Phóng to |
Giáo sư Robert Geoffrey Edwards và đứa trẻ đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật IVF - bà Louise Brown - Ảnh: Reuters |
Giáo sư Edwards năm nay đã 85 tuổi (ông sinh năm 1925), sức khỏe đang trong tình trạng không tốt nên ông không thể trả lời phỏng vấn báo chí. Qua người vợ, ông chỉ bày tỏ rằng ông rất vui mừng khi thấy công trình và việc làm của mình được Viện hàn lâm Thụy Điển ghi nhận.
Công trình mà ông được trao giải thưởng trị giá 1,5 triệu USD này là những nghiên cứu và phát triển thụ tinh nhân tạo (thụ tinh trong ống nghiệm, hay còn gọi là IVF). Với công trình này, ông và cộng sự đã đem lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu cặp vợ chồng trên thế giới. Quả thật, ông xứng đáng được giải thưởng này và đáng lẽ ông được trao giải từ mười năm trước.
Con đường khoa học gian nan
Giáo sư Edwards xuất thân từ một gia đình lao động nghèo khó. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự (bốn năm), ông theo học tại Đại học Wales (Bangor) và tốt nghiệp cử nhân nông nghiệp. Sau một thời gian làm việc, ông cảm thấy không hứng thú và không hợp với nghề nông học nên bắt đầu tìm một hướng đi khác.
Tại Việt Nam, ngày 30-4-1998, ba em bé từ ba trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm thành công đầu tiên tại Việt Nam (thực hiện tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) ra đời. Hiện cả ba em đều có sức khỏe tốt, phát triển bình thường và học giỏi. Đến nay, ước tính có khoảng 10.000 em bé ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam. |
Sau một thời gian định hướng, ông quyết định theo học ngành di truyền học tại Đại học Edinburgh. Dưới sự hướng dẫn của giáo sư C. H. Waddington, một nhà di truyền học rất nổi tiếng vào thời đó, ông hoàn tất luận án tiến sĩ về phát triển phôi thai ở chuột năm 1955.
Trong thời gian theo học tại Đại học Edinburgh, ông gặp Ruth Fowler (người vợ tương lai). Năm 1956, sau khi Ruth hoàn tất luận án tiến sĩ, hai người làm lễ thành hôn. Năm 1963, ông trở thành giảng viên của Đại học Cambridge và sau này được phong chức danh giáo sư thực thụ cho đến nay.
Giáo sư Robert Edwards bắt đầu nghiên cứu về vô sinh trước khi ông về Đại học Cambridge. Sau khi đã có kinh nghiệm trên chuột ở Đại học Edinburgh, ông bắt đầu nghiên cứu về sinh học tái sản sinh (reproductive biology) ở người. Câu hỏi ông đặt ra là làm cách nào để trứng và tinh trùng có thể “hội tụ” ngoài cơ thể con người. Đó là một câu hỏi táo bạo ở thời điểm khoa học về tái sản sinh vẫn chưa phát triển. Ông và cộng sự phải bỏ ra 20 năm trời để hoàn thiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo.
Sau thành công về kĩ thuật, ông còn phải đương đầu với những dèm pha, phê phán, chỉ trích, thậm chí bị cô lập từ các giới chức tôn giáo, chính trị, thậm chí từ chính đồng nghiệp. Hành trình từ khám phá đến ứng dụng kĩ thuật IVF của ông là một tấm gương sáng cho giới khoa học.
Khởi đầu ông tiếp thu một số mẫu buồng trứng từ các bác sĩ phụ sản và sử dụng kỹ thuật sinh học để tách trứng từ những buồng trứng này và kết hợp với tinh trùng trong ống nghiệm. Nhưng suốt hai năm liền ông chỉ toàn thất bại. Công trình nghiên cứu tưởng sẽ chẳng đến đâu. Vào lúc đó, ông may mắn gặp bác sĩ Patrick Steptoe, người có cùng ý tưởng nghiên cứu và từng cố gắng nhưng chưa thành công. Hai người hợp lực và trở thành “một đội” nghiên cứu rất thành công.
Năm 1968, giáo sư Edwards đã nắm được kỹ thuật thụ tinh và “thúc ép” chúng thành những phôi để có thể cấy vào người. Năm 1969, sau một loạt khám phá quan trọng về vai trò của hormone trong quá trình thụ thai, giáo sư Edwards đã thụ tinh một trứng trong ống nghiệm, và thành công này được xem là đột phá trong kỹ nghệ thụ tinh nhân tạo.
Mãi đến năm 1978 nghiên cứu của giáo sư Edwards và bác sĩ Steptoe mới đơm bông kết trái. Ngày 25-7-1978, bằng kỹ thuật IVF, hai vợ chồng Leslie và John Brown hạ sinh đứa con đầu lòng tên là Louise Brown. Louise Brown đi vào lịch sử y học hiện đại như là “test tube baby” (hàm ý được sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm). Đây cũng là ngày đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử y học hiện đại vì một bộ môn y học mới ra đời.
Louise Brown, đứa trẻ đầu tiên trên thế giới ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, nay đã 32 tuổi. Bà đang sống cùng chồng và con trai 18 tháng (sinh tự nhiên) ở Bristol (Anh). Hiện bà vẫn giữ quan hệ mật thiết với giáo sư Edwards, và ngày 18-7 vừa qua Louise Brown đã kỷ niệm sớm ngày sinh của mình (25-7) trong bệnh viện thụ tinh nhân tạo Bourne Hall, do Edwards và Steptoe sáng lập. Trong ảnh: Louise Brown lúc mới ra đời đã được báo chí gọi là “superbabe” (siêu em bé). (Theo Medportal.ru) |
“Cha đẻ của trẻ em ống nghiệm”
Cho đến nay, kỹ thuật IVF đã phát triển thành một công nghệ trên toàn thế giới, kể cả Việt Nam. Trong vòng năm năm sau ngày Louise Brown chào đời, thế giới có thêm 150 trẻ em được chào đời bằng kỹ thuật IVF. Chỉ riêng ở Mỹ, năm 1985 chỉ có 2.389 trường hợp IVF, đến năm 1998 con số này tăng lên 61.284. Ở châu Âu, chỉ riêng năm 1998 có trên 193.000 người được hỗ trợ từ công nghệ IVF. Tính đến nay đã có hơn 4 triệu trẻ em trên thế giới được sinh ra bằng công nghệ IVF.
Trong lịch sử y học, khó có phương pháp nào đem lại niềm vui và hạnh phúc cho hàng triệu người như IVF. Ông thật xứng đáng với danh hiệu “cha đẻ của trẻ em ống nghiệm” (father of the test tube baby).
Công nghệ IVF ngày càng cải tiến tốt hơn. Tuy nhiên, tỉ lệ thành công cũng chỉ dao động trong khoảng 20-35%. Nhiều nghiên cứu đã ước tính lợi ích kinh tế của IVF. Theo kết quả các nghiên cứu này, cái giá để thụ thai thành công và cho ra đời một em bé bằng kỹ thuật IVF dao động trong khoảng 17.000-56.000 USD (cho phụ nữ dưới 30 tuổi). Nhưng cũng có trường hợp rất đắt như một ca tốn đến 800.000 USD được báo chí nêu trước đây. ]
Năm 1998, tuổi bà mẹ thụ thai nhân tạo là 36 tuổi, với khoảng 12% phụ nữ được điều trị bằng IVF trên 40 tuổi. Vì tỉ lệ thụ thai giảm theo độ tuổi, nên chi phí IVF ở phụ nữ trên 40 tuổi cao gấp ba lần so với phụ nữ dưới 40 tuổi.
Vì những thành tựu và đóng góp quan trọng cho y học, năm 2001 giáo sư Robert Edwards được trao giải thưởng Lasker, được xem là “tiền Nobel”, vì những người đoạt giải này thường được trao giải Nobel sau đó. Nhưng ông phải đợi đến mười năm sau mới được trao giải Nobel và điều này đã làm nhiều người ngạc nhiên.
Một người đáng lẽ được chia sẻ vinh dự này với ông là bác sĩ Patrick Steptoe, vì nếu không có một đồng nghiệp tốt như thế chưa chắc gì chúng ta có kỹ thuật IVF ngày nay. Nhưng bác sĩ Steptoe đã qua đời năm 1988 và Viện hàn lâm Thụy Điển có quy chế không trao giải cho người quá cố.
Hành trình quay về lý tưởng Nobel
Giải Nobel được thiết lập theo di chúc của ông Alfred Nobel. Trong di chúc, ông viết rằng giải thưởng nên trao cho “những ai đã đem lại lợi ích lớn nhất cho con người”. Thế nhưng trong những năm qua khi sinh học phân tử còn là “thời thượng”, có nhiều nhà nghiên cứu sinh học phân tử được trao giải Nobel. Điều này dẫn đến nghi ngờ của giới y khoa là giải thưởng này không còn tuân theo hay phù hợp với ước nguyện của ông Nobel nữa, bởi vì nhiều công trình được giải chẳng giúp ích gì cho bệnh nhân (chứ chưa nói đến “lợi ích lớn nhất”).
Nhưng năm nay, giải thưởng được trao cho một người mà công trình nghiên cứu quả thật đem lại phúc lợi lớn nhất cho rất nhiều người. Đối với những cặp vợ chồng vô sinh, còn hạnh phúc nào lớn hơn là được có con và được làm cha mẹ.
Kỹ thuật (và bây giờ là công nghệ) IVF là một trong những cuộc cách mạng quan trọng nhất trong y học hiện đại. Do đó, giải thưởng năm nay đã đúng với tinh thần của di chúc Nobel. Như một bài báo trên tập san Nature (tập san khoa học số 1 trên thế giới) viết rằng rất ít nhà khoa học có thể nói rằng trên thế giới có 4 triệu người ra đời và sống sót nhờ vào nghiên cứu của mình, nhưng giáo sư Edwards là người có cơ sở để nói như thế (nếu ông muốn).
Giải thưởng Nobel y - sinh học 2010 cũng có vài ý nghĩa cho nền khoa học nước nhà. Trong nền kinh tế tri thức toàn cầu, tri thức đóng vai trò quan trọng trong việc định vị một quốc gia trên bản đồ thế giới. Nếu chúng ta chỉ là những người sử dụng tri thức và ý tưởng của người khác mà không có khả năng sáng tạo tri thức mới thì sẽ rất dễ trở thành một dân tộc nô lệ về khoa học.
Hiện nay, với trình độ khoa học - kỹ thuật còn thấp, chúng ta chưa có kỳ vọng chiếm giải thưởng cao quý như giải Nobel. Nhưng chúng ta có thể bắt đầu bằng việc xây dựng một nền khoa học cơ bản tốt làm nền tảng cho những nghiên cứu ứng dụng sau này. Nếu chỉ nhìn lợi ích của nghiên cứu bằng tầm nhìn năm năm hay mười năm thì khó xây dựng được một nền khoa học cơ bản đúng nghĩa.
Bài học từ hành trình của giáo sư Robert Edwards là xã hội và cơ quan tài trợ nên cởi mở với những ý tưởng mới, táo bạo và tạo điều kiện cho nhà khoa học theo đuổi ý tưởng của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận