Cận cảnh cuộc đảo chính quân sự ở Thái LanQuân đội Thái Lan ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc Mỹ hi vọng quân đội Thái không làm đảo chính
Phóng to |
Quân đội kiểm tra xe cộ trên đường phố Bangkok đêm 22-5 - Ảnh: Việt Phương |
Việc quân đội tuyên bố đảo chính chiều qua thực chất không phải là một động thái quá bất ngờ đối với giới thạo tình hình ở Bangkok. Trên thực tế, như lời giảng viên Patiwat Panurach thuộc Trường đại học Thammasat (Bangkok) trao đổi với Tuổi Trẻ, quyền lực của chính phủ lâm thời trên thực tế không còn nhiều sau khi tòa án Thái Lan tuyên bác bỏ kết quả bầu cử ngày 2-2.
Ban bố giới nghiêm
Mỹ xem xét lại hỗ trợ quân sự Lầu Năm Góc ngay lập tức tuyên bố đang xem xét lại các cam kết và hỗ trợ quân sự với Thái Lan, bao gồm một cuộc diễn tập quân sự, sau khi bên quân đội chiếm quyền kiểm soát chính phủ. Ủy ban châu Âu kêu gọi khôi phục tiến trình dân chủ ở Thái Lan sau cuộc đảo chính. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng bày tỏ quan ngại, kêu gọi bãi bỏ lệnh giới nghiêm tại Thái Lan và tiến hành đàm phán để tìm giải pháp hòa bình. Trước đó, cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng tuyên bố lo ngại lệnh giới nghiêm ảnh hưởng đến tự do của người dân. Anh đã khuyến cáo công dân của mình đang du lịch tại Thái Lan tuân theo các khuyến cáo du lịch. Còn Tổng thống Pháp François Hollande đã chỉ trích cuộc đảo chính. |
Sau khi tuyên bố đảo chính, quân đội Thái Lan đã ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, bắt đầu từ 22g đến 5g sáng hôm sau. Tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok), theo quan sát của Tuổi Trẻ, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Các điểm đón taxi công cộng đông nghẹt người, trong khi các quầy cho thuê xe riêng lắc đầu từ chối chở khách vì hết xe và đến giờ giới nghiêm.
Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm này cũng được miễn cho một số đối tượng như quan chức chính phủ, công nhân viên các công ty tư nhân phải làm ca đêm, nhân viên hàng không, những người có nhu cầu đi lại khẩn cấp để chữa bệnh hoặc các lý do nhân đạo khác. Người dân được khuyên xin phép lực lượng quân đội gần nơi mình ở.
Những người chuẩn bị xuất cảnh hoặc nhập cảnh Thái Lan cũng sẽ được phép đi lại ngoài đường để đến điểm cần đến, như đến sân bay và từ sân bay về nơi ở trong trung tâm. Sự miễn trừ này nhằm giảm thiểu tác động của lệnh giới nghiêm.
Theo quan sát của Tuổi Trẻ, mặc dù một số xe cộ vẫn chạy trên đường trong trung tâm Bangkok nhưng nhìn chung đường phố vắng vẻ hơn thường ngày. Trước đó, các trung tâm mua sắm và hệ thống tàu điện đã ngưng hoạt động từ khoảng 20g-21g để đảm bảo người dân về nhà trước giờ giới nghiêm.
Quyết định đảo chính ngay trong đàm phán
Lúc đầu giờ chiều, các đảng phái chính trị, các phong trào chính trị ở Thái Lan tiếp tục đàm phán để tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng kéo dài hơn nửa năm qua tại nước này. AFP dẫn lời người phát ngôn lực lượng lục quân cho biết tổng tư lệnh lục quân - tướng Prayuth Chan-ocha hôm trước đó đã yêu cầu các bên tham gia đàm phán tìm ra các đề xuất cho một giải pháp sau ngày đàm phán đầu tiên thất bại.
Phe áo đỏ ủng hộ chính phủ đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về thời điểm tổ chức bầu cử và cho rằng đây là giải pháp tốt nhất. Lãnh đạo phong trào áo đỏ Jatuporn Phromphan cho rằng người dân nên được hỏi ý kiến về việc muốn bầu cử mới ngay lập tức hay là cải tổ chính trị xong rồi mới bỏ phiếu. Ông Jatuporn nói phe áo đỏ sẽ tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.
Lãnh đạo lực lượng biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban trong khi đó vẫn giữ nguyên quan điểm thành lập một chính phủ trung lập, cải tổ chính trị rồi mới bầu cử. Còn chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva lại nêu ra một số đề xuất, trong đó có việc chấm dứt mọi hình thức bạo lực, đề ra lịch trình cải tổ chính trị trước và sau bầu cử, thiết lập hệ thống đảm bảo bầu cử trong sạch và công bằng.
Cựu thủ tướng Abhisit cũng nói các bên hi sinh lợi ích của mình để bế tắc hiện nay sớm được giải quyết. Ông kêu gọi chính phủ tạm quyền từ chức để tiến trình cải tổ chính trị bắt đầu và sau đó là bầu cử.
Tuy nhiên, có vẻ như những sự bàn thảo trong cuộc đàm phán đã không đem lại kết quả khiến tướng Prayuth không hài lòng. Truyền thông địa phương cho biết quyết định đảo chính được ông Prayuth đưa ra ngay trong cuộc đàm phán. Ông Prayuth đã hỏi Bộ trưởng tư pháp lâm thời Chaikasem Nitisiri rằng chính phủ có chịu từ chức không. Khi câu trả lời từ chính phủ là không, ông Prayuth thông báo quân đội chiếm quyền từ chính phủ.
Ông Prayuth và năm ủy viên Ủy ban bầu cử sau đó rời phòng họp. 20 người còn lại, bao gồm các đại diện của phe áo đỏ, phe biểu tình chống chính phủ, Đảng Phuea Thai cầm quyền, Đảng Dân chủ đối lập được áp giải đi và nằm trong sự kiểm soát của quân đội.
Hiến pháp bị đình chỉ
Quân đội cũng tuyên bố thành lập Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia (NPOMC) với tướng Prayuth Chan-ocha làm người đứng đầu hội đồng này. Truyền thông Thái Lan cho biết cảnh sát trưởng quốc gia Adul Saengsingkaew, tổng tư lệnh không quân Prajin Juntong, tổng tư lệnh hải quân Narong Pipattanasai cùng tổng tham mưu trưởng Thanasak Pratimaprakorn làm cấp phó của ông Prayuth.
Ngay lập tức NPOMC cũng tuyên bố đình chỉ tạm thời hiến pháp. Tuy nhiên, NPOMC vẫn giữ lại điều 2 hiến pháp: “Thái Lan là một thể chế dân chủ với một chính phủ do nhà vua làm nguyên thủ quốc gia”.
Dù chính phủ tạm quyền cũng bị xóa bỏ nhưng thượng viện, tòa án và các cơ quan độc lập vẫn tiếp tục làm công việc của mình. Tướng Prayuth giải thích đảo chính là cần thiết để ngăn chặn mất mát thêm sinh mạng, đồng thời lập lại trật tự và thúc đẩy cải tổ.
Cũng trong hôm qua, quân đội ra lệnh cho Thủ tướng lâm thời Niwattumrong Boonsongpaisan và 17 bộ trưởng trong nội các ra trình diện quân đội vào hôm nay (23-5). Các nhóm biểu tình bất kể là phe nào cũng được yêu cầu trở về nhà.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Patiwat nói: “Tôi có một cảm giác tồi tệ rằng đây không phải là một cuộc đảo chính mà mọi người đều có thể chấp nhận”. Ông nói từ lâu phe áo đỏ đã dọa rằng một cuộc đảo chính sẽ dẫn đến việc thành lập một chính phủ lưu vong. Thậm chí, một số lãnh đạo áo đỏ cũng cảnh báo đảo chính sẽ dẫn đến một sự đáp trả vũ trang.
Hôm qua, các đài truyền hình và đài phát thanh được lệnh ngưng phát sóng các chương trình thông thường để phát các nội dung của quân đội. Theo quan sát của Tuổi Trẻ, màn hình tivi các kênh đều đăng logo của NPOMC và phát các bài hát yêu nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận