“Cơn đau đầu” của nhà báo Nga Dmitry KosyrevASEAN ra tuyên bố về biển Đông: động thái đặc biệtTrung Quốc tiếp tục bẻ cong sự thật về biển Đông
Giáo sư, tiến sĩ sử học Vladimir Kolotov đã kể Tuổi Trẻ nghe câu chuyện này ngay sau giờ dạy của ông tại Đại học Saint Petersburg chiều 23-5.
* Thưa giáo sư, chúng tôi được biết ông đã cho sinh viên đọc bài của Kosyrev trong giờ dạy của mình. Sinh viên của ông đã nhận định như thế nào?
Gs Vladimir Kolotov - Ảnh: Ngô Vương Anh |
Họ không đồng ý với tác giả của bài báo về năm điều như sau:
1) Việc coi Việt Nam và Philippines như là “Ukraine của Trung Quốc”.
2) Tác giả tính sai khoảng cách của giàn khoan Hải Dương 981 từ bờ biển của Trung Quốc và Việt Nam.
3) Họ phản đối quan điểm Việt Nam cách đây 2.000 năm là phần của Trung Quốc.
4) Họ chưa bao giờ nghe về việc các nhà trí thức Việt Nam đã ra sức để chứng minh rằng Việt Nam không phải là Trung Quốc.
5) Họ đồng ý là đã có một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 1979, nhưng họ không chấp nhận thái độ của Kosyrev nói trong bài là “vì lý do nào thì không quan trọng” bởi vì đây là vấn đề có tính thời sự cao trong bối cảnh chính trị hiện tại.
* Tình hình biển Đông đang là đề tài rất nóng ở Việt Nam. Sinh viên Nga nói riêng và người Nga nói chung nắm thông tin về tình hình này ra sao, thưa ông?
- Tôi không rõ ý kiến của người Nga nói chung. Điều đó phụ thuộc vào chất lượng tài liệu họ đọc và xem qua mạng để tìm hiểu tình hình ở châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay ở Nga, phương tiện truyền thông đại chúng là đa nguyên, nên người ta có thể tìm được thông tin theo ý mình. Nhưng sinh viên khoa Việt Nam học của Đại học Tổng hợp quốc gia St. Petersburg chắc chắn biết cách phân biệt độ tin cậy của tài liệu, cho nên họ có ý kiến khác và ý kiến của họ dựa vào tài liệu nghiên cứu của các nhà sử học hàng đầu của Việt Nam.
* Các cư dân mạng học và làm việc ở Nga đã tìm hiểu về Kosyrev, thấy ông ấy chưa từng sống và làm việc ở Việt Nam. Sao ông ta lại có thể đưa ra những nhận định sai trái như vậy, và tại sao hãng truyền thông uy tín RIA lại đăng bài báo không trung thực lẫn thiếu khách quan như thế?
- Ông Kosyrev là nhà báo hợp tác lâu năm với Thông tấn xã RIA và có nhiều bài viết về các vấn đề châu Á nên có uy tín trong mắt của ban biên tập. Đồng thời ông ta đã học tại Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi là một ngôi trường danh tiếng ở Nga trong ngành Đông phương học. Có lẽ với tư cách là nhà Trung Quốc học, ông ta sử dụng tài liệu nào đó bằng tiếng Trung Quốc về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nên trên cơ sở này đưa ra một số ý kiến riêng, thậm chí là giả thiết, làm những người hiểu biết lịch sử Việt Nam bất bình.
* Câu hỏi lớn của không ít người Việt Nam hiểu biết về Nga: Vì sao có những thông tin sai lệch về Việt Nam như thế trên một phương tiện truyền thông đại chúng Nga như RIA?
- Tôi nghĩ đây là một sự trùng hợp: bài báo được viết trên cơ sở tài liệu không tin cậy trong lĩnh vực mà tác giả không phải là chuyên gia được in đúng vào lúc tình hình ở biển Đông căng thẳng nên gây phản ứng mạnh mẽ như thế. Cách đây hai năm, RIA còn in một bản đồ về mối tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, trên bản đồ này họ còn bố trí hẳn hoi một căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam! Lúc đó một số nhà phân tích sử dụng bản đồ này để tiến hành công trình nghiên cứu về hệ thống an ninh tại Đông Á. Theo đó, các sai lầm dần dần được phổ biến và làm thay đổi cách nhìn, phân tích của các tác giả và độc giả. Đặc biệt là trong lĩnh vực mà tác giả và người đọc không phải là chuyên gia thì rất dễ bị rơi vào tình trạng tương tự.
Tôi còn có cả bộ sưu tập các tài liệu “lạ” giới thiệu Việt Nam một cách “khác thường”. Nếu độc giả bình thường đọc sách như vậy thì sẽ rơi vào một “vương quốc gương méo”. Kiến thức về Việt Nam của người dân Nga được xây dựng trên cơ sở không chính xác như thế, dần dần hình thành cách nhìn thế giới kiểu như vậy từ giới bình dân đến giới trí thức, dẫn đến phản ứng chống lại, xuyên tạc và vu khống.
Thế giới thông tin nhiễu loạn Theo tôi, đối với nhà sử học tương lai, phương pháp phân tích thông tin là hết sức quan trọng. Theo học thuyết thông tin thì hiện nay gần 80% thông tin dễ tìm trên mạng có giá trị băng nhiễu. Trong 20% thông tin còn lại thì 15% có độ tin cậy 50/50, tức 50% sai lệch và xuyên tạc và 50% tương đối tin cậy. 5% còn lại là thông tin tin cậy tuyệt đối được bảo vệ chặt chẽ theo luật. Nhiều khi phân biệt cái gì, ở đâu không phải là dễ. Trong đó là ý kiến của các chuyên gia, bài báo, cơ sở dữ liệu chuyên nghiệp. Tài liệu này cần phải tìm, chọn, phân tích xem cái gì đúng hoặc sai. Để đánh lừa dư luận, người ta sử dụng đủ các loại thủ đoạn, kể cả công nghệ tâm lý chiến và NLP (ngôn ngữ lập trình tư duy). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận