12/01/2014 09:03 GMT+7

Thái Lan tăng nhiệt trước "ngày đóng cửa"

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Các vụ bắn súng và ẩu đả nhỏ đã xảy ra trước “ngày đóng cửa” thủ đô Bangkok. Quân đội khẳng định “sẽ không ai làm đảo chính” và kêu gọi đối thoại.

Thái Lan: nổ súng trước “ngày đóng cửa”, 1 người chếtThái Lan xoa dịu lo ngại quân đội đảo chính

sVLDDQaJ.jpgPhóng to
Người biểu tình chống chính phủ tụ tập tại tượng đài Dân chủ ở Bangkok ngày 11-1 - Ảnh: Thanh Tuấn

Rạng sáng qua, các vụ bắn súng đã xảy ra tại khu vực biểu tình của lực lượng Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) chống chính phủ trên đại lộ Ratchadamnoen của Bangkok khiến ít nhất một người chết và bảy người bị thương.

Báo Bangkok Post dẫn lời cảnh sát cho biết một vụ bắn súng xảy ra khoảng 2g45 sáng và nạn nhân thiệt mạng do đạn súng M16. Vụ thứ hai xảy ra vài giờ sau đó. Hiện nhà chức trách chưa thể xác định ai là thủ phạm. Vụ bạo lực xảy ra trong bối cảnh lực lượng của PDRC do ông Suthep Thaugsuban lãnh đạo chuẩn bị cho “ngày đóng cửa” làm tê liệt Bangkok vào ngày 13-1, nhằm đòi chính phủ từ chức và đình hoãn bầu cử ngày 2-2.

Trong khi đó tại tỉnh Pathum Thani, một nhóm áo đỏ đã ẩu đả với những người ủng hộ PDRC khiến ít nhất bốn người bị thương, khi người ủng hộ PDRC đi vận động người dân tham gia biểu tình ngày 13-1 ở Bangkok. Cảnh sát đã tìm cách ngăn chặn hai bên đánh nhau nhưng không thành. Tiếng súng và tiếng nổ vang lên. Vết đạn cũng được ghi nhận trên xe của PDRC.

Lo ngại bạo lực

45 quốc gia/vùng lãnh thổ cảnh báo đi lại đến Bangkok

Nhiều nước/vùng lãnh thổ đã khuyên công dân của mình tránh xa các địa điểm biểu tình vào ngày 13-1. Họ được khuyên đảm bảo có đủ tiền mặt trong túi, sạc pin đầy các thiết bị liên lạc cũng như có đủ nước và thực phẩm. Philippines khuyên công dân không nên mặc áo đỏ hoặc vàng ở Bangkok. Mỹ thì cảnh báo công dân hết sức cẩn thận vì biểu tình có nguy cơ leo thang thành bạo lực.

Theo Bangkok Post, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết có đến 45 quốc gia/vùng lãnh thổ khuyên công dân tránh xa các đám đông, các điểm biểu tình và tránh đi lại trong thời gian “đóng cửa”.

Trong những tuần qua, ít nhất tám người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các vụ bạo lực đường phố liên quan đến cuộc biểu tình do PDRC lãnh đạo. Giới quan sát đang lo ngại “ngày đóng cửa” sẽ làm nảy sinh thêm các vụ bạo lực.

Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra hôm 10-1 khẳng định chính phủ có đủ khả năng kiểm soát tình hình trong thời gian “đóng cửa” Bangkok. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận quan ngại về “một bên thứ ba” lợi dụng tình hình để kích động bạo lực. Bà Yingluck tiếp tục lặp lại lời kêu gọi các bên tránh đối đầu và quay lại đàm phán để tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng chính trị thông qua hội đồng cải tổ do chính phủ khởi xướng.

Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử Thái Lan (ECT) đã gửi thư đề xuất chính phủ lâm thời trình đề xuất lên nhà vua xin dời ngày bầu cử vì tình thế bế tắc chính trị hiện nay. Báo Bangkok Post dẫn lời ủy viên ECT Somchai Srisutthiyagorn lặp lại mối quan ngại của cơ quan này về các vụ bạo lực gia tăng trước thềm bầu cử. Ông thừa nhận căng thẳng chính trị đã gây sức ép lên bạn bè và người thân của nhân viên ECT, từ đó cơ quan này không đủ nhân lực để làm việc tại các điểm bỏ phiếu.

Lực lượng áo đỏ cũng gây sức ép, kêu gọi ECT và quân đội để tổng tuyển cử diễn ra, nếu không sẽ phải đối mặt với các cuộc biểu tình của họ.

“Sẽ không ai làm đảo chính”

Tổng tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan Ocha hôm qua đã tuyên bố báo giới không nên hỏi bất cứ câu nào về khả năng đảo chính nữa bởi sẽ không có ai làm điều đó. Ông kêu gọi báo giới đăng tải tin tức góp phần làm giảm thiểu bạo lực và nói các binh sĩ chỉ làm nhiệm vụ duy trì hòa bình, trật tự.

Khả năng mà ông lo ngại là bạo lực và kêu gọi các bên bình tĩnh. “Tôi quan ngại về vấn đề an ninh khi nhiều người sẽ đổ ra đường và bạo lực đã xảy ra trong các cuộc biểu tình” - tướng Prayuth bày tỏ.

Các binh sĩ Thái Lan cũng đã được triển khai đến 20 điểm trọng yếu ở thủ đô trong thời gian “đóng cửa” Bangkok. Các địa điểm này bao gồm phủ thủ tướng, sân bay quốc tế Suvarnabhumi, trụ sở các kênh truyền hình 3, 5, 7, 9, NBT, Thai PBS, Sở Cấp thoát nước, Sở Điện lực. Việc binh sĩ đến bảo vệ đài truyền hình đã gây ra tin đồn đảo chính nhưng tin này bị bác bỏ ngay sau đó.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng kêu gọi các bên kiềm chế và lên tiếng quan ngại căng thẳng sẽ leo thang trong những ngày tới. Ông Ban nói đã thảo luận với bà Yingluck và lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva trong ba ngày qua “trong một nỗ lực hàn gắn khác biệt giữa họ”. “Tôi kêu gọi các bên liên quan thể hiện sự kiềm chế, tránh các hành động gây hấn và giải quyết các khác biệt một cách hòa bình thông qua đối thoại” - ông Ban nói.

Các vụ chiếm đóng ở Bangkok

* Tháng 11-2008: Phe áo vàng thuộc lực lượng Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) chiếm hai sân bay ở Bangkok là Don Muang và Suvarnabhumi trong hơn một tuần lễ. Vụ việc chỉ kết thúc sau khi Tòa án hiến pháp tuyên bố đảng cầm quyền thân Thaksin là Palang Prachachon gian lận bầu cử, cấm các lãnh đạo đảng này hoạt động chính trị năm năm, trong đó có Thủ tướng Somchai Wongsawat (anh rể cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra). Ông Somchai coi như bị phế truất khỏi ghế thủ tướng.

* Tháng 4 và 5-2010: Phe áo đỏ thuộc lực lượng Mặt trận dân chủ chống độc tài (UDD) chiếm khu vực mua sắm Ratchaprasong ở trung tâm Bangkok trong khoảng một tháng, gây tê liệt khu vực trung tâm và thiệt hại cho các trung tâm thương mại và khách sạn lân cận. Vụ chiếm đóng kết thúc bằng việc quân đội trấn áp, đẩy lui biểu tình khiến hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên