23/02/2014 09:29 GMT+7

"Chiến binh bắp rang bơ" ở Thái Lan

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Dù chưa bị cảnh sát bắt nhưng các lãnh đạo biểu tình ở Thái Lan hiện đang tự giam mình trong các khu vực biểu tình và không dám ra ngoài khi nhiều lệnh bắt đang đợi họ.

Những màu áo "nhạy cảm" ở Thái LanThái Lan sẽ điều động 15.000 cảnh sát, binh sĩ chống biểu tìnhTòa án Thái Lan cấm sử dụng vũ lực với người biểu tình

cdeiSCrz.jpgPhóng to
Một “chiến binh bắp rang bơ” với khẩu súng giấu trong bao tải hôm 1-2 - Ảnh: Reuters

Tòa án dân sự Thái Lan vừa qua đã ra phán quyết cấm chính phủ lâm thời sử dụng lệnh tình trạng khẩn cấp để trấn áp biểu tình. Đây là tin vui cho những người tham gia biểu tình và những lãnh đạo biểu tình đang đối mặt lệnh bắt do chống lệnh tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên, đối với nhiều lãnh đạo biểu tình chủ chốt thuộc lực lượng Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC), những người đang đối mặt hàng loạt cáo buộc từ phản loạn cho tới việc chặn cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 vừa qua, phán quyết trên của tòa không hẳn là tin vui. Điều này có nghĩa là cuộc chơi “mèo vờn chuột” giữa họ và nhà chức trách vẫn tiếp tục.

Hơn 100 vệ sĩ và 3 vòng bảo vệ

Kể từ khi chính phủ lâm thời ở Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 21-1 ở Bangkok và các vùng phụ cận, lực lượng an ninh đã tăng cường hoạt động gìn giữ trật tự. Bản thân lãnh đạo PDRC Suthep Thaugsuban đã nhiều lần nhắc nhở người biểu tình phải hết sức cẩn thận, nhất là những lãnh đạo đang đối mặt với các lệnh bắt.

An ninh dành cho ông Suthep được thắt chặt tối đa mỗi khi ông rời địa điểm biểu tình để tham gia các hoạt động khác. Còn khi ông ở lại khu vực biểu tình qua đêm, báo Bangkok Post cho biết ông được bao quanh bởi ít nhất ba hàng rào vệ sĩ. Số lượng vệ sĩ có thể lên đến 100 người một lúc. Ông được cảnh báo không lơ là và nếu có thể, ông phải luôn ở giữa đám đông để tránh việc bị bắt hay phục kích.

Chỉ một lỗi lầm nhỏ của lực lượng vệ sĩ cũng có thể khiến lãnh đạo biểu tình lãnh đủ như vụ lãnh đạo biểu tình Sothiyan Chuenruthainaitham bị cảnh sát bắt vừa qua. Ông được lực lượng vệ sĩ đưa đến trung tâm mua sắm Central Plaza hôm 10-2 và bị bắt sau đó. Tuy nhiên, ông này đã được cảnh sát cho tại ngoại sau bảy ngày bị bắt.

Vì thế, theo Bangkok Post, để giảm nguy cơ bị bắt, nhiều lãnh đạo biểu tình đã quyết định lấy nơi biểu tình làm nhà. Điển hình có ông Issara Somchai, người được giao phụ trách lãnh đạo biểu tình ở khu vực Lad Phrao, từ lâu đã không thể về quê và cứ phải bám trụ trong lều trại được dựng lên trong khu vực biểu tình.

Một lãnh đạo biểu tình khác là ông Natthapol Teepsuwan còn không thể trú tại khách sạn do gia đình ông làm chủ vì cảnh sát có thể ập đến bắt ông bất cứ lúc nào. Có lãnh đạo biểu tình khi muốn gặp con cái phải nhờ vợ đưa chúng đến địa điểm biểu tình để... “thăm nuôi” cha.

Cũng như những người biểu tình khác, các lãnh đạo biểu tình sẽ được phục vụ cơm nước từ khu vực bếp của điểm biểu tình. Nếu họ muốn tập thể dục thì sẽ có một khu vực dành riêng với hàng rào an ninh xung quanh.

Các “chiến binh bắp rang bơ”

Gần đây, trong một số vụ đụng độ trên đường phố Bangkok, một số tay súng không xác định đã xuất hiện và bảo vệ người biểu tình chống chính phủ. Những tay súng không xác định này gây chú ý sau khi đọ súng với những người áo đỏ ủng hộ chính phủ tại Trường đại học Ramkhaeng ở Bangkok ngày 30-11-2013.

Cụm từ “chiến binh bắp rang bơ” để chỉ những tay súng này bắt đầu được bàn tán nhiều, đặc biệt là trên mạng xã hội, sau vụ đụng độ tại khu vực Laksi ở Bangkok trước ngày bầu cử 2-2. Khi đó những tay súng không xác định đã xuất hiện để bảo vệ người biểu tình chống chính phủ, bắn súng về phía người của phe áo đỏ. Các tay súng trùm đầu và cầm súng giấu trong bao tải đựng bắp. Cụm từ “chiến binh bắp rang bơ” xuất hiện từ đó.

Các “chiến binh bắp rang bơ” này được cho là đã xuất hiện trở lại hôm 18-2 khi cảnh sát chống bạo động mở chiến dịch dẹp biểu tình ở cầu Phan Fa trên đại lộ Ratchadamnoen (Bangkok). Bốn người biểu tình và một cảnh sát đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ cùng 71 người khác bị thương. Bangkok Post cho biết 4-5 tay súng không xác định đã giải cứu lãnh đạo PDRC Somkiat Pongpaibul khỏi tay cảnh sát tại một địa điểm gần cầu Phan Fa.

Dư luận đang đồn đoán về danh tính của “chiến binh bắp rang bơ”. Trên một bản tin của Bangkok Post ngày 16-2, lãnh đạo PDRC Issara Somchai từng úp mở rằng “chiến binh bắp rang bơ” không phải lực lượng vệ sĩ của họ nhưng có thể là “binh sĩ quân đội đến giúp”. Nếu quả thật như vậy, một câu hỏi khác đặt ra là những binh sĩ này bảo vệ PDRC một cách tự nguyện hay được ra lệnh làm như vậy.

Quân đội phủ nhận

Tổng tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha từng bác bỏ sự liên quan của quân đội và những tay súng bí hiểm này. “Có rất nhiều người có thể di chuyển như binh lính - tướng Prayuth nói - Có người trước đây đã từng phục vụ trong quân ngũ. Đó là lý do tại sao họ có thể bắn và có chiến lược chiến đấu như một quân nhân”.

Bangkok Post cũng dẫn một nguồn tin tình báo trong quân đội nói những tay súng này được các quân nhân chuyên nghiệp huấn luyện. “Những binh sĩ giúp người biểu tình này không hành động theo lệnh của quân đội mà là tự nguyện - nguồn tin này cho biết - Một số thì được cấp trên cũ yêu cầu bảo vệ PDRC”.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên