời gợi ý cho đoàn xiếc Làng Tôi trên con đường xa rong ruổi xứ người.
Phóng to |
Ảnh: Võ Quang Yến |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận