25/01/2014 15:57 GMT+7

Phe bà Yingluck "hứng đòn" nặng

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TTO - Quyết định của Tòa hiến pháp Thái Lan ngày 24-1 rằng bầu cử có thể được hoãn lại là cú đòn nặng đối với chính quyền của bà Yingluck.

2C2uIImT.jpgPhóng to
Người biểu tình vẫn bám trụ tại nhiều điểm ở Bangkok. Ảnh: Reuters

Giới học giả về hiến pháp Thái - những người đều nói là không luật lệ nào của Thái cho phép trì hoãn bầu cử cả - rất bất ngờ trước quyết định trên và ví nó tương tự “một cuộc đảo chính về pháp lý”.

“Quyền hoãn bầu cử không hề tồn tại ở bất cứ đâu trong Hiến pháp Thái Lan” - ông Pornson Liengboonlertchai, học giả chuyên về hiến pháp tại ĐH Chulalongkorn ở Bangkok, nói trên truyền hình Thái sau khi phán quyết được đưa ra.

Quan điểm của ông Pornson giống với nhiều chuyên gia pháp lý khác cho rằng tòa án đang cố làm luật thay vì đơn thuần là cơ quan diễn giải luật. “Tòa đang cố tự tạo ra quyền này” - ông Pornson nói.

Thậm chí, một số chuyên gia về hiến pháp Thái Lan coi quyết định này giống như một dạng đảo chính bằng luật pháp của tòa án vì tạo ra khoảng trống quyền lực khi bầu cử không được tiến hành.

Phán quyết ngày 24-1 của tòa hiến pháp có hai ý. Một là cuộc bầu cử có thể trì hoãn. Và hai là quyền trì hoãn này được quyết định chung bởi chính phủ và Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) – không một cơ quan nào đơn phương đưa ra quyết định này được.

Giải thích quyết định của mình, phán quyết ngắn ngủi của tòa giải thích rằng hiến pháp “không quy định hoàn toàn rằng ngày bầu cử không thể được thay đổi”. Tòa nói các tình huống có thể trì hoãn bầu cử bao gồm có thiên tai hay các tình huống “cản trở quá trình bầu cử”, gây “tổn hại đất nước” hay “thiên tai lớn”.

Hiến pháp Thái hiện tại thì quy định bầu cử phải tiến hành “không sớm hơn 45 ngày và không trễ hơn 60 ngày sau khi Hạ viện giải tán”. Với mốc 2-2 hiện tại, cuộc bầu cử diễn ra chỉ vài ngày trước khi hạn định 60 ngày hết hạn.

Phức tạp thêm tình hình là việc Ủy ban bầu cử EC, về nguyên tắc là cơ quan độc lập, nhưng lại luôn sốt sắng tỏ ý muốn hoãn cuộc bầu cử lần này. Chính EC là cơ quan yêu cầu tòa hiến pháp ra phán quyết về chuyện hoãn bầu cử và ủy viên của họ, ông Somchai Srisutthiyakorn thì thường xuyên tỏ ý ủng hộ lực lượng biểu tình. Ông nói rằng bầu cử sẽ chỉ dẫn tới bạo lực và đảo chính quân sự.

Cho đến nay người biểu tình đã ngăn chặn việc đăng ký ứng viên bầu cử ở gần 30 đơn vị bầu cử và ngăn chặn việc Ủy ban bầu cử (EC) đào tạo nhân viên bầu cử ở Bangkok. Các cuộc bầu cử sớm sẽ bắt đầu vào ngày mai 26-1 với khoảng 2,2 triệu người đã đăng ký bầu cử sớm.

Trong khi người biểu tình tuyên bố sẽ tìm cách ngăn cản cuộc bầu cử, một cuộc thăm dò công bố hôm 24-1 của ĐH Bangkok cho thấy phần lớn người dân được hỏi (80%) đều nói họ sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 2-2 tới. Chỉ có khoảng 28% nói họ ủng hộ “cải cách trước bầu cử” như yêu cầu của phe biểu tình, những người muốn thành lập một “hội đồng nhân dân” để tiến hành cải cách.

William Pesek của Hãng tin Bloomberg bình luận rằng tình trạng bế tắc hiện tại chỉ làm hủy diệt nước Thái và “sớm hay muộn thì các công ty nước ngoài sẽ bắt đầu bỏ phiếu bằng chân (bỏ chạy)”.

Theo Pesek, kết cục của cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ là cái chết của nền kinh tế Thái và nguyên nhân là: tự sát.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên