18/07/2013 14:24 GMT+7

Mừng sinh nhật thứ 95: sức khỏe Nelson Mandela khá hơn

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Hôm nay 18-7, cả thế giới và đặc biệt là châu Phi chúc mừng sinh nhật lần thứ 95 của Nelson Mandela trong bối cảnh sức khỏe ông được thông tin là "khá hơn" dù vẫn nằm trong bệnh viện.

Theo đuổi lý tưởngHoa và những lời cầu nguyện tốt đẹp cho Nelson Mandela

PL4Jb1Bb.jpgPhóng to
Ngày sinh nhật 18-7 của Mandela cũng là ngày Mandela Day với nhiều hoạt động cộng đồng tại Nam Phi và thế giới. Ảnh tư liệu

Với một người có cuộc đời đầy thăng trầm và từng trải qua 27 năm tù đày ở Nam Phi như ông Nelson Mandela, việc ông sống thọ đến 95 tuổi quả là một kỳ tích.

Mặc dù vẫn còn nằm trong bệnh viện nhưng nhà lãnh đạo da đen này đón sinh nhật thứ 95 (ông sinh ngày 18-7-1918) với tin tốt lành là bệnh tình đang khả quan hơn.

Bà Zindzi, con gái ông Mandela, nói rằng sức khỏe cha bà có “tiến bộ đầy ấn tượng”. Bà nói với Đài truyền hình UK Sky TV: “Tôi nghĩ ông sẽ sớm được trở về nhà bất cứ lúc nào”.

Là một thành viên của Hoàng tộc Thembu, ông Mandela học luật và trong thời gian ở Johannesburg tham gia hoạt động chống thực dân. Khi làm luật sư, ông đã nhiều lần bị bắt vì các hoạt động nổi loạn chống chủ nghĩa apartheid. Năm 1962, ông bị bắt lần nữa, bị buộc tội phá hoại và âm mưu lật đổ chính quyền, lãnh án tù chung thân.

Cả một cuộc vận động quốc tế đã diễn ra để kêu gọi chính quyền Nam Phi trả tự do cho ông Mandela. Năm 1990, ông đã được thả giữa làn sóng xung đột chính trị đang leo thang ở Nam Phi. Khi trở thành chủ tịch Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC), ông đã lãnh đạo quá trình đàm phán với Tổng thống da trắng F.W. de Klerk để xóa bỏ chủ nghĩa apartheid.

Mặc dù chủ nghĩa apartheid chính thức bị thủ tiêu vào năm 1990 khi những đạo luật cuối cùng của chủ nghĩa này bị bãi bỏ, nhưng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chỉ thật sự cáo chung sau cuộc tổng tuyển cử đa chủng tộc ở Nam Phi năm 1994.

Ông Mandela đã trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi hồi năm 1994 và đảm nhận chức vụ này một nhiệm kỳ tới năm 1999. Ông là nguyên thủ Nam Phi đầu tiên được bầu trong một cuộc bầu cử đa sắc tộc và dân chủ. Ông là chủ tịch ANC từ 1991-1997 và tổng thư ký Phong trào Các nước không liên kết (NAM) từ 1998-1999.

Nếu như mục sư Martin Luther King, Jr. (1929-1968) là người có công thủ tiêu chế độ nô lệ của người da đen ở Hoa Kỳ, luật sư Mandela được người da đen châu Phi ghi ơn là người đã xóa sổ được chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mà biết bao thế hệ người da đen châu Phi phải hứng chịu ngay trên đất tổ của mình. Người Nam Phi kính trọng gọi ông là Tata (Cha) và ông thường được mô tả như một “người cha của dân tộc”.

Với thành tích chống thực dân và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, ông Mandela nhận được hơn 250 giải thưởng của thế giới, trong đó có giải Nobel hòa bình năm 1993, Huân chương Tự do của tổng thống Hoa Kỳ và Huân chương Lênin của Liên Xô.

Liên Hiệp Quốc tuyên bố ngày sinh nhật của huyền thoại châu Phi này là Ngày quốc tế Nelson Mandela hay đơn giản là Ngày Mandela (Mandela Day). Sau thành công của lễ mừng sinh nhật thứ 90 của ông Mandela tại công viên Hyde ở London (Anh) hồi tháng 6-2008, người ta quyết định lấy ngày sinh nhật của ông hằng năm làm một ngày quốc tế cổ vũ và truyền cảm hứng cho mọi người hành động để giúp thay đổi thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Tại Nam Phi, người dân cổ vũ nhau tham gia 67 phút hành động từ thiện hay phục vụ cộng đồng địa phương mình nhằm ghi dấu 67 năm hoạt động vì cộng đồng của Mandela trong ngày 18-7. Khẩu hiệu hành động là “Hãy hành động, hào hứng thay đổi, làm cho mỗi ngày đều là Ngày Mandela”. Các hoạt động tình nguyện gồm có sửa chữa trường học và trại trẻ mồ côi, làm sạch bệnh viện, phân phối lương thực cho người nghèo...

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên