01/12/2010 10:15 GMT+7

Thư Hàn Quốc: "Bóng ma" chiến tranh ở Seoul

LÝ MẠNH DŨNG
LÝ MẠNH DŨNG

TTO - Ngày tôi đến, Seoul không là thành phố như trong phim Hàn Quốc. Người Hàn cũng không đẹp như trên phim nhưng họ làm việc rất siêng năng cũng như ăn uống tiết kiệm. Bằng chứng là khi thấy tôi vào ngày nghỉ ra chợ mua thịt gà mang về kho sả ớt ăn cơm, ông chủ hơn 70 tuổi, lúc nào cũng đậu tương - kim chi, lắc đầu: “Mày ăn sang quá”.

Những ngày mới qua, tôi ít thấy lính Mỹ cũng như lính Hàn mặc quân phục đi trên đường. Khi hỏi, ông chủ nói: “Người Hàn không thích chiến tranh đâu, mặc đồ lính thì ở trong trại, ra ngoài phải bình thường. Thành phố mà đồ lính tràn ngập, khó thở lắm”.

Sau này khi nghe tiếng Hàn khá hơn, ông chủ khi vui đã kể cho tôi nghe về chuyện chiến tranh thời xưa: “Khi đó khổ lắm, đói lắm. Không có gì để ăn. Mùa đông lạnh con gì cũng chết, chỉ có chó là sống. Khi đó đói quá bắt chó làm thịt ăn, không ngờ ấm và ngon. Người Hàn biết ăn thịt chó từ hồi chiến tranh”.

wvjdXvkE.jpgPhóng to
Binh lính Mỹ trên đường phố Seoul - Ảnh: Duy Trân

Tôi cũng hay lên mạng coi tin tức, cũng nghe về chuyện họp mặt người thân Nam - Bắc Triều, các "sao" Hàn đi nghĩa vụ. Nói về chuyện này ông chủ già có vẻ không quan tâm: “Bà con xa của tao cũng có người làm đơn mong đoàn tụ nhưng lâu quá, chắc chết hết rồi”.

Người Hàn sống cùng quá khứ chiến tranh, tôi cũng nhập gia tùy tục. Hằng ngày phải nghe những tin tức trên truyền hình về chuyện nay căng, mai thẳng giữa hai bên biên giới Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên. Nhưng những người Hàn tôi gặp, ai cũng hối hả làm việc, và họ cũng rất tin tưởng khi nói với tôi: "Không có chiến tranh đâu”.

Tôi có cảm nhận đe dọa chiến tranh khi tivi phát tin về chiếc tàu chiến Hàn bị nghi là ngư lôi CHDCND Triều Tiên đánh chìm. Khi đó, những người Hàn tôi gặp đều căng thẳng, giá ngoại tệ ở thị trường chợ đen tăng vọt. Ông chủ già của tôi nói trống không: "Tao không thích đánh nhau. Tao chỉ muốn yên ổn làm ăn. Ai cũng muốn kinh tế ổn định. Tao ghét đói”.

Cậu chuyện về chiếc tàu chìm và những thủy thủ xấu số lắng dần. Nhưng tôi hơi sợ cái kiểu người Hàn uống rượu, uống cho quên mệt, uống cho cảm thấy công việc bớt vất vả. Cũng may là ông chủ của tôi không uống, ông nói phải tỉnh táo để làm việc.

Lại căng thẳng

Câu chuyện nã pháo nổ ra làm chết lính thủy và dân thường Nam Hàn xảy ra vào lúc tôi đang tăng ca. Tiếng máy chạy rầm rập ồn ào át đi tất cả. Tôi phải cẩn thận lắm, trước tôi đã có một đồng nghiệp người Việt - dù đã đeo kính bảo hộ, vẫn bị một mảnh nhựa quay tít bắn xuyên qua kính, suýt làm mù mắt. Trước nữa thì có người mệt quá cho tay vào máy, mấy ngón bị dập, thế là lãnh tiền bồi thường và về nước.

Buổi tối tôi xem tin tức mới biết, bây giờ không khí cận chiến tranh đã căng thẳng lắm rồi. Báo chí, truyền hình và những người Hàn đều trấn an nhau: "Không có chiến tranh đâu”. Nhưng sao trong mắt họ tôi cảm thấy chỉ là sự lo ngại về một tương lai có mùi đạn bom quá khứ.

Đang vào mùa đông, mọi thứ rau củ đã thu hoạch trước khi các khối khí lạnh chực chờ. Những ngày qua công việc gần như giảm hẳn, tôi ngoài việc làm cầm chừng thì được phân công đi làm vệ sinh, dọn dẹp. Ông chủ báo lương tháng này sẽ chậm, rồi ông than vãn: "Không ai lo đặt hàng nữa cả”. Tối khuya, đói cồn cào tôi mò xuống bếp ăn. Tất cả vắng ngắt và lạnh tanh.

Một thằng bạn, do quá đói, đã quyết định đi ra ngoài kiếm cái gì ăn. Nhưng nó quay lại nhanh chóng nói: "Ngoài đường lạnh lắm, tao ráng đi nhưng mà nghe ầm ầm, sợ quá”. Hôm trước một thằng đi đâu về, quả quyết là nó thấy xe tăng...".

Nhờ đồng lòng kêu ầm ĩ, ông chủ già (và "keo" nữa) đã đồng ý chi cho chúng tôi nửa tháng lương. Giá ngoại tệ chợ đen nghe nói là một ngày đã lên ba giá. Nhiều người Hàn đã trữ nước, thuốc men và thực phẩm. Tôi có hỏi ông chủ: "Nếu chiến tranh nổ ra, tôi núp ở đâu?”. Ông cũng ngơ ngẩn, hình như khu nhà ông không có tầng hầm. Ga xe điện thì cũng xa quá, còn chỗ phân xưởng này chẳng có hầm trú.

Tôi cũng nghe nói về Busan, nơi người Việt ở nhiều lắm. Nhưng mà nếu tôi biết đi thì cả khối người cũng đi. Thôi, cứ ở lại Seoul, chuyện tới đâu thì tới.

LÝ MẠNH DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên