15/04/2014 17:12 GMT+7

Tàu ngầm tìm kiếm máy bay mất tích cách nào?

HẢI MINH (Theo CNN)
HẢI MINH (Theo CNN)

TTO - Bốn tiếng “ping” và một vết dầu loang. Đó là những gì mà cuộc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích của Hãng hàng không Malaysia Airlines thu được cho tới giờ.

Úc đưa tàu ngầm mini Bluefin-21 tìm MH370ĐTDĐ của cơ phó MH370 đã liên lạc với trạm phát sóng

iuavfHzF.jpgPhóng to
Tàu ngầm Bluefin-21 sắp được hạ thủy - Ảnh: bluefinrobotics.com

Không bóng dáng một mảnh vỡ, không có gì đảm bảo vị trí của chiếc máy bay, nhưng đội tìm kiếm đã quyết định thu hẹp phạm vi và bắt đầu phần việc tiếp theo: sử dụng thiết bị tìm kiếm dưới đáy đại dương. Nhưng chiếc tàu ngầm không người lái nhỏ xíu Bluefin-21 sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức trong nỗ lực tìm ra chiếc máy bay chở 239 người trên đó.

* Tàu ngầm tìm kiếm như thế nào dưới nước?

Bluefin-21 là một thiết bị lặn không người lái có trang bị máy quét sóng âm, công nghệ tạo ra các hình ảnh từ việc phản xạ lại sóng âm thay vì sóng ánh sáng. Thiết bị này sẽ gửi đi các tín hiệu rung tạo ra bản đồ ba chiều đáy đại dương, theo hải quân Mỹ. Thiết bị sẽ được điều khiển từ xa trên mặt biển, do Hãng Phoenix International, một nhà thầu tư nhân của hải quân Mỹ, thiết kế và vận hành.

“Khi đạt tới độ sâu thích hợp, nó sẽ bật các thiết bị cảm ứng lên - David Kelly, chủ tịch và giám đốc điều hành hãng chế tạo thiết bị Bluefin Robotics, cho biết - Sau đó nó sẽ khởi động một thiết bị có tên là bộ phận cắt cỏ, với hàng loạt cảm ứng song song để “cảm nhận” bề mặt đáy đại dương, như bạn cắt cỏ trước nhà”.

* Bluefin-21 sẽ được thả ở đâu?

Các chuyên gia chưa thể thả Bluefin-21 xuống biển trong lần thử thứ nhất vì đáy biển có địa hình phức tạp hơn dự kiến và nếu làm mất chiếc tàu lặn, công tác trục vớt sẽ lại làm tốn thêm thời gian. Đợt thả thứ hai dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay 15-4, ở khu vực phát ra nhiều tiếng “ping” nhất theo ghi nhận từ tàu tìm kiếm của Úc Ocean Shield. Thiết bị này dự kiến sẽ hoạt động ở độ sâu từ 4.000-4.500m dưới mặt nước biển, cách đáy biển khoảng 35m, theo hải quân Mỹ. “Đó là chiều cao tối ưu cho các thiết bị cảm ứng gắn trên Bluefin” - Kelly nói.

* Bluefin-21 đi được bao xa và nhanh tới đâu?

Lần tìm kiếm thứ nhất của Bluefin-21 dự kiến trong một phạm vi 40km2 và sẽ mất từ sáu tuần tới hai tháng để rà soát toàn bộ khu vực này, hải quân Mỹ cho biết. Sở dĩ chậm như vậy là vì Bluefin bò với tốc độ của một con rùa thật sự, theo lời Sylvia Earle, một nhà đại dương học ở Viện Địa lý quốc gia Mỹ, kiêm trưởng bộ phận khoa học của Cục Khí tượng thủy văn và đại dương Mỹ. Nhưng những hình ảnh Bluefin-21 chụp được rất rõ và đội tìm kiếm hi vọng sẽ thấy chiếc máy bay ngay lập tức nếu nó rơi vào tầm cảm ứng của Bluefin-21.

* Địa hình dưới đáy biển ra sao?

Đáy biển ở khu vực tìm kiếm không phải là vùng đồi núi trập trùng, nó khá bằng phẳng, theo lời trưởng đội điều phối tìm kiếm của Úc Angus Houston. Nhưng ông cảnh báo vùng đáy biển này có nhiều bùn cát, có thể khiến cuộc tìm kiếm gặp khó khăn. Houston cũng cảnh báo dư luận không nên quá hi vọng. “Nó có thể không tìm thấy chiếc máy bay - ông nói - Đây sẽ là một quá trình chậm chạp và đau đớn”.

* Chúng ta thấy gì qua Bluefin-21?

Chiếc tàu ngầm có chu kỳ hoạt động 24 tiếng, nên mỗi ngày chỉ có thể sử dụng nó một lần và sẽ chưa thu được thông tin gì cho tới cuối mỗi chu kỳ tìm kiếm, Houston nói. Phải mất hai tiếng Bluefin-21 mới xuống tới khu vực tìm kiếm. Sau đó nó sẽ lần mò dưới đáy đại dương trong 16 tiếng rồi mất hai giờ nữa để nổi lên. Sau đó, sẽ mất bốn giờ để tải xuống và phân tích các dữ liệu, theo lời Houston.

* Điều gì xảy ra khi tìm thấy các mảnh vỡ?

Một khi các mảnh vỡ được định vị, các thiết bị khác, cũng điều khiển từ xa, sẽ được đưa xuống để thu hồi hộp đen. Các thiết bị lặn không người lái hoạt động ở độ sâu trên 4.800m so với mặt biển sẽ cần nạp điện thông qua một sợi dây cáp nối với một tàu ở phía trên. “Trên thế giới không có nhiều thiết bị làm được chuyện này”, Earle nói. Hiện chỉ có Mỹ, Nga, Nhật Bản, Pháp và Trung Quốc sở hữu công nghệ đó, theo lời Earle.

* Tại sao vẫn chưa tìm thấy mảnh vỡ nào?

Thật ra điều đó không có gì ngạc nhiên, theo lời chuyên gia hàng không David Soucie, tác giả cuốn Why Planes Crash (Tại sao máy bay gặp tai nạn). Thứ nhất, có thể là vùng tìm kiếm đã bị định vị sai, như với trường hợp chuyến bay 447 của Hãng Air France năm 2009 gặp nạn ngoài Đại Tây Dương khiến tất cả 228 người trên máy bay thiệt mạng. Thứ hai, có thể chiếc máy bay đã chìm toàn bộ xuống đáy biển chứ không vỡ tan tành. Nếu như thế, việc thu hồi hộp đen có thể phức tạp do hộp đen vẫn còn ở đuôi máy bay. Các điều tra viên sẽ phải tháo dỡ phần đuôi để lấy hộp đen ra.

* Còn máy xác định tiếng “ping” thì sao?

Rất khó dùng thiết bị đó ở thời điểm này. Các máy phát tiếng “ping” gắn với hộp đen có thời gian hoạt động chỉ khoảng 30 ngày. Ngày 14-4 đánh dấu ngày thứ 38 của cuộc tìm kiếm. Thêm nữa, đội điều tra đã không xác định thêm được tiếng “ping” mới nào trong sáu ngày qua, theo lời Houston.

* Chúng ta biết gì về vệt dầu loang?

Tối 13-4, tàu Úc Ocean Shield tìm thấy một vệt dầu loang ở khoảng cách 5,5km dưới gió so với nơi phát hiện các tiếng “ping”. Một mẫu nước biển có vệt dầu 2 lít đã được đưa về phân tích, nhưng sẽ phải mất vài ngày mới có thể đưa mẫu lên một tàu tìm kiếm, mang nó vào đất liền, rồi đưa bằng trực thăng tới Perth, Úc, nơi có phòng thí nghiệm có thể tiến hành cuộc xét nghiệm, theo lời đại úy hải quân hoàng gia Úc Brett Sampson.

* Bí ẩn MH370 sẽ được giải đáp khi tìm thấy hộp đen?

Chưa chắc. Thiết bị ghi âm chỉ có hai giờ cuối cùng trong buồng lái. Các chuyên gia tin rằng MH370 đã bay gần bảy tiếng đồng hồ ra khỏi hành trình dự kiến, nên những dữ liệu quan trọng có thể đã bị ghi chồng lên và không còn nữa. Nhưng mặt tích cực là ngay cả khi hộp đen hết pin, dữ liệu vẫn có thể phục hồi. Dữ liệu trong các hộp đen máy bay có thể tồn tại nhiều năm trong điều kiện nước biển khắc nghiệt.

HẢI MINH (Theo CNN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên