Phóng to |
Có một thực tế đáng buồn là dù đứng thứ tư về số lượng (chiếm 10,5% dân số gốc Á ở Mỹ), nhưng người Việt lại nằm trong nhóm có tỉ lệ nghèo cao nhất ở Mỹ (14%), cùng nhóm với Hàn Quốc (14,9%) và Trung Quốc (13,4%). Xét về thu nhập, người Ấn Độ có thu nhập bình quân hộ gia đình cao nhất (68.771 USD/năm), tiếp theo là người Philippines (65.700 USD). Người VN tại Mỹ xếp gần cuối bảng (45.980 USD), chỉ nhỉnh hơn Hàn Quốc (43.195 USD).
Có thể giải thích điều này bằng cách nhìn vào lĩnh vực ngành nghề của các cộng đồng gốc Á. Ở các ngành nghề hái ra tiền như quản lý và kinh doanh, người Việt chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn (chỉ 29,2% người Việt làm nghề quản lý). Người Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ năm nhưng có tỉ lệ cao gần gấp rưỡi người Việt (43%). Trong lĩnh vực này, người Ấn Độ chiếm tỉ lệ cao nhất (60,6%), kế đến là người Trung Quốc (52%).
Ngược lại, trong những lĩnh vực ít đòi hỏi chuyên môn và trình độ như dịch vụ, trồng trọt chăn nuôi, xây dựng... người Việt luôn chiếm tỉ lệ cao nhất. Tương quan này thể hiện rõ nhất trong các ngành sản xuất và vận tải nguyên vật liệu. Có đến 21% người Việt làm việc trong lĩnh vực này, tiếp theo là Hàn Quốc (10,4%) và Philippines (10%).
Hai yếu tố tác động lớn đến nghề nghiệp là trình độ học vấn và ngoại ngữ. Kết quả khảo sát đã cho thấy thực tế trình độ học vấn và tiếng Anh của người VN thấp hơn mặt bằng chung của năm cộng đồng gốc Á còn lại. Điều đó góp phần lý giải vì sao người Việt tại Mỹ ít tìm được việc làm trong những ngành nghề có thu nhập cao.
Trong số sáu cộng đồng châu Á, số người Ấn Độ có bằng cử nhân đại học trở lên chiếm tỉ lệ cao nhất (67,9%), kế đến là người Hàn Quốc (50,8%) và Trung Quốc (50,2%), người Việt có tỉ lệ thấp nhất (23,5%). Thêm vào đó, mặc dù tỉ lệ người VN tốt nghiệp phổ thông tương đối cao (70%), nhưng so ra vẫn thấp nhất trong số sáu cộng đồng châu Á. Ngược lại, tỉ lệ người Việt có trình độ học vấn bậc dưới phổ thông lại cao nhất (30%), tiếp theo là người Trung Quốc (19,2%). Trình độ tiếng Anh của người Việt nhìn chung cũng khá thấp.
Tuổi Trẻ đã trao đổi với giáo sư NGÔ THANH NHÀN (ảnh - Đại học New York) về các nội dung trong báo cáo. * Bức tranh người VN tại Mỹ trong báo cáo hiện nay, theo giáo sư nhận xét, là tươi sáng hay chưa lạc quan lắm? - Báo cáo này cho người đọc một số cắt lớp thông tin về đặc trưng về dân số, xã hội, kinh tế và nhà ở. Có 1.267.510 người tự khai là gốc Việt vào năm 2004 (10,5% dân Mỹ có gốc châu Á) do báo cáo cho biết chỉ khảo sát những người có hộ khẩu ngoài các viện, nội trú đại học hay các nhà ở tập thể. Do vậy báo cáo có thừa nhận chỉ đúng khoảng gần 90% sự thật. Tuy nhiên đây là xác nhận đáng mừng, có con số thống kê dân số đúng thì các hỗ trợ xã hội của Chính phủ Mỹ mới đến người Việt nghèo. Sai số này ở Mỹ gọi là cộng đồng bị bỏ rơi (neglected). Ví dụ những năm 1990, chính phủ liên bang và tiểu bang New York không tìm ra trên bản đồ điều tra dân số là người Việt ở khu Fordham, quận Bronx là đông nhất bang New York và nghèo nhất nước Mỹ. Nghĩa là vì điều tra dân số sai (và thành phố New York cố tình quên cập nhật), nên ngân sách các trợ cấp và dịch vụ xã hội không đến được người cần giúp. Xét về nội dung, tôi cho đây là những chấm phá “ảm đạm” tương đối so với các sắc tộc châu Á khác tại Mỹ. Cộng đồng người Việt chưa ra khỏi tâm lý của cuộc chiến 30 năm trước nên chưa coi mình là người Mỹ, chưa thật sự vì quyền lợi của Mỹ. Ví dụ, tiểu bang California muốn là bộ phận của cộng đồng Thái Bình Dương để phát triển, muốn quên đi cuộc chiến, nhưng cho đến nay vẫn còn vấp phải phản ứng của báo chí người Việt kéo ngược lại thời chiến tranh lạnh. * Theo đánh giá của giáo sư, mức độ hội nhập của cộng đồng người Việt tại Mỹ như thế nào? - Trên thực tế, người Việt hội nhập vào cộng đồng Mỹ chậm hơn cả người Trung Quốc mới sang. Trong sáu sắc dân, chỉ có 12% người Việt nói tiếng Anh trong gia đình (ít nhất), 55% nói tiếng Việt trong nhà và tiếng Anh không giỏi (nhiều nhất). Số nhân khẩu trong một hộ khẩu là 3,4 người (thuộc loại cao nhất) - các vùng như quận Bronx (New York) lên đến 7,5 theo điều tra của chúng tôi năm 1998, và hiện tại, hiện tượng cả gia đình ba thế hệ mua nhà và sống chung còn rất cao. Ngoài ra khảo sát cho thấy 61,3% sống trong nhà mua nhưng giá trị nhà mua thấp nhất (khoảng 210.000 USD so với trung bình giá nhà 300.000 USD của người gốc Á). Người gốc Việt ít dùng giao thông công cộng, ít tham gia chính trường Mỹ, ít hiểu về hệ thống định chế Mỹ, nên ít có khả năng hiểu quyền lợi của các sắc dân khác hòa nhịp với quyền lợi của mình. Gần đây nhất, đảng Cộng hòa lợi dụng các chính trị gia người Việt chống lại các sắc dân khác, chưa thấy vận mệnh của các sắc dân da màu cũng là vận mệnh của mình. Rõ nhất, tuy các thắng lợi của người da đen đã giúp người Việt rất nhiều trong các trợ cấp xã hội, nhưng cộng đồng người Việt chưa thấy và chưa cảm thông nổi những đòi hỏi của người da đen. * Báo cáo này thực hiện từ năm 2004. Trong hai năm qua có thể cộng đồng người Việt đã có những thay đổi tiến bộ hơn so với báo cáo? - Tình hình từ năm 2004 đến nay có thể có nhiều thay đổi. Xu hướng chung đi lên đối với mọi cộng đồng, và nếu nhìn vào tỉ lệ sinh con (16,2%) và tỉ lệ vị thành niên (24,8%) năm 2004 của người Việt là cao nhất so với các sắc dân châu Á khác. Tuy nhiên một số nghiên cứu về cộng đồng gần đây cho thấy số người Việt nghèo còn rất cao, học vấn thấp, số người thất nghiệp trẻ tăng, thu nhập gia đình vẫn kém hơn mức trung bình của cả nước. Sau năm 2000 đến nay, sau khi chính phủ liên bang chuyển quản trị an sinh xã hội về cho tiểu bang, số người Việt bị đưa ra tòa đuổi nhà tăng lên hơn ba lần vì không kịp làm lại hồ sơ an sinh. Năm 2004, tại vùng San José, New York... đã bắt đầu có người sống không nhà (mà khảo sát này bỏ qua, cho là không ở viện, trại giam hay các nhà gọi là tập thể). Ngày nay, tình trạng kỹ nghệ làm móng tay của người Việt do tự cạnh tranh giảm giá đưa đến thất bát - việc làm tạm bợ trước đây không còn đủ để giúp cộng đồng vươn lên, kinh tế sẽ tệ hơn. Tôi cho rằng bình thường hóa Việt - Mỹ và sự tăng cường thâm nhập hàng hóa VN vào Mỹ là cơ hội để người Việt hình thành một chỗ dựa kinh tế vững chắc hơn để hội nhập và gây dựng bản lĩnh cho cộng đồng mình tại Mỹ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận