14/06/2014 08:30 GMT+7

Lực lượng phiến quân ồ ạt tiến về Baghdad

Tổng thống Obama
Tổng thống Obama

TT - Đất nước Iraq đang tiến gần hơn tới nguy cơ nội chiến và tan rã khi lực lượng người Kurd đã chiếm thêm thành phố Kirkuk ở phía bắc và lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) phăng phăng tiến gần hơn đến Baghdad.

Tổng thống Mỹ: Iraq cần sự giúp đỡ của Mỹ và quốc tế500.000 người tháo chạy khỏi thành phố lớn của IraqLHQ họp khẩn cấp vì bạo loạn khiến dân Iraq tháo chạy

Lx3qdxYU.jpgPhóng to
Lực lượng ISIL tiến quân về Baghdad ngày 12-6, trên những chiếc xe do lực lượng an ninh Iraq bỏ lại - Ảnh: Reuters

Với việc chính quyền của Thủ tướng Nouri al-Maliki không thể kiểm soát được cuộc chiến đang lan rộng, các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau ở Iraq đều đang tìm cách cầm súng bảo vệ an ninh cho chính mình. Các nhân chứng cho biết binh sĩ của chính quyền Baghdad dễ dàng tan rã và hầu như không chiến đấu khi bị các tay súng tấn công ở các thành phố.

Quốc hội Iraq lên kế hoạch hôm 12-6 để tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng cuối cùng kế hoạch này đã không đạt được sự đồng thuận - một dấu hiệu nữa của sự tan rã.

Ba mũi tấn công Baghdad

"Tôi không loại trừ bất cứ điều gì vì chúng ta có lợi ích trong việc đảm bảo các tay súng này không có căn cứ lâu dài ở cả Iraq và Syria"

Theo báo Le Monde (Pháp), hôm qua lực lượng phiến quân ISIL chia làm ba mũi nhắm tới Baghdad, đồng thời củng cố lực lượng tại những nơi đã chiếm giữ. Thượng nghị sĩ Roy Blunt của Mỹ cũng khẳng định hôm 12-6 Thượng viện Mỹ được thông báo là bốn trong tổng số 17 sư đoàn quân ở Iraq đã tan rã ngay tức khắc khi bị tấn công.

Trong khi đó, lực lượng quân đội người Kurd Peshmerga cho biết họ đã chiếm thành phố phía bắc Kirkuk và đang cho phép lính Iraq chạy khỏi khu vực, đồng thời đảm bảo cho những người tị nạn từ nơi khác có thể chạy đến.

Quyết định của lực lượng người Kurd triển khai quân ở khu vực này cho thấy tình trạng phân rã ngày càng rõ tại Iraq. Với việc chiếm được Kirkuk cùng trữ lượng dầu mỏ lớn ở vùng đất này, lực lượng người Kurd càng có ít lý do phải ở lại trong chính thể tại Iraq. Việc lực lượng người Kurd mở rộng ảnh hưởng của mình cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ và có lượng dân người Kurd lớn, lo sợ.

Thất bại của Washington

“Những gì chúng ta thấy vài ngày qua cho thấy Iraq cần sự giúp đỡ - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng tại Nhà Trắng về diễn biến mới - Đội ngũ của chúng tôi đang làm việc tích cực để xem cách nào có thể hỗ trợ hữu hiệu cho họ”. Ông Obama tuyên bố để ngỏ mọi phương án, kể cả quân sự, trước những diễn biến mới ở Iraq khi được hỏi về khả năng không kích.

Nhưng các quan chức Nhà Trắng loại trừ khả năng quân Mỹ sẽ được triển khai trở lại Iraq. Một quan chức quốc phòng nói Mỹ đã cho triển khai máy bay do thám không người lái để giúp Iraq chiến đấu với lực lượng ISIL.

Trong bài phát biểu của mình, ông Obama cũng nhắc lại lời chỉ trích về việc chính quyền Hồi giáo Shiite của Thủ tướng al-Maliki đã làm không tốt việc hàn gắn rạn nứt ở Iraq - nơi dân Hồi giáo Sunni chiếm đa số nhưng hầu như không có cơ hội nắm quyền kể từ sau khi Saddam Hussein bị lật đổ. Điều đó càng khiến người Sunni căm giận và nuôi ý chí trả thù.

Cũng cần thấy rằng sự tan rã nhanh chóng của quân đội Iraq là thất bại lớn của chính Washington. Mỹ đã chi gần 25 tỉ USD cho việc đào tạo và trang bị cho lực lượng này trong gần 10 năm qua. Tình trạng tham nhũng và ý chí chiến đấu thấp khiến lực lượng này hoạt động không hiệu quả khi đối đầu với quân nổi dậy ISIL. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận với Reuters rằng Washington thất vọng với sự “sụp đổ có hệ thống” của quân đội Iraq.

Nguy cơ xung đột khu vực

Lợi dụng tâm lý thù ghét lực lượng Shiite nắm quyền, lực lượng Hồi giáo Sunni ISIL đang đẩy mạnh kế hoạch thành lập quốc gia Hồi giáo riêng trên lãnh thổ của cả Iraq và Syria. Trước nguy cơ lực lượng Sunni có thể sớm đánh bại chính quyền Shiite, Iran (quốc gia có người Hồi giáo Shiite chi phối) đã gửi lực lượng Vệ binh cộng hòa vào Iraq. Theo Wall Street Journal, ít nhất ba tiểu đoàn quân Iran đã vào Iraq. Tướng Qasem Sulaimani, tư lệnh lực lượng Quds của Iran, cũng sẽ tới Baghdad trong tuần này để giúp Iraq đối phó với tình hình.

Với việc mất phần lớn khu vực thung lũng Euphrates ở phía tây hồi năm ngoái và mất hạ lưu sông Tigris ở phía bắc trong mấy ngày vừa rồi, chính quyền Iraq có thể chỉ còn mỗi Baghdad và khu vực ở phía nam - nơi có phần lớn dân Hồi giáo Shiite sinh sống.

Cuộc chiến có nguy cơ trở thành xung đột khu vực khi cả Iran, lực lượng cung cấp vũ khí cho nhóm Hồi giáo Shiite ở Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đều có thể tham chiến tại đây.

Tình trạng bất ổn ở Iraq - nhà cung cấp dầu hàng đầu thế giới - đã tác động mạnh lên thị trường tài chính thế giới, đẩy giá dầu tăng mạnh trong khi giá chứng khoán ở Mỹ rớt nhanh.

Nguy cơ cao đối với an ninh Trung Đông

Giới phân tích đánh giá nếu ISIL duy trì được quyền kiểm soát Mosul - thành phố lớn thứ hai ở Iraq, lực lượng này sẽ đạt bước tiến lớn trong việc thành lập chính quyền Hồi giáo mới trên lãnh thổ nối giữa Iraq và Syria. Sự kiện này được đánh giá là chiến dịch quan trọng nhất của lực lượng Hồi giáo kể từ sau sự kiện 11-9-2001 và có thể dẫn tới việc thay đổi biên giới từng được Anh, Pháp vẽ cách đây gần một thế kỷ. Thành công của ISIL sẽ đẩy Trung Đông vào giai đoạn bất ổn mới và khiến nhiều nước lớn phải quay sự chú ý trở lại khu vực này.

Tổng thống Obama
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên