20/07/2013 05:31 GMT+7

Sam Rainsy trở lại Campuchia

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Chủ tịch Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) Sam Rainsy - lãnh đạo phe đối lập - đã trở về nước hôm qua sau khi được chính quyền nước này ân xá.

zutyKgUF.jpgPhóng to
Ông Sam Rainsy (giữa) trở lại Phnom Penh sáng 19-7 - Ảnh: Reuters

AFP nói đám đông ủng hộ ông Sam Rainsy đã ra sân bay đón nhân vật này trở về sau bốn năm sống lưu vong ở Pháp. Reuters dẫn thông tin từ CNRP cho biết có 30.000-40.000 người tham gia chào đón ông này.

Theo TTXVN, ông Sam Rainsy từng bị tòa án Campuchia kết án 12 năm tù giam hồi năm 2010 với các tội danh nhổ cột mốc biên giới với VN và ngụy tạo tài liệu. Ông Sam Rainsy đã rời khỏi Campuchia sống lưu vong vào cuối năm 2009 trước khi tòa kết án vắng mặt.

Ngày 12-7, Quốc vương Norodom Sihamoni đã quyết định ân xá cho ông Sam Rainsy theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen. Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Hun Sen đã gửi thư tới quốc vương đề nghị ân xá cho ông Sam Rainsy “trên tinh thần hòa giải, thống nhất dân tộc và để bảo đảm một cuộc bầu cử tự do và công bằng”. Phó thủ tướng Campuchia Nhik Bun Chhay, tổng thư ký Đảng FUNCINPEC, đã hoan nghênh quyết định trên của quốc vương và cho rằng lệnh ân xá thể hiện sự đoàn kết của người Campuchia.

Sang ngày 13-7, theo TTXVN, Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong khẳng định quyết định của Thủ tướng Hun Sen đề nghị quốc vương ân xá cho ông Sam Rainsy xuất phát từ chính sách hòa hợp dân tộc, hoàn toàn không do sức ép của bất cứ quốc gia nào.

Ông Hor Namhong nhấn mạnh việc ân xá cho ông Sam Rainsy tạo điều kiện cho ông này trở về nước trước ngày bầu cử vì mục tiêu hòa hợp dân tộc, bắt nguồn từ chiến lược “hai bên cùng thắng” mà Thủ tướng Hun Sen đề ra và áp dụng tại Campuchia từ những năm 1990.

Tuyên bố của ông Hor Namhong được đưa ra ngay sau cuộc gặp của ông với đại biện Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia Jeff Daigle để trao bản sao bức thư của Thủ tướng Hun Sen gửi Quốc vương N. Sihamoni đề nghị tha tội cho ông Sam Rainsy và sắc lệnh ân xá của quốc vương đối với ông Sam Rainsy.

Cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa 5 sẽ được tổ chức ngày 28-7 với tám đảng tranh cử, trong đó Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền và Đảng CNRP của ông Sam Rainsy được đánh giá có nhiều cơ hội chiến thắng hơn cả.

Theo TTXVN, tổng thư ký Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) Tep Nytha cho biết với việc được quốc vương ân xá, ông Sam Rainsy sẽ có quyền như mọi công dân khác tham gia hoạt động chính trị và chiến dịch tranh cử, song không thể đứng tên tranh cử vì mọi thủ tục đăng ký đã hoàn tất. Luật bầu cử của Campuchia quy định người có tiền án muốn ra tranh cử phải được ân xá trên bảy tháng trước ngày bầu cử. Năm 2006, ông Sam Rainsy từng thoát khỏi cảnh lưu vong để trở về tham gia chính trường Campuchia, sau khi được Thủ tướng Hun Sen đề nghị quốc vương ân xá.

Chiến dịch tranh cử ở Campuchia đã bắt đầu ngày 27-6 và sẽ hoàn tất ngày 26-7. NEC ước tính có khoảng 9,67 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu để bầu ra 123 ghế trong quốc hội. NEC cũng cho biết đã có 20.546 người đăng ký làm quan sát viên, trong đó có 41 quan sát viên quốc tế, giám sát cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Campuchia.

Mỹ dùng sức ép tài chính

Các nhà lập pháp Mỹ và hoạt động nhân quyền nước này đang thúc đẩy việc cắt giảm hơn 70 triệu USD viện trợ hằng năm dành cho Campuchia, trừ khi Thủ tướng Hun Sen cho phép bầu cử tự do và công bằng vào ngày 28-7, theo AFP.

“Chính sách của Mỹ đối với Campuchia cần phải thay đổi và chính quyền Tổng thống Barack Obama cần phải có biện pháp cứng rắn hơn” - ông Steve Chabot, chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh trước Quốc hội Mỹ.

Theo AFP, các nhà lập pháp Mỹ cũng yêu cầu chính phủ cắt giảm viện trợ trực tiếp cho Chính phủ Campuchia và dùng sức ảnh hưởng để kêu gọi các cơ quan quốc tế khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện điều tương tự.

Trong khi đó, theo AP, người phát ngôn Chính phủ Campuchia đã từ chối bình luận yêu cầu đó của các nghị sĩ Mỹ. Nhưng ông Chheang Vun - nghị sĩ thuộc Đảng cầm quyền CPP - cho biết ông không có ý kiến gì về những viện trợ từ phía Mỹ nhưng theo ông, “họ thật sự đã giúp đảng đối lập rất nhiều”.

Hơn 85% viện trợ của Mỹ tại Campuchia được dùng trong việc phát triển đất nước hoặc y tế, bao gồm chiến dịch chống AIDS, sốt rét và các căn bệnh khác. Tuy nhiên, theo AFP, tổng viện trợ của Mỹ chỉ là số tiền nhỏ so với hàng tỉ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các khu vực tại Campuchia từ phía Trung Quốc.

ANH THƯ

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên