Theo đó, chủ cơ sở sản xuất giống thủy sản có trách nhiệm tuân thủ quy hoạch về nuôi trồng thủy sản của địa phương, các quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật về sản xuất giống thủy sản. Đảm bảo nguồn nước phải được xử lý diệt tạp, mầm bệnh trước khi đưa vào sản xuất. Hệ thống nuôi đảm bảo việc vệ sinh, khử trùng dễ dàng và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt.
Sử dụng giống thủy sản bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền cấp. Khi phát hiện giống thủy sản bố mẹ có dấu hiệu bất thường, nghi nhiễm bệnh phải nuôi cách ly, giám sát chặt chẽ và không cho sinh sản. Có quy trình kiểm soát an toàn sinh học để đảm bảo giống sạch bệnh.
Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm tuân thủ quy hoạch về nuôi trồng thủy sản và thực hiện đúng lịch thả nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản địa phương. Bên cạnh đó, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc, hóa chất thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Đối với thức ăn tự chế, thức ăn tươi sống phải đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Khi thủy sản nuôi bị mắc bệnh phải xử lý nước, chất thải trong cơ sở nuôi, đảm bảo tiêu diệt hết mầm bệnh trước khi xả ra môi trường. Trong trường hợp có dịch bệnh, chủ cơ sở nuôi cần chủ động điều trị thủy sản mắc bệnh theo hướng dẫn của Chi cục Thú y và chỉ sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong danh mục thuốc thú y, chế phẩm sinh học, hóa chất dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
Về thu hoạch thủy sản trong ổ dịch, chủ cơ sở nuôi phải thông báo với Trạm Thú y về mục đích sử dụng, các biện pháp xử lý, kế hoạch thực hiện và biện pháp giám sát việc sử dụng thủy sản mắc bệnh. Đặc biệt, không được sử dụng thủy sản mắc bệnh làm giống, thức ăn tươi sống cho thủy sản khác; chỉ vận chuyển thủy sản đến các cơ sở mua, bán, sơ chế, chế biến và cơ sở này phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về an toàn dịch bệnh trong quá trình sơ chế, chế biến…
Về khử trùng sau thu hoạch, tiêu hủy đối với ổ dịch, Thông tư nêu rõ, chủ cơ sở thực hiện khử trùng nước trong bể, ao, đầm; khử trùng công cụ, lồng nuôi, xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh bằng hóa chất được phép sử dụng sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy thủy sản, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng hóa chất và đảm bảo vệ sinh môi trường. Chủ cở sở nuôi được hưởng hỗ trợ của Nhà nước về phòng, chống dịch theo quy định hiện hành.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận