27/03/2013 05:46 GMT+7

Cyprus: thiên đường rửa tiền sụp đổ

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Cyprus ngày 26-3 đã không thể mở cửa ngân hàng như dự định ban đầu. Sau 11 ngày đóng cửa, ngày mở cửa ngân hàng nước này buộc phải dời đến thứ năm (28-3) vì e ngại bất ổn.

Thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục chao đảo sau khi gói cứu trợ nước này thông qua. Chỉ số Dow Jones ở New York hôm 25-3 đã giảm 64,28 điểm, trong khi Nasdaq cũng mất 9,7 điểm. Tại châu Á, thị trường đảo chiều khi cứ bốn công ty tăng thì lại có năm công ty mất giá trong ngày hôm qua. Chỉ số Nikkei ở Nhật giảm khoảng 75 điểm, trong khi chỉ số MSCI châu Á giảm khoảng 0,1%.

Thiên đường rửa tiền: gấp 5 lần GDP

Nhiều người tự hỏi một đảo quốc với nền kinh tế tí hon như vậy sao lại trở thành tâm điểm của thế giới. Thực tế thì dù là đảo quốc nhỏ với vẻn vẹn chưa đầy 1 triệu dân nhưng Cyprus có hệ thống ngân hàng tương đối quy mô. Đơn giản vì đây là thiên đường trốn thuế suốt 30 năm qua cho các tập đoàn và giới tài phiệt từ khắp nơi, đặc biệt là từ Nga. Nguồn tiền từ giới tài phiệt cũng là trụ cột của chính nền kinh tế Cyprus. Nhờ vậy, theo Standard & Poor, dù GDP của Cyprus chỉ có 25 tỉ USD nhưng quy mô hệ thống ngân hàng thì gấp năm lần GDP.

37% số tiền trong ngân hàng ở Cyprus được cho biết là từ người nước ngoài. Nhưng, theo nhà kinh tế học Paul Krugman - Nobel kinh tế 2008, con số này nếu tính cả những người nhập tịch “hờ” thì còn lớn hơn rất nhiều. Viết trên New York Times, Krugman cho rằng “Cyprus là nơi người ta giấu tài sản” và “rửa tiền” để trốn tránh quan chức thuế và nhà quản lý. Ông dẫn chứng một ví dụ: do Cyprus có khối lượng tài sản từ Nga lớn vậy nên nước này trở thành một trong những nhà đầu tư lớn ở Nga - thậm chí là lớn hơn cả Đức, nước có quy mô kinh tế gấp cỡ 150 lần Cyprus (!). Tất cả hình thức đầu tư này chỉ là cách “xoay vòng” để rửa tiền và Cyprus trở thành thiên đường thuế cho giới tài phiệt Nga. Doanh nhân Nga chiếm phần lớn trong tổng số 19 tỉ euro tiền từ ngoài EU gửi tại Cyprus.

Điều tệ hại cho người Cyprus là hệ thống ngân hàng của họ đầu tư vào những chỗ tệ hại nhất: mua trái phiếu Hi Lạp và bơm phần lớn tiền vào bong bóng bất động sản. Tất cả đều bay hơi khi bong bóng vỡ!

Rạn nứt EU

Gói cứu trợ lằng nhằng của EU tạm thời đẩy lùi chuyện Cyprus rút khỏi khối đồng euro - điều có thể đẩy nhanh nguy cơ tan rã khối - nhưng đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi về khả năng tồn tại lâu dài của khối.

Một điều thấy rõ nhất là sự rạn nứt ngày càng sâu trong khối giữa các nước phương Bắc (giàu) và phương Nam (nghèo). Ở Berlin, giới chính khách chỉ thấy Cyprus là đầu mối rửa tiền của giới tài phiệt Nga. Người dân Cyprus thì thấy mình là nạn nhân của gói cứu trợ. Tâm lý chống EU ngày càng gia tăng ở miền Nam. Người Đức, Phần Lan và Hà Lan đều cho rằng các nước Địa Trung Hải không có khả năng tiến hành cải cách kinh tế. Tại Ý, những nhân vật chính quyền mới như Beppe Grillo hay Berlusconi đều công khai nói tới chuyện rút lui khỏi euro.

Tương lai bấp bênh

Trong những ngày qua, người dân Cyprus đã hiểu phần nào chuyện một đất nước “hết tiền” là thế nào. Một số cửa hàng giờ chỉ chấp nhận tiền mặt. Các máy ATM giờ chỉ cho khách hàng rút 100 euro/mỗi ngày. Báo chí đưa tin các ngân hàng đã thuê thêm bảo vệ để đối phó với những khách hàng giận dữ khi ngân hàng mở cửa vào ngày 28-3.

Cyprus phần nào giống với Iceland cách đây vài năm: cũng với hệ thống ngân hàng lớn, tiền phần lớn từ nước ngoài. Nhưng, trong khi Iceland chấp nhận để cho hệ thống ngân hàng phá sản, còn Cyprus thì không vì Cyprus “lưỡng lự”, không muốn từ bỏ mô hình “rửa tiền” của nền kinh tế nước mình, như Krugman nhận định.

Bình luận của Krugman là “đừng khóc cho Cyprus, hãy khóc cho tất cả chúng ta” khi giới ngân hàng vẫn có thể bỏ chạy và gây ra những tổn hại kinh hoàng đối với nền kinh tế.

FrBKRzpV.jpgPhóng to
Laiki, ngân hàng lớn thứ hai ở Cyprus, phải đóng cửa theo thỏa thuận cứu trợ - Ảnh: AFP
THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên