22/08/2009 16:55 GMT+7

Trung Quốc tung hoành Châu Phi: Cuộc lấy đi vĩ đại

TRẦN ANH THIỆN (lược dịch)
TRẦN ANH THIỆN (lược dịch)

TTCT - Loạt bài của tác giả Richard Behar: “Trung Quốc tung hoành châu Phi” (China storms Africa) đăng trên tạp chí Fast Company đã được xếp vào “Top 50 bài báo hay nhất năm 2008” của Emerald Management Reviews Citation of Excellence, một cơ sở dữ liệu quản lý hàng đầu thế giới. CNN gọi đây là “một trong những bài báo quan trọng nhất trong năm”.

3y5qnnZz.jpgPhóng to
Công nhân Trung Quốc và công nhân người Chad cùng làm việc ở công trường thăm dò dầu khí ở châu Phi - Ảnh: nytimes.com
TTCT - Loạt bài của tác giả Richard Behar: “Trung Quốc tung hoành châu Phi” (China storms Africa) đăng trên tạp chí Fast Company đã được xếp vào “Top 50 bài báo hay nhất năm 2008” của Emerald Management Reviews Citation of Excellence, một cơ sở dữ liệu quản lý hàng đầu thế giới. CNN gọi đây là “một trong những bài báo quan trọng nhất trong năm”.

Được sự đồng ý của tác giả, TTCT trích dịch loạt bài này. Các tít tựa trong bài là của tòa soạn TTCT. Bản nguyên gốc tiếng Anh có thể tìm thấy ở địa chỉ http://www.fastcompany.com/chinastormsafrica.

Là một vùng bình nguyên rộng lớn bao gồm 49 quốc gia, vùng Hạ Sahara (châu Phi) đại diện cho 1/5 diện tích đất của Trái đất. Thế nhưng tổng giá trị nền kinh tế của nó lại nhỏ hơn nền kinh tế của tiểu bang Florida, Mỹ. Nơi đây 300 triệu người sống dưới mức 1 USD/ngày.

Một vùng đất ngày càng trở nên lạc hậu và bị tàn phá bởi bệnh tật, nghèo đói, chiến tranh. Một vùng đất đang tuyệt vọng tìm kiếm mọi thứ - tiền, mậu dịch, đầu tư, hạ tầng - và ở một vị thế vô cùng yếu để có thể đàm phán chiến lược với các đối tác nước ngoài. Rằng nó sẵn sàng bán mọi thứ cho ai trả giá cao nhất. Vậy mà giờ đây vùng đất này đang trở thành hiện trường của một trong những cuộc chiến tranh giành tài nguyên khốc liệt nhất mà thế giới từng chứng kiến.

“Vùng đất Phi Hoa”

Trong khi Hoa Kỳ đang bị vướng bận vào cuộc chiến ở Iraq, trong khi các nhà kinh tế học lo viết các bài báo tranh cãi về việc liệu các nguồn tài nguyên thiết yếu trên thế giới có đang cạn kiệt đi hay không, thì Trung Quốc (TQ) không hề do dự. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi TQ đã trở thành quốc gia - nhà đầu tư hùng hổ nhất ở châu Phi. Sự xâm lấn thương mại này của TQ là một cột mốc quan trọng đối với sự phát triển của vùng Hạ Sahara kể từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh. Nó được so sánh như một “cơn sóng thần” và vùng đất này bây giờ còn được gọi là vùng “Chin Africa” (Phi Hoa).

Hiện có nhiều người Hoa sinh sống ở Nigeria hơn là số lượng người Anh trong thời thực dân. Đâu đâu ở lục địa đen cũng thấy người TQ, từ các tập đoàn nhà nước cho đến các thương gia đơn lẻ. Cứ mỗi siêu dự án được Chính phủ TQ công bố lại tạo ra một làn sóng kinh tế và di dân ở đây.

TQ tuyên bố năm 2006 là “Năm của châu Phi”, và chính phủ nước này thực hiện liên tiếp các chuyến lưu diễn kiểu như ngôi sao nhạc rock đến đây. Chưa từng có quốc gia nào thể hiện ý chí hay có khả năng làm vui lòng các nhà lãnh đạo châu Phi đến như thế. Và không như Hoa Kỳ đem quân đến Iraq vì lý do chống khủng bố hay nhân đạo, người TQ hiện diện ở châu Phi để lấy những gì họ cần cho cỗ máy của mình. Hiện tượng này còn được đặt tên là “Cuộc lấy đi vĩ đại của người TQ” (The great Chinese takeout).

Ngấu nghiến cả thế giới cho bữa sáng

Nhà tương lai học Sunter đã nói: “TQ đang đem 1,3 tỉ dân số đi qua một cuộc cách mạng công nghiệp mà không sở hữu thuộc địa hay nguồn tài nguyên đáng kể nào ngoại trừ than đá. Cách duy nhất để có thể làm được điều này là thiết lập các hợp đồng cung cấp dài hạn với các quốc gia giàu tài nguyên khác”.

Tôi đến Maganja da Costa, địa phương nghèo nhất ở Mozambique. Nơi đây cũng là bản doanh của Madeiras Alman, chi nhánh của một tập đoàn Đài Loan và là nhà xuất khẩu gỗ lớn nhất từ Mozambique về TQ.

Văn phòng công ty hóa ra chỉ là một chiếc xe kéo, không có ai bên trong. Tuy nhiên trong chốc lát tôi đã bị vây quanh bởi khoảng chục người dân địa phương đến đòi lương. “Họ tưởng anh là ông chủ TQ” - người phụ tá giải thích.

Sau khi hiểu ra và bình tĩnh trở lại, những người này nói là đã bị chèn ép lương công. Họ được hứa sẽ được trả 120 USD cho ba tháng làm việc gãy lưng - nâng các súc gỗ cỡ xà nhà bằng tay lên xe tải, thế nhưng chỉ nhận được có 25 USD. Họ đã kéo đến văn phòng này suốt mấy tháng trời để tìm những người quản lý không còn xuất hiện.

“Hãy để cho Trung Hoa ngủ yên - câu nói nổi tiếng của hoàng đế Napoleon - bởi khi thức dậy nó sẽ làm rung chuyển cả thế giới”. Ngày nay, TQ không những đã thức dậy mà nó còn ngấu nghiến cả thế giới để làm bữa ăn sáng. Chỉ trong vòng một vài năm, đất nước này đã trở thành nguồn tiêu thụ số 1 trên thế giới về nguyên liệu gỗ cũng như kẽm (chiếm 30% nhu cầu toàn thế giới), sắt và thép (27%), chì (25%), nhôm (23%), đồng (22%) cùng với nicken, thiết, than đá, bông vải và cao su. Toàn bộ vùng Hạ Sahara hiện chỉ sử dụng 1/20 số lượng thép TQ đang sử dụng. Và mặc dù TQ đang ở vị trí thứ hai thế giới về tiêu thụ dầu hỏa sau Mỹ nhưng quốc gia này đang chuẩn bị vượt qua.

Một phần năm nhân loại đang sống ở TQ, và một bộ phận ngày càng gia tăng ở quốc gia này đang theo đuổi một lối sống tiêu thụ, hay gọi là hưởng thụ. Nếu GDP đầu người của họ (hiện tại khoảng 6.500 USD) tiến gần đến mức của Hàn Quốc trong 20 năm tới thì lượng tiêu thụ của TQ về nhôm và quặng sắt sẽ gia tăng 5 lần, dầu hỏa 8 lần và đồng 9 lần.

Vượt cả Ngân hàng Thế giới về viện trợ­

qx64uEAo.jpgPhóng to
Một cửa hàng của người Trung Quốc ở thủ đô Ndjamena, Cộng hòa Chad - Ảnh: nytimes.com

Ở vùng Hạ Sahara, người Hoa dường như xuất hiện ở mọi nơi: chặt cây ở Mozambique, khoan dầu ở Sudan, đào mỏ đồng ở Zambia, mở nhà máy dệt ở Kenya, thăm dò uranium ở Zimbabwe, mua côban ở Congo, làm đường cao tốc ở Angola. Họ phóng vệ tinh cho Nigeria và thiết lập hệ thống điện thoại ở vùng quê Ghana và một loạt quốc gia khác.

Bệnh viện, ống nước, đập nước, đường sắt, sân bay, khách sạn, sân vận động, nhà quốc hội - hầu như tất cả đều có liên hệ tới sự tiếp cận của TQ đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở những quốc gia đó.

Một ngân quỹ chính phủ 5 tỉ USD trong vòng 50 năm được lập ra để khuyến khích các công ty TQ đến đầu tư ở châu Phi. Một gói cho vay trị giá 9 tỉ USD cho Congo. Một phần góp vốn 5,6 tỉ USD ở Standard Bank, ngân hàng lớn nhất tại châu lục này. Và vào tháng 4-2008, 40 tỉ USD cùng những cam kết hỗ trợ tín dụng xuất khẩu để giúp tài trợ đầu tư ở Nigeria, nhà sản xuất dầu hỏa lớn nhất ở châu Phi.

Sự ảnh hưởng ở tầm mức như thế đe dọa triệt tiêu kết quả những nỗ lực của các tổ chức thế giới nhằm thúc đẩy các chính phủ châu Phi cải thiện nhân quyền và sự minh bạch của chính phủ. Như Sahr Johny, đại sứ Sierra Leone ở TQ, nói về những dự án của TQ ở châu Phi: “Họ chỉ đến và làm. Chúng tôi không tổ chức các cuộc họp về đánh giá tác động môi trường, về nhân quyền, về quản trị tốt hay quản trị xấu gì cả. Tôi không nói như vậy là đúng. Tôi chỉ nói đầu tư của TQ thành công là vì họ không hề đặt ra các chuẩn mực cao nào cả”.

Mỗi dự án đều liên quan tới một chính khách

Vào bất kỳ thời điểm nào cũng đều có khoảng 800 tập đoàn TQ của nhà nước hay được nhà nước kiểm soát đang hoạt động ở châu Phi, trong đó Ngân hàng Xuất nhập khẩu TQ cung cấp vốn cho hơn 300 dự án ở ít nhất 36 nước.

Hàng chục ngàn công ty tư nhân và doanh nhân cũng góp mặt. Ở quốc gia bé xíu Lesotho, gần phân nửa số siêu thị do người Hoa làm chủ và điều hành. Mauritius, bản doanh của nhiều nhà máy TQ, vừa đưa tiếng Hoa vào chương trình giáo dục quốc gia.

Tổng trị giá viện trợ của TQ ở châu Phi - một bí mật được giữ gìn cẩn thận - được cho là đã vượt qua viện trợ của Ngân hàng Thế giới.

Trên đường quay trở về Queliname (Mozambique), chúng tôi đến một thị trấn - nơi duy nhất có trạm kiểm soát trước khi gỗ rừng được chất lên tàu container. Cách đó vài dặm, một xe tải chở gỗ mà chúng tôi theo dõi bỗng dừng lại bên vệ đường. Một người đàn ông leo xuống và biến mất vào một ngôi nhà ẩn mình sau rặng cây.

30 phút sau anh ta quay trở ra và chiếc xe tải tiếp tục chạy đến trạm kiểm soát. Joao, viên cảnh sát bảo vệ rừng, tiến đến xe chúng tôi, bực tức thốt lên: “Người TQ đã lót tay cho nhân viên kiểm tra ở trạm kiểm soát. Thật là tệ hại. Họ đưa tiền cho người Mozambique để đốn cây quá mức và đem đến châu Á, rồi người Mozambique sẽ chẳng bao giờ có thể phát triển được. Các biện pháp kiểm soát của chính phủ chả có hiệu quả gì do có tham nhũng”.

Hãy thử nhân cảnh tượng trong một ngày ấy lên 100.000 lần, bạn sẽ bắt đầu hiểu được trò chơi ở đây... Một nhà điều tra rửa tiền đã nói với tôi: “Mỗi một dự án ở châu Phi đều phải có một chính khách dính vào. Ở những dự án lớn thì phải là tổng thống hay ngoại trưởng. Tôi không biết một quốc gia nào ở châu Phi mà không có điều đó, có lẽ ngoại trừ Nam Phi”.

Trong phương thức ngoại giao sổ sách của TQ, các chính phủ châu Phi sẽ nhận được các thỏa thuận hàng tỉ USD để đổi lại quyền khai thác khoáng sản, gỗ nguyên liệu hay dầu hỏa. Khoản tiền được đưa ra thành một tập hợp bao gồm tiền mặt, đầu tư, tín dụng rẻ và viện trợ; một số khoản được dành riêng cho các dự án hạ tầng như đập thủy lợi, sân bay, cầu đường, nhà máy điện, đường ống dẫn.

Những dự án hạ tầng như vậy một mặt là rất cần thiết để đảm bảo cho hoạt động hiệu quả của TQ ở đất nước sở tại, mặt khác cũng giúp kích thích nền kinh tế địa phương. Và dĩ nhiên, những sổ sách đóng kín của TQ khiến chúng ta không thể nào biết được những khoản tiền đó thật sự đi đâu. Những phi vụ nặng đô “không điều kiện” như vậy khiến các dự án của TQ trở nên rất khó cạnh tranh bởi các công ty của phương Tây, và tất nhiên là rất khó cưỡng lại đối với giới chóp bu của các quốc gia vùng Hạ Sahara.

Ngoài hệ thống thông lệ quốc tế

Chính phủ TQ luôn gợi lại hình ảnh của thời “xâm lăng thuộc địa” và lịch sử chung với người châu Phi như là những quốc gia bị đô hộ bởi ngoại bang. Và Chính phủ TQ không ngừng nói rằng TQ sẽ không bao giờ “áp đặt ý muốn” của họ lên bất kỳ quốc gia nào. Quả là một sự hả dạ hả lòng cho các nước châu Phi sau nhiều năm phải chịu đựng các khoản cho vay của phương Tây luôn kèm theo các điều kiện về quản trị quốc gia, tôn trọng nhân quyền và việc chi tiêu phải hướng trực tiếp đến xóa đói giảm nghèo.

Nhưng thực tế không phải hoàn toàn như vậy. Và cũng như các dự án từ các cơ quan Chính phủ Mỹ, những dự án lớn của TQ đều bị “bó” - nghĩa là chủ yếu chỉ sử dụng các công ty, vật liệu và lao động TQ.

Khi quá cảnh ở Johannesburg, tôi gặp George Nicholls - giám đốc cơ quan tình báo doanh nghiệp lớn nhất ở châu Phi. Nicholls nói ông ta đã nghiên cứu 30 thương vụ của người TQ ở châu Phi trong suốt hai năm qua, từ quốc gia này sang quốc gia khác. “Câu hỏi là: mục tiêu cuối cùng của người TQ ở châu Phi là gì? - ông ta nói - Tôi cho rằng họ đang cố gắng tách ra khỏi hệ thống giao dịch hàng hóa của quốc tế...

Các tập đoàn và các băng nhóm tội phạm TQ đã và đang bị tố cáo đưa hối lộ, buôn lậu, làm hàng giả, tham nhũng và bán phá giá. Khi các công ty Mỹ đến tham dự bữa tiệc thì người TQ đã dọn đi tất cả rồi. Người Mỹ muốn chơi lại người TQ, nhưng người TQ rất mờ ảo, họ đi đến mọi nơi, hoạt động bên ngoài hệ thống thông lệ của quốc tế. Còn về vai trò của TQ ở châu Phi sẽ đi đến đâu, tôi cho rằng những chính sách của TQ chẳng thể nào giúp châu Phi phát triển xa hơn là trước mắt”.

Trung Quốc tung hoành Châu Phi: “Ra đi toàn cầu”

TRẦN ANH THIỆN (lược dịch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên