05/12/2013 08:20 GMT+7

Người biểu tình Ukraine quyết lật đổ chính phủ

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Cuộc biểu tình trên đường phố Kiev nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych phải ký hiệp ước liên kết với Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành cuộc chiến nhằm lật đổ chính phủ.

moDUsZt2.jpgPhóng to
Người Ukraine biểu tình trước cửa tòa nhà chính phủ - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, hôm qua người biểu tình Ukraine tiếp tục vây hãm các trụ sở cơ quan chính phủ ở Kiev. Trước đó, phe đối lập đã thất bại trong việc thông qua lá phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Ukraine nhằm lật đổ chính quyền Thủ tướng Mykola Azarov. Như vậy, cuộc chiến vì tương lai Ukraine trở lại đường phố Kiev.

Hiện tại, người biểu tình đã bao vây tòa nhà nội các và chiếm giữ tòa thị chính. Họ đã lên kế hoạch bao vây văn phòng của ông Yanukovych, nơi lực lượng cảnh sát chống bạo động đang canh giữ nghiêm ngặt, và tòa nhà Quốc hội. Các lãnh đạo biểu tình tuyên bố sẽ sẵn sàng trường kỳ chiến đấu.

Đòi ông Yanukovych ra đi

Các cuộc biểu tình nổ ra từ ngày 22-11 nhằm gây sức ép buộc ông Yanukovych phải ký hiệp ước liên kết với EU. Tuy nhiên, sau vụ cảnh sát dùng vũ lực trấn áp người biểu tình hôm 30-11 tại Kiev khiến 260 người bị thương, cuộc biểu tình đã chuyển mục tiêu thành lật đổ chính phủ của ông Yanukovych. Hàng loạt chính trị gia đối lập đã dẫn đầu đoàn biểu tình, kêu gọi tổng đình công trên toàn quốc để buộc ông Yanukovych phải từ chức.

“Chúng tôi muốn toàn bộ chính phủ phải ra đi. Chúng tôi kêu gọi các đối tác nước ngoài hãy cấm vận chế độ Yanukovych. Ông Yanukovych hãy cút đi” - Bloomberg dẫn lời nghị sĩ đối lập Arseniy Yatsenyuk. Nhiều người biểu tình khẳng định sẽ quyết bám trụ trên đường phố Kiev cho đến khi đạt được mục tiêu. “Nếu không đánh bại họ, chúng ta sẽ không có tương lai - một người biểu tình tên Oleg tuyên bố - Tôi đến đây để chống lại cảnh sát vì vụ trấn áp của họ hồi cuối tuần. Mọi người đang rất giận dữ”.

Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng chỉ trích việc cảnh sát Ukraine trấn áp người biểu tình quá nặng tay. “Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Ukraine lắng nghe tiếng nói của người dân. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hành xử một cách hòa bình. Bạo lực không có chỗ trong một nhà nước châu Âu hiện đại” - ông Kerry nhấn mạnh. Thủ tướng Ukraine Azarov lên tiếng xin lỗi về tình trạng bạo lực và cho biết nhà chức trách đã mở cuộc điều tra. Tuy nhiên, ông khẳng định chính phủ sẽ đáp trả bất kỳ hành vi bạo lực nào từ phía người biểu tình.

Hiện ông Yanukovych đang công du tại Trung Quốc và sẽ trở về Ukraine vào ngày 6-12. Giới quan sát nhận định việc ông Yanukovych ra nước ngoài ở thời điểm này cho thấy ông tự tin rằng nhà chức trách sẽ duy trì được trật tự tại Kiev. Có vẻ như tổng thống Ukraine cũng đang theo đuổi chiến thuật kiên nhẫn chờ đợi cuộc biểu tình mất lửa, đặc biệt là khi mùa đông khắc nghiệt của Ukraine đang bắt đầu kéo đến.

Ảo tưởng châu Âu

Tại quảng trường Độc Lập ở Kiev, một người biểu tình tên Vasily Romanyuk, doanh nhân, giải thích lý do ông ra đường: “Chúng tôi không cần tiền của EU. Chúng tôi cần các giá trị của châu Âu”. Tạp chí Time dẫn lời chuyên gia Fyodor Lukyanov, biên tập viên tờ Russia in Global Affairs, cho biết người Ukraine coi châu Âu là một biểu tượng của tương lai tươi sáng, xã hội phát triển.

“Ngược lại, đối với người Ukraine, Nga cũng giống như đất nước của họ, chỉ đơn giản là giàu có hơn. Người Ukraine cho rằng Nga cũng chỉ là một thể chế tham nhũng, kém hiệu quả giống như Ukraine, nhưng có nhiều tài nguyên tự nhiên nên có lợi thế về kinh tế. Người Ukraine muốn rũ bỏ sự phụ thuộc đó” - ông Lukyanov nhận định.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng giấc mơ châu Âu có phần ngây thơ của người Ukraine sẽ không thay đổi được hiện thực rằng nền kinh tế nước này vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ tốt với Nga. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, châu Âu có quá nhiều rắc rối kinh tế phải giải quyết, do đó khó có thể hỗ trợ Ukraine giải quyết gánh nặng nợ nần. Trên thực tế, thỏa thuận liên kết với EU có thể gây thêm nhiều áp lực đối với nền kinh tế Ukraine.

Thủ tướng Azarov từng cho biết Ukraine sẽ tốn ít nhất 150 tỉ euro trong vòng bảy năm tới để đưa các ngành công nghiệp nước này đạt tiêu chuẩn chất lượng của EU. Đổi lại, EU chỉ hỗ trợ Ukraine vỏn vẹn 1 tỉ euro. “Nhiều người nói rằng nếu ký thỏa thuận với EU, một dòng sông tiền bạc sẽ chảy vào Ukraine. Đáng tiếc là sẽ không hề có chuyện đó” - ông Azarov nhấn mạnh. Và nền kinh tế Ukraine sẽ còn tổn thất nặng nề hơn nữa nếu đánh mất nguồn cung khí đốt giá rẻ và thị trường Nga.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên