19/03/2014 21:01 GMT+7

Cuộc tìm kiếm MH370 đang đối mặt nhiều thách thức

QUỲNH TRUNG (tổng hợp)
QUỲNH TRUNG (tổng hợp)

TTO - Dù cuộc tìm kiếm máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia đã bước sang ngày thứ 12, nhưng giới chức Malaysia và các quốc gia tham gia tìm kiếm khác vẫn chưa phát hiện được dấu hiệu quan trọng nào từ chiếc máy bay mất tích.

Đã có 26 quốc gia tham gia tìm kiếm chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia biến mất bí ẩn từ ngày 8-3. Trong đó một số nước đã huy động nhiều công nghệ hiện đại gồm vệ tinh và máy bay săn tàu ngầm công nghệ cao. Họ cũng rà soát lại các rađa quân sự và vệ tinh để tìm chứng cứ. Tuy nhiên những nỗ lực tìm kiếm vẫn chưa mang lại kết quả khả quan nào.

Z17anmsX.jpgPhóng to
Một phụ nữ Trung Quốc có thân nhân trên chuyến bay mất tích MH370 gào khóc đau đớn sau khi bị đưa vào một căn phòng bên ngoài khu vực họp báo ở một khách sạn gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngày 19-3-2014 - Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp báo mới nhất ngày 19-3, Bộ trưởng giao thông vận tải Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết nước này đã tiếp nhận dữ liệu rađa từ các nước khác, phát hiện một số dữ liệu bị xóa khỏi mô hình máy bay của cơ trưởng chuyến bay MH370, và tiếp cận thông tin cơ bản của tất cả hành khách trên máy bay ngoại trừ các hành khách mang quốc tịch Nga và Ukraine.

Ông Hishammuddin cũng chính thức bác bỏ thông tin máy bay MH370 xuất hiện ở đảo quốc Maldives đồng thời thừa nhận cuộc tìm kiếm máy bay mất tích đang đối mặt các thách thức về ngoại giao, kỹ thuật, và hậu cần.

Dữ liệu mô hình máy bay của cơ trưởng bị xóa

Hệ thống thông tin liên lạc máy bay bị tắt cộng với việc máy bay số hiệu MH370 đổi hướng sau khi quay đầu dấy lên nghi ngờ có bàn tay ai đó can thiệp. Cảnh sát Malaysia sau đó đã lục soát nhà cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, và cơ phó Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi và lấy đi nhiều vật khả nghi, trong đó có mô hình máy bay do cơ trưởng Zaharie xây dựng ở nhà.

Theo hãng tin Reuters, cảnh sát trưởng Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết sau khi kiểm tra mô hình bay này, các điều tra viên phát hiện dữ liệu của nó bị xóa vào ngày 3-2. “Các chuyên gia đang xem dữ liệu nào đã bị xóa” - ông Khalid phát biểu tại buổi họp báo ngày 19-3.

Tuy nhiên, các nhân viên điều tra vẫn chưa tìm ra bất cứ chứng cứ giải thích lý do tại sao một trong hai người - cơ phó và cơ trưởng - lại cố tình lái máy khỏi lộ trình định sẵn. Một số chuyên gia cảnh báo không nên vội vàng kết luận vai trò của những phi công này.

“Tôi đã tham gia điều tra vài vụ trong đó nghi phạm là các phi công nhưng cuối cùng chúng tôi phát hiện thấy máy bay lại bị lỗi kỹ thuật” - Mary Schiavo, một nhà phân tích hàng không của CNN và nguyên tổng thanh tra cục giao thông vận tải Hoa Kỳ nhận định.

Theo các nguồn tin từ Mỹ, các cơ quan tình báo đã phân tích kỹ lưỡng gốc gác cũng tất cả hành khách có mặt trên máy bay nhưng không thấy ai có dấu hiệu liên quan đến khủng bố hoặc có động cơ phạm tội. Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn 2/3 tổng số hành khách trên chuyến bay, khẳng định không có công dân nào của nước này liên quan đến việc cướp máy bay hoặc có hành động phá hoại.

Cuộc tìm kiếm vô vọng?

Theo CNN, hộp đen chứa dữ liệu máy bay và các thiết bị thu âm thanh trong buồng lái có thể phát đi tín hiệu “ping” trong vòng 30 ngày. Bởi vì cuộc tìm kiếm đã bước sang ngày thứ 12, nên pin của các thiết bị này chỉ còn có thể hoạt động trong vòng 18 ngày.

Các điều tra viên hi vọng các thiết bị này có thể tiết lộ những thông tin quan trọng tại sao máy bay lại đổi hướng và biến mất khỏi màn hình rađa nhưng họ cũng nhìn nhận rằng việc trước tiên cần làm là phải tìm ra chiếc máy bay mất tích.

Trung Quốc, quốc gia đang dẫn đầu cuộc tìm kiếm khu vực hành lang phía bắc (một trong hai hành lang hàng không khổng lồ được cho là chiếc máy bay có thể đã bay tới) cùng với Kazakhstan, cho biết nước này vẫn chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu khẳng định máy bay MH370 bay qua lãnh thổ của mình.

Một nguồn tin của Mỹ tuần trước cho hay máy bay MH370 có thể bay đổi hướng bay về phía nam Ấn Độ Dương nơi nó hết nhiên liệu và rơi xuống biển.

Nếu đúng là máy bay rơi xuống nam Ấn Độ Dương thì cơ hội tìm thấy máy bay sẽ ngày càng ít đi bởi vì khu vực này là một trong những nơi hẻo lánh nhất thế giới và là một trong những vùng biển sâu nhất.

Úc và Indonesia, hai quốc gia đang dẫn đầu cuộc tìm kiếm máy bay ở Ấn Độ Dương, cho biết đang gặp khó khăn vì vùng biển ở khu vực này khá sâu. Chẳng hạn như vùng biển vịnh Bengal, nằm giữa Myanmar và Ấn Độ, có độ sâu từ 4.000 đến 7.000 mét.

Theo CNN, máy bay Air France 447, rơi xuống Đại Tây Dương cùng với 228 hành khách vào năm 2009, được tìm thấy ở độ sâu 3.657m. Phải mất đến 2 năm người ta mới tìm ra các mảnh vỡ máy bay Air France 447 và các hành khách trên đó và thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn để tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn.

Hiện tại các quan chức cũng chưa biết rõ máy bay MH370 đã rơi hay đáp xuống một nơi nào đó. CNN dẫn lời các quan chức tình báo và quân sự Mỹ cho biết nếu chưa ai biết rõ những gì đã xảy ra với chiếc máy bay, thì việc cho rằng máy bay rơi xuống Ấn Độ Dương là hợp lý.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Máy bay chở khách chuyển hướng bay như thế nàoMáy bay mất tích đến nam Ấn Độ DươngHi vọng mới về tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 Nhiều nghi vấn quanh việc phát tín hiệu của MH370 Bắt đầu tìm máy bay Malaysia mất tích ở Trung QuốcMáy bay mất tích được lập trình chuyển hướng?Malaysia nghi phi công MH370 tự sát

QUỲNH TRUNG (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên