03/04/2010 06:10 GMT+7

Hội ngộ babylift

HIẾU TRUNG - MY LĂNG
HIẾU TRUNG - MY LĂNG

TT - Không hẹn mà gặp, chỉ trong một tuần đã diễn ra hai cuộc đoàn tụ của những người con Việt Nam sơ tán khỏi đất nước trong chiến dịch babylift năm 1975. Một diễn ra ở nước Mỹ xa xôi, một trên chính mảnh đất Việt Nam.

Và như nhà thơ người Nga Yevgeny Aleksandrovich Yevtushenko đã viết: “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”, mỗi “trẻ babylift” đã đem đến cho cuộc đoàn tụ một câu chuyện riêng có nước mắt, nụ cười và những niềm hi vọng...

Làm một người Việt Nam là như thế nào?

Đôi mắt Dom, tên thường gọi của Dominic Hồng Đức Golding, làm người đối diện ám ảnh không nguôi. “Đôi mắt anh buồn quá”. Dom im lặng, nhìn xa xăm, né tránh câu trả lời...

HlnP7412.jpgPhóng to
Dom ghi lại cảnh phố phường Sài Gòn chiều 2-4 - Ảnh: T.T.D.

Dom là một trong những “trẻ babylift” đang trở lại Việt Nam trong “Hành trình trở về sau 35 năm lưu lạc nơi đất khách”.

Anh đến với cuộc đời này vài tháng trước khi cuộc chiến tranh kết thúc. Tên khai sinh của anh là Nguyễn Hồng Đức, nơi sinh là Chợ Lớn, Sài Gòn. Một bác sĩ người Úc tìm thấy cậu bé Dom bốn tháng tuổi gào khóc trên tàn tích một ngôi nhà bị bom phá nát và đưa cậu đến một trại trẻ mồ côi ở Chợ Lớn. Cũng chính bác sĩ này đã giúp đưa Dom lên máy bay rời Việt Nam vào ngày 30-4 sang Nam Úc.

Có lẽ câu chuyện buồn của cuộc đời đã vận vào ánh mắt của người nghệ sĩ tài hoa xứ sở kangaroo này. Nó là cách duy nhất để anh biểu lộ cảm xúc khi những bộ phận khác trên người đều cử động rất khó khăn.

Trong suốt buổi nói chuyện với chúng tôi, Dom gần như phải gồng người lên để diễn đạt cho được những câu chữ theo ý mình. Đầu anh ngoẹo qua ngoẹo lại đầy khó nhọc. Đó là di chứng mà áp lực của quả bom 35 năm trước để lại. Anh đã bị mất một phần thính giác và mắc chứng liệt não. Được gia đình cha mẹ nuôi người Úc là ông bà Golding đưa đi phẫu thuật nhưng Dom vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc nghe, nói, giữ thăng bằng cơ thể, cử động các ngón tay và đi lại. Khi không mang thiết bị trợ thính, thính giác của Dom giảm chỉ còn khoảng 40%.

Mê mẩn truyện dân gian Việt Nam

Dom rất mê văn hóa Việt Nam. Anh bảo: “Tôi thích kho tàng truyện dân gian độc đáo của Việt Nam. Lịch sử nước Úc rất ngắn và người da trắng Úc không có truyện dân gian. Còn kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam rất giàu có và sâu sắc”.

Dom khẳng định chính văn hóa Việt Nam kết hợp với vốn văn hóa Úc khiến các tác phẩm của anh trở nên giàu có hơn, sâu sắc hơn. Đến nay Dom đã có bốn vở kịch được biểu diễn ở Úc và được giới phê bình nghệ thuật đánh giá cao. Anh đang viết hai vở kịch mới để tiếp tục trải nỗi lòng. Một vở có tựa đề Umbilical (Cuống rốn) thể hiện diễn biến tâm lý của một cậu thiếu niên gốc Việt được nhận làm con nuôi, tâm lý của người mẹ nuôi và của người mẹ đẻ do cậu bé tưởng tượng ra. Vở thứ hai kể về các thanh niên trẻ có nguồn gốc nước ngoài bị cô lập trong xã hội.

Thăng hoa trong “lối thoát”

Dom kể từ lúc còn bé đến hết trung học, anh thường xuyên bị một số bạn học da trắng bắt nạt, khinh miệt bởi mái tóc đen, làn da vàng và cả những khuyết tật trên cơ thể mình. “Lúc 7-8 tuổi, tôi vô cùng giận dữ và bối rối không hiểu tại sao họ lại đối xử với mình như vậy. Lớn lên ở Úc từ khi còn rất nhỏ, tôi không hề có khái niệm mình là người gốc nước ngoài” - Dom hồi tưởng. Không thể chống trả, anh tìm đến nghệ thuật như một lối thoát.

Thời trung học, Dom có cơ hội học một khóa kịch nghệ kéo dài một năm, và điều đó đã làm thay đổi tất cả. Sau khi tốt nghiệp trung học, Dom theo học ngành diễn xuất ở Trung tâm nghệ thuật biểu diễn Adelaide (CPA). Đó cũng là phương tiện để Dom cải thiện giọng nói và các cử động cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi căn bệnh liệt não và thính giác yếu.

Tuy nhiên, Dom không có nhiều cơ hội thể hiện khả năng diễn xuất. Tất cả vở kịch được giảng dạy và luyện tập tại CPA đều không có vai diễn dành cho người gốc châu Á. Bức xúc, Dom tập tành viết kịch bản để tạo ra những vai diễn cho riêng mình và cho các sinh viên da màu khác. Điều thú vị là các giáo viên trong trường rất thích các kịch bản của Dom.

Anh theo học luôn ngành biên kịch, rồi đạo diễn và sân khấu. “Tôi muốn kiểm soát mọi hoạt động sáng tạo nghệ thuật của mình” - Dom khẳng định. Năm 1999, anh giành được một suất học bổng đến Việt Nam nghiên cứu văn hóa trong một tháng.

“Tôi luôn hi vọng”

Khi trở lại Úc, Dom viết ngay Shrimp (Con tôm) - một vở kịch dựa trên những trải nghiệm của anh tại Việt Nam. Vở kịch đã mang đến cái nhìn hoàn toàn mới về Việt Nam, một đất nước thanh bình và đang phát triển. Shrimp là một thành công rực rỡ, thể hiện tài năng nghệ thuật của Dom. Vở kịch được diễn đi diễn lại rất nhiều lần trên khắp các sân khấu kịch toàn bang Victoria. Nhận xét về Shrimp, trang web sân khấu Úc (Australianstage.com.au) viết: “Shrimp sở hữu một điều đặc biệt hiếm hoi trong thời đại ngày nay: một trái tim vàng. Vở kịch lôi cuốn ngay cả những tâm hồn thực dụng nhất bằng sự hài hước và sống động”.

Từ năm 2000-2005, Dom làm việc cho Công ty Australian Vietnamese Youth Media với đối tượng khán giả chủ yếu là cộng đồng Việt kiều ở Úc. Anh cho biết đó là cách để anh tìm hiểu thêm làm một người Việt Nam là như thế nào. Trong giai đoạn này, Dom bắt đầu nổi tiếng tại các sân khấu kịch Úc với tư cách là một nhà biên kịch và một đạo diễn trẻ đầy tài năng. Sự nghiệp ngày càng phát triển, nhưng Dom vẫn không nguôi trăn trở với cội nguồn.

Năm 2006, Dom quyết định nghỉ việc và về Việt Nam sống một năm. Anh cho rằng làm việc với cộng đồng Việt kiều không thể giúp anh thấu hiểu hoàn toàn làm một người Việt Nam là như thế nào. Lần đó, anh mang theo toàn bộ giấy tờ cá nhân đến Việt Nam với hi vọng tìm lại cha mẹ đẻ. Nhưng trại trẻ mồ côi ở Chợ Lớn không còn nữa. Người bác sĩ ngày nào cũng không có thông tin gì về cha mẹ ruột của anh.

Năm 2008, Dom làm luận án thạc sĩ với chủ đề “Nghiên cứu nghệ thuật của các con nuôi gốc nước ngoài” ở Trường ĐH Monash, một trong những trường ĐH danh tiếng nhất nước Úc. Trước khi chia tay, anh tâm sự: “Khi học trung học, tôi đã nghĩ đến hình ảnh người mẹ ruột của mình. Có thể bà là một nông dân, một người bán hàng rong... trong những hình ảnh mà tôi nhìn thấy trên sách báo, tivi. Mẹ nuôi bảo có thể mẹ ruột tôi không còn nữa. Nhưng tôi luôn tin mẹ tôi còn sống. Dù mong manh nhưng tôi luôn hi vọng”.

Hành trình 35 năm

Ngày 2-4, gần 100 người từng là trẻ babylift từ nhiều quốc gia trên thế giới đến TP.HCM để tham dự cuộc đoàn tụ “Hành trình trở về sau 35 năm lưu lạc nơi đất khách” do cô Kim Browne, người Anh gốc Việt, tổ chức.

Frft84JY.jpgPhóng to
Hai “cựu” babylift Kevin, từ New York (trái) và Mike từ Hawaii (Mỹ) chăm sóc các bé sơ sinh tại Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Gò Vấp ngày 2-4 - Ảnh: MY LĂNG

Ngoài một số thành viên có mặt tại Việt Nam từ trước, những chuyến bay đầu tiên chở chín “trẻ babylift” hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM trong hai ngày 1 và 2-4. “Tôi rất vui khi gặp các bạn babylift như mình tại quê hương Việt Nam - anh Patrick Looft, người Đức gốc Việt, tâm sự - Chúng tôi đã biết nhau từ trước qua Facebook nên không hề có cảm giác xa lạ. Họ giống như những người anh chị em của tôi vậy”.

Rời Việt Nam lúc mới chín tháng tuổi, anh Looft trở về lần này với mục tiêu tìm lại quá khứ của chính mình, dù anh biết cơ hội tìm thấy cha mẹ ruột là rất mong manh. “Nhưng tôi phải trở về, phải đi tìm để sau này không phải hối hận tại sao mình không một lần cố gắng” - anh cho biết.

Ngay sau khi đặt chân đến Việt Nam, một số thành viên đã đến thăm và tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Gò Vấp, TP.HCM. Trong những ngày sắp tới, đoàn sẽ tiếp tục đi thăm và giúp đỡ các trung tâm trẻ mồ côi, khuyết tật, thăm lại những di tích lịch sử, và tìm kiếm cha mẹ ruột của mình.

Họp mặt “trẻ babylift” tại Georgia, Mỹ

Cuối tuần trước, 65 “trẻ babylift” gốc Việt đã có buổi họp mặt tại Fort Benning, thành phố Columbus (bang Georgia), nơi đầu tiên họ đặt chân đến nước Mỹ sau khi rời Việt Nam năm 1975. Họ là một phần trong số 219 trẻ xuất thân từ viện mồ côi An Lạc tại Sài Gòn ngày nào.

Những đứa trẻ ngày xưa giờ đã lớn đến từ nhiều vùng trên đất Mỹ, mỗi người có một cuộc sống, công việc riêng. Họ gặp nhau để chia sẻ và quan trọng hơn hết là cảm nhận về nguồn cội Việt Nam dù khi rời quê hương hầu hết họ vẫn còn rất nhỏ. “Ngay trong khoảnh khắc, chúng tôi cảm nhận được mối liên hệ và sự thông cảm lẫn nhau. Dù chúng tôi lớn lên tại nhiều nơi ở Mỹ, chúng tôi biết mình có một khởi đầu như nhau, giống như chúng tôi là anh chị em vậy” - Jason Robertson, một “trẻ babylift”, bày tỏ.

Robertson, 39 tuổi, cho biết khát khao tìm lại cội nguồn chỉ trỗi dậy cách đây không lâu. Trước đó, anh thường né tránh khi người ta đặt câu hỏi anh có phải là người Việt.

Khi đứa con đầu tiên chào đời, Robertson mới thật sự suy nghĩ về quan hệ máu mủ ruột thịt, về cha mẹ ruột của mình. Năm 2000, Robertson bắt đầu gặp gỡ một số “trẻ babylift” khác. Năm năm sau, anh về Việt Nam thăm lại cô nhi viện năm xưa. Hình ảnh về đất nước, con người Việt đã thay đổi hoàn toàn khái niệm của Robertson về quê hương.

Chuyến đoàn tụ sẽ trở thành kỷ niệm sâu sắc đối với mỗi người, Robertson chia sẻ. Họ đã cùng nhau thăm một số nơi tại Fort Benning và ngôi trường tiểu học Wilbur, nơi từng là nhà trẻ nuôi dạy các trẻ babylift.

HIẾU TRUNG - MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên