22/09/2013 08:43 GMT+7

Hôm nay 62 triệu cử tri Đức đi bầu

LÊ HỒNG QUANG (từ Berlin)
LÊ HỒNG QUANG (từ Berlin)

TT - Các vấn đề kinh tế nổi lên vào những ngày cuối của chiến dịch tranh cử.

Ngón tay thối hâm nóng bầu cử Đức

RbYGncwv.jpgPhóng to
Thủ tướng Merkel vận động tranh cử tại Berlin ngày 21-9 - Ảnh: Reuters
Cộng đồng người Việt định cư tại Đức có hơn 137.000 người, nhưng đa số vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, do vậy hầu hết không có quyền bầu cử.

Tranh cử quốc hội tại Đức diễn ra bình lặng, quá bình lặng, khác hẳn không khí tranh cử sôi động tại Pháp và Ý. Trên đường phố cũng có các apphich tranh cử, nhưng không quá nhiều và quá lớn. Truyền hình và phát thanh cũng không dành nhiều thời lượng cho đề tài này. Đa số người dân Đức cho biết họ hài lòng với chính sách hiện nay của chính phủ trung hữu.

Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) với đương kim Thủ tướng Angela Merkel làm chủ tịch tranh cử khá thuận lợi. Khi bà Angela Merkel lên làm thủ tướng cách đây tám năm, Đức có hơn 5 triệu người thất nghiệp, hiện nay con số này chưa tới 3 triệu. Tỉ lệ thất nghiệp ở Đức hiện nay khá thấp (5,4%), kinh tế Đức phát triển vững mạnh so với các nước châu Âu khác, xuất khẩu tăng, nợ công thấp. Trong suốt chiến dịch tranh cử, bà Merkel cũng không hứa hẹn gì nhiều, mà chỉ cam kết vẫn sẽ tiếp tục những gì bà đang làm dở dang.

Tuy nhiên, phía sau bức tranh thành công cũng có những mảng tối. Đảng Dân chủ xã hội (SPD) ở vị trí đối lập, trong chiến dịch tranh cử, đã xoáy vào những mặt trái đó. Kinh tế phát triển, nhưng bất bình đẳng trong xã hội cũng ngày một lớn, người giàu ngày một giàu hơn. Thất nghiệp giảm, một phần là do nhiều người lao động buộc phải chấp nhận mức lương thỏa thuận tương đối thấp. SPD và ứng cử viên Peer Steinbruck hứa sẽ tái lập bình đẳng bằng cách tăng thuế với người giàu và quy định mức lương tối thiểu.

Luật pháp Đức không có quy định về mức lương tối thiểu. Lương bao nhiêu là do chủ - thợ thỏa thuận. Các đảng trung hữu và theo xu hướng tự do, Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Kinh tế Philipp Roesler (người Đức gốc Việt) ủng hộ giữ nguyên hiện trạng.

Theo quan điểm này, vì có những người lao động có trình độ rất thấp, nếu bắt buộc bên thuê phải trả công cao hơn khả năng của người lao động thì sẽ gây thiệt cho bên thuê. Về phía người lao động, có người muốn đi làm với mức lương thấp cũng không được, đành chịu cảnh không việc làm, nhận trợ cấp xã hội. Không quy định lương tối thiểu giúp nhà nước giảm chi trợ cấp xã hội, làm cho tỉ lệ thất nghiệp thấp, mà chi phí để thuê nhân công cũng không cao, do vậy thu hút được đầu tư, phát triển sản xuất và kinh tế tăng trưởng.

Mặt trái của tấm huy chương là có những người lao động phải chấp nhận lương rất thấp, hoặc phải làm nhiều việc cùng lúc mới đủ sống. Đây là chi tiết được các đảng theo trung tả và môi trường đưa ra chỉ trích. SPD cho rằng lương tối thiểu là công cụ để bảo đảm công bằng trong xã hội. Ứng cử viên Peer Steinbruck cam kết nếu giành được đủ số phiếu để tham gia chính phủ, sẽ tạo lập mức lương tối thiểu 8,5 euro cho mỗi giờ công lao động.

SPD trung tả được dự báo là sẽ về nhì trong cuộc bầu cử hôm nay, nhưng vẫn có khả năng tham gia chính phủ. Nếu chuyện đó xảy ra thì những dự định về chính sách thuế và lương tối thiểu sẽ ít nhiều trở thành hiện thực. Và ngay cả trong trường hợp đảng này không thể tham gia nắm quyền thì chắc chắn là chính phủ mới cũng không thể bỏ qua ý nguyện của một bộ phận cử tri Đức, thể hiện qua lá phiếu dành cho SPD.

Bầu cử Đức và kinh tế châu Âu

Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và chính quyền Berlin có tiếng nói quyết định trong các vấn đề về khối đồng euro. Từ Athens, Lisbon, Paris cho tới Rome, cả châu Âu đều muốn Berlin thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giảm tỉ lệ thất nghiệp.

Các nhà quan sát nhận định nếu lập liên minh với SPD, nhiều khả năng bà Merkel sẽ nới lỏng đôi chút chính sách tiết kiệm, mở đường cho các biện pháp kích thích kinh tế khối đồng euro. Trên trang Project Syndicate, phó chủ tịch Viện Brookings Keal Dervis dự báo bà Merkel sẽ ủng hộ chính sách tăng vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khối đồng euro.

Một số chuyên gia khác cho rằng việc bà Merkel phải liên kết với SPD sẽ là kết quả tốt nhất đối với nền kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, báo Wall Street Journal cho biết các quan chức Liên minh châu Âu (EU) dự báo bà Merkel sẽ tiếp tục áp dụng chiến lược “đi từng bước nhỏ” để thúc đẩy sự liên kết của khối đồng euro trừ khi cuộc khủng hoảng nợ trở nên trầm trọng hơn. Nghĩa là bà chỉ “điều chỉnh” chứ không “thay đổi” chính sách đối với khối đồng euro.

Tương lai của bộ máy công quyền EU cũng sẽ có sự thay đổi khi bà Merkel tái đắc cử. Báo Financial Times cho biết bà Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron đã công bố kế hoạch giảm số lượng cao ủy EU, giúp bộ máy chính quyền EU trở nên gọn nhẹ hơn. Điều đó cũng có nghĩa là giảm sự kiểm soát của Brussels và tăng quyền lực cho các nước thành viên EU.

LÊ HỒNG QUANG (từ Berlin)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên