Nhưng thực tế ở Syria có rất nhiều nhóm đối lập, mà hầu như chưa bao giờ thống nhất được thành một khối, thậm chí không một danh xưng nào được coi là đại diện cho tất cả.
Phóng to |
Trong một “xưởng” làm đạn của lực lượng vũ trang đối lập tại thành phố Aleppo, ngày 4-9 - Ảnh: Reuters |
Phóng to |
Một thành viên lực lượng vũ trang đối lập tại tỉnh Raqqa, phía đông Syria, khoe vũ khí với nhà báo hãng tin Reuters hôm 4-9 - Ảnh: Reuters |
Sự hình thành “đối lập”
Cho đến trước tháng 3-2011, có thể nói không có đối lập hoạt động bên trong Syria. Tất cả những cá nhân hay tổ chức bất đồng công khai với chính quyền đều hoặc đã vào tù, hoặc phải đi lưu vong. Đến ngày 15-3 năm ấy, chịu tác động của “Mùa xuân Ả Rập”, những cuộc biểu tình phản kháng tự phát đầu tiên mới bùng lên tại thành phố cực nam đất nước Dara, khi chưa một tổ chức đối lập nào kịp hình thành.
Sau đó vài tháng, những nhân vật đối lập lưu vong có tiếng mới vận động cho ra đời một số tổ chức đối lập khác nhau, ở Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp.
Có thể nói suốt trong năm 2011, xu hướng chủ đạo của đối lập Syria vẫn là kiên trì tính chất hòa bình. Giới tinh hoa trong những người đối lập đều lo ngại biến động hỗn loạn sẽ vượt tầm kiểm soát. Mặt khác, họ muốn tin Tổng thống Bashar al-Assad có khả năng thực hiện những cải cách đáp ứng đòi hỏi của nhân dân.
Nhưng việc chính quyền của Tổng thống al-Assad thực hiện ngay từ đầu “quốc sách” trấn áp quyết liệt để dập tắt mọi hành động phản kháng lớn nhỏ đã thúc đẩy nhiều người đối lập chuyển sang quan điểm phải có vũ trang “để bảo vệ người biểu tình”. Mặt khác, việc gây đổ máu tràn lan cũng khiến xuất hiện tâm lý bất mãn trong chính quyền và quân đội. Hiện tượng đào ngũ, ly khai bắt đầu phát sinh và phát triển. “Quân đội Tự do Syria” - mầm mống của đối lập vũ trang - xuất hiện trong hoàn cảnh ấy.
Từ cuối tháng 8-2011, phe đối lập Syria đã hình thành hai dạng thức: chính trị và quân sự, nhưng chính trị vẫn là chủ đạo. Trong thời gian từ cuối năm 2011 đến tháng 4-2012, Liên đoàn Ả Rập rồi Liên Hiệp Quốc lần lượt tung ra những nỗ lực để thực hiện chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Cả chính quyền al-Assad và phe đối lập đều chấp nhận kế hoạch này.
Nhưng trên thực địa, chính quyền Syria tận dụng thời gian để tiêu diệt đối lập mà họ luôn coi “chỉ là một vài nhóm nhỏ khủng bố”. Người Ả Rập bó tay, rồi đầu tháng 4-2012, kế hoạch hòa bình của LHQ cũng bất lực. Đến thời điểm ấy, lực lượng đối lập Syria, dù chia rẽ về tổ chức, dù là chính trị hay vũ trang, hầu như đều khẳng định “không còn cửa cho đối thoại” và chỉ có dùng vũ trang mới có thể lật đổ được chế độ al-Assad. Nội chiến bắt đầu bùng lên.
Các nhóm đối lập chính trị
Theo một tài liệu nghiên cứu của aawsat.com, đến thời điểm tháng 8-2012 có tới 12 tổ chức đối lập chính trị đã tuyên bố ra đời ở cả trong và ngoài lãnh thổ Syria. Nhưng phần lớn trong số này không hoạt động gì đáng kể. Chỉ có một vài nhóm nổi bật và vẫn hoạt động cho đến bây giờ.
Liên minh các lực lượng đối lập và cách mạng Syria: là tổ chức đối lập rộng rãi nhất, ra đời tại Doha (thủ đô Qatar) ngày 11-11-2012, với nòng cốt là Hội đồng Quốc gia Syria (SNC). SNC đã được phương Tây và Ả Rập coi là đại diện của phe đối lập Syria tại hội nghị “Những người bạn của Syria” lần thứ 3 họp ở Paris tháng 4-2012, nhưng không được sự tuân phục của nhiều nhóm đối lập khác, vì bị coi là “do tổ chức Anh em Hồi giáo khống chế”. Sự ra đời của Liên minh đối lập là kết quả của những áp lực mạnh mẽ từ phía Tổ chức Hợp tác vùng vịnh (GCC) với tác động chủ yếu là vương quốc Saudi Arabia và Qatar. Mỹ và Tây Âu cũng can dự vào sự hình thành của Liên minh đối lập ở mức nhằm hạn chế ảnh hưởng của các nhóm mà họ coi là “cực đoan”.
Chủ tịch đầu tiên của liên minh này là Muaz al-Khateeb, sinh năm 1960 - một nhà truyền giáo uyên thâm theo đường lối ôn hòa. Hiện nay, Liên minh đối lập do Ahmed Ase al-Jurba đứng đầu. Mỹ, phương Tây và Ả Rập coi liên minh này là đại diện thực sự duy nhất cho phe đối lập Syria. Liên minh này thậm chí đã tính đến việc thành lập chính phủ lâm thời.
Liên minh đối lập thực sự có vai trò và uy tín trong các hoạt động chính trị đối ngoại phục vụ cho phe đối lập nói chung, trong đó có tiếp nhận viện trợ và cứu trợ quốc tế. Tuy nhiên, tổ chức đối lập này vẫn bị nhiều nhóm trong nước coi là “lưu vong”, không hoàn toàn điều hành được các hoạt động đối lập trên thực địa trong nước.
Ủy hội Phối hợp Quốc gia Syria là tổ chức chính trị đối lập hoạt động chủ yếu trong nước. Tổ chức này ra đời từ cuối tháng 6-2011, bao gồm một số nhóm đối lập vốn vẫn được chính quyền Syria cho phép tồn tại. Đường lối của ủy hội này cho đến vài tháng gần đây vẫn là “đấu tranh nhằm chuyển hóa dân chủ”, kiên trì “phản kháng hòa bình”, bác bỏ can thiệp nước ngoài và không thẳng thắn kêu gọi lật đổ chế độ al-Assad.
Trong một thời gian dài, ủy hội này vẫn có đối thoại với chính quyền al-Assad, được Nga và Iran coi như “đối tác đại diện” cho phe đối lập ở Syria. Bởi thế, hầu hết các nhóm đối lập khác coi ủy hội này là “đối lập giả hiệu”.
Quân đội tự do Syria
Ngày 30-7-2011, tại một địa điểm ở Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới Syria, một nhóm sĩ quan Syria đào ngũ, do đại tá Riyad al-Asad đứng đầu đã lập ra nhóm vũ trang đối lập đầu tiên, tự xưng là “Quân đội tự do Syria” (SFA). Nhưng SFA thực chất chỉ là một danh xưng được hầu hết các đơn vị vũ trang đối lập sử dụng, mặc dù các đơn vị này không hề chịu sự điều hành của “đại bản doanh” tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ tháng 4-2012, khi nội chiến thực sự bùng lên, đã hình thành một số “bộ chỉ huy” khác nhau tại các khu vực chiến sự trong nước, nổi bật nhất là “Hội đồng tham mưu trưởng SFA” do tướng Saleem Idrees đứng đầu.
Đến tháng 7-2012, SFA đã lớn mạnh đến mức mở một số chiến dịch quy mô ngay tại trung tâm nhiều thành phố lớn, kể cả thủ đô Damascus. Lực lượng vũ trang đối lập làm chủ nhiều khu vực rộng lớn ở nông thôn và cả tại những đô thị lớn như thủ đô Damascus, thành phố Aleppo, Hams... Lực lượng đối lập đang kiểm soát ổn định một lãnh thổ rộng lớn suốt chiều dài phía bắc đất nước, trong đó có tỉnh lỵ Reqqa, thông sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều khu vực thành thị và nông thôn sâu trong nội địa cũng trong vùng chiến sự giằng co ác liệt kéo dài giữa quân đối lập với bên chính phủ.
Từ tháng 5-2012 đã thấy sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các nhóm thánh chiến theo hệ tư tưởng Hồi giáo nguyên gốc tương tự al-Qaeda. Các nhóm Hồi giáo cực đoan này hầu như ngoài tầm kiểm soát của tất cả các bên trong và ngoài Syria và trở thành một yếu tố rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi giải pháp cho cuộc nội chiến tương tàn đang diễn ra dai dẳng.
Quân số của các nhóm vũ trang đối lập được cho là lên đến cả trăm ngàn người. Trang bị ban đầu chỉ là vũ khí cá nhân cướp được từ phía quân chính phủ. Sau đó, được “các bên Ả Rập” cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau, có cả vũ khí hạng nặng như tên lửa chống tăng, đại liên phòng không.
Một số đơn vị vũ trang đối lập có xu hướng thế tục và ôn hòa còn nhận được sự trợ giúp hạn chế về thông tin tình báo chiến trường do phương Tây cung cấp. Nhờ được cung cấp thêm vũ khí “chất lượng”, từ tháng 7-2013 đến nay, lực lượng vũ trang đối lập đã chặn được thế thượng phong của quân đội chính phủ có lực lượng vũ trang Hezbullah trợ giúp đắc lực.
Với thực lực hiện nay, lực lượng vũ trang đối lập trong nước đã trở thành nhân tố có vai trò quyết định trên thực địa, không thể thiếu trong mọi giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.
______________
Tin tức liên quan:
Syria kêu gọi Quốc hội Mỹ phản đối tấn công quân sựMỹ có thể dùng máy bay B-52, B-2 ném bom SyriaTiếng kêu từ Syria: “Giúp tôi với! Tôi sắp chết rồi!”Tranh cãi quanh kế hoạch tấn công Syria của Mỹ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận