18/02/2011 07:00 GMT+7

Người hùng hay tội đồ?

HIẾU TRUNG (Microfinance Focus, ADB.org, Guardian)
HIẾU TRUNG (Microfinance Focus, ADB.org, Guardian)

TT - Muhammad Yunus, giáo sư kinh tế người Bangladesh, đoạt giải Nobel Hòa bình 2006 nhờ công phát triển tín dụng nhỏ. Nhưng giờ đây mô hình xóa nghèo này đã bị lạm dụng, biến tướng, còn cha đẻ của nó lại đang đứng trước áp lực phải từ chức.

LxjY9yAt.jpgPhóng to

Giáo sư Muhammad Yunus đang đứng trước áp lực nặng nề - Ảnh: Getty Images

Tháng 12-2010, một đài truyền hình Na Uy phát sóng phim tài liệu cáo buộc trong thập niên 1990, Ngân hàng Grameen đã trốn thuế bằng cách chuyển tiền tài trợ của Na Uy sang một chi nhánh khác của ngân hàng. Chính quyền Na Uy đã mở cuộc điều tra và không phát hiện bất cứ hành vi tham nhũng nào. Nhưng đó lại là bước khởi đầu cho một cơn bão lớn có nguy cơ phá hủy uy tín của Ngân hàng Grameen và giáo sư Yunus.

Áp lực từ chính quyền Bangladesh

Tháng 1-2011, chính quyền Bangladesh đã thành lập một ủy ban để điều tra hoạt động của Grameen và đang lăm le giành quyền kiểm soát ngân hàng này. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Bangladesh Abul Mal Abdul Muhith tuyên bố ông Yunus đã quá già, không thể điều hành Ngân hàng Grameen được nữa.

“Tuổi nghỉ hưu của một giám đốc ngân hàng ở Bangladesh là 65, mà giáo sư Yunus đã 70 - ông Muhith nêu rõ - Giáo sư Yunus là một người đáng kính trọng, nhưng ông ấy đã quá già và chúng ta cần xác định lại vai trò của Ngân hàng Grameen và thắt chặt các quy định kiểm soát hoạt động của nó”. Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tỏ ra khá nặng lời khi chỉ trích “hoạt động của Ngân hàng Grameen chẳng khác nào trò lợi dụng danh nghĩa xóa nghèo để hút máu người nghèo”. Bà Hasina còn cáo buộc giáo sư Yunus sử dụng Ngân hàng Grameen “như là tài sản cá nhân”!

Ngoài cuộc điều tra của chính quyền Bangladesh, giáo sư Yunus hiện đang vướng phải nhiều rắc rối pháp lý có liên quan đến Ngân hàng Grameen. Một tòa án ở Pabna, vùng tây bắc Bangladesh đòi triệu tập ông ra trước vành móng ngựa vào ngày 18-4 trong phiên tòa xét xử một vụ lừa đảo liên quan đến chương trình “Điện thoại làng quê” của Ngân hàng Grameen (chương trình giúp phụ nữ kinh doanh dịch vụ điện thoại ở nông thôn Bangladesh).

Hôm 27-1, ông đã phải ra tòa ở Dhaka sau khi một quan chức Dhaka đâm đơn kiện cáo buộc sản phẩm sữa chua cho người nghèo Shakti Doi do Ngân hàng Grameen và Hãng thực phẩm Pháp Danone phối hợp sản xuất có chất lượng thấp. Trước đó, hồi đầu tháng 1, ông bị triệu ra tòa vì cáo trạng phỉ báng các quan chức Bangladesh vào năm 2007. Trả lời phỏng vấn một hãng thông tấn Pháp khi đó, ông đã mô tả các chính trị gia Bangladesh là “chỉ nắm quyền để kiếm tiền”!

Lên tiếng ủng hộ giáo sư Yunus và Ngân hàng Grameen, nhiều cá nhân và tổ chức cho rằng các quan chức Bangladesh đang mở chiến dịch bôi nhọ ông vì tư thù. Nhóm Những người bạn của Grameen, gồm nhiều nhân vật tên tuổi như cựu chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) James Wolfensohn, khẳng định giáo sư Yunus và Ngân hàng Grameen là “nạn nhân của một chiến dịch tung tin sai lệch”.

Họ nhấn mạnh dù mô hình tín dụng nhỏ đã bị nhiều tổ chức tài chính lợi dụng để kiếm lãi lớn, nhưng Grameen vẫn là một mô hình bền vững, minh bạch và có mức lãi suất phù hợp với người nghèo. Theo nguồn tin báo chí Bangladesh, giáo sư Yunus và Thủ tướng Sheikh Hasina đã có mâu thuẫn từ năm 2007 khi ông Yunus lập một đảng chính trị mới.

Tín dụng nhỏ thành cho vay nặng lãi

Các đại gia ngân hàng quốc tế đã nhảy vào lĩnh vực tín dụng nhỏ và kiếm lợi lớn bằng những khoản cho vay có lãi suất cắt cổ. Theo khảo sát của tổ chức phi lợi nhuận Mix, tín dụng nhỏ không còn mang mục đích từ thiện mà đã trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá tới 60 tỉ USD, trong đó các ngân hàng và tổ chức tài chính đáp ứng nhu cầu vay mượn của 60% khách hàng. Ở nhiều quốc gia, các tổ chức cho vay tín dụng nhỏ cũng ăn nên làm ra nhờ áp mức lãi suất cao khủng khiếp: 30-80%, có nơi lên tới 100-125%.

Giáo sư Yunus từng khẳng định lãi suất tín dụng nhỏ chỉ nên ở mức 10-15%, bất cứ mức nào cao hơn cũng đều thuộc “vùng đỏ” cho vay nặng lãi. Khảo sát của Mix cho thấy 75% trên tổng số các tổ chức tín dụng nhỏ toàn cầu đều thuộc “vùng đỏ”. Báo Anh Guardian từng mô tả nhiều tổ chức tín dụng nhỏ là “những con chó sói đội lốt cừu, giương lá cờ thiện nguyện nhưng lại sử dụng những chiêu thức của lũ cá mập cho vay nặng lãi”.

Điều đáng nói là chính Ngân hàng Grameen của giáo sư Yunus hiện cũng đang áp mức lãi suất lên đến 20%, đây chính là một trong những vấn đề khiến Grameen và ông Yunus bị chính quyền Bangladesh chỉ trích dữ dội. Trên báo The Hindu Business Line của Ấn Độ, chuyên gia phát triển Sudhirendar Sharma ở New Delhi chỉ trích chương trình tín dụng nhỏ của ông Yunus là đã “đẩy các cộng đồng nghèo vào một cái bẫy nợ nần chung thân, không có lối thoát” và chỉ đem lại lợi ích cho các công ty bán sản phẩm cho người vay tiền. Năm 2010, ở bang Andhra Pradesh, Ấn Độ đã có 54 người nghèo tự sát do không thể trả nợ sau khi vay tín dụng nhỏ.

HIẾU TRUNG (Microfinance Focus, ADB.org, Guardian)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên